Phân loại hồi ký

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 28 - 34)

6. Cấu trúc luận án

1.2.3. Phân loại hồi ký

Có nhiều cách để phân loại hồi ký như dựa theo đề tài, theo kết cấu tác phẩm, theo chủ thể sáng tác hoặc cảm hứng chủ đạo… Mỗi cách phân loại có tiêu chí riêng và có sự phù hợp nhất định với khuynh hướng phát triển của hồi ký. Trong luận án này, chúng tôi lựa chọn cách phân loại hồi ký dựa trên chủ thể sáng tác (hoặc đồng sáng tác) để quy hồi ký vào ba nhóm chính: nhóm hồi ký của các tướng lĩnh cách mạng, cựu binh và chính trị gia; nhóm hồi ký của các nhà văn; nhóm hồi ký của các tầng lớp khác trong xã hội.

1.2.3.1. Hồi ký của các chính trị gia, tướng lĩnh và cựu binh cách mạng

Gắn với những cuộc chiến đấu cứu quốc thần thánh, hồi ký cách mạng là lời hiệu triệu vọng từ quá khứ. Không chỉ riêng Việt Nam, những quốc gia đã từng trải qua những năm tháng đấu tranh gian khổ để giành lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc mình đều hiểu sâu sắc giá trị của những trang hồi ký ấy. Như lời báo cáo của Anatoli IV Anov trong Văn xuôi và thời đại: “Văn học hồi tưởng chiến tranh đã góp phần to lớn vào việc giáo dục lòng yêu nước cho con người Xô viết- đó là những cuốn sách của các vị tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo quân sự thần thoại của chúng ta, hồi ký về những việc làm anh dũng của các sĩ quan và binh lính trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh vừa qua. Họ truyền đạt lại những kinh nghiệm không dễ dàng trong việc chiến thắng kẻ thù. Loại hình văn học này, như cuộc thảo luận đã nhận định, là một hiện tượng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân [128, 56].

Hai cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc Việt Nam cũng mang đến chất liệu “vàng” để tạo nên những tác phẩm hồi ký cách mạng thật phong phú. Hầu hết những tác giả của hồi ký cách mạng đều là những người trực tiếp tham gia chiến đấu: những chính trị gia, tướng lĩnh, cựu chiến binh… Với họ, tìm đến với hồi ký là một sự trả nợ cho “những năm tháng không thể nào quên” và thể hiện những nhìn nhận, đánh giá nghiêm

túc về quá khứ. Điểm khác biệt của dòng hồi ký cách mạng so với các tiểu loại khác là: ngoại trừ một số ít tác phẩm được tạo nên từ lời văn của chính chủ thể trần thuật thì hầu hết hồi ký của các tướng lĩnh, các chính trị gia đều được hỗ trợ bởi một người ghi chép chuyên nghiệp (là các nhà văn, nhà báo hoặc các biên tập viên của nhà xuất bản…). Sự không trùng khít giữa người kể chuyện với người ghi chuyện có thể khiến hồi ký không đạt được tính chất công tâm và khách quan như mong muốn bởi những sự thật được tái tạo trong hồi ký cách mạng thường phải trải qua ít nhất hai lần thẩm thấu, sàng lọc, lựa chọn của các cá nhân khác nhau.

Trước năm 1975, những tác phẩm hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Những năm tháng không thể nào quên (do Hữu Mai ghi), Nguyễn Đức Thuận- Bất khuất, Trần Huy Liệu- Dưới hầm Sơn La… đã tái hiện lại chân dung của một thế hệ, thời đại anh hùng với sự ngưỡng vọng và thái độ ngợi ca thành kính. Trong tác phẩm của họ, hồi ký rất gần gũi với trường ca và tiểu thuyết sử thi khi hồi ức được “làm sống dậy” bằng cảm hứng anh hùng ca hào sảng và bút pháp lãng mạn cách mạng.

Sau năm 1975, bên cạnh những hồi ký nổi bật như Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử…

của đại tướng Võ Nguyên Giáp (Hữu Mai ghi), độc giả còn được đón nhận loạt hồi ký của các tướng lĩnh như Đại thắng mùa xuân- Văn Tiến Dũng, Nhớ và quên của Phạm Hồng Sơn- Đặng Anh Đào, Nhớ mãi đại tướng Văn Tiến Dũng (tập hợp các bài viết, hồi ký của các đồng chí lãnh đạo, lão thành cách mạng và sĩ quan cao cấp về đại tướng); Đại tướng Chu Huy Mận- nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức Cách Mạng;Hồi ký thượng tướng Phùng Thế Tài- Trọn một đời đi theo Bác (Thế Kỷ ghi lại); Đời chiến sĩ, hồi ký của Đại tướng Phạm Văn Trà (Duy Tường thể hiện), Đại tướng Văn Tiến Dũng- Vị tướng kiên cường, mưu lược; Đại tướng Lê Trọng Tấn- người của những chiến trường nóng bỏng; Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên- với cả cuộc đời… Ngoài ra không

thể không nhắc đến những hồi ký viết về chiến tranh của những người con đi ra từ máu lửa một thời, không lúc nào thôi nhung nhớ về quá khứ như Có một thời như thế của Võ Minh, Một thời để nhớ của Thu Trang,

Ký ức chiến tranh của Vương Khả Sơn, Khi Tổ quốc gọi tên mình của Nguyễn Long Trảo…

1.2.3.2. Hồi ký của các nhà văn

Hồi ký của các nhà văn trước hết là nơi để họ biện giải về những nhân tố, sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hình phong cách nghệ thuật và quá trình sáng tạo. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới như Gogol, Dostoyevsky, Marxim Gorky, Banzac, Lamactin… đã coi hồi ký là nơi thể hiện cái tôi của mình một cách trung thực và sinh động nhất. Những tác phẩm hồi ký này phần lớn đã được chuyển dịch ra tiếng Việt những năm gần đây.

Tại Việt Nam, những trang hồi ký của các nhà văn bao giờ cũng có sức hút mạnh mẽ bởi kỹ thuật viết điêu luyện và tư tưởng sâu sắc được gửi gắm qua trang giấy. Đọc hồi ký của Tô Hoài, nhất là hồi ký Chiều chiều, người đọc có cảm giác như được đọc một cuốn tiểu thuyết với mạch kể miên man, thể hiện trải nghiệm thấm thía của tác giả về đời viết văn của mình và của những người bạn cùng thời. Đúng như Vương Trí Nhàn nhận xét về Tô Hoài: “Hồi ký là nơi cả con người tác giả cùng cái triết lí ông mơ hồ cảm thấy và đã theo đuổi suốt đời có dịp bộc lộ” [125]. Và có lẽ lời nhận định này có thể áp dụng cho những tác giả hồi ký khác.

Đời viết văn của tôi là lời tự giễu chua chát, xót xa của Nguyễn Công Hoan khi nhìn lại chặng đường sáng tác đầy khó khăn của mình trong bối cảnh xã hội loạn lạc. Nửa đêm sực tỉnh của Lưu Trọng Lư là những rung động sâu sắc của một nhà thơ tài hoa nhưng đa đoan, trắc trở khi nhớ lại những mối tình trong đời mình. Bốn mươi năm nói láo là cái nhìn tếu táo nhưng đầy day dứt của Vũ Bằng về nghiệp làm văn, làm báo đầy những thử thách, khó khăn. Nhớ lại một thời của Tố Hữu hay bộ ba hồi ký Từ

bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt của Anh Thơ là những dòng hồi ức xúc động về những chặng đường sáng tạo gian khổ gắn với hoàn cảnh ra đời của những bài thơ nổi tiếng. Huy Cận với Hồi ký song đôi đã qua những trang viết dung dị để kể lại những kỷ niệm với quê hương, gia đình mà sau này là tác nhân tạo nên âm hưởng không gian mênh mang trong các bài thơ của ông. Nguyên Hồng với hồi ký mang dáng dấp tự truyện Những ngày thơ ấu giúp người đọc hiểu được lý do vì sao trong những trang viết của ông luôn thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ mang hình bóng của người mẹ tội nghiệp… Sáng tối mặt người của Sao Mai là góc nhìn đa diện về cuộc đời nhà văn với sự đan xen của những mảng màu sáng tối.

Không chỉ dựng lên những bức chân dung tinh thần của tác giả, hồi ký văn học còn là những nét phác họa tinh tế và tỉ mỉ về những người bạn trong làng văn. Sử dụng những thủ pháp khác nhau, các tác giả hồi ký đã cung cấp cho người đọc nhiều sự thật thú vị về những nhân vật nổi tiếng ở các lĩnh vực sáng tác, phê bình hay những ông chủ bút tạp chí, nhà xuất bản quen thuộc của giai đoạn trước.... Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ là những bức họa chân dung đời thường gần gũi, đáng yêu về một loạt nhân vật như Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Văn Trương, Thế Lữ… Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương là những mẩu chuyện dí dỏm, chân thật về những người bạn văn một thời như Tô Hoài, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Mai Đình nữ sĩ... Hồi ký Quách Tấn tạc dựng lại chân dung của một thế hệ nghệ sĩ vang bóng một thời như Phan Bội Châu, Tản Đà, Tương Phố, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Bích Khê… Hồi ký song đôi của Huy Cận phác họa hình ảnh người bạn thân Xuân Diệu vừa lãng tử, tài hoa lại vừa thủy chung, tình nghĩa. Hồi ký Những gương mặt Cát bụi chân ai của Tô Hoài là những bức vẽ sinh động về Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu… Hồi ký của Bùi

Ngọc Tấn Viết về bạn bè như Chu Lai, Lê Bầu, Nguyên Hồng, Dương Tường, Mạc Lân với biết bao đồng cảm, tri ân.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một thế hệ nhà văn trưởng thành trong chiến đấu đã từ những sự kiện hào hùng của quá khứ để đánh giá và suy ngẫm lại quá trình “nhận đường” của bản thân mình và bạn bè. Xuân Diệu trong Những bước đường tư tưởng của tôi đã nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã qua của mình với cái nhìn đầy sám hối, từ đó thể hiện niềm hạnh phúc vô bờ khi được lý tưởng cách mạng khai sáng. Một loạt hồi ký của Tố Hữu- Nhớ lại một thời, Đặng Thai Mai hồi ký, Anh Thơ- Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt… đều là những chiêm nghiệm sâu sắc của lớp thanh niên trí thức tiểu tư sản khi gặp được chủ nghĩa cộng sản. Chùm hồi ký của Tô Hoài- Cát bụi chân ai, Chiều chiều là cuốn phim tư liệu dài ghi lại hai cuộc chiến đấu của dân tộc qua những sự kiện nổi bật. Bên cạnh đó, lịch sử với những nỗi đau âm ỉ trong quá khứ cũng được hồi ký phơi mở một cách không giấu diếm.

Hồi ký các nhà văn mang giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật không thua kém gì so với các sáng tác nổi bật ở các thể loại khác của họ. Nhiều trang hồi ký của Tô Hoài, Đặng Anh Đào, Bùi Ngọc Tấn, Huy Cận… nếu đứng độc lập có thể trở thành những truyện ngắn xuất sắc. Dù sao, mang sức mạnh riêng của thể loại, hồi ký tự bản thân nó đã có sức khơi gợi đặc biệt đối với trí tò mò và niềm vui khám phá sự thật của độc giả.

1.2.3.3. Hồi ký của các tầng lớp khác trong xã hội

Bên cạnh mảng hồi ký của các chính trị gia, tướng lĩnh và cựu binh cách mạng đầy ắp tư liệu lịch sử quý giá hay hồi ký các nhà văn giàu giá trị nghệ thuật thì hồi ký của các tầng lớp khác trong xã hội cũng có sức thu hút riêng, không thể phủ nhận. Đó là những dòng hồi ức giản dị, kể chuyện cá nhân đời thường, đôi khi chỉ là chuyện vụn vặt ta vẫn gặp hàng ngày, trong những người quanh ta hay trong những thân phận mà ta đã gặp. Tác giả của những hồi ký kiểu này có thể là những người được công

chúng quen mặt (như những đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, nhà triết học, các blogger nổi tiếng…), có thể là những người chưa từng làm quen với công việc viết lách, thậm chí mang thân phận đáng xấu hổ (như những người tử tù, những cô gái mắc bệnh HIV…). Dẫu vậy, nhờ sự chân thực và hấp dẫn của các câu chuyện kể, nhiều hồi ký thuộc dạng này vẫn được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Hồi ký Trần Văn Khê kể lại chặng đường nghiên cứu âm nhạc của một vị giáo sư uyên bác, gắn liền với hành trình hội nhập và khẳng định bản sắc dân tộc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Hồi ký Nguyễn Văn Tý tự họa phác họa diện mạo đời sống âm nhạc Việt Nam từ thời kháng chiến chống Pháp đến cuối thập kỷ 90. Hồi ký Những chặng đường của người mẹ do cụ bà Phạm Thị Trinh kể lại và con cháu chấp bút tạo thành đã mang đến sự xúc động sâu sắc cho người đọc khi dõi theo chặng đường của một bà mẹ nông dân anh dũng. Hồi ký Phim là đời của đạo diễn Đặng Nhật Minh là những câu chuyện nặng trĩu suy tư về nền điện ảnh còn nhiều yếu kém và bất cập của nước ta. Hồi ký Tâm Phan- Gom những yêu thương là tâm sự của một cô gái trẻ nhưng đầy trải nghiệm, trước đó đã đến với người đọc qua hình thức những trang blog và tạo được hiệu ứng tốt. Hồi ký Tâm Si- đa, Vượt lên cái chết khiến người đọc xúc động đến sửng sốt trước hành trình phục thiện của một người đàn bà mang căn bệnh xã hội, đã cố gắng chống đỡ và chiến thắng mọi bệnh tật cũng như kỳ thị của người đời.

Gần đây, sự xuất hiện rầm rộ của các cuốn hồi ký gắn với những tên tuổi nghệ sĩ như diễn viên Thương Tín, kỳ nữ kịch nói Kim Cương, ca sĩ hải ngoại Ái Vân tiếp tục thu hút chú ý của đông đảo bạn đọc và truyền thông. Dĩ nhiên, không phải hồi ký nào cũng nhận được sự đồng thuận từ dư luận khi cố tình sử dụng những chiêu trò đánh bóng tên tuổi quá lố, gây hậu quả cho những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm (như hồi ký Thương Tín- Một đời giông bão với những trang viết miêu tả trần trụi về

cuộc tình với những người đẹp có tiếng trong làng giải trí gây ra nhiều thị phi và phiền phức cho người được nhắc đến…). Nhiều hồi ký sáng tác theo phong trào hay ghi chép sự thật một cách dễ dãi, đơn giản. Nhưng dẫu sao, can đảm của những người viết hồi ký từ những tầng lớp và độ tuổi khác nhau đã mang lại không khí sôi động chưa từng có cho thể loại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)