7. Đóng góp của luận văn
3.2.2. Vai trò của câu lục ngôn trong việc thể hiện phức điệu cảm xúc
Cho đến thời điểm này, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác Nguyễn Trãi là người “tiếp nối” hay “sáng tạo” ra thể thơ sáu chữ này. Chỉ biết rằng từ khi Nguyễn Trãi sử dụng thể câu sáu chữ xen với câu bảy chữ thì đã tạo nên sự “bứt phá” trong dòng thơ Nôm Việt Nam. Sau Nguyễn Trãi, các tác giả như Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đã sử dụng thể thơ này để diễn tả tư tưởng, ý niệm nghệ thuật của mình, tạo nên phong cách thời đại của thơ Nôm Đường luật.
Qua khảo sát toàn bộ 254 bài thơ trong Quốc âm thi tập, chúng tôi thấy có tới 186 bài thơ được sáng tác theo hình thức thất ngôn xen lục ngôn, trong đó, thể tứ tuyệt có 25 bài. Khảo sát 1844 câu thơ, có tới 416 câu lục ngôn, Trong đó, thơ bát cú chiếm 382/1660 câu, thơ tứ tuyệt là 34/184 câu. Nhìn chung, câu lục ngôn trong các bài thơ cũng không cố định về số lượng và vị trí. Có bài có một câu, nhưng có bài có đến 7 câu lục ngôn (các bài 64, 67, 110). Vị trí của câu lục ngôn cũng rất linh hoạt trong các bài từ câu 1 đến câu 8 (với bài bát cú), từ câu 1 đến câu 4 (với bài tứ tuyệt) (Xin xem phụ lục số 3).
Đặc biệt, khi câu lục ngôn ở vị trí câu tám, thường thể hiện sự dồn nén cảm xúc, hoặc biểu hiện sự chuyển hướng trong cảm xúc, cho thấy những phức điệu xúc cảm đa dạng nhưng thống nhất trong con người thi nhân. Bài 170 là một ví dụ:
Rồi hóng mát thuở ngày trường, Hòe lục đùn đùn tán rợp giương. Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ, Hồng liên trì đã tiễn mùi hương. Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Tâm hồn nhà thơ thật thảnh thơi, thư thái trong bức tranh cảnh ngày hè chốn thôn quê. Tưởng như vô lo vô nghĩ, vậy mà hai câu cuối, đặc biệt là câu lục ngôn kết thúc bài thơ bỗng làm bài thơ trùng xuống cùng với điệu tâm hồn của Ức Trai: không nguôi ngoai niềm ưu tư với cuộc đời. Thân nhàn mà tâm đâu có nhàn, trong trái tim nhà thơ luôn thường trực hình ảnh của dân và mong muốn những điều tốt lành nhất đến với dân,với nước:
Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng, Dân giàu đủ khắp đòi phương
Bài 51 cũng có hình thức kết thúc bằng câu lục ngôn:
Cảnh cũ non quê nhặt chốc mòng, Chiêm bao ngờ đã đến trong. Chè tiên nước kín bầu in nguyệt, Mai rúng hoa đeo bóng cách song. Gió nhặt đưa qua trúc ổ,
Mây tuôn phủ rợp thư phòng.
Trong nỗi nhớ quê của tác giả, cảnh sắc hiện ra thật đẹp, ở đó, thiên nhiên và con người tưởng chừng không có khoảng cách. Đọc sáu câu thơ trên, tưởng như nhà thơ đang đắm chìm trong thú thanh nhàn vậy, tâm hồn thật thư thái. Nhưng đến hai câu cuối:
Thức nằm nghĩ ngợi còn mường tượng, Lá chưa ai quét cửa thông.
Câu tám bỗng gây chú ý bởi câu lục ngôn, lại thêm cách ngắt nhịp 1/5 (hoặc 1/3/2), độc giả đang say sưa thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên, như một phản xạ tự nhiên khi đọc đến câu cuối: dừng lại để cảm thông, trân trọng nỗi lòng thi nhân- mong muốn được sống nhàn nhưng cứ đau đáu nỗi niềm với đất nước.
Việc sử dụng thể thơ sáu chữ xen bảy chữ với tần số cao cùng với số câu và vị trí câu sáu chữ không ổn định thể hiện sự thử nghiệm, tìm tòi của Nguyễn Trãi trong
việc sáng tác thơ Nôm của mình. Rõ ràng, Nguyễn Trãi đã có ý thức khi vận dụng thể thơ này với mong muốn tìm ra một thể thơ mới cho dân tộc, giải tỏa những gò bó của thể thơ ngoại lai Trung Quốc.
Xét về tác dụng nghệ thuật, câu thơ 6 tiếng trong bài thơ thất ngôn xen lục ngôn khiến lối thơ trở nên cô đọng, giản dị, ý thơ mạnh mẽ, sắc sảo, phá vỡ kết cấu vốn hoàn chỉnh, vuông vắn cân đối của bài thơ Đường luật, đúng như nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai nhận xét: “Đây là một điểm đáng chú ý. Trong kĩ thuật viết thơ của Nguyễn Trãi rõ ràng có một sự cố gắng để xây dựng một lối thơ Việt Nam, trong đó câu sáu tiếng dùng xen với những câu bảy tiếng, khác hẳn với quy cách niêm luật thơ Đường”[36, tr. 929]. Kết hợp câu dài, ngắn, bài thơ có sự co duỗi, kết hợp với cách ngắt nhịp phong phú của câu thơ 6 chữ, tạo điều kiện cho nhà thơ thể hiện những xúc cảm phong phú trong con người mình một cách phóng khoáng, bài thơ vì thế có khả năng diễn đạt được những cung bậc tình cảm đặc biệt tinh tế, sâu sắc, thậm chí là đối lập trong con người thi nhân.