Nghệ thuật xây dựng nhân vật có độ dư

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 141 - 144)

6. Cấu trúc luận án

4.2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật có độ dư

Nhân vật là linh hồn của một tác phẩm, thể hiện rõ nhất tư tưởng và tài năng của người sáng tác. Trong tiểu thuyết, ưu điểm về trường tiếp xúc với hiện tại giúp nhà văn luôn khám phá con người trong sự vận động, biến đổi, thậm chí có xu hướng bộc lộ những “phần dư nhân tính” (theo chữ dùng của Bakhtin). Nhân vật của tiểu thuyết với sự hoà trộn tuyệt vời giữa tính khái quát và tính cá thể sẽ làm nên những điển hình nghệ thuật nhiều khi còn “thật” hơn cả con người thật ngoài đời. Ngược lại, trong hồi ký truyền thống, sự tái hiện thế giới, sự kiện, con người từ cái nhìn ngược về quá khứ khiến các nhân vật dường như đều mang tính bất biến và bình ổn, không có sự phá cách. Nhưng càng ngày, với việc hấp thụ chất tiểu thuyết vào các tác phẩm hồi ký, các tác giả đã mở rộng biên độ phản ánh, sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để xây dựng nên những nhân vật suy nghiệm, luôn trong quá trình tự vấn bản thân, luôn có những phát triển bất ngờ trong cá tính cũng như không bao giờ bị đóng

khung trong một khuôn mẫu chật hẹp của sự thật. Tất nhiên, sự sáng tạo trong cách xây dựng nhân vật trong hồi ký vẫn luôn phải đảm bảo nguyên tắc bám sát người thật việc thật, người viết hồi ký vì thế phải biết “chọn lọc trong hàng đống chi tiết của cuộc sống những chi tiết vừa sinh động lại vừa tiêu biểu, những chi tiết đắt nhất, để tái tạo thành hình tượng điển hình” [115, 562].

Trung tâm của hồi ký thời kỳ này vẫn là nhân vật xưng “tôi”- hình tượng nghệ thuật của một tác giả cụ thể với tên tuổi, tính cách đã được xác tín ngoài đời thực nhưng không bao giờ trùng khít hoàn toàn với con người bằng xương bằng thịt phía ngoài trang sách. Giờ đây, nhiều tác giả viết hồi ký không hẳn chỉ để kể lại những bí mật đã qua nhằm thoả mãn trí tò mò của độc giả. Hơn lúc nào hết, khi đã trải qua một thời gian đủ dài để tĩnh tâm nhìn sâu vào quá khứ, khi thời cuộc cho họ cơ hội để phát ngôn một cách trung thực và thẳng thắn, họ đều muốn lật tẩy lại bản ngã của chính mình trong những năm tháng xa xôi ấy, muốn một lần nữa sống lại những cảm giác buồn vui, đau khổ, hạnh phúc như thể đang tham gia vào bộ phim mà chính họ vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên- dù biết trước mọi tình tiết của kịch bản, nhưng vẫn ngập tràn trong những nếm trải và hân hoan vô bờ. Con người đối diện với quá khứ không chỉ bằng sự tỉnh táo suy ngẫm của thời hiện tại mà còn gửi gắm vào đó biết bao tâm tư rung động, những khao khát mơ hồ, những níu giữ vội vàng và cả những ước vọng đến tương lai.

Ta nhìn thấy một Tô Hoài thẳng thắn đến mức sỗ sàng (đôi khi văng tục trên trang sách), tình nghĩa đến mức hơi bi lụy (khi chứng kiến những nỗi đau của các bạn văn), là con người mang dục tính như bất kỳ ai (khi bị kéo vào cuộc làm tình vụng trộm với Xuân Diệu) trong loạt hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Những gương mặt- chân dung văn học…, hoàn toàn khác với hình ảnh người đảng viên lạnh lùng, mẫu mực- cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam, một nhà văn trong ban lãnh đạo tư

tưởng văn nghệ của đảng và Hội Nhà Văn Việt Nam… Đó là một Tô Hoài không lúc nào thôi cật vấn mình trong những trang hồi ký, một Tô Hoài đầy những mâu thuẫn và trăn trở, tự khinh khi chính bản thân qua lời quở mắng của bạn bè: “Thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt!”

(Như Phong), “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không.” (Nguyên Hồng), “Mồm nói thế này, bụng lại nghĩ khác. Thằng cơ hội!” (Nguyễn Tuân). Không chỉ có Tô Hoài, nhờ hồi ký, người đọc đã khám phá ra nhiều tác giả khác, qua những lời “trung thực đến đáy”, qua những chi tiết đắt giá đã vô tình hay cố ý hé lộ cho ta nhìn thấu những bản thể thú vị và đầy phức tạp của họ. Một Anh Thơ mạnh mẽ, chân tình, dễ dàng thích nghi và vượt lên trên mọi hoàn cảnh trong bộ ba hồi ký Bên dòng chia cắt, Từ bến sông ThươngTiếng chim tu , khác với hình tượng tác giả nữ tính, mềm mại như một ngọn gió xuân. Một Vũ Bão hiện ra trong Rễ bèo chân sóng như một hình mẫu của sự thâm trầm, lịch duyệt, một người có năng lực quan sát tinh nhạy, luôn điềm tĩnh vượt lên mọi thử thách, trái ngược với hình dung về một nhà văn, nhà báo sôi nổi ngoài đời thực. Một Bùi Ngọc Tấn rất xông xáo, mạnh mẽ và phóng khoáng qua những trang tiểu thuyết và phóng sự lại hiện lên trong những dòng hồi ức Viết về bè bạn với một thái độ e dè, khiêm nhường, tự coi mình chỉ là “cây gai, cây ké bên lề đường văn học”. Một Đặng Anh Đào bác học, nghiêm cẩn trong những công trình nghiên cứu, dịch thuật lại là một người đàn bà giản dị, hóm hỉnh và đầy sức hút trong hồi ký Tầm xuân. Một Nguyễn Thị Bình mạnh mẽ, quyết đoán trên chính trường nhưng trong hồi ký lại hiện lên như một người phụ nữ nhỏ bé, mềm mại, mang cốt cách điển hình của người phụ nữ Việt Nam… Tất cả các tác giả như được sống một cuộc đời khác- chân thực hơn, gần gũi hơn, sống động hơn những gì mà độc giả vẫn hình dung về họ. Và nhìn từ góc độ nào đó, hồi ký chính là nơi để họ khám phá lại bản thể phức tạp, đầy những góc khuất, đầy những dở dang, chưa trọn vẹn của chính mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 141 - 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)