6. Cấu trúc luận án
2.2.1. Nhu cầu hồi cố của lớp người cao tuổi
Từ trước đến nay, hồi ký luôn được coi là mảnh đất dành cho người già, những người đã nếm trải hết “hỉ, nộ, ái, ố” của đời sống, những người đã lui về hậu trường của “sân khấu cuộc đời” để bình thản ngẫm về mọi biến thiên dâu bể. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hầu như các tác giả hồi ký đều là những người đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”. Nhiều tác giả đã kể về cái mốc thời gian đặc biệt của hiện tại đưa họ đến với việc viết hồi ký. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhắc đến thời gian bà bắt đầu viết hồi ký như sau: “Tôi bắt đầu viết
1 Xem thêm Tâm lý học sáng tạo của Arnaudov, trang 155, 156: một nhà tâm lý học kể lại câu chuyện về một người bán sách đang đi trên phố bỗng nhớ lại quang cảnh Luân Đôn mà nhiều năm trước anh ta từng đến, sau đó anh ta ngửi thấy mùi khói thuốc mà anh ta từng hút ở Anh, cuối cùng anh mới phát hiện ra có một người đi trước đang hút chính thứ thuốc lá ấy… Rõ ràng, sức mạnh của tiềm thức và ký ức vô cùng to lớn, đến với con người trước cả khi người ấy nhận ra lý do vì sao lại xuất hiện chúng.
những dòng hồi ký này từ năm 2007, khi tôi vừa đúng 80 tuổi…” [17, 290]. Trong lời mở đầu cuốn Hồi ký thượng tướng Phùng Thế Tài- Trọn một đời đi theo Bác, vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không- không quân Việt Nam (1963-1967) đã tâm sự: “Chỉ còn hai năm nữa tôi sẽ bước vào tuổi chín mươi với tròn bảy mươi năm tuổi Đảng. Ngày rời thế giới này để đi theo Bác Hồ chắc không còn xa nữa… Chính vì vậy mà tôi có ý định kể hết những gì còn lại trong suốt quãng đường bảy mươi năm theo Bác, theo Đảng với nhiều cương vị khác nhau, được tham gia vào những chuyện sống để bụng chết mang đi…” [90, 9]. Còn nhà văn Bùi Ngọc Tấn thì viết: “Hồi còn trẻ, đọc những hồi ký của các nhà văn lớn viết về mình, viết về nhau, về cuộc đời văn chương của họ, tôi cứ ao ước đến khi nào già (còn lâu lắm!) cũng sẽ viết hồi ký về bản thân, về bè bạn. Đến lúc ấy hẳn sẽ có bao nhiêu chuyện để kể và cánh trẻ hẳn sẽ thích thú khi đọc mình như bây giờ mình mê đi khi đọc hồi ký của các bậc lão trượng. Thời ấy viết hồi ký phải có hai điều kiện: Một là phải già (…), Hai, phải là những cây đa cây đề (…)” [151, 5]. Thi sĩ Hoàng Cầm tự bạch: “Khi con người được trời cho sống quá tuổi 70, thường hay nhớ về ngày xưa… và giữ được cái thanh thản”. Rõ ràng, một loạt hồi ký của các tướng lĩnh, các nhà văn tên tuổi cùng các tác giả không chuyên ở những vị trí xã hội khác nhau đều là sản phẩm của những sự trải nghiệm thấm thía cả đời người (ở vào thời điểm con người biết sự sống của mình đã không còn bao lâu nữa).
Có những người tìm đến hồi ký như một nhu cầu khởi phát tự trong lòng như nhà văn lão thành Ma Văn Kháng: “…ngoài 70 rỗi rãi, ngoài việc trông nom bảo ban mấy đứa cháu nội, ngoại thì thủng thẳng nhớ lại và đủng đỉnh ghi chép những chuyện đã qua của đời mình, nghĩ cũng có thể là việc có thể làm được và nên làm” [84, 432]. Nhưng cũng có một số người có cơ duyên với hồi ký từ sự gợi ý và những lời đề nghị của người thân, bạn bè… Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai kể câu chuyện thú vị thời
còn trẻ: hồi ông 26 tuổi, một số học trò có đề nghị ông viết hồi ký vì “thấy nhiều câu chuyện thầy kể rất hay” nhưng ông buột miệng trả lời “Viết hồi ký ấy à? Đến năm sáu mươi lăm tuổi mình sẽ bắt đầu viết” và từ đó như một món nợ của quá khứ, nhất là từ ngày ông bước vào tuổi sáu lăm, lời hẹn viết hồi ký đã thúc giục ông phải viết [107, 18]. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn luôn tự coi mình là người “thất bại” và không có ý định viết hồi ký về bản thân mình cũng như “không thích đào bới những người đã nằm yên dưới mộ” [151, 265] nhưng rồi đã xiêu lòng trước những lời “xúi giục” của bạn bè và hồi ký Viết về bè bạn đã ra đời. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh cũng đầy ngập ngừng trước khi “mở toang” cánh cửa của số phận: “Gợi ý của bạn bè nếu có thể suy nghĩ mà viết thành tiểu thuyết thì mới hay. Nhưng dù là tiểu thuyết phong tục hay tiểu thuyết luận đề cũng chỉ có thể đi sâu vào một mặt. Mà tôi lại không có khả năng sáng tác. Vậy thì đành bằng lòng ôn lại cuộc đời mình theo cách tường thuật giản đơn” [83, 6].
Dù đến với hồi ký bằng cách nào đi nữa thì mỗi tác phẩm ra đời luôn là nơi gửi gắm trọn vẹn những tâm nguyện tốt đẹp của người viết, nơi mỗi người có thể tạm quên những bộn bề của hiện tại để ngược dòng quá khứ, trở về với những hoài niệm, dù chỉ là tìm lại chút dư ảnh xa xôi của một thời đã mất.