7. Đóng góp của luận văn
2.1.2. Triết gia sắc sảo và điền ông thuần phác
2.1.2.1.Một triết gia sắc sảo với tư tưởng triết học nhân văn
Sinh ra trong một gia đình có nhiều truyền thống lớn, hai nên nội ngoại đều có những cá nhân là những nhà yêu nước, nhân đạo, nhà tư tưởng lớn; với tư chất của bản thân và tư tưởng của một Nho gia, lại thêm cuộc sống nhiều thăng trầm…tất cả đã tạo nên ở Nguyễn Trãi hình ảnh một triết gia sắc sảo. Nguyễn Trãi đã sáng tạo nên những giá trị tư tưởng tiêu biểu, thể hiện rõ quan điểm về vũ trụ, trời đất, đạo lí làm người, vai trò của nhân dân, quan điểm về dân tộc, thời thế...
Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng của Nho giáo về các tư tưởng: thiên mệnh, trung dung, tam cương, ngũ thường, tư tưởng về nhân nghĩa.
Nguyễn Trãi viết: “Trời đất sinh muôn vật”, “Ơn tạo hóa của trời đất”. Với Nguyễn Trãi, mệnh trời được hiểu trong nhiều trường hợp, như trong vận nước, mệnh vua, trong cuộc sống giàu sang, nghèo hèn, trong thành bại…
Lộc trời cho đã có ngần,
Tua hay thửa phận chớ còn nằn. …
Vắn dài được mất dầu thiên mệnh, Chạy quấy làm chi cho nhọc nhằn.
(Bài 175)
Với niềm tin đó, bao giờ, Nguyễn Trãi cũng an nhiên tự tại, lúc gặp thất bại, khó khăn không đau khổ, khi thành công không tự đắc:
Được mất duy nơi sự tiếc mừng, Đạo ta thông biết hết lâng lâng. …
Nhọc nhằn ai chớ còn than thở, Ăn có dừng thì việc có dừng.
(Bài 181)
Nguyễn Trãi tin ở mệnh trời. Theo ông, trời không chỉ là đấng sinh thành, mà còn có tình cảm, sự công minh. Trời đất cũng có tấm lòng giống như cha mẹ, có lòng “hiếu sinh”, có “đạo trời”. Điều đó lại rất phù hợp với tâm lí phổ biến và nguyện vọng tha thiết của lòng người, đó là hạnh phúc, ấm no, thái bình. Như vậy, quan niệm thiên mệnh của Nguyễn Trãi có tính chất biện chứng, giữa yếu tố khách quan là lẽ trời, vận trời (xu thế lịch sử, thời đại) và yếu tố chủ quan là lòng người.
Thấm nhuần tư tưởng trung dung, Nguyễn Trãi nói với “người quân tử”:
Chớ người trọc trọc chớ ta thanh, Lấy phải thì trung đạo ở kinh.
(Bài 156)
Chẳng say chẳng đắm là quân tử, Người hiểm lòng thay hãy xá ngờ.
(Bài 179)
Những câu thơ của ông đem đến bài học về cách ứng xử trong các mối quan hệ vua- tôi, cha- con, bạn bè, vợ - chồng.
Quan hệ mà Nguyễn Trãi luôn đề cao, luôn cẩn trọng và trăn trở là quan hệ với vua, trong đó, bề tôi phải biết làm theo những lời thánh hiền dạy, cư xử đúng với đạo trung dung:
Văn chương chép lấy đòi câu thánh, Sự nghiệp tua thìn phải đạo trung.
Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược, Có nhân có trí có anh hùng. (Bài 132)
Những lời tự bạch với bản thân, những lời nhắn nhủ tới mọi người về lòng biết ơn đối với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ thật xúc động và triết lí:
Có con mới biết ơn cha nặng, Dành lộc thì hay nghĩa chúa nhiều.
(Bài 164)
Nuôi con mới biết lòng cha mẹ.
(Bài 135)
“Bui một lòng người cực hiểm thay”, nhà thơ nhắc nhở bạn bè:
Bậu bạn cùng nhau nghĩa chớ vong.
(Bài 178)
Kết bạn mựa quên người cố cựu.
(Bài 129)
Đó còn là bài học về cách ứng xử phải cân nhắc, thận trọng ở đời:
Việc ngoài hương đảng chớ đôi co, Thấy kẻ anh hùng hãy nhịn cho.
(Bài 176)
Sắc là giặc đam làm chi,
Thuở trọng còn phòng có thuở suy.
(Bài 190)
Những bài học đó là vô cùng quan trọng, nhất là khi thói đời đen bạc với không ít những nghịch cảnh éo le:
Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn, Lòng người quanh nữa nước non quanh.
(Bài 136)
Những kẻ ân cần khi phú quý, Họa ai bồ bặc thuở gian nan.
(Bài 139)
Bên cạnh đó, ông còn thấm nhuần các triết lí về đức hiếu sinh, khoan dung, bác ái, từ bi của Phật giáo.
Từ âm “bụt” trong tên gọi của loài hoa râm bụt, nhà thơ nhắc đến quan niệm “Phật tức tâm” trong kinh Phật:
Ánh nước hoa in một đóa hồng, Vện nhơ chẳng bén Bụt là lòng. (Bài 237)
Đạo Phật cũng khuyên ta nên sống hiền lành, tu tâm tích đức, giúp người chứ không hại người:
Lòng làm lành đổi lòng làm dữ, Tính ở nhu hơn tính ở cương.
(Bài 147)
Chớ lấy hại người làm ích kỉ, Hãy năng tích đức để cho con.
(Bài 149)
Trồng cây đức để con ăn.
(Bài 27)
Tài đức thì cho lại có nhân, Tài thì kém đức một hai phần.
(Bài 184)
Ông cho rằng mỗi người hãy chăm chỉ lao động, “tay làm hàm nhai” còn “ngồi ăn núi lở”:
Tay ai thì lại làm nuôi miệng, Làm biếng ngồi ăn lở núi non.
(Bài 149) Nên ông dạy con về lối sống giản dị, tiết kiệm, chăm chỉ:
Áo mặc miễn là cho cật ấm, Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon. Xưa đã có câu truyền bảo: Làm biếng hay ăn lở non.
(Bài 192)
Nhiều câu thơ khuyên chúng ta không nên chạy theo công danh viển vông, lợi lộc tầm thường, hãy sống trong sạch:
Tau xá khoan khoan lòng thế ít, Chớ màng cày cạy khiến lòng phiền. Gia tài ấy xem hèn hạ,
Đạo đức này khá chính chuyên.
(Bài 186)
Đói khó thì làm việc ngửa tay, Chớ làm sự lỗi quỷ thần hay.
Mắt hòa xanh đầu dễ bạc, Lưng khôn uốn lộc nên từ.
(Bài 36)
Nguyễn Trãi còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang, đó là lòng “thanh tĩnh vô vi”, nhàn tản, ung dung tự tại, không màng danh lợi. Trong Quốc âm thi tập, khái niệm an nhàn, yên phận được ông nhắc đến nhiều lần.
Dưới công danh nhiều thác cả, Trong ẩn dật có cơ màu.
(Bài 159)
Một phút thanh nhàn trong thuở ấy, Nghìn vàng ước đổi được hay chăng.
(Bài 77)
Ông ca ngợi lối sống nhàn tản, tránh xa vòng danh lợi, để “thân an”, “tâm lạc”:
Kham hạ hiền xưa toan lẩn được, Ngâm câu “danh lợi bất như nhàn”.
(Bài 160)
Ở thế an nhàn chăng có sự,
Ngàn muôn tốn nhượng chớ đua tranh.
(Bài 136)
Rơi vào bi kịch của một nhân tài không được trọng dụng, Nguyễn Trãi lui về ở ẩn, nhưng ông không đi tìm cái an nhàn ích kỉ, càng không rơi vào trạng thái bi quan, hay có quan điểm bằng lòng an phận, trong ông cứ canh cánh “một niềm trung hiếu cũ”.
Nhưng cuộc đời, tâm hồn Nguyễn Trãi luôn gắn với thực tiễn nóng bỏng của dân tộc, nên nói như Mác, “Các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại của mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý
giá và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học” [2]. Thực vậy, tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi là sự kết tinh lịch sử và văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, những tư tưởng đó không chỉ bị chi phối bởi điều kiện lịch sử xã hội Đại Việt thế kỷ XIV - XV mà còn phản ánh những biến động, lịch sử dân tộc và cuộc đời vốn nhiều thăng trầm của ông. Chính thời đại lịch sử đã sản sinh ra những con người rất đẹp, rất đáng kính về nhân cách, giàu lòng yêu nước, thương dân và bản lĩnh kiên cường như Nguyễn Trãi. Thế nên, tư tưởng của ông đều gắn với ý nghĩa xã hội sâu sắc, hướng về nhân dân, về vận mệnh quốc gia và sự tồn vong của dân tộc. Trung hiếu là lẽ sống suốt đời, là phẩm chất “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen” trong tâm hồn người chí sĩ yêu nước ấy.
Là một nhà tư tưởng lớn, nhưng Nguyễn Trãi không trình bày quan điểm của mình thành một học thuyết có tính hệ thống, mà từ hiện thực lịch sử đầy sôi động của dân tộc cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV, ông đã suy xét, triết lí về nó để từ đó soi rọi vào sự nghiệp “nhân nghĩa”, “an dân”. Cho nên, tư tưởng triết học của ông mang đậm hơi thở của cuộc sống, hòa lẫn và ẩn chứa đằng sau các lĩnh vực tư tưởng khác như chính trị, quân sự, ngoại giao, văn chương…Bởi thế, “triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân, cái nhân, cái nghĩa cuối cùng chẳng qua là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân” [50].
2.1.2.2.Một điền ông thuần phác với cuộc sống thành nhàn
Trái ngược hẳn với một Nguyễn Trãi đã từng lăn lộn chốn quan trường, cống hiến hết mình để phò vua giúp chúa, một Nguyễn Trãi với những tư tưởng triết lí sâu sắc của một triết gia, nhà tư tưởng- văn hóa lớn là hình ảnh một Nguyễn Trãi rất đời thường với sự giản dị trong cuộc sống, sinh hoạt, tưởng như vô lo vô nghĩ.
Với niềm tự hào “Quê cũ nhà ta thiếu của nào” (Bài 35), Nguyễn Trãi đã miêu tả phong vị quê hương bằng những hình ảnh đậm đà tính dân tộc. Đó là hình ảnh rau muống, dọc mùng:
Ao quan thả gửi hai bè muống, Đất Bụt ương nhờ một luống mùng.
Ao cạn vớt bèo cấy muống, Đìa thanh phát cỏ ương sen.
(Bài 69)
Hình ảnh rau muống trong hai câu thơ trên của Nguyễn Trãi gợi nhắc cho chúng ta nhớ tới hai câu ca dao quen thuộc:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Chỉ là những thứ rau có hằng ngày thôi, ấy vậy mà bước vào thơ ca, nó trở nên thi vị, ý nghĩa biết nhường nào. Phải là một con người thực sự yêu cuộc sống, gắn bó với cuộc sống, với những người lao động cần lao, Nguyễn Trãi mới nhận ra giá trị của những vật nhỏ bé, bình dị đến như vậy.
Chúng ta thấy xuất hiện trong Quốc âm thi tập, bên cạnh rau muống, dọc mùng, còn có mồng tơi, kê khoai, núc nác….là những sản vật dân dã hằng ngày, gần gũi với đời sống của người dân Việt, đặc biệt là ở vùng nông thôn Việt Nam:
Ngày tháng kê khoai những sản hằng, Tường đào ngõ mận ngại thung thăng.
(Bài 23)
Dã lòng thanh mùi núc nác, Vun đất ải lảnh mùng tơi.
(Bài 10)
Cây cớm trồi cành chim kết tổ, Ao quang mấu ấu cá nên bầy.
(Bài 11)
Khắc họa cuộc sống đạm bạc, bình dị, cực khổ của mình, Nguyễn Trãi đã sử dụng rất nhiều hình ảnh “dưa muối”, “bát cơm xoa”:
Muối lẫn dưa dầu đủ bữa, Thêu cùng gấm mặc chưng đời.
Cơm ăn miễn có dầu xoa bạc, Áo mặc âu chi quản cũ đen.
(Bài 140)
Bữa ăn dầu có dưa muối, Áo mặc nài chi gấm là.
(Bài 4)
Điều đặc biệt, ta nhận ra ở con người Nguyễn Trãi, cùng với việc thưởng thức thú tiêu dao thưởng ngoạn, những món ăn dân dã hay quấn quýt bên những con vật hằng ngày, ông không bao giờ quên bàn đến việc cày cấy. Có thể nói, công việc cày cấy vốn là việc của những người nông dân chân lấm tay bùn. Nó có phần xa lạ với những trí thức tinh thông, với văn chương bác học nhưng đến Nguyễn Trãi, công việc cày cấy được nhắc đến trong thơ với một niềm hăng say lao động. Gần gũi với nhân dân, hiểu được những giá trị đích thực của những sản vật trên, Nguyễn Trãi nhắc nhở:
Nước dưỡng cho thanh trì thưởng nguyệt, Đất cày ngõ ải lảnh ương hoa.
(Bài 4)
Chúng ta trân trọng thái độ ấy của nhà trí thức lớn dưới xã hội phong kiến đã hoà mình trong cái cao quý của lao động. Với Nguyễn Trãi, cuốc cày ấy là thú vui, mà thú vui này hoàn toàn khác với thú chầu chực nơi cửa quyền:
Một cày, một cuốc thú nhà quê, Áng cúc lan xen vãi đậu kê.
(Bài 48)
Nguyễn Trãi xem là cái “thú”, song không phải với ý bỡn cợt, coi thường. Nhà thơ hiểu được rằng chính cái “thú” ấy đã nuôi sống con người, duy trì sự tồn tại của xã hội. Ông nhắc nhở:
Nước đào giếng cơm cày ruộng,
Ruộng đôi ba khảm đất con ong, Đầy tớ cùng cày kẻo mượn mòng.
(Bài 56)
Có lẽ từ trước cho đến Nguyễn Trãi, chưa có một nhà thơ bác học nào lại viết về công việc cày cấy - vốn gắn bó với nhân dân, với văn học dân gian đầy nhiệt huyết như ông.
Mộc mạc, giản dị là thế, Nguyễn Trãi không cho rằng đó là cuộc sống nghèo hèn, thiếu thốn. Trái lại, ông rất bằng lòng, cho rằng đó là những khoảnh khắc quý trong cuộc đời. Ông rất tự hào, trân trọng, ngợi ca:
Trong khi hứng động vừa đêm tuyết, Ngâm được câu thần dắng dắng ca.
(Bài 4)
Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi, Rìu bủi bủi thấy tiên đâu.
(Bài 41)
Đó là triết lí “an bần lạc đạo” của nhà nho, là lòng “thanh tĩnh vô vi” của tư tưởng Lão - Trang, nhưng đó cũng là vẻ đẹp giản dị, tự nhiên trong con người, là cuộc sống, cách sống “thân dân”, “trọng dân” của Nguyễn Trãi.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước và văn hóa, bản thân Nguyễn Trãi cũng là người đọc nhiều, biết rộng, cuộc đời ông lại trải qua bao thăng trầm, sóng gió, chính những điều đó đã tạo nên giọng điệu triết lí cho vần thơ của triết gia Nguyễn Trãi. Nhưng những tháng ngày về ở ẩn chốn quê nhà giúp nhà thơ có cuộc sống bình dị. Mang phong thái, cuộc sống của một điền ông, điều đó không chỉ do hoàn cảnh, mà thực chất, tác giả của Quốc âm thi tập là một người rất giản dị, chất phác.
Không phải ai cũng đạt được tầm tư tưởng như Nguyễn Trãi, nhưng không ai là không nhận thấy hình ảnh giản dị, đời thường của mình trong con người Nguyễn
một thường dân. Chính vẻ “trần thế nhất trần gian” ấy đã tôn lên tầm vĩ đại trong vẻ đẹp của một nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi. Hay nói theo cách khác, khía cạnh “con người” trong người anh hùng Nguyễn Trãi chính là vẻ đẹp nhân bản đã góp phần nâng người anh hùng dân tộc lên tầm nhân loại. Vẻ đẹp trong tâm hồn Ức Trai khiến những câu thơ, cũng giản dị như chính con người ông, mãi “còn xanh” cùng với thời gian! Một triết gia sắc sảo và một điền ông chất phác, điều đó đã làm nên sự trọn vẹn trong con người Nguyễn Trãi.