Khái niệm “phức điệu xúc cảm”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 30 - 33)

7. Đóng góp của luận văn

1.4. Khái niệm “phức điệu xúc cảm”

Khái niệm “phức điệu” được bắt nguồn từ lĩnh vực âm nhạc. “Phức điệu” là sự kết hợp nhiều bè trong một tác phẩm âm nhạc [59, tr.765]. Trong lí luận văn học, khái niệm “phức điệu” xuất hiện trong nghiên cứu của Mikhail Mikhailovich Bakhtin (1895-1975) - nhà nghiên cứu văn học và mĩ học nổi tiếng người Nga - về tiểu thuyết của Dostoievski. Theo Bakhtin, chất “phức điệu” (polyphonie), “nguyên tắc phức điệu” (polyphonisme) lần đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết của Dostoievski - thể hiện trong châm ngôn sáng tác của nhà văn là “tìm ra con người trong con người”, “phát hiện mọi chiều sâu tâm hồn của nó” (dẫn theo Trần Đình Sử) [36]. Tác giả của Những người nghèo, Người vợ dịu dàng... rất coi trọng thế giới nội tâm, đề cao sự tự ý thức của nhân vật. Nhân vật của ông không bao giờ chấp nhận sự phát xét giản đơn về tâm hồn từ người khác. Chính Dostoievski đã để cho một nhân vật của mình phát biểu quan điểm: “Nghe đây! Tôi không thích các loại thám tử và các nhà tâm lí lúc nào cũng chực xọc mũi vào tâm hồn tôi” (dẫn theo Trần Đình Sử) [36]. Trong cuốn sách Những vấn đề thi pháp Dostoievski do Bakhtin viết năm 1929, khái niệm “tiểu thuyết đa thanh” phức điệu mà ông đưa ra đã được thừa nhận rộng rãi. Như vậy, theo Bakhtin, phức điệu là chất đa thanh, chất đối thoại trong tác phẩm văn học.

Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi muốn tìm hiểu về tính “đối thoại” của nhiều con người trong một con người Ức Trai; về tính phong phú, đa chiều của những cảm xúc, tâm trạng trong con người Nguyễn Trãi. “Phức điệu xúc cảm” là những

tâm trạng, tình cảm đan xen, được thể hiện hết sức đa dạng, phong phú ở nhiều phương diện, khía cạnh, có khi là trái chiều nhưng thống nhất trong một con người. Đã là con người, ai cũng có những cảm xúc. Thế nên trong triết lí của đạo Phật có chỉ ra bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta ai cũng có là : mừng, giận, yêu thương, ghét, buồn, vui, muốn (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục). Một nhà văn, nhà thơ lớn thường có sự đa thanh về xúc cảm, thậm chí có sự trạng thái cảm xúc đối lập. Nhất là khi con người ấy lại là một tài năng, nhân cách lớn, sinh ra trong một thời đại có nhiều biến động, cuộc đời có biết bao sóng gió, thăng trầm như Nguyễn Trãi.

Tiểu kết chương 1

Với những đóng góp to lớn của mình, Nguyễn Trãi đã để lại cho những thế hệ sau bao bài học quý giá về tinh thần yêu nước, thương dân, dũng cảm chiến đấu cho đại nghĩa, khát vọng cống hiến...

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi xứng đáng với cuộc đời rất đẹp của ông. Thơ văn Nguyễn Trãi đúc kết được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là truyền thống đã được khẳng định trong công cuộc đại “phục hưng” dân tộc từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV. Có thể nói thơ văn của ông là tấm kính hội tụ những ánh hào quang của quá khứ đồng thời đem đến ánh sáng rực rỡ cho giai đoạn phát triển mới của văn học dân tộc.

Về nội dung, văn chương Nguyễn Trãi hội tụ hai nguồn cảm hứng lớn của văn học dân tộc là yêu nước và nhân đạo. Về hình thức nghệ thuật, văn chương Nguyễn Trãi có đóng góp lớn ở cả hai bình diện cơ bản nhất là thể loại và ngôn ngữ. Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học tiếng Việt, góp phần làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn học giàu và đẹp.

Quốc âm thi tập không chỉ có giá trị trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi, mà còn có vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử thi ca dân tộc. Sáng tác thơ Nôm, Nguyễn Trãi không chỉ để giãi bày tâm sự cá nhân, mà ông còn viết thơ như một hành động chính trị. Với tư tưởng của một nhà văn hóa lớn, với trái tim của một người yêu nước thương dân sâu sắc, trong bối cảnh nhà Lê bắt đầu xây dựng đất nước, tác giả của Quốc âm thi tập có mong muốn xây dựng một nền văn

học độc lập, ngôn ngữ văn hóa thống nhất - một trong những điều kiện cần thiết đối với sự phát triển của một quốc gia độc lập.

Đi sâu tìm hiểu thơ Nôm Nguyễn Trãi, chúng ta sẽ thấy rõ hơn giá trị của

Quốc âm thi tập, đặc biệt là vẻ đẹp con người thi nhân với những xúc cảm đa dạng, phong phú.

Chương 2

NGUYỄN TRÃI - “HỒN THƠ ĐA DẠNG” MÀ THỐNG NHẤT

Sinh ra trong một thời đại nhiều biến động, cuộc đời lại chịu nhiều biến cố với biết bao thăng trầm, bản thân là con người “đại nhân”, “đại nghĩa”, giàu cảm xúc, Nguyễn Trãi đã gửi gắm qua thơ những xúc cảm, tâm sự đa dạng, có khi là trái chiều. Phần lớn những bài thơ trong Quốc âm thi tập được Nguyễn Trãi sáng tác vào những năm cuối đời. Lúc mà nhà thơ thấm thía hơn bất cứ lúc nào khác bi kịch của một người anh hùng không được tin dùng, của một người luôn có khao khát được cống hiến lại rơi vào nỗi cô đơn. Quốc âm thi tập vì thế là một tập thơ có tính nhật kí, bộc lộ hết sức tự nhiên, chân thành, hiện thực những cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, thái độ của nhà thơ đối với cuộc sống, con người và với chính bản thân mình. Tập thơ, vì thế, giúp người đọc hiểu một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất về Nguyễn Trãi - một tâm hồn trong sáng và đầy sức sống nhưng không phải lúc nào cũng bình yên. Trong thơ ông có một “niềm thao thức lớn”[1] luôn thường trực khiến cho “tóc hai phần bạc bởi thương thu” (Bài 43). Với nhu cầu tự bạch và mong muốn được sẻ chia của Nguyễn Trãi, mỗi bài thơ được xem như một lời đối thoại, đối thoại với một nhân vật vô hình nào đó, hoặc đối thoại giữa những con người khác nhau trong chính bản thân thi nhân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)