6. Cấu trúc luận án
2.3.2. Sự tương hỗ của các biểu tượng
Bên cạnh những biểu tượng xuất hiện với tần suất lớn trong nhiều tác phẩm hồi ký thì ngay trong một tác phẩm, nhiều tác giả đã chủ ý xây dựng một hệ thống các biểu tượng nghệ thuật tương hỗ, phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, làm nổi bật ý đồ sáng tác. Với cách thức sắp đặt này, nhiều biểu tượng đã được cấp cho những ý nghĩa mới để phù hợp với trường nghĩa được gợi ra từ hệ thống hình tượng của tác phẩm cũng như tư duy sáng tạo của tác giả. Chúng tôi thử phân tích hai trường hợp tiêu biểu là hồi ký Một thời để mất (được ghép trong tập hồi ký Viết về bè bạn) của Bùi Ngọc Tấn và Tầm xuân của Đặng Anh Đào.
Trong phần hồi ký Một thời để mất, Bùi Ngọc Tấn đã sử dụng biểu tượng biển như một biểu tượng chủ đạo để hỗ trợ cho việc khắc họa tính cách, phẩm chất nhà văn Nguyên Hồng “Về Hải Phòng tôi đã gặp Nguyên Hồng, gặp biển” [151, 286]. Rõ ràng, biển không chỉ là một hình ảnh thiên nhiên gắn với mảnh đất quê hương của Nguyên Hồng mà trong thế sóng đôi, biểu tượng biển đã giúp người đọc hiểu rõ hơn những cá tính, khát vọng cũng như những ẩn ức trong sâu thẳm con người ông.
Biển trong văn hóa nhân loại thường biểu trưng cho “động thái sự sống”, “nơi của những cuộc sinh đẻ, những biến thái và những tái sinh” [21, 80]. Nguyên Hồng với quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, nhiệt huyết dường như đã tìm được sự đồng điệu trong những cuộn sóng không ngừng nghỉ của biển cả. Cùng với biểu tượng biển là một loạt các biểu tượng phù trợ như: biểu tượng giọt nước mắt của nhà văn2
(“Nguyên Hồng cười giàn giụa nước mắt” [151, 335]; “hai má Nguyên Hồng ướt đẫm nước mắt vì cười” [151, 385]; “chưa bao giờ tôi thấy Nguyên Hồng khóc nhiều như lần ấy” [151, 403]; “anh oà khóc”, “những giọt nước mắt mặn xót” [151, 448]) mang ý nghĩa về sự khổ đau và những bộc phát nội tâm không thể kìm giữ, biểu tượng bóng đêm (đêm tối xuất hiện nhiều lần
trong các sáng tác của Nguyên Hồng, những người bạn văn thích viết về đêm…) đều mang đến những dự cảm u ám cho thời đại mà Nguyên Hồng đang sống, cho số phận long đong của một nhà văn lớn trước những sóng gió cuộc đời… Và như thế, trong sự kết nối linh hoạt và mật thiết giữa các biểu tượng, hình tượng Nguyên Hồng đã được viền nổi một cách đậm nét và sinh động.
Hồi ký Tầm xuân của Đặng Anh Đào cũng lựa chọn biểu tượng
biển như những mảnh vỡ của kỷ niệm trở đi trở lại trong các mục 1, 7, 10, 18. Biển trong hồi ký của bà không mang ý nghĩa như trong hồi ký Bùi Ngọc Tấn mà gợi đến sự mơ mộng ấu thơ - khi chiếc “vành cánh” bạc lấp lánh bị vùi lấp dưới sóng biển, cũng có khi thấm đẫm những triết lý về được- mất và sự tồn tại của đời người “Nhìn lại ngày tháng của mình, hóa ra đó cũng chỉ là những viên tròn đơn điệu giống hệt nhau, thuỷ triều không xóa đi thì chân người cũng giẫm lên mà không để ý. Nhưng con dã tràng là tôi đây vẫn cứ vê những viên cát, hình như không thể làm việc khác một khi sống nhờ biển” [36, 160]. Mang ý nghĩa cho sự lãng mạn và chiều sâu suy tưởng, biểu tượng biển được cộng sinh cùng biểu tượng
hoa cỏ- tượng trưng cho tâm hồn và những khao khát của tuổi trẻ (ở các tiểu mục số 8, 11, 24, 31 trong hồi ký Tầm xuân), biểu tượng mùa thu-
tượng trưng cho úa tàn, lãng đãng và có khi là sự chiến thắng (ở các tiểu mục 7, 19, 26). Có thể nói, bằng hệ thống biểu tượng trên, Đặng Anh Đào đã thành công khi phục dựng lại không khí của những ngày tháng cũ, thể hiện đúng tinh thần mà bà muốn gửi gắm khi bắt tay vào viết hồi ký: “Quá khứ là nơi chôn vùi những gì đã một đi không trở lại. Thế nhưng sức mạnh của hồi ức chính là: quá khứ không phải là một cái nghĩa địa. Khi đi qua đó, ta chỉ thấy những gì trẻ trung, sống động…” [36, 6].
Như vậy, dòng ký ức trong các trang hồi ký là sự đan cài, kết tinh của tầng lớp các biểu tượng nghệ thuật vừa tương liên, vừa độc lập, vừa thống nhất lại vừa lan tỏa. Là một giai đoạn của hành trình phục hiện ký
ức, các biểu tượng trong hồi ký đã góp phần mang đến những hiệu ứng thẩm mỹ độc đáo. Người đọc không chỉ được tiếp nhận sự tái sinh của quá khứ qua những trang viết mang sức mạnh của sự thật mà hơn thế còn được phát huy vai trò của người đồng sáng tạo để suy ngẫm, tìm tòi về những ý nghĩa biểu trưng của các hình tượng. Tuy nhiên, các biểu tượng trong hồi ký chỉ thực sự biến thành một thế giới nghệ thuật sống động khi có sự hỗ trợ của trí tưởng tượng ảo diệu và phong phú. Chính nhờ tưởng tượng, mỗi tác phẩm hồi ký đã thể hiện hiệu quả vai trò của hư cấu, sáng tạo và mang tính “truyện” rất rõ.
2.4. Sự hỗ trợ của trí tƣởng tƣợng trong quá trình hoài niệm
Tưởng tượng là “quá trình tâm lý phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sở biểu tượng đã có” [153, 55]. Tưởng tượng cần thiết cho mọi hoạt động của con người bởi “nó cho phép con người hình dung được kết quả trung gian và kết quả cuối cùng của mọi hoạt động” [153, 55]. Trong văn học nói chung và hồi ký nói riêng, tưởng tượng có vai trò quan trọng, là tiền đề và điều kiện của sự hư cấu nghệ thuật.
2.4.1. Vai trò của tưởng tượng và vấn đề hư cấu trong hồi ký
Trong hoạt động sáng tạo văn học, tưởng tượng đóng vai trò quan trọng như một công đoạn cuối cùng của tư duy nghệ thuật. M. Gorki đã nhấn mạnh dấu ấn của tưởng tượng một cách rõ nét: “Tưởng tượng là một trong những biện pháp quan trọng nhất của kỹ thuật văn học trong việc xây dựng hình tượng… Tưởng tượng kết thúc quá trình nghiên cứu, chọn lọc tài liệu và thể hiện các tài liệu thành một điển hình xã hội sinh động có ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực. Chính nhờ có sức mạnh của khả năng tưởng tượng phát triển tốt, một nhà văn có tài nhiều khi đạt được hiệu quả là các nhân vật được nhà văn miêu tả hiện hình trước bạn đọc rõ ràng, sâu sắc, đậm nét, hài hòa về tâm lý và vẹn toàn hơn…” [Dẫn theo Trần Khánh Thành- 153, 55]. Nếu không có trí tưởng tượng, mọi hoạt động
sáng tạo đều sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán, các văn bản sẽ giống như những bản photocopy nhạt nhẽo và vô hồn của đời sống. Trí nhớ chỉ cung cấp cho nhà văn các chất liệu và các biểu tượng còn tưởng tượng sẽ giúp tổng hợp, chọn lọc, tái tạo các hình tượng, nhiều khi còn thêm vào những chất liệu hoàn toàn chưa có trước đó để làm nên một thế giới nghệ thuật sinh động, mới mẻ. Các tác giả đi suốt chiều dài của lịch sử văn học đã chứng kiến và trải nghiệm nhiều cách thức tưởng tượng với những cấp độ và sắc thái khác nhau: tưởng tượng hoang đường, tưởng tượng bằng hình thức nhân hóa, nhập thân và tưởng tượng, tưởng tượng về cái có thật...
Có thể chỉ ra đặc điểm cơ bản của các hình thức tưởng tượng.
Tưởng tượng hoang đường xuất hiện trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của lịch sử loài người khi tư duy nghệ thuật còn hết sức thô sơ và đơn giản, con người đặt niềm tin tuyệt đối vào những thế lực siêu nhiên hay những sức mạnh thần bí nhuốm màu tôn giáo. Tưởng tượng có khuynh hướng vươn tới cái kỳ diệu, khác thường, phá vỡ những trật tự logic thông thường để mở rộng các chiều kích giả tưởng đến vô hạn. Tưởng tượng bằng hình thức nhân hóa cũng có khởi nguồn từ quan niệm “vạn vật hữu linh” ở thủa sơ khai của nhân loại, dùng những tính cách và tâm trạng của con người để gán cho thế giới tự nhiên từ đó tạo nên sự đồng điệu sâu sắc giữa con người với muôn loài. Cách thức tưởng tượng này vẫn được nhiều nhà văn hiện đại sử dụng như một cách tiếp cận thế giới đầy mới mẻ và sinh động. Nhập thân và tưởng tượng là cách nhà văn nhập thân vào từng nhân vật để tự trải nghiệm, quan sát và miêu tả với một trạng thái tập trung cao độ. Đây là hiện tượng tâm lý phổ biến trong quá trình sáng tạo của các nhà văn nói riêng và các nghệ sĩ nói chung. Tưởng tượng về cái có thật là quá trình nhà văn xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật điển hình bằng cách tổ hợp lại từ các chất liệu hiện thực và thêm vào đó tưởng tượng hư cấu làm cho hình tượng này vừa độc đáo lại vừa quen thuộc. Có thể nói, mỗi cấp độ của tưởng tượng lại có những ưu thế
và khó khăn riêng trong quá trình triển khai ở từng tác phẩm, phụ thuộc vào ý đồ và năng lực của mỗi tác giả3
. Một tác phẩm cũng có thể sử dụng nhiều cấp độ tưởng tượng khác nhau.
Quá trình phục dựng ký ức trong hồi ký là một hành trình không hề đơn giản và dễ dàng. Chưa nói đến sự lùi xa của các cột mốc thời gian khiến con người vô cùng khó khăn khi cố gắng tái hiện lại mọi dư ảnh của quá khứ mà ngay trong những sự kiện tưởng chừng như mới xảy ra, mỗi giây mỗi phút trôi qua đã có thể khiến mọi đường nét, âm thanh, màu sắc còn lưu lại trong trí óc ta hoàn toàn không còn nguyên trạng như ta đã từng chứng kiến. Nói như nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh: “Thực ra ký ức con người rất lạ, trong khi ta nghĩ đã lưu giữ năm này qua năm khác một hình ảnh chính xác, thì nó vẫn đã biến đổi theo cùng với thời gian” [57, 43]. Ý thức nhiều khi không thể phản ánh đầy đủ và kịp thời mọi sự vật trong thế giới vật chất. Dù cốt lõi của hồi ký là tái hiện sự thật thì thế giới mà người nghệ sĩ dựng lên trong tác phẩm vẫn chỉ là “ảnh ảo” của dòng ký ức4, đồng nghĩa với việc họ luôn phải vin nhờ vào đôi cánh của trí tưởng tượng để đắp đầy quá khứ trong giới hạn của sự trung thực.
2.4.2. Một số hình thức của tưởng tượng trong hồi ký
Có thể nói, bản chất của tưởng tượng trong hồi ký không phải là sự bịa đặt, thêm thắt những cái siêu thực hay tạo ra những thứ hoàn toàn lạ lẫm mà là quá trình tổng hợp, khái quát hóa các biểu tượng đã có đồng thời bổ sung thêm các dữ kiện hợp lý dựa trên chiều hướng phát triển của tư duy, cảm xúc, các trạng huống tinh thần của người viết, giúp cho hồi ức thăng hoa và hiển lộ rõ nét hơn, sinh động hơn. Hồi ký thường sử dụng một số hình thức tưởng tượng như: nhập thân và tưởng tượng hay tưởng tượng về cái có thật.
3 Xem thêm Trần Khánh Thành (2015), Giáo trình Tâm lý học sáng tạo văn học, tr.57-64..
4
Đặng Anh Đào đã viết rất dí dỏm: “Trẻ con bây giờ ngồi trước máy tính để giam mình vào một thế giới ảo. Còn tôi, với bộ nhớ trong đầu, thỉnh thoảng tôi tự đưa mình thoát ra một thế giới ảo khác…”
Nhập thân và tưởng tượng là cách thức được sử dụng rất nhiều trong hồi ký, đặc biệt là hồi ký văn học. Thông qua việc nhập thân vào những số phận khác nhau, các tác giả hồi ký đã mang đến những bức chân dung rõ nét đến từng chi tiết, khiến cho hồi ký dù viết về người khác vẫn sống động và chân thực như đang viết về chính bản thân tác giả.
Anh Thơ trong Tiếng chim tu hú đã để cho trí tưởng tượng dõi theo bước chân những người lính chiến để hình dung mọi nỗi vất vả đoạn trường, qua đó càng thương hơn sự hi sinh thầm lặng mà to lớn của anh em: “Tôi thấy thương anh em quá. Đêm còn phải nhịn đói hành quân dưới sương lạnh như thế. Tự liên hệ công việc mình, dù có vất vả, nhưng so với dân quân, có thấm vào đâu hết nỗi nhọc nhằn? Rồi họ ra đi có còn trở lại hay không?” [163, 31]. Tô Hoài trong Cát bụi chân ai thể hiện sự đồng điệu tột cùng với những người bạn của mình qua những trải nghiệm sống động và chân thực: lúc ngơ ngác, “thẫn thờ” trong nỗi đau mất con cùng Nguyễn Bính; lúc tức tưởi, uất ức theo những dòng “nước mắt ròng ròng” của Nguyên Hồng khi gặp biến cố; lúc lại “mê mẩn”, rung động như chính Xuân Diệu qua những cái nắm tay đầy ẩn ý… Còn với Phùng Quán, trong những giây phút đối diện với người cậu Tố Hữu, đã dùng năng lực giao cảm đặc biệt của mình để nhìn thấu tâm tư của một người nghệ sĩ tài năng và thấm thía nỗi niềm của những ước nguyện dang dở: “Nhà thơ ngồi yên lặng một lúc lâu. Ánh mắt nhà thơ trở nên tĩnh lặng thâm trầm như mặt vực nước của một dòng suối lớn lắng lại sau khi chảy qua bao ghềnh thác…”; “mắt tôi tự dưng mờ lệ, lòng quặn thắt cảm thương” [139, 21]. Có lẽ, trong những trạng huống đặc biệt này, trí tưởng tượng đã phát huy vai trò tối đa nhờ sự hỗ trợ của tình thương, lòng bao dung, nhân ái...
Trong hồi ký cách mạng, những người cựu chiến binh tái hiện lại bao nỗi đau của anh em đồng đội trong chiến đấu như nói về nỗi đau của chính mình. Ký ức chiến tranh của Vương Khả Sơn gây ám ảnh qua từng
câu chữ “Họ đi như người mất hồn vì không còn đơn vị để trở về nữa” [143, 262]. Chỉ một câu miêu tả tưởng chừng lạnh lùng mà ta đọc trong đó biết bao đồng điệu, cảm thương sâu sắc. Có những vị tướng đã ghé xuống những mảnh đời nhỏ bé của những binh lính, chiến sĩ để không ngừng suy tưởng, mường tượng về tương lai của họ- cũng là của chính mình- khi chiến tranh khép lại và một thời đại mới đang mở ra: “Số phận của những người đồng đội, sau hai cuộc chiến đấu trường kỳ, ở thế kỷ 21 ra sao, một khi đã tản mát về bốn phương trời? Trong khoảng bấy nhiêu năm, âm vang của họ giống như những viên sỏi ném xuống mặt nước, lúc đầu lan tỏa thành những vòng tròn đậm và dày, sau càng thưa, càng mờ” [145, 246]. Mượn lời hồi ký, Đặng Anh Đào đã nói hộ chồng những băn khoăn, day dứt khi nghĩ về thân phận đồng đội. Hình ảnh so sánh mang màu sắc đậm nét của tưởng tượng đã nhắc nhớ những người đang sống về kết cục đắng cay của những người đã khuất.
Tưởng tượng về cái có thật là một phương thức thú vị và thường được các tác giả sử dụng trong hồi ký để làm mới, làm đầy quá khứ thông qua kỹ thuật lắp ghép, bổ sung những dữ kiện khác nhau trên nền một hiện tượng đã mờ xa.
Đặng Thị Hạnh nhiều lần miêu tả những hình ảnh trong ký ức bằng cách chồng lấp lên một vật thể có thật, những ấn tượng có phần siêu thực nhưng rất hợp logic với tư duy và trình độ học vấn của bà: “Nhiều năm sau đó đôi lúc tôi phân vân tự hỏi, không hiểu tầm vóc cây mít to lớn dường vậy có phải do tôi chồng lên nó, hình ảnh một cây khác rất to tôi đã thấy trong bức tranh của hoạ sĩ Pháp Corot, Kỉ niệm về Mortefontaine
(…) [57, 43]; Những con chim ông cụ tôi thường thấy đứng cạnh các ngôi mộ ở cánh đồng làng Quỳnh (…) sở dĩ to như vậy có phải chỉ vì tôi đã chồng lên đấy, hình ảnh các tượng chim vùng Lưỡng Hà, mình người đầu chim, tôi hay xem thấy trong từ điển Larousse không?” [57, 44]. Ở đoạn văn trên, các hình ảnh được gạch chân có lẽ chỉ xuất hiện trong trí