“Quốc âm thi tập” trong dòng thi ca dân tộc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 27 - 30)

7. Đóng góp của luận văn

1.3.3. “Quốc âm thi tập” trong dòng thi ca dân tộc

Theo các tài liệu ghi chép để lại, Quốc âm thi tập không phải là tập thơ đầu tiên viết bằng chữ Nôm. Trước Nguyễn Trãi, vào thế kỷ XIII đã có Nguyễn Thuyên, Nguyên Sĩ Cố làm phú bằng thơ Nôm. Tuy nhiên những tác phẩm ấy vẫn còn “ngượng nghịu”, vụng về gượng ép, lúng túng trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh làm phương thức biểu đạt. Hơn nữa, những tác phẩm ấy hiện nay đều thất thoát. Văn học Nôm chỉ chính thức có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học từ thế kỉ XV, mà công đầu thuộc về tập Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Đây là tập thơ được xem là tập thơ còn lại đầu tiên của văn học Nôm Việt Nam, “tác phẩm mở đầu nền thơ cổ điển Việt Nam” [6], một dấu mốc vĩ đại trong lịch sử văn học Việt Nam. Và cho đến nay, đây vẫn là một tác phẩm tiêu biểu bậc nhất của thơ Nôm trữ tình thời trung đại, không chỉ bởi nó mang một nội dung phong phú hấp dẫn, sinh động, diễn tả sâu sắc đời sống tâm hồn của con người với những nỗi lòng đau đớn dằn vặt cô độc, thất vọng, mà còn bởi những sáng tạo to lớn về mặt thể thơ mang tinh thần

thi pháp Việt Nam. Nguyễn Trãi là người mở ra truyền thống sáng tác thơ Nôm, cũng là mở ra thời đại mới trong văn học, trong việc diễn tả đời sống cá nhân của con người bằng tiếng nói dân tộc mình, và bằng cả những cách tân nghệ thuật có tính dân tộc. Truyền thống đó được nối tiếp bởi hàng loạt các tác giả cùng thời và sau đó, như Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Giản Thanh…

Xem xét vai trò của Quốc âm thi tập, chúng tôi thấy đây là một tập thơ giữ vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Quốc âm thi tập bao gồm 254 bài, được viết ở nhiều thời điểm khác nhau trong lúc nhà thơ về trí ẩn ở Côn Sơn. Sự ra đời của tập thơ đã khẳng định dứt khoát sự tồn tại trong thực tế dòng văn học tiếng Việt. Từ đây dòng văn học chữ Nôm sẽ phát triển song song với dòng văn học chữ Hán, làm cho văn học dân tộc phát triển phong phú, toàn diện và mạnh mẽ hơn. Quốc âm thi tập được chia làm 4 mục lớn:

nhưng đã được chỉnh lí, chọn lọc theo ý đồ riêng của tác giả. Trong đó quan trọng nhất là phần Vô đề gồm 13 mục nhỏ: từ Ngôn chí, Mạn thuật, Trần tình … đến

Huấn nam tử. Nói mục này quan trọng nhất vì nó chứa đựng đầy đủ nhất tâm tư, tình cảm và tấm lòng sắt son của Nguyễn Trãi với đất nước với nhân dân.

Về nội dung, tiếp thu những thành tựu của nền văn học dân gian và các tác phẩm của nền văn học viết trước đó, Quốc âm thi tập thể hiện lòng yêu nước thương dân với lí tưởng nhân nghĩa cao đẹp của Nguyễn Trãi. Qua tập thơ, Nguyễn Trãi cũng muốn gửi gắm một triết lí về tình thương bao la- một chủ nghĩa nhân đạo rộng lớn đến con người và cảnh vật. Bên cạnh đó, tập thơ còn ca ngợi chí khí thanh cao, cuộc đời giản dị của một vị anh hùng dân tộc. Đồng thời qua Quốc âm thi tập, người đọc có thể nhận ra một tâm hồn phong phú, đa dạng và rất lãng mạn của Ức Trai, một con người mẫu mực với những triết lí giáo dục đạo đức sâu sắc. Chính nhờ Nguyễn Trãi mà những giá trị của truyền thống, những phong tục, tập quán, những lời giáo huấn chân tình mà sâu sắc của cha ông mới được truyền lại qua bao thế hệ.

Quốc âm thi tập được viết vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời nhiều chìm nổi của Nguyễn Trãi. Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, phần lớn các bài được viết vào giai đoạn cuối đời của nhà thơ. Đó là những ngày tháng Nguyễn Trãi rơi vào bi kịch của một người anh hùng đã có biết bao cống hiến, một bề tôi trung thành nay không được tin dùng, ông đành trở về cuộc sống của một nhàn quan, mang bi kịch của con người cô đơn, thiếu vắng tri âm... Bao xúc cảm đã trải qua, vinh quang và cay đắng, tự hào và tiếc nuối. Quốc âm thi tập, vì thế, thiên về bộc lộ những tâm sự của con người cá nhân Nguyễn Trãi. Bóng dáng cuộc đời, con người của thi sĩ in dấu trong nhiều bài thơ Nôm.

Về phương diện nghệ thuật, Quốc âm thi tập được đánh giá là đã tạo nên sự bứt phá của dòng thơ Nôm Việt Nam: “Đến Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập mới là một sự bứt lên thành một tiếng Việt văn chương với nhiều sáng tạo: vừa sử dụng nâng cao tiếng nói của nhân dân thường ngày vừa sử dụng trực tiếp chữ Hán, hoặc dịch ra tiếng Việt một cách mạnh dạn, đồng thời cũng tiếp nối hoặc sáng tạo một âm điệu mới cho thể thơ 8 câu 7 chữ là âm điệu câu thơ 6 chữ xen vào từng lúc” [58, tr.19].

Như vậy, khác với tập thơ chữ Hán Ức Trai thi tập, tập thơ Nôm Quốc âm thi tập

đại thành này nhờ sử dụng ngôn ngữ dân tộc, Nguyễn Trãi có thể bộc lộ được tâm tư tình cảm, các sắc thái trữ tình một cách sâu sắc hơn, linh động, uyển chuyển hơn. Vì lẽ đó mà lời thơ dung dị, gần gũi với nếp nghĩ, với lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người dân Việt. Song không dừng lại ở việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc, Nguyễn Trãi còn có sự trau chuốt, gọt giũa, cách tân theo những hướng tiến bộ cả mặt ngôn ngữ lẫn thể thơ. Nguyễn Trãi đồng thời cũng hạn chế đến mức tối đa việc vận dụng chữ Hán, thay vào đó là ông dịch ra tiếng Việt một cách dễ nhớ, dễ thuộc.

Nguyễn Trãi là một người có ý thức dân tộc sâu sắc, có tinh thần yêu nước nồng nàn. Ta thấy trong Quốc âm thi tập, tác giả đã sử dụng một nguồn thi liệu dân tộc phong phú, từ hệ thống đề tài đến thể thơ, hình ảnh thơ và hệ thống vần thơ, nhịp điệu thơ. Điều đặc biệt đem đến thành công cho tập thơ là tuy sử dụng chất liệu dân gian nhưng không thụ động, Nguyễn Trãi đã vận dụng một cách sáng tạo. Chính vì vậy, Quốc âm thi tập được xem là nhịp cầu, làm cho thơ ca dân gian và thơ ca bác học xích lại gần nhau, giúp cho thơ ca tiếng Việt khắc phục được khuynh hướng ngoại lai và phát triển mạnh mẽ, gần gũi với quần chúng lao động. Như vậy, viết thơ Nôm, với Nguyễn Trãi, không chỉ là một phương thức để giãi bày tâm sự cá nhân.

Tóm lại, ở một giai đoạn mà nền văn học chữ Hán đang thịnh hành, sự xuất hiện và để lại dấu ấn quan trọng như Quốc âm thi tập là một thành công to lớn của Nguyễn Trãi nói riêng, của nền văn học Việt Nam nói chung. Quốc âm thi tập đã đánh một mốc son chói lọi vào hành trình thơ ca dân tộc. Nỗ lực xây dựng một nền văn hoá, văn học được bộc lộ rõ nét ở vai trò là nhịp cầu nối hai nền thơ ca bác học và thơ ca dân gian. Đặc biệt, với việc sử dụng một cách linh hoạt và sáng tạo những nét nghệ thuật biểu hiện của thơ ca dân tộc, Nguyễn Trãi đã đem đến cho tập thơ của mình một phong vị dân tộc đậm đà, một nét thuần Việt độc đáo.

Đánh giá về đóng góp của Nguyễn Trãi, vẻ đẹp của Quốc âm thi tập, Xuân Diệu cho rằng: “Nguyễn Du của chúng ta không để lại một bài thơ chữ Nôm nào. Cao Bá Quát tuyệt đại bộ phận sự nghiệp thơ, viết bằng chữ Hán. Thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm… ta nói đến cái mức độ hay, đồng thời cũng là nói sự hạn chế

của mức độ ấy. Nguyễn Khuyến là một nhà thơ Nôm xuất sắc, có tài hoa trong ngôn ngữ, nhưng chưa được gọi là tài tình. Tú Xương ở trong thơ Nôm là cỡ một nhà thơ lớn, lớn vì sự sâu sắc của xúc cảm, sâu sắc đến mức đau đớn của gan ruột, vang động vào thời gian, tuy nhiên tầm vóc nhìn chung của thơ Tú Xương chưa cao chưa rộng bằng thơ Nôm của Nguyễn Trãi; theo tôi nghĩ, đứng trong phạm vi thể loại “thi” tiếng Nôm, thì có bản lĩnh nhất, là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Trãi. Trong 254 bài Quốc âm thi tập, số bài toàn bích cả 8 câu không nhiều, nhưng những câu, những đoạn đã hay của Nguyễn Trãi, thì treo giải nhất chi nhường cho ai” [6, tr.594- 595].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)