Phát huy hiệu quả của những từ chỉ trạng thái cảm xúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 91 - 97)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.3. Phát huy hiệu quả của những từ chỉ trạng thái cảm xúc

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Tiếng Việt vốn rất phong phú. Dưới bàn tay của những nghệ sĩ tài năng, sự tinh tế, sâu sắc, biểu cảm của ngôn ngữ dân tộc trong việc biểu đạt cảm xúc sẽ được phát huy.

Yếu tố thời đại, cuộc đời và con người đã giúp chúng ta hiểu, hơn ai hết, Nguyễn Trãi mang rất nhiều cảm xúc, tâm sự. Những năm tháng được cống hiến, ông hào hứng “túi thơ chứa hết mọi giang san” (bài 72), những tháng ngày cô đơn, ông cũng chỉ có thơ là bầu bạn. Vì thế, mỗi bài thơ, từng câu thơ của ông là biết bao tâm trạng. Những từ chỉ trạng thái cảm xúc trong Quốc âm thi tập, vì thế, xuất hiện với số lượng, mật độ tương đối lớn.

Những trạng thái cảm xúc của Nguyễn Trãi vừa được bộc lộ trực tiếp, vừa theo cách gián tiếp.

Những cung bậc, khía cạnh trong cảm xúc của thi nhân được thể hiện trực tiếp qua các từ: tiếc, thương, vấn vít (xúc động), ngại/ lệ (e ngại), chờ, ngắm, say, cảm, mừng, nhớ…

- Hai chữ mơ màng việc quốc gia (Bài 8) - Ta được thanh nhàn tá xá yêu (Bài 24) - Rừng tiếc chim về ngại phát cây (Bài 28)

- Lòng một tấc đan còn nhớ chúa,

Tóc hai phần bạc bởi thương thu. (Bài 43)

Qua khảo sát tập thơ, chúng tôi thống kê được 214 từ chỉ trạng thái cảm xúc một cách trực tiếp của Nguyễn Trãi, có từ tần số xuất hiện là 30 (Xin xem phụ lục số 2). Có thể thấy, cảm xúc của thi nhân là dạt dào, phong phú, đa dạng vô cùng. Và, cách thể hiện những cảm xúc ấy cũng không hề đơn điệu- không chỉ qua những từ chỉ trạng thái cảm xúc trực tiếp mà nhà thơ còn có những cách bộc lộ gián tiếp.

Nỗi nhớ, niềm đau đáu trong tâm can về “ơn chúa”, về giang san có khi lại được thể hiện qua cách nói:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông (Bài 50)

Bui có một niềm chăng nỡ trại Đạo làm con lẫn đạo làm tôi (Bài 2) Là nỗi nhớ về triều đình, là khao khát được cống hiến:

Lẩn thẩn làm chi áng mận đào

(Bài 35)

Là niềm vui, sự hứng khởi, tâm hồn thấy rộng mở khi được say đắm cùng thiên nhiên:

Trong khi hứng động vừa đêm tuyết Ngâm được câu thần dắng dắng ca

Là sự thư thái, vô ưu:

Cảnh tựa chùa chiền lòng tựa thầy Năng một ông này đẹp thú này

(Bài 11) Là sự bất mãn trước thói đời đen bạc:

Sự thế dữ lành ai hỏi đến Bảo rằng ông đã điếc hai tai (Bài 6)

Nếu trong cách sử dụng từ chỉ trạng thái cảm xúc một cách trực tiếp, Nguyễn Trãi sử dụng chủ yếu là tính từ, thì trong cách thể hiện gián tiếp, nhà thơ vận dụng đa dạng về từ loại:

Có khi, ông sử dụng động từ (cụm động từ) để biểu lộ tâm trạng, cảm xúc: Tâm trạng thảnh thơi, nhàn nhã, vô lo vô nghĩ:

Ngủ tênh hênh nằm cửa trúc, Say lểu thểu đứng đường thông. (Bài 61) Là nỗi nhớ, tấm lòng hướng đến nhà vua, đất nước:

Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung (Bài 68)

Có khi, nhà thơ lại dùng danh từ để thể hiện tâm trạng nhàn nhã, thư thái, thanh thản:

- Già được trọn là tiên (Bài 53)

- Người mà hết lụy ấy thần tiên (Bài 74)

Bên cạnh đó, thi nhân còn phát huy tác dụng của từ, câu cảm thán trong việc bộc lộ cảm xúc:

Trong cách sử dụng những từ chỉ trạng thái cảm xúc của Nguyễn Trãi, chúng tôi nhận thấy một số điểm đặc biệt sau:

Nguyễn Trãi dùng có thể một từ, có thể kết hợp nhiều từ trong bài, hoặc không chỉ sử dụng nguyên từ đó mà còn kết hợp cả những phụ từ/ thực từ khác để thể hiện không chỉ cảm xúc mà còn là cường độ cảm xúc của mình:

Hầu nên khôn lại tiếc bâng khuâng, Thu đến đêm qua cảm và mừng.

(Bài 199)

Nỗi lòng của thi nhân ở hai câu thơ trên là phức điệu của những xúc cảm: tiếc nuối, cảm động, vui mừng. Tác giả đã sử dụng từ láy “bâng khuâng” để cụ thể hóa, sâu sắc hơn tâm trạng “tiếc” nuối của mình.

Bui một quân thân ơn cực nặng, Tơ hào chưa báo hãy còn âu.

(Bài 30)

Trong hai dòng thơ, xuất hiện hai trạng thái cảm xúc của tác giả: vừa biết ơn vua, cha, lại vừa lo lắng chưa thể báo đáp được chu đáo. Cái “ơn” của vua, của cha, với Nguyễn Trãi, là “cực nặng”, thế mới biết tấm lòng, tình cảm của ông dành cho nhà vua, cho nước, cho dân, cho cha mẹ sâu sắc đến nhường nào!

Bài số 39 là một bài thơ tiêu biểu:

Vầu làm chèo trúc làm nhà, Được thú vui ngày tháng qua.

Cơm kẻ bất nhân ăn ấy chớ, Áo người vô nghĩa mặc chăng thà. Khỏi triều quan mới hay ơn chúa, Sinh được con thì cảm đức cha. Mừng thuở thái bình yêu hết tấc,

Có 6 từ xuất hiện trong bài thơ thể hiện những trạng thái cảm xúc của nhà thơ: vui vẻ, biết ơn, cảm động, mừng, yêu, thảnh thơi, không bị ràng buộc. Đặc biệt, trong câu 7 không chỉ có nhiều hơn một từ chỉ trạng thái cảm xúc mà cụm từ “yêu hết tấc” có sự xuất hiện của tính từ “hết tấc” đã thể hiện cảm xúc “yêu” của thi nhân thật sâu sắc, mãnh liệt. Đã yêu, yêu đến tận độ, đã say, say đến tận cùng:

- Say hết tấc lòng hồng hộc (Bài 70) - Tôi ngươi hết tấc lòng trung hiếu (Bài 100) Đã khao khát là khát khao đến cháy bỏng:

- Cầu một ngồi coi đời thái bình (Bài 80)

- Nguyện xin một thấy thuở thanh bình (Bài 107) Đã theo đuổi lí tưởng phải kiên trì, thậm chí là “bướng bỉnh”:

- Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ (Bài 14) - Một sự quân thân chẳng khứng nguôi (Bài 106)

- Lâm tuyền chưa khứng dứt chiêm bao (Bài 122)

- Cốt lạnh hồn thanh chăng khứng hóa (Bài 54)

Thế mới hay vốn từ vựng của thi nhân là dồi dào đến nhường nào! Trong bất cứ tình huống nào, nhà thơ cũng tìm được từ “đắt” để gọi đúng tên nét tâm trạng của mình. Thậm chí, chỉ một trạng thái cảm xúc thôi, thi sĩ cũng có nhiều cách diễn đạt khác nhau.

Cùng là tâm trạng “đắn đo”, Nguyễn Trãi có những cách viết:

-Cao thấp nài nhau tựa đắn đo (Bài 152)

- Chớ dễ bằng ai đắn mới đo (Bài 20)

- Cây kia toan đắn lại toan đo (Bài 176) Tâm lí “e ngại” được diễn tả bằng nhiều từ:

- Thơ đới tục hiềm câu đới tục (Bài 5) - Chông gai nệ đường danh lợi (Bài 80) Có khi, nhà thơ lại kết hợp từ Hán- Việt và từ thuần Việt:

- Khó miễn vui chăng thửa trách (Bài 58) - Hỉ nộ cương nhu tuy đã có (Bài 25) Kết hợp hai cách trực tiếp và gián tiếp:

- Quân thân chưa báo lòng canh cánh (Bài 8) và:

Nợ quân thân chưa báo được (Bài 12)

- Miễn là tiêu sái qua ngày tháng (Bài 24) và:

Có lòng bằng trúc mỗ nên hư (Bài 34)

Những trạng thái cảm xúc đối lập cũng được thể hiện theo nhiều cách. Có thể là kết hợp hai cách trực tiếp và gián tiếp:

Nếu có ăn thì có lo,

Chăng bằng cài cửa ngáy pho pho.

(Bài 20)

Có thể, xuất phát từ một từ, nhà thơ dùng ở hai dạng khẳng định và phủ định: - Lo thay vì lụy phải thờ ơ (Bài 108)

Lành dữ âu chi thế nghị khen (Bài 69)

- Phải lụy vì danh đã hổ thay (Bài 75)

Người mà hết lụy ấy thần tiên (Bài 74)

- Chữ học ngày xưa quên hết dạng,

Những bài thơ trong Quốc âm thi tập chủ yếu được sáng tác vào những năm cuối đời của Nguyễn Trãi, khi mà “Tóc hai phần bạc bởi thương thu” (Bài 43). Khi một người anh hùng vĩ đại, một nhà văn hóa, tư tưởng lớn của dân tộc đã trải qua bao biến động của thời cuộc, bao bi kịch của một bề tôi trung, những suy ngẫm về thế sự, những cảm xúc trong nhà thơ càng trở nên phong phú, sâu sắc và phức tạp hơn. Và khi đó, chính là thơ Nôm, ngôn ngữ của dân tộc - tiếng mẹ đẻ sẽ giải tỏa được những ẩn ức, thể hiện được những trạng huống tình cảm phúc tạp đó trong con người Nguyễn Trãi. Xuất hiện với mật độ dày những từ chỉ trạng thái cảm xúc trong

Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã đem lại cho chúng ta niềm tự hào rằng chữ Nôm có thể trở thành phương tiện để sáng tác (trong chặng đường khởi phát và chưa được coi trọng của thơ Nôm), để thể hiện được những trạng huống cảm xúc vô cùng phong phú và vi diệu trong tâm hồn con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 91 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)