6. Cấu trúc luận án
3.3.3. Sự thể hiện của các chính trị gia
Trên thế giới, nhiều chính khách nổi tiếng của các nước như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… đã để lại dấu ấn của mình qua hồi ký, đặc biệt phải kể đến các chính trị gia đến từ nước Mỹ- nơi có truyền thống viết hồi ký: Những giấc mơ từ cha tôi, Niềm hi vọng táo bạo của tổng thống đương nhiệm Barrack Obama; Cuộc đời tôi của cựu tổng thống Bill Clinton, Những bước ngoặt của cựu tổng thống G.Bush, Hồi ký Hillary Clinton và chính trường nước Mỹ của bà Hillary… Kể lại những chuyện “thâm cung bí sử” của chính trường đan xen những giai thoại hấp dẫn về cuộc đời từ thiếu niên đến lúc trưởng thành, các chính trị gia của Mỹ đã khiến hồi ký không còn chỉ là chuyện cá nhân mà trở thành những “lá bài chính trị” hấp dẫn, vừa đem lại thu nhập khổng lồ cho tác giả, vừa góp phần khẳng định vị thế của một đất nước quyền lực nhất thế giới. Thông qua hồi ký, bản chất của chính trị càng được chứng minh rõ nét: “Sự thật không nằm ở những gì diễn ra trước mắt, sự thật nằm ở đằng sau nó”.
Tại Việt Nam, do nhiều lý do nhạy cảm nên ở đây chúng tôi không đề cập đến những hồi ký của các chính khách như vua Bảo Đại, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tướng Nguyễn Cao Kỳ, tướng Đỗ Mậu… Chúng tôi chỉ điểm diện một số hồi ký nổi bật như Hồi ức và suy nghĩ của nguyên thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, Điệp viên hoàn hảo X6
của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, Hồi ký Trần Văn Giàu, tập hợp các tư liệu và hồi ức về Lê Đức Thọ- Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng… đều là tư liệu quý giá giúp người đọc hiểu được sự vất vả và áp lực lớn của những người gánh vác trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Nổi bật trong số này là hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Dòng hồi ức của “người đàn bà thép” bám sát theo sự chảy trôi tuần tự của những sự kiện lịch sử nhưng thực chất, gợi nhắc lịch sử chỉ là cái cớ để bà giãi bày những nỗi niềm ẩn chứa, những lo toan trăn trở của một con người suốt đời cống hiến cho Tổ quốc. Như “Lời giới thiệu” của nhà văn Nguyên Ngọc: cuốn sách nhỏ này sẽ không đáp ứng sự tò mò của chúng ta về những bí mật chính trường mà nó chỉ cung cấp sự thật giản dị về “một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin” [17, 8]. Đọc hồi ký này của bà Nguyễn Thị Bình dễ khiến ta liên tưởng đến cuốn hồi ký Living History của bà Hillary Clinton. Cả hai người đàn bà quyền lực đều thể hiện mình qua hồi ký rất khác với hình ảnh cứng rắn, mạnh mẽ thường thấy trước công luận. Nhưng nếu như Hillary- như cách những người phụ nữ Mỹ thường thể hiện- dùng giọng điệu thẳng thắn, quyết liệt để xét duyệt quá khứ, thậm chí không ngần ngại bóc tách những bí mật đời tư với ông Bill Clinton- phu quân, cựu Tổng thống Mỹ tài năng nhưng tai tiếng thì Nguyễn Thị Bình- một điển hình của người phụ nữ Việt- chỉ dùng những lời nhỏ nhẹ nhưng sâu sắc
để kể chuyện đời mình gắn với những thăng trầm đất nước và hạn chế tối đa công bố chuyện đời tư. Bà chỉ nhắc đến chồng trong một vài trường hợp đặc biệt và luôn giữ khoảng cách nhất định, không bao giờ để lý trí bị che lấp bởi tình cảm ngay cả khi đang nói đến hạnh phúc riêng tư: “Tôi là người hạnh phúc. Tôi đã lấy được người mình yêu, và đó cũng là mối tình đầu. Vì công tác, anh Khang và tôi thường xa nhau. Nhưng tình nghĩa giữa chúng tôi đã giúp chúng tôi đứng vững và hoàn thành nhiệm vụ” [17, 28]. Có thể thấy, hồi ký không chỉ là chân dung tinh thần của một cá nhân mà còn là gương mặt văn hóa của một dân tộc.
Với tác giả Nguyễn Thị Bình, sự thu hút kỳ lạ của cuốn hồi ký này không nằm ở những dữ kiện lịch sử sống động và đan kết vào nhau như một mạng lưới dày đặc mà ẩn dưới bề sâu của những lớp thông tin ấy là ánh sáng rạng ngời của một trí tuệ thiên phú (luôn giải quyết được mọi tình huống khó khăn trong mỗi kỳ đàm phán hay các hoạt động ngoại giao), tầm nhìn xa đáng kinh ngạc (khi giải quyết những tồn đọng trong giáo dục, luật pháp ở nước ta những ngày hòa bình vừa lập lại), sức trẻ của một nhiệt huyết cống hiến không mệt mỏi (bà có thể ngồi đợi suốt đêm để đến lượt mình phát biểu trong cuộc đàm phán ở Pari)… Sự kết nối giữa lịch sử và cá nhân, giữa quá khứ và hiện tại, giữa những đau thương mất mát và những vun vén hạnh phúc…đều hiển lộ linh hoạt và nhịp nhàng qua những chi tiết chọn lọc, qua nhịp văn gọn gàng, chắc khỏe, qua giọng kể nhẹ nhàng và rất có duyên của người trần thuật xưng “tôi”. Bà đã nói thay khát vọng được cống hiến cho đất nước của thế hệ mình- “những người tham gia hai cuộc kháng chiến, sau đó trong 30 năm liên tục được sống và đóng góp cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt đầu xây dựng lại đất nước”; những người “đã hiểu thế nào là đau thương trong chiến tranh và gian khổ trong xây dựng hoà bình” [17, 290].
3.4. Sự hỗ trợ của mã nghệ thuật cho mã sự thật trong hồi ký của các tầng lớp khác
Sau năm 1975, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải tỏa từ hiện tại, tìm về quá khứ, hồi ký đã trở thành tiếng lòng, là khao khát thể hiện của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, thuộc những vị trí, nghề nghiệp, tuổi tác khác nhau. Trước kia, diễn ngôn về thời đại thường là đặc quyền của một bộ phận nhỏ những người có quyền chức hoặc những “ngôi sao sáng” trong các lĩnh vực khác nhau. Nhưng với sự cởi mở của ý thức hệ xã hội, sự đổi ngôi liên tục của những giá trị được định danh, vai trò chủ thể diễn ngôn được chuyển giao dần dần cho những người bình thường, thậm chí thấp kém trong xã hội (ngay cả một người tử tù, một cô gái điếm cũng có quyền được kể về cuộc đời mình…). Điều này đã làm số lượng hồi ký thế sự- đời tư tăng vọt và có không ít hồi ký đạt được giá trị nghệ thuật.
Nhà thơ Nga Eptusenko đã viết: Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời Mỗi số phận chứa một phần lịch sử Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?
(Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời, Bằng Việt dịch) Mỗi con người dù nổi tiếng hay tầm thường, dù vĩ đại hay bé nhỏ đều có tư cách ngang nhau trước lịch sử như những nhân chứng sống động. Điều mà nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh từng nghiêm khắc tự vấn mình “Viết hồi ký hay tự truyện phải là người có tư cách nhất định. Phải có một vai trò nào đó trong lịch sử, trong xã hội (…). Tôi không có đủ tư cách ấy” [83, 5] thực chất chỉ là một yêu cầu khắt khe nhằm đề cao trách nhiệm của người viết. Chúng tôi vẫn cho rằng, ở thời điểm đất nước đổi mới sôi nổi, mỗi sự gợi nhắc quá khứ đều đáng quý và đáng trân trọng. Bởi chưa cần xét đến yếu tố khác, chỉ riêng tính độc đáo của sự kết nối giữa sự kiện và cá nhân đã đủ trở thành bài học hấp dẫn cho ta.
Mã sự thật trong hồi ký thế sự- đời tư được thể hiện qua những dữ kiện cụ thể về cá nhân trên sự vận động nhất quán của mạch kể, kết cấu sự kiện hầu hết tuân theo trật tự tuyến tính, ngôn ngữ trần thuật mạch lạc, cấu trúc không gian- thời gian tương hợp. Nhằm tăng hiệu quả cho việc truyền tải sự thật, mã nghệ thuật được vận dụng nhuần nhuyễn thông qua những motip nghệ thuật đặc sắc, qua cách khai thác, sắp xếp các chi tiết đầy dụng ý và những phương thức biểu cảm khá đa dạng. Mỗi mảng khối của bức tranh xã hội đã được nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc thông qua hồi ức của những cá nhân đại diện (dù có những cá nhân chưa hẳn đã là người xuất sắc nhất trong thế hệ của mình nhưng họ là người dám phát ngôn và dám chịu trách nhiệm về ảnh hưởng của những phát ngôn đó). Nhiều lĩnh vực đời sống được quan tâm và thể hiện trong hồi ký như: chính trị, kinh tế, báo chí, giáo dục, khoa học kỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc…