Tiếp thu, sáng tạo từ ngôn ngữ dân gian

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 86 - 91)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.2. Tiếp thu, sáng tạo từ ngôn ngữ dân gian

Quốc âm thi tập chứa đựng một số lượng từ vựng rất phong phú và đa dạng, trong đó hệ thống từ thuần Việt chiếm ưu thế hơn so với từ Hán Việt. Với số lượng từ phong phú, có giá trị nghệ thuật, tác giả Quốc âm thi tập không chỉ thành công trong việc diễn tả những trạng huống tình cảm của bản thân, mà còn góp phần thúc đẩy ngôn ngữ văn học tiếng Việt phát triển.

Trước hết là lớp từ vựng khẩu ngữ. Bằng tài năng và cái tâm của một con người suốt đời vì dân, vì nước, gắn bó mật thiết với nhân dân, Nguyễn Trãi đã vận dụng linh hoạt khẩu ngữ, tạo nên những sáng tạo độc đáo. Vì thế, lời thơ trở nên dung dị, uyển chuyển, trong sáng, gần gũi với nếp cảm, nếp nghĩ của người dân, góp phần biểu hiện sâu sắc tâm hồn Ức Trai- tâm hồn dân tộc rộng lớn.

Có thể nói, trước Nguyễn Trãi, chưa có một nhà thơ nào sử dụng nhiều khẩu ngữ vào trong sáng tác nhiều như ông. Ông đã tận dụng khả năng của khẩu ngữ ấy để diễn tả cảm xúc, tâm trạng của mình.

Dầu Bụt, dầu tiên ai kẻ hỏi, Ông này đã có thú ông này.

(Bài 28)

Nếu như ngôn ngữ bác học giúp ta hình dung một nhà nho đạo mạo, triết lí thì những khẩu ngữ (ông) như thế này lại khiến hình ảnh Nguyễn Trãi thật cá tính, thách thức.

Bên cạnh việc sử dụng lớp từ vựng khẩu ngữ, Nguyễn Trãi còn sử dụng một số lượng lớn thành ngữ, tục ngữ và ca dao. Các yếu tố thành ngữ, tục ngữ và ca dao ấy khi được thể hiện nguyên dạng, khi được ông cải biến và sử dụng một cách biến hoá dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, khả năng biểu hiện của thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong Quốc âm thi tập dường như vốn phong phú lại càng trở nên giàu có hơn, đa dạng hơn, góp phần bộc lộ tâm trạng của chủ thể trữ tình.

Ở chớ nệ hay học cổ nhân,

Chim kêu cá lội yên đòi phận,

Câu quạnh cày nhàn dưỡng mỗ thân. (Bài 29)

Từ câu thành ngữ “chim kêu cá lội” nói về hiện tượng tự nhiên, Nguyễn Trãi đã trích nguyên vẹn để đưa vào nửa vế câu đầu trong phần thực. Qua đó, ông muốn gửi gắm những suy nghĩ, những mong muốn thoát khỏi áng phong trần của cuộc đời bình dị như quy luật của tạo hoá vậy.

Giọng điệu triết lí trong thơ Nguyễn Trãi được tạo nên bởi chính những thành ngữ đó.

Thực tế cho thấy, thành ngữ là một đơn vị có sẵn, có kết cấu bền vững, tưởng như sẽ gây khó khăn cho người sáng tác, thế nhưng khi vào ngôn ngữ Quốc âm thi tập, ta lại thấy hoàn toàn khác. Không những không gây trở ngại gì cho Nguyễn Trãi trong việc thể hịên nội dung tư tưởng và tình cảm của mình, trái lại, thành ngữ góp phần rất lớn vào việc thể hiện chủ đề của tác phẩm cũng như tài năng của Nguyễn Trãi, tạo nên những câu thơ hoàn chỉnh mà không bị cứng nhắc, gượng ép về vần điệu.

Tả cảnh thiên nhiên thi vị, trữ tình, Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ “nước biếc non xanh” (non xanh nước biếc):

Nước biếc non xanh thuyền gối bãi

Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu

(Bài 153)

Câu thơ phảng phất hương vị Đường thi. Non nước Việt Nam thơ mộng là thế, dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi lại càng thơ mộng đẹp đẽ hơn, tâm hồn thi nhân dạt dào cảm hứng. Và dù phảng phất phong vị Đường thi nhưng nó cũng không lấn át đi bản sắc dân tộc đậm đà. Làm nên được sự kì diệu ấy, chính là nhờ vào việc sử dụng thành ngữ tài tình của Nguyễn Trãi.

Chúng ta đều biết thành ngữ, tục ngữ, ca dao thường chứa đựng những ý nghĩa, những triết lí nhân sinh sâu sắc, đặc biệt là những lời răn dạy về đạo làm

người. Tất cả những điều đó được Nguyễn Trãi tiếp thu, chiêm nghiệm và đưa vào tập thơ. Nhìn vào thực tế cuộc sống và những lúc thăng trầm biến đổi của chính bản thân mình, Nguyễn Trãi đau đớn nhận ra bản chất của con người. Sự đối lập giữa giàu và nghèo, giữa hữu danh và vô danh đã làm thay đổi những mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống đúng như nội dung những câu tục ngữ đã phản ánh. Nguyễn Trãi trên cơ sở đó, ông lấy ý và thay đổi hình thức ngôn ngữ bằng cách chuyển từ dạng lục bát ở những câu thơ trên thành những câu thơ thất ngôn trong một số bài thơ:

Của nhiều sơn dã đem nhau đến, Khó ở kinh thành thiếu kẻ han.

(Bài 133)

Chỉ qua một số câu thơ sử dụng đắc địa tục ngữ, ca dao, Nguyễn Trãi đã nói lên được bản chất của con người trong xã hội lúc bấy giờ. Qua đó, nhà thơ thể hiện thái độ phê phán, lên án lối sống thực dụng chỉ biết chạy theo phú quý mà quên đi cả nghĩa tình.

Người đời lắm kẻ ưa công danh, phú quý, ưa nịnh nọt, những mong có địa vị cao trong xã hội nhưng Nguyễn Trãi lại khác, lấy ý từ những câu thành ngữ “công danh phú quý”, Nguyễn Trãi đã tách ra làm hai vế đưa vào hai câu thơ thất ngôn:

Phú quý treo sương ngọn cỏ, Công danh gửi kiến cành hoè.

(Bài 73)

Phú quý, công danh là điều ai cũng muốn, nhưng để có công danh, phú quý một cách chân chính không phải là dễ. Theo Nguyễn Trãi, cảnh giàu sang như giọt sương treo tren ngọn cỏ, phút chốc là tan biến. Còn công danh nó giống như một giấc mộng, mà trong giấc mộng ấy, Nguyễn Trãi xuất hiện là một vị quan tài ba nhưng lại bị nghi kị là gian thần. Hai từ “công danh” và “phú quý” đi kèm với hai động từ “treo”, gửi” lại đặt bên cạnh “ngọn cỏ”, “cành hoè” đã bộc lộ thái độ rõ ràng, dứt khoát và quan niệm của Nguyễn Trãi đối với “danh” và “của” trong cuộc

Sống trong xã hội có nhiều biến động to lớn, khi mà mọi sự trắng đen luôn lẫn lộn, lòng người nham hiểm khôn lường, đúc rút từ các câu tục ngữ, ca dao trong dân gian:

- Sông sâu còn có kẻ dò,

Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.

- Dò sông, dò biển dễ dò, Nào ai bẻ thước mà đo lòng người.

Nguyễn Trãi viết:

Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui một lòng người cực hiểm thay.

(Bài 26)

Chẳng say chẳng đắm là quân tử, Người hiểm lòng thay, hãy xá ngờ.

(Bài 179)

Trong bất cứ xã hội nào đi nữa thì sự tác động của hoàn cảnh, của môi trường sống đối với con người là rất lớn:

Ở bầu thì dáng ắt nên tròn, Xấu tốt đều thì rập khuôn. Lân cận nhà giàu no bữa cám, Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn. Chơi cùng đứa dại nên bầy dại,

Kết với người khôn học nết khôn. Ở đấng thấp thì nên đấng thấp, Đen gần mực, đỏ gần son.

Đây là bài thơ mà Nguyễn Trãi sử dụng một cách thành công các ý lấy từ tục ngữ:

- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. - Ở gần nhà giàu, đau răng ăn cốm,

Ở gần kẻ trộm, ốm lưng chịu đòn. - Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

Việc vận dụng nội dung trong tục ngữ để làm nên ý thơ cho mình, Nguyễn Trãi đã nói lên những bài học giáo dục sâu sắc. Ông khuyên mọi người dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ được tấm lòng của mình, đừng để mùi danh lợi làm choáng ngợp, làm nguy hại đến phẩm chất của mình, giống như câu ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Bằng việc sử dụng sáng tạo vốn ngôn ngữ phong phú của văn học dân gian, Nguyễn Trãi đã làm một “cuộc cách mạng” trong tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện của thơ ca. Ngày này, việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao không phải là một hiện tượng lạ, bởi lẽ sau Nguyễn Trãi ta còn bắt gặp Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, gần đây hơn là có Hồ Chí Minh và Tố Hữu…Song mỗi thời điểm có những cách đánh giá riêng. Với Nguyễn Trãi, vốn là một nhà nho thành đạt qua con đường Hán học, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hán học mà đã làm được điều đó quả thật là điều đáng ghi nhận. Nguyễn Trãi đã mạnh dạn vượt ra khỏi sự ràng buộc về tư tưởng của Hán học, ông không chỉ có ý thức xây dựng nước ta thành một nước độc lập, tự do và tự chủ về mặt lãnh thổ mà ông còn muốn nước ta có một nền văn hoá, văn học đậm đà tính dân tộc, tính dân gian. Với ý thức đó, bằng tài năng của một nhà thơ lớn, Nguyễn Trãi đã phát huy hiệu quả của ngôn ngữ dân gian để thể hiện tinh tế, sâu sắc những tình cảm phong phú, tâm sự, quan niệm sống của mình.

Trong cách sử dụng ngôn ngữ, có nhiều khi, Nguyễn Trãi kết hợp ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ dân gian:

Xen giữa những từ Hán- Việt (thanh, nguyệt), điển (ba đường cúc) là những từ mang sắc thái dân dã như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người bình dân vậy (hớp, rưới). Tư tưởng của một triết gia đã được thể hiện bằng cách nói dân gian. Sự đa dạng trong cách sử dụng ngôn ngữ cũng cho thấy sự đa dạng trong con người Ức Trai: vừa có phong thái của một nhà nho đạo mạo, vừa mang cốt cách của một điền ông chất phác.

Nếu việc sử dụng vốn ngôn ngữ bác học cho thấy ở Nguyễn Trãi là hình ảnh một nhà văn hóa, tư tưởng lớn, một triết gia sắc sảo thì việc vận dụng và vận dụng sáng tạo vốn ngôn ngữ dân gian đã minh chứng cho hình ảnh một Nguyễn Trãi có cuộc sống và tâm hồn gần gũi với nhân dân. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho

Quốc âm thi tập khi đã thể hiện được những phức điệu xúc cảm trong con người Nguyễn Trãi- một hồn thơ đa dạng mà thống nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)