Một số hình thức của tưởng tượng trong hồi ký

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 72 - 77)

6. Cấu trúc luận án

2.4.2. Một số hình thức của tưởng tượng trong hồi ký

Có thể nói, bản chất của tưởng tượng trong hồi ký không phải là sự bịa đặt, thêm thắt những cái siêu thực hay tạo ra những thứ hoàn toàn lạ lẫm mà là quá trình tổng hợp, khái quát hóa các biểu tượng đã có đồng thời bổ sung thêm các dữ kiện hợp lý dựa trên chiều hướng phát triển của tư duy, cảm xúc, các trạng huống tinh thần của người viết, giúp cho hồi ức thăng hoa và hiển lộ rõ nét hơn, sinh động hơn. Hồi ký thường sử dụng một số hình thức tưởng tượng như: nhập thân và tưởng tượng hay tưởng tượng về cái có thật.

3 Xem thêm Trần Khánh Thành (2015), Giáo trình Tâm lý học sáng tạo văn học, tr.57-64..

4

Đặng Anh Đào đã viết rất dí dỏm: “Trẻ con bây giờ ngồi trước máy tính để giam mình vào một thế giới ảo. Còn tôi, với bộ nhớ trong đầu, thỉnh thoảng tôi tự đưa mình thoát ra một thế giới ảo khác…”

Nhập thân và tưởng tượng là cách thức được sử dụng rất nhiều trong hồi ký, đặc biệt là hồi ký văn học. Thông qua việc nhập thân vào những số phận khác nhau, các tác giả hồi ký đã mang đến những bức chân dung rõ nét đến từng chi tiết, khiến cho hồi ký dù viết về người khác vẫn sống động và chân thực như đang viết về chính bản thân tác giả.

Anh Thơ trong Tiếng chim tu hú đã để cho trí tưởng tượng dõi theo bước chân những người lính chiến để hình dung mọi nỗi vất vả đoạn trường, qua đó càng thương hơn sự hi sinh thầm lặng mà to lớn của anh em: “Tôi thấy thương anh em quá. Đêm còn phải nhịn đói hành quân dưới sương lạnh như thế. Tự liên hệ công việc mình, dù có vất vả, nhưng so với dân quân, có thấm vào đâu hết nỗi nhọc nhằn? Rồi họ ra đi có còn trở lại hay không?” [163, 31]. Tô Hoài trong Cát bụi chân ai thể hiện sự đồng điệu tột cùng với những người bạn của mình qua những trải nghiệm sống động và chân thực: lúc ngơ ngác, “thẫn thờ” trong nỗi đau mất con cùng Nguyễn Bính; lúc tức tưởi, uất ức theo những dòng “nước mắt ròng ròng” của Nguyên Hồng khi gặp biến cố; lúc lại “mê mẩn”, rung động như chính Xuân Diệu qua những cái nắm tay đầy ẩn ý… Còn với Phùng Quán, trong những giây phút đối diện với người cậu Tố Hữu, đã dùng năng lực giao cảm đặc biệt của mình để nhìn thấu tâm tư của một người nghệ sĩ tài năng và thấm thía nỗi niềm của những ước nguyện dang dở: “Nhà thơ ngồi yên lặng một lúc lâu. Ánh mắt nhà thơ trở nên tĩnh lặng thâm trầm như mặt vực nước của một dòng suối lớn lắng lại sau khi chảy qua bao ghềnh thác…”; “mắt tôi tự dưng mờ lệ, lòng quặn thắt cảm thương” [139, 21]. Có lẽ, trong những trạng huống đặc biệt này, trí tưởng tượng đã phát huy vai trò tối đa nhờ sự hỗ trợ của tình thương, lòng bao dung, nhân ái...

Trong hồi ký cách mạng, những người cựu chiến binh tái hiện lại bao nỗi đau của anh em đồng đội trong chiến đấu như nói về nỗi đau của chính mình. Ký ức chiến tranh của Vương Khả Sơn gây ám ảnh qua từng

câu chữ “Họ đi như người mất hồn vì không còn đơn vị để trở về nữa” [143, 262]. Chỉ một câu miêu tả tưởng chừng lạnh lùng mà ta đọc trong đó biết bao đồng điệu, cảm thương sâu sắc. Có những vị tướng đã ghé xuống những mảnh đời nhỏ bé của những binh lính, chiến sĩ để không ngừng suy tưởng, mường tượng về tương lai của họ- cũng là của chính mình- khi chiến tranh khép lại và một thời đại mới đang mở ra: “Số phận của những người đồng đội, sau hai cuộc chiến đấu trường kỳ, ở thế kỷ 21 ra sao, một khi đã tản mát về bốn phương trời? Trong khoảng bấy nhiêu năm, âm vang của họ giống như những viên sỏi ném xuống mặt nước, lúc đầu lan tỏa thành những vòng tròn đậm và dày, sau càng thưa, càng mờ” [145, 246]. Mượn lời hồi ký, Đặng Anh Đào đã nói hộ chồng những băn khoăn, day dứt khi nghĩ về thân phận đồng đội. Hình ảnh so sánh mang màu sắc đậm nét của tưởng tượng đã nhắc nhớ những người đang sống về kết cục đắng cay của những người đã khuất.

Tưởng tượng về cái có thật là một phương thức thú vị và thường được các tác giả sử dụng trong hồi ký để làm mới, làm đầy quá khứ thông qua kỹ thuật lắp ghép, bổ sung những dữ kiện khác nhau trên nền một hiện tượng đã mờ xa.

Đặng Thị Hạnh nhiều lần miêu tả những hình ảnh trong ký ức bằng cách chồng lấp lên một vật thể có thật, những ấn tượng có phần siêu thực nhưng rất hợp logic với tư duy và trình độ học vấn của bà: “Nhiều năm sau đó đôi lúc tôi phân vân tự hỏi, không hiểu tầm vóc cây mít to lớn dường vậy có phải do tôi chồng lên nó, hình ảnh một cây khác rất to tôi đã thấy trong bức tranh của hoạ sĩ Pháp Corot, Kỉ niệm về Mortefontaine

(…) [57, 43]; Những con chim ông cụ tôi thường thấy đứng cạnh các ngôi mộ ở cánh đồng làng Quỳnh (…) sở dĩ to như vậy có phải chỉ vì tôi đã chồng lên đấy, hình ảnh các tượng chim vùng Lưỡng Hà, mình người đầu chim, tôi hay xem thấy trong từ điển Larousse không?” [57, 44]. Ở đoạn văn trên, các hình ảnh được gạch chân có lẽ chỉ xuất hiện trong trí

tưởng của những người có kiến thức về văn hóa châu Âu. Có thể nói, tưởng tượng thực chất là sản phẩm của trí tuệ, của những dồn nén tinh thần trong những trạng huống đặc biệt.

Huy Cận khi viết về quê hương, xứ sở của mình lại có một cách tưởng tượng khác. Ông chủ đích xâu chuỗi một loạt sự kiện giống nhau thành tập hợp ký ức pha trộn những nhớ nhung, nuối tiếc của kỷ niệm với ước vọng làm mới quá khứ. Dòng liên tưởng phong phú đã giúp nhà thơ bắt mạch ký ức theo những chủ điểm gần gũi với nhau và làm tăng hiệu quả tối đa của cấu trúc hồi ức (các cụm từ đã được gạch chân trong đoạn văn sau đây thể hiện hình thức liên kết theo kiểu móc xích): “Khi kiệu thần đi qua xóm tôi, mọi người đổ xô ra xem. Đối với tôi, lúc đó khoảng 6-7 tuổi là một sự khám phá kỳ diệu [,9]; tôi lại nhớ những lần theo cha tôi lên đình Trung, trên một ngọn đồi thấp, dự những buổi tế thần Thành hoàng của xã; Đêm tiến thường ở đình Trung khói hương nghi ngút, đèn nến lấp lánh như sao (…). Tôi cũng theo chú tôi ngủ tại đình, giấc ngủ chập chờn, mỗi lúc thức dậy lại thấy các ngựa, voi trong tranh như đang đi dồn dập trong một đám rước” [19, 11].

Tô Hoài chỉ bằng vài nét so sánh (phần gạch chân trong đoạn văn) đã có thể khắc chạm được thần thái của một lão nông tri điền khắc khổ, hiện thân của những giá trị bền vững, không thể lay chuyển, bất chấp sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian: “Ông Ngải đấy, ông Ngải tựa lưng vào bờ tre, hai chân duỗi(…). Một bức tranh tĩnh vật: chân tường, mặt đất, một búi tre lưa thưa, một ông lão không có tuổi, một chuôm nước cạn. Pho tượng Phật gầy giơ xương trên chùa Tây Phương, đấy là ông Ngải” [67, 504].

Ma Văn Kháng dùng thủ pháp liên tưởng trùng điệp để gợi nhớ về một địa danh từng đến trong niềm nhớ thương và nhiệt hứng dâng tràn, khiến những địa điểm vô tri trở thành miền kỷ niệm- miền yêu thương- miền nghệ thuật: “Ôi, Lào Cai! Lào Cai trong câu ca dao buồn tênh ai oán

“Ai đưa tôi đến chốn này. Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai”… Lào Cai, thị trấn địa đầu Tổ quốc, cửa khẩu thông thương sầm uất có từ thế kỷ XIX (…). Lào Cai phảng phất trong trí tưởng tượng của tôi từ những câu chuyện đường rừng của Thế Lữ, Lan Khai, trong cả những cuốn Sách Hồng, ở tủ sách Truyền bá quốc ngữ mà tôi đã được học từ hồi ấu thơ. Lào Cai, trong hoài niệm man mác gợi nên từ những trang văn trong tiểu thuyết Những cảnh khốn nạn của Nguyễn Công Hoan…” [84, 53].

Như vậy, bằng những cách thức tưởng tượng khác nhau, dòng hoài niệm trong hồi ký đã được tái hiện vừa chân thực, vừa hấp dẫn. Dưới ngòi bút tài hoa và tư duy sắc bén của các nghệ sĩ, tưởng tượng với “quyền năng” của nó đã dọn đường cho hư cấu trong hồi ký, để mỗi tác phẩm vượt xa cái khung đơn điệu của sự thật, hướng đến những giá trị thẩm mỹ đích thực.

Tiểu kết chƣơng 2

Tóm lại, ký ức có vai trò nổi bật trong sự tồn tại của con người và quá trình sáng tạo nói chung. Trong hồi ký, cơ chế hoạt động của ký ức tạo nên sự sàng lọc và tạo nên giới hạn cho sự phản ánh sự thật. Hành trình tái hiện sự thật trong quá khứ là hành trình phục hiện những trầm tích của ký ức với những giai đoạn tâm lý đặc thù: sự câu thúc từ thực tại, sự lắng đọng của các biểu tượng và sự đắp đầy của trí tưởng tượng. Bước đầu tiên, ký ức được gọi về với những lý do khác nhau từ hiện tại. Bước thứ hai, những dòng hồi ức rời rạc sẽ được tập hợp lại thành các biểu tượng mang nhiều hình vẻ và ý nghĩa. Bước cuối trong quá trình hoàn thiện ký ức là sự hỗ trợ của tưởng tượng với những hình thức khác nhau, giúp người đọc có cơ hội tiếp cận sự thật dưới những góc chiếu tươi mới hơn. Sự tồn tại của ký ức tạo nên những khác biệt cơ bản giữa hồi ký và các thể loại ký khác.

CHƢƠNG 3

DIỄN NGÔN VỀ SỰ THẬT TRONG HỒI KÝ SAU 1975

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)