Những biểu tượng nổi bật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 58 - 68)

6. Cấu trúc luận án

2.3.1. Những biểu tượng nổi bật

Trong quan niệm quen thuộc, biểu tượng trẻ thơ thường gợi đến “sự trong trắng, vô tội”, “tính chất phác tự nhiên, tính hồn nhiên”, đôi khi “dùng để chỉ việc khắc phục, chiến thắng những mặc cảm, nỗi lo âu…” [21, 947]. Biểu tượng trẻ thơ đã đi vào văn học thế giới, trong các tác phẩm thuộc những nền văn hóa khác nhau và lúc nào cũng có khả năng lôi cuốn đặc biệt với người đọc. Bởi thế giới trẻ thơ là thế giới đầy màu sắc và âm thanh, đầy ước mơ và khát vọng, đầy những trải nghiệm đầu tiên vụng dại nhưng đáng nhớ suốt đời. Bất kỳ ai đã từng trải qua khoảng thời gian ấy đều nhìn về tuổi thơ với sự tiếc nuối và niềm háo hức vô bờ, như Đặng Thị Hạnh tâm sự: “Thời thơ ấu tự nó có cái đẹp riêng bởi đấy là thời ngây thơ, vô tội, cả bản thân ta, lẫn thế giới xung quanh. Sau này nó càng đẹp bởi những gì ta phải gặp trong cuộc đời. Vả chăng có người còn nói: nhìn qua hồi ức, kỉ niệm buồn rồi cũng trở thành hạnh phúc…” [57, 127].

Hầu hết các tác phẩm hồi ký đều chọn điểm dừng chân đầu tiên của ký ức là thủa ấu thơ bởi đó luôn là thứ trầm tích bền lâu và khó quên nhất trong trí nhớ con người. Trong khoảng hồi ức lung linh về những ngày thơ bé, biểu tượng trẻ thơ xuất hiện nổi bật và mang một hình vẻ vừa riêng biệt, vừa hấp dẫn. Một mặt, giữa những lo toan và phiền muộn của đời sống hiện tại, sự tìm về ấu thơ cũng giống như một sự gạn lọc tâm hồn và tri giác một cách có chủ đích. Nhưng mặt khác, với sự nhìn nhận lại những giá trị quá khứ bằng tâm thế của hiện tại thì hình ảnh đứa trẻ- hiện thân của chính tác giả, còn mang chiều hướng suy nghiệm, đánh giá, “dự báo ngược” cho sự xuất hiện và định hình nhân cách, đạo đức, tâm hồn của cái tôi trưởng thành sau này.

Đặng Thai Mai phác hoạ biểu tượng một đứa trẻ lo âu trên con thuyền chòng chành hướng về làng Lương Điền quê nội, đứa bé ấy được ông miêu tả như “một sinh mệnh bé tí, ngơ ngác giữa một đường đời mênh mông, rối ren” (Hồi ký Đặng Thai Mai). Chính đứa bé ngơ ngác và

đầy lo toan ấy đã được cuộc đời tôi luyện để sau này thành một vị giáo sư uyên bác, thâm trầm, có nghị lực vững vàng để chống chọi lại mọi thử thách. Đặng Thị Hạnh xây dựng biểu tượng về một cô bé nhút nhát đặt trong không gian của những hạt mưa bay, luôn chỉ cảm thấy an toàn trong ngôi nhà của ông bà ngoại với dì út yêu quý và sợ hãi với mọi thứ xa lạ phía ngoài ngôi nhà, một đứa bé “tuyệt vọng” khi lần đầu tiên phải rời tổ ấm để đến lớp nhà trẻ (Cô bé nhìn mưa). Đứa trẻ sống nội tâm và có vẻ yếu đuối lại là đứa trẻ hay quan sát tỉ mỉ, tưởng tượng phong phú và đánh giá thế giới một cách độc đáo- những phẩm chất tương lai sẽ rất hữu ích cho công việc giảng dạy, nghiên cứu văn học nước ngoài của bà. Đặng Anh Đào phục hiện biểu tượng về một bé gái cá tính: đỏm dáng, thích đeo trang sức, thích ca hát say sưa, yêu biển nồng nhiệt và yêu sách mê mẩn (Tầm xuân). Đó cũng là những tiền đề hình thành phong cách độc đáo của một học giả nổi tiếng- một người phụ nữ vừa lãng mạn, vừa uyên thâm, vừa nồng nhiệt, vừa nghiêm trang trên từng trang viết… Vũ Bão mang đến biểu tượng về đứa bé trai bạo dạn, thoát ly gia đình từ bé nhưng ở đâu cũng dạn dĩ, chủ động vượt qua mọi hoàn cảnh và đặc biệt rất thích đọc sách (Rễ bèo chân sóng). Những tính cách bé thơ đã hun đúc thành nhà văn Vũ Bão có kiến thức phong phú, một người từng trải, hóm hỉnh, sâu sắc, dám nói, dám viết những vấn đề thời sự nóng bỏng. Còn trong Hồi ký Trần Văn Khê, ta nhìn thấy biểu tượng một đứa trẻ bất hạnh:

mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng may mắn được người thân cưu mang, sớm được tắm mình trong đời sống âm nhạc dân gian Nam Bộ qua những buổi đờn ca vọng cổ sâu lắng để sau này mang những dư âm của ký ức làm nên thành công của một vị giáo sư âm nhạc đầu ngành. Trong hồi ký của những tướng lĩnh nổi tiếng như đại tướng Hoàng Văn Thái, thượng tướng Phùng Thế Tài… ta luôn bắt gặp biểu tượng những đứa trẻ mạnh mẽ tuy xuất thân từ những gia đình nông thôn nghèo khổ, thiếu thốn nhưng vì đi lên từ gian khó nên càng sớm giác ngộ lý tưởng và gặt hái những thành

công rực rỡ trên chiến trận. Mặc dù ở mỗi tác phẩm hồi ký, các tác giả đã chủ ý xây dựng nên những biểu tượng trẻ thơ độc đáo, gắn với tư tưởng và phong cách sáng tác của từng cá nhân nhưng có thể nhận ra điểm chung trong các biểu tượng trẻ thơ này là luôn được đặt trong những hồi quang của một thời cuộc loạn lạc. Sự biến động dữ dội của đời sống đã khiến mọi đứa trẻ dường như lúc nào cũng ở trong tâm thế bất an, chông chênh giữa dòng đời. Biểu tượng trẻ thơ đã không chỉ dừng lại ở ý nghĩa về sự hồn nhiên, trong trắng mà mang đầy ám gợi về sự vượt thoát ra khỏi hoàn cảnh, sự quẫy đạp để phá vỡ những rào cản tuổi tác trong nỗ lực gánh vác trách nhiệm gia đình và đất nước.

2.3.1.2. Biểu tượng “người phụ nữ”

Aragon đã nói: “Phụ nữ là tương lai của loài người”. Còn Goethe trong tác phẩm Faust (tập 2) đã dùng những từ cuối cùng là “Nữ tính vĩnh hằng” để biểu hiện khát vọng siêu thăng. Biểu tượng người phụ nữ hay

nữ tính mang những ý nghĩa thật to lớn: “Người phụ nữ sẽ đóng vai trò quan trọng… Người phụ nữ liên hệ mật thiết hơn đàn ông với linh hồn của thế giới, với những sức mạnh tự nhiên nguyên sơ…” (Nicolas Berdiaeff) hay hiện thân cho một phương diện của vô thức gọi là anima

“tượng trưng cho một ảo mộng về tình yêu, về hạnh phúc, về hơi ấm người mẹ, một giấc mơ xúi giục con người quay lưng lại với thực tại” (Jung) [21, 707-708]. Vì vậy, trong những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, biểu tượng người phụ nữ dù xuất hiện dưới hình thức, tư tưởng nào cũng đều là trung tâm kết tụ chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Văn học Việt Nam từ dân gian đến đương đại đã dành những trang viết đẹp nhất để xây dựng hình tượng người phụ nữ. Biểu tượng người phụ nữ

ngời sáng qua ca dao tục ngữ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tạo nên sức hút mãnh liệt cho những tác phẩm xuất sắc nhất của dân tộc như

Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm…, trở thành tượng đài nghệ thuật chói lòa trong những

tác phẩm nổi bật của văn học cách mạng như Người mẹ cầm súng- Nguyễn Thi, Người con gái Việt Nam- Tố Hữu… và được dung nạp thêm những trường nghĩa mới khi được khắc tả trong văn học thời kỳ đổi mới (trong loạt tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư).

Hồi ký tiếp nhận và xây dựng biểu tượng người phụ nữ trong truyền thống bề dày của văn học thế giới và văn học dân tộc nên vừa giữ vững những ý niệm cốt lõi, vừa bổ sung thêm những sắc điệu mới. Dòng ký ức của các tác giả đã kết tinh nên biểu tượng người phụ nữ qua những gương mặt thân thương, cụ thể như người bà, người mẹ, người vợ hay những người chị, người con gái lưu dấu ấn tượng trong những cuộc gặp gỡ bất ngờ…

Trong hồi ký, biểu tượng người phụ nữ thông qua hình ảnh người bà, người mẹ luôn hàm nghĩa về hạnh phúc và tổ ấm, về sự bình an và yêu thương. Có một người bà dịu dàng như bà tiên bù đắp lại những khoảng trống trong khung trời ấu thơ đầy mất mát của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Bà đã đem dòng nước mát của văn học dân tộc tưới xanh cho tâm hồn tuổi thơ của Quỳnh. Những câu chuyện cổ, những bài ca dao bà kể đã đi vào văn thơ Quỳnh, tự nhiên như con suối hoà vào dòng sông vậy” [108, 38]. Lại có một người bà khác đầy nghiêm khắc nhưng dào dạt tình thương, luôn che chở cho những đứa cháu bé dại như trong trang hồi ký của Trương Thị Hồng Tâm: “Chị em tôi còn sống, còn tồn tại là nhờ công ơn của nội. Nội già yếu phải lặn lội thân cò nuôi cháu nên nội cứ bệnh hoài” [150, 27]. Người mẹ của những cô con gái nhà họ Đặng là người phụ nữ tiêu biểu cho công, dung, ngôn, hạnh, mang vẻ đẹp ngọt ngào trong ký ức của đàn con: lúc giản dị, mộc mạc gắn với những bữa cơm ngọt lành thời nghèo đói, lúc kiêu sa, đẹp đẽ như cốt cách của hoa thủy tiên ngày tết “phía trên bông hoa diễm ảo của thời thơ ấu, bao giờ tôi cũng hình dung thấy gương mặt mẹ tôi thời ấy, tóc vấn trần, mặt trái xoan, đôi mắt hơi nhỏ nhưng đen và hiền biết bao nhiêu…” [57, 80]. Mẹ

của thi sĩ Huy Cận là người phụ nữ suốt đời lam lũ vì con với bàn tay chai sần theo năm tháng: “Bàn tay số mệnh là bàn tay của mẹ tôi đã nuôi chúng tôi, đã giữ chúng tôi lại đời này và đã dắt chúng tôi từ những bước chập chững đến những bước vững chắc đi vào cuộc sống” [19, 100].

Nhưng bên cạnh đó, đặt trong hoàn cảnh chung của một thời cuộc nhiều biến động, biểu tượng người phụ nữ không còn đồng nghĩa với sự yếu mềm, cam chịu mà đã gắn liền với sự kiên cường, vững chãi, với đức hi sinh cao cả. Hình tượng người bà đôn hậu nhưng đầy nghị lực được khắc tả thật đậm nét trong hồi ức của giáo sư Đặng Thai Mai: “Nhờ có bà với những đức tính cao quý và vững chãi hiếm có, đặc biệt là tình thương bao la và sức chịu đựng mọi nỗi gian khó trên đường đời một cách kiên cường và thầm lặng, mà tôi đã hiểu, đã kính phục cái sức mạnh kín đáo phi thường của người phụ nữ Việt Nam” [107, 286]. Hình tượng người mẹ hiện lên trong trang viết của Vũ Bão đầy tất bật, lo toan, luôn nhường nhịn và hi sinh cho chồng con từng miếng cơm, manh áo khiến tác giả luôn day dứt mỗi khi nghĩ về những lúc mình đã đòi hỏi, trách móc mẹ (Rễ bèo chân sóng). Những người vợ mộc mạc, khiêm nhường nhưng khéo léo, đảm đang, luôn vững tay chèo lái con thuyền gia đình vượt mọi thử thách, là hậu phương vững chắc của những học giả nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan (trong hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan dành hẳn một chương khá dài để kể về người vợ- nữ sĩ Hằng Phương với lòng biết ơn, yêu thương và tự hào sâu sắc; Đặng Thai Mai trong Hồi ký của mình đã nhớ như in những ngày đầu gặp mặt của hai vợ chồng, những biến cố cả hai đã cùng trải qua với tình cảm chân thành để giữ trọn tình nghĩa đến cuối đời). Hình ảnh người vợ Xuân Quỳnh cũng khiến người đọc không khỏi ngưỡng mộ trước một người đàn bà tài hoa, đảm đang, dành trọn yêu thương và hi sinh hết mực, trở thành bệ phóng cho tài năng của người chồng - nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ (Xuân Quỳnh- một nửa cuộc đời tôi)…

2.3.1.3. Biểu tượng “làng quê”

Dấu ấn của một đất nước gắn bó với nông nghiệp, có hạt nhân cơ bản là văn hóa làng xã đã in đậm trong sáng tác của các tác giả Việt Nam. Rất tự nhiên, biểu tượng làng quê xuất hiện trong văn học nước ta từ trước đến nay với ý nghĩa biểu trưng cho nguồn cội, sự dân dã hay những vẻ đẹp thanh bình. Độc giả không thể quên được những ngôi làng đặc thù của người Việt đã dội bóng trong ca dao tục ngữ hay trong những sáng tác của Nam Cao, Kim Lân, Tô Hoài, Hoàng Cầm, Tố Hữu…

Trong hồi ký, ta cũng gặp những biểu tượng làng quê bình yên ở những trang viết của Đặng Thai Mai, Ma Văn Kháng, Huy Cận, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Tô Hoài, Duy Khán, Phùng Quán… Hình ảnh quen thuộc của cây đa, bến nước, con đò luôn là điểm gợi nhớ trong lòng của những đứa con mang gốc gác nông thôn: “ở dưới chân núi, chạy dọc theo bờ sông là một cánh đồng dài, đất khá màu mỡ. Một phần nhỏ là ruộng nước (…). Buổi chiều về, gió sông thổi mát, bóng núi Mồng Gà lan dài trên cánh đồng như một cái chăn mỏng đắp lên làng xóm” [19, 6]. Chính những thứ tươi đẹp này đã là một phần máu thịt, tạo nên cảm hứng sáng tạo cho biết bao nghệ sĩ như Huy Cận “Rất nhiều cá tính của đất đai, có thể nói mỗi mảnh đất đều tràn đầy xúc cảm, như tích tụ cái cổ sơ đâu từ hàng trăm năm trước. Làng quê hương đã cung cấp cho Huy Cận một cái vốn đất đai gì sâu thẳm lắm như từ ruột của thời gian” [19, 6].

Có thể nói, trong hồi ức mỗi người, làng quê là một biểu tượng thân thương, luôn được gọi tên cùng kỷ niệm về những người thân yêu nhất “Ký ức tuổi ấu thơ của tôi về làng quê chỉ hiện ra ở đôi ba nét sơ sài thôi (…). Chẳng hạn, con đường làng lát gạch nghiêng đỏ như son… Nhà ông bà tôi ở khoảng giữa làng” [84, 17]; “Dưới chân con đường nhỏ chúng tôi đang đi là một cánh đồng, sâu lõm xuống… nhà cửa vườn tược quê nội to hơn ngôi nhà quen thuộc bên quê ngoại” [107, 73]. Vì thế, không chỉ là một địa danh đơn thuần, làng quê còn biểu trưng cho những

giá trị nguồn cội, nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa của gia tộc và cộng đồng mà con người dường như luôn phải trải qua cả chặng đường đời rất dài mới thức ngộ được: “…bây giờ thì vật đổi sao dời, tất cả đều đã khác xưa. Tên làng cũng không còn(…). Nhưng, dẫu có là thế, nơi đây, đất này vẫn là gốc tích, xuất xứ của tôi, là quê hương bản quán của tôi, gắn bó với cội nguồn tình cảm, in dấu trong tâm linh tôi, mỗi lúc một trở nên da diết hơn trong sự hiểu biết của tôi về quê hương mình” [84, 18].

Cần phải nhấn mạnh một điều, biểu tượng làng quê xuất hiện trong các trang hồi ký không còn êm ả, thanh bình như đã từng xuất hiện trong ca dao: “Làng ta phong cảnh hữu tình…”; “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông…”. Trong nhiều tác phẩm hồi ký, người viết đã phác họa những bức tranh làng quê xác xơ, xáo động, tiềm ẩn đầy sự hiểm nguy và chất chứa bao giông bão của thời cuộc, của chiến tranh- như cách nhạc sĩ Văn Cao đã tạo nên những nốt nhạc trầm, buồn, nức nở trong bài hát nổi tiếng Làng tôi: “Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà. Ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn. Đường ngập bao xương máu tơi bời, đồng không, nhà trống, tàn hoang” và cũng giống như cách mà khá nhiều tác giả văn xuôi sau năm 1975 đã lựa chọn để khai thác (có thể kể ra một loạt tác phẩm thời kỳ này đã viết về làng quê với một góc nhìn đa diện, hoàn toàn khác trước: các phóng sự Cái đêm hôm ấy… đêm gì của Phùng Gia Lộc, Suy nghĩ trên đường làng của Hồ Trung Tú; tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma- Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng- Dương Hướng…). Đó là những ngôi làng mờ trong bom đạn, ám ảnh qua những vệt ký ức chạy dài chặng đường tản cư của những gia đình thời chiến (Hồi ký Đặng Thai Mai, Tầm xuân- Đặng Anh Đào, Cô bé nhìn mưa- Đặng Thị Hạnh,

Rễ bèo chân sóng- Vũ Bão). Đó là những làng quê oằn mình dưới bước chân hối hả của đội chỉnh huấn, tiêu điều sau những đợt cải cách ruộng đất “đào tận gốc, trốc tận rễ” (1954-1955), không thể bình yên bởi những

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 58 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)