Sự tự ý thức về con người cá nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 77 - 81)

7. Đóng góp của luận văn

2.2.3. Sự tự ý thức về con người cá nhân

Tư tưởng văn học trung đại Việt Nam, do các triều đại phong kiến và nho gia chủ trương, coi văn chương nghệ thuật như là một phương diện của chính trị. “Văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” là những mệnh đề chủ yếu thuộc về xu hướng tư tưởng này. Quan niệm này đã tạo được nhiều giá trị văn chương to lớn, nhất là mảng sáng tác chứa đựng tinh thần yêu nước, thương dân, song có hạn chế là chỉ một mực hướng về con người cộng đồng, ít hướng về con người cá nhân, con người đời thường, tạo nên những vùng cấm kị đối với sáng tác văn học, né tránh con người bản thể luận, không bàn đến quyền sống chính đáng của con người thân xác, không coi trọng đời sống cảm xúc chân thực, hồn nhiên, tự nhiên của con người. Nếu quan niệm chính thống đề cao thơ nói chí với màu sắc duy lí, “ôn nhu đôn hậu” thì tư tưởng văn học phi chính thống lại đề cao vai trò của cảm xúc, nhấn mạnh chữ tình. Chính dòng tư tưởng phi chính thống này lại phản ánh xu hướng sáng tác nhân đạo chủ nghĩa, lấy con người làm bản vị, coi trọng sự chân thực của cảm xúc.

Nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn cho rằng “hình tượng cái tôi nhà Nho đứng bên trên, bên ngoài cuộc sống xã hội nhưng vẫn luôn trăn trở , suy tư về cuộc sống. Nhà nho không quan sát, với nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu các quy luật của hoạt động thực tại xã hội nhằm đưa ra các kiến giải riêng của mình, họ chỉ đơn thuần mượn thực tại ấy để diễn đạt các tư tưởng sẵn có. Một cung cách tiếp cận và phản ánh hiện thực như vậy không thể tạo tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực trong văn học”[49]. Nguyễn Trãi chính là người manh nha cho tư tưởng phi chính thống, ông đã dám sống thật với những khát vọng riêng của mình. Tế Hanh cho

rằng: “Trong thơ Việt Nam ngày trước, chưa có nhà thơ nào nói đến những nỗi niềm riêng của mình nhiều như Nguyễn Trãi” [12, tr.719]. Thơ Nguyễn Trãi không những có tính chất hoành tráng mà còn bộc lộ tâm hồn đa cảm của một con người yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời. Lời thơ của ông có khi vui vẻ, hóm hỉnh:

Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành, Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình. Biên xanh nỡ phụ người đầu bạc, Đầu bạc xưa này có thuở xanh.

(Bài 202)

Ông đã cãi lí với người trẻ tuổi cười chê ông đầu bạc, nhưng rõ ràng là ông yêu mến tuổi trẻ và tiếc rằng tuổi xuân của mình đã qua mất rồi:

Dặng dõi bên tai tiếng quản huyền, Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn. Xuân xanh chưa dễ hai phen lại, Thấy cảnh cành thêm tiếc thiếu niên.

(Bài 201)

Trong thơ, Nguyễn Trãi đã thể hiện con người trữ tình, chất nghệ sĩ của mình, ta có thể thấy qua bài thơ:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm, Đầy buồng lạ mầu thâu đêm. Tình thư một bức phong còn kín, Gió nơi đâu gượng mở xem.

(Bài 236)

Bài thơ chỉ có 4 câu nhưng đã tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau. Nguyễn Trãi quả thực là một là một người rất lãng mạn với những vần thơ vô cùng táo bạo, trẻ trung!

Thơ Nguyễn Trãi luôn chan hòa tình cảm đối với thiên nhiên, con người. Ông có cách nhìn, cách cảm tuyệt với trước vẻ đẹp của thiên nhiên, chân thành tha thiết trong tình bạn, hóm hỉnh nhưng tế nhị, sâu sắc trong tình người, ông xem thiên nhiên là bạn, láng giềng, anh em, những người an ủi mình trên đỉnh Côn Sơn cô độc.

Những năm cuối đời nhiều bất hạnh, thơ Nguyễn Trãi đôi khi lắng đọng một nỗi niềm u uất, chán nản, bi quan, thậm chí thấm thía giọng điệu mỉa mai cho sự nghiệp anh hùng dở dang của mình. Có lúc, thơ ông thấm lạnh một nỗi cô đơn tê tái trong những đêm dài trên núi Côn Sơn:

Rượu đối cầm đơm thơ một thú, Ta cùng bóng lẫn nguyệt ba người.

(Bài 76)

Có lúc, ông ví mình như một chiếc thuyền con, giữa trời chiều mênh mông chẳng biết ghé bến nào:

Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ, Trời ban tối ước về đâu.

(Bài 14)

Nhà thơ là con người giàu suy tư để dằn vặt với nỗi đau hữu hạn của đời người cho dù đó là cuộc đời của người anh hùng.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả những bất hạnh, thăng trầm của cuộc đời làm quan bị ganh ghét, đố kị, Nguyễn Trãi vẫn giữ cho mình “Một tấc lòng son còn nhớ chúa/ Tóc hai phần bạc bởi thương thu”. Có âm điệu buồn trong thơ ông nhưng đó không phải là âm điệu chủ đạo. Vấn đề lớn lao nhất mãi làm ông quan tâm chính là ưu quốc, ái dân, lo cho đất nước và thương nhân dân. Ðiều làm tỏa sáng nhân cách lớn lao của một người anh hùng, một kẻ sĩ chân chính.

Nói đến ý thức cá nhân là nói đến toàn bộ sự tồn tại của con người trong những mối quan hệ cụ thể. Nó gắn với những nhu cầu vật chất, tinh thần, tình cảm, thẩm mĩ của mọi đối tượng. Tuy nhiên, trong thời kì trung đại, vì những lí do lịch sử xã hội nhất định, con người cá nhân không được quyền tồn tại với những nhu cầu của chính nó. Như vậy cũng có nghĩa con người chỉ còn là công cụ cho những giá

Đó cũng là kết quả của quan điểm Văn dĩ tải đạo ngự trị trong đời sống văn học dân tộc suốt cả nghìn năm. Nó hủy hoại cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Chỉ có những nghệ sĩ lớn mới thật sự vượt lên trên những giới hạn của thời đại. Điều này gắn liền với phút “nổi loạn” của con người cá nhân. Đó cũng là lúc văn học thực sự tiếp cận với các giá trị chân- thiện- mĩ. Đến với Quốc âm thi tập, chúng ta gặp một Nguyễn Trãi với bao xúc cảm, nỗi niềm, ưu tư về cuộc đời. Nhà thơ đã bộc lộ con người mình một cách chân thực, trọn vẹn nhất. Và điều đó, suy cho cùng chính là sự tự ý thức về con người cá nhân trong Nguyễn Trãi!

Tiểu kết chương 2

Cảm xúc trong mỗi con người luôn tồn tại nhiều cung bậc, sắc thái. Nhưng điều đặc biệt mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở Nguyễn Trãi là những sắc thái tâm trạng, cảm xúc trong ông không chỉ phong phú, đa dạng, mà còn phức tạp, đối lập.

Quốc âm thi tập đã thể hiện một cách trọn vẹn hình ảnh Nguyễn Trãi : một vĩ nhân và một thường nhân. Một vĩ nhân với bao khát vọng lớn lao, bao chiến công vang dội của người anh hùng cứu quốc mang trong mình lí tưởng yêu nước thương dân, với tầm tư tưởng đạt tới đỉnh cao thời đại, nhân loại. Một thường nhân với cuộc sống hàng ngày giản dị, chân quê trong các mối quan hệ đời thường, cùng những tình cảm, tâm sự riêng tư, sâu lắng. Và, sự kết nối giữa hai con người ấy là một lối sống giản dị, một trái tim nhân ái bao la, một tâm hồn nghệ sĩ đa sầu đa cảm. Sự hội tụ của nhiều người trong một con người ấy đã làm nên vẻ đẹp, tên tuổi của ông- NGUYỄN TRÃI ! Chúng ta ngưỡng mộ trước một tên tuổi lớn, và chúng ta càng xúc động, khâm phục hơn khi nhà thơ đã chuyển tải được những giai điệu tâm hồn đó đến với độc giả một cách chân thành, tinh tế, sâu sắc.

Chương 3

HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN

PHỨC ĐIỆU XÚC CẢM TRONG THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI

Giá trị của Quốc âm thi tập không chỉ là thể hiện được trọn vẹn con người đa dạng, toàn diện của Nguyễn Trãi mà còn cho thấy vẻ đẹp, sức mạnh của các yếu tố nghệ thuật trong khả năng biểu đạt những phức điệu xúc cảm đó trong tâm hồn nhà thơ. Đến đây, chúng ta không chỉ thấy được vẻ đẹp trong con người Nguyễn Trãi mà còn thấy được tài năng của một nhà thơ lớn. Bởi thể hiện được thành công điệu tâm hồn mình đã khó, thể hiện hiệu quả, tinh tế, sâu sắc những phức điệu xúc cảm trong con người lại càng khó hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những phức điệu xúc cảm của nguyễn trãi qua thơ nôm (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)