Kết cấu hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 137 - 141)

6. Cấu trúc luận án

4.2.1. Kết cấu hiện đại

Kết cấu là “toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm”, bao gồm bố cục, “tổ chức hệ thống tính cách, tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm, nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể của các thành phần cốt truyện, nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện…” [52, 157], giúp cho tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật thực sự. Rõ ràng, phụ thuộc vào đặc trưng thể loại, phong cách sáng tác và ý đồ nghệ thuật của từng tác giả, mỗi tác phẩm sẽ có một kiểu kết cấu đặc thù, độc đáo, không lặp lại. Với một tác phẩm tự sự, cốt truyện có thể không xuất hiện trong văn bản nhưng kết cấu thì luôn luôn có mặt bởi đó là “sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể tác phẩm” [52, 156]. Vai trò quan trọng của kết cấu góp phần định hình bản sắc thể loại của mỗi tác phẩm.

Trong kinh nghiệm sáng tác truyền thống, hồi ký thường được cấu trúc theo trật tự biên niên của sự kiện và có kết cấu đơn nhất nhằm làm nổi bật sự thật trung tâm. Sau năm 1975, bên cạnh các hồi ký được tổ chức theo kết cấu tuyến tính như Hồi ký - Đặng Thai Mai, Sáng tối mặt người- Sao Mai, các hồi ký cách mạng hay hồi ký thế sự- đời tư thì đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tác phẩm mang kết cấu mới lạ được học tập từ cách viết tiểu thuyết. Bằng sự vận dụng những kiểu kết cấu khác biệt này, các tác giả hồi ký tiêu biểu như Huy Cận, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Bùi Ngọc Tấn, Quách Tấn, Thy Ngọc… đã biểu đạt hiệu quả ý đồ của người viết mà vẫn không làm sai lệch định hướng sự thật. Jennie Yabroff từng so sánh khá thú vị: “Good memoir borrows from fiction, following the rule that the

story is not as important as the way it’s told”[191] (Một cuốn hồi ký tốt

không quan trọng như cách mà nó thể hiện). Một số kiểu kết cấu hiện đại thường được dùng trong hồi ký là: kết cấu lắp ghép, kết cấu phân mảnh, kết cấu vòng tròn. Tương ứng với những kiểu kết cấu này là cách thức tổ chức bố cục, xây dựng tuyến nhân vật, tạo lập cấu trúc không gian- thời gian tương ứng.

Kết cấu lắp ghép là kĩ thuật tái lập hiện thực từ những miếng ghép khác nhau, dấu hiệu của lắp ghép là sự chuyển đổi đột ngột về nội dung, sự kiện trong những không gian và thời gian khác nhau, văn bản chỉ được liên kết bằng mạch ngầm ẩn sâu dưới tầng ngôn ngữ. Cách kết cấu độc đáo này xuất hiện trong nhiều hồi ký của Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Vũ Ngọc Khánh, Vũ Bão, Hoàng Cầm, Thy Ngọc… Ở các hồi ký này, người viết đã khơi lại dòng chảy của quá khứ từ sự ghép nối những mảnh hồi ức rời rạc, dường như không đi theo logic phát triển của sự kiện, không tuân theo trật tự thời gian thông thường và tất nhiên cũng không chuyển đổi theo trình tự sắp đặt của các mảng không gian. Tác phẩm chỉ được kết nối bằng những liên kết ngầm ẩn từ người kể chuyện xưng “tôi” mà phải đọc hết tác phẩm ta mới cảm nhận được. Hồi ký Hoàng Cầm dẫn dắt người đọc đi từ không gian của hội Lim, Kinh Bắc gắn liền với thời gian từ thủa ấu thơ đến lúc tác giả trưởng thành rồi đột ngột chuyển đổi sang không gian những ngày kháng chiến với chập chờn những gương mặt nghệ sĩ một thời vào sinh ra tử cùng thi sĩ, chồng lấp lên đó còn có không gian những ngày hòa bình lập lại với bừng bừng khí thế non sông, những đêm thơ được cháy hết mình với niềm tự hào dân tộc. Chuyện cá nhân, chuyện tập thể, chuyện làng quê, chuyện chiến đấu…được xử lý đan cài vào nhau như những mảng màu của bức tranh quá khứ và tất cả đều được kết nối bởi tấm lòng, trái tim của một nhà thơ Kinh Bắc tài hoa luôn sống hết mình cho quê hương, đất nước. Những năm tháng ấy của Vũ Ngọc Phan cũng là những mảnh ghép của kỷ niệm tản mát, dào dạt ùa về, những mảnh hồi ức không có thứ tự và chỉ tuân theo logic của niềm hoài cổ man

mác cộng hưởng với tình yêu da diết dành cho vùng đất thân thương của mình: Từ dân Kinh Bắc trở thành người Hà Nội (tr.9), Những ngày tết xưa- ăn và mặc của người Hà Nội thời trước (tr.24), Nghề viết văn và người bạn đời (tr.136), Câu chuyện về mấy cây đa (tr.204), Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu Việt Nam (tr.341)… Ngược lại, hồi ký

Lời hứa với ngày mai của Thy Ngọc lại biến văn bản tác phẩm trở thành một kịch bản phim với sự đánh dấu và đặt tên các chương đoạn rất thú vị, kích thích sự tò mò của độc giả: III: Kim Đồng- thấp thoáng những người và việc, 4000 đồng, Ba người cẩn thận, Chuyện tiếu lâm: chuyện số 1, chuyện số 2, chuyện số 3… Kết cấu theo kiểu lắp ghép này khiến cho hiện thực được tái hiện từ nhiều góc độ, luôn có những điểm nhấn và tạo nên sự khác biệt với cách viết truyền thống.

Kết cấu phân mảnh là cách tác giả hòa tan hiện thực ra thành những mảnh vỡ và đẩy những mảnh dữ kiện này vào những vị trí lộn xộn trong dòng tự sự, có lúc trở đi trở lại và xuất hiện nhiều lần với những biến thể, dị bản mới. Kiểu kết cấu này sẽ khiến cho không gian vật thể bị thu hẹp lại so với không gian tâm tưởng, thời gian tuyến tính liền mạch buộc phải nhường chỗ cho thời gian tâm lý đứt đoạn và nhảy cóc không ngừng. Tầm xuân của Đặng Anh Đào, Hồi ký song đôi của Huy Cận, Viết về bè bạn

của Bùi Ngọc Tấn, Ba phút sự thật của Phùng Quán… đều là những hồi ký mang kết cấu phân mảnh điển hình. Ta thử phân tích hồi ký của Phùng Quán: nhìn vào mục lục của hồi ký Ba phút sự thật sẽ thấy chủ ý phân đoạn và cắt rời dòng chảy quá khứ thành những mảnh ký ức rời rạc, lặp lại trong các mẩu chuyện khác nhau. Tố Hữu xuất hiện trong chuyện “Xông đất nhà thơ Tố Hữu” với nỗi lòng của một nhà thơ ngổn ngang tâm sự với đời và tiếp đó lại xuất hiện ở chuyện “Cuộc viếng thăm bất chợt nhà thơ Tố Hữu” như muốn khẳng định lần nữa cốt cách, tâm huyết của một nhà thơ cách mạng hàng đầu dành cho thế hệ trẻ. Trần Đức Thảo hiện lên trong “Chuyện vui về triết gia Nguyễn Đức Thảo” với những giai

thoại lạ lùng, khó hình dung về một triết gia nổi tiếng thế giới lại là người lẩm cẩm, lập dị, nhem nhuốc, ngô nghê trong đời thực và đến tận lúc chết vẫn là một bí ẩn đối với hàng xóm. Motip cái chết của triết gia tiếp tục được tái hiện trong truyện “Hành trình cuối cùng của một triết gia” với một giọng giễu nhại chua xót, cho ta hình dung hết bi kịch cay đắng của một đời người dưới cái nhìn thông cảm, tri ngộ sâu sắc của bạn bè. Phùng Quán đã chọn không gian chật hẹp, mờ tối của một khu nhà tập thể cũ để đẩy lên cao trào những mâu thuẫn đời sống. Bùi Ngọc Tấn cũng sử dụng kỹ thuật tương tự khi Viết về bè bạn, điển hình là khi dựng chân dung của Mạc Lân: một nghệ sĩ đa đoan, vất vả giữa dòng đời trong câu chuyện nhà văn đi bán máu của Dương Tường - “Tôi là bạn của ông Dương Tường” và chi tiết bán máu ấy trở lại trong mẩu ký ức “Thời gian gấp ruổi” như tiếp tục khắc nhấn cho nỗi ám ảnh về kiếp mưu sinh.

Kết cấu vòng tròn là kiểu bố cục tác phẩm theo lối đầu cuối tương ứng với sự lặp lại có chủ đích của các hình tượng nghệ thuật ở đầu và cuối tác phẩm. Dụng ý của mỗi tác giả cũng thể hiện rất rõ thông qua cách kết cấu này. Trong Cô bé nhìn mưa, Đặng Thị Hạnh đã mở đầu tác phẩm bằng hình ảnh chính mình ngày thơ bé và khép lại hồi ký bằng hình ảnh đứa cháu ngây thơ mặc dù biết “trẻ thơ không nên là nhân vật của hồi ký”. Cách kết cấu này thể hiện triết lý về cuộc sống của bà: “Người ta sinh ra từ cát bụi rồi cũng trở về với cát bụi” và đi trọn một vòng đời, rồi ai cũng sẽ hiểu ra tuổi thơ luôn là quãng thời gian hạnh phúc nhất của đời người. Thời gian trong tác phẩm không liền mạch mà đảo chiều liên tục từ quá khứ đến hiện tại với những quãng ngưng, sự xảy lặp, sự đứt đoạn hết sức độc đáo. Những cột mốc của quá khứ được gợi nhắc một cách bất ngờ, không báo trước nhưng luôn có sự kết nối mật thiết với những khoảnh khắc hiện tại. Không gian tác phẩm cũng có sự hô ứng liên tục giữa các mảng khối, đường nét từ làng ra phố, từ phố ra biển, từ những ngôi nhà nhỏ hẹp ra những vùng đất rộng lớn.

Cát bụi chân ai của Tô Hoài mở đầu và kết thúc đều bằng hình ảnh của Nguyễn Tuân nhưng trong sự tiếp biến và chuyển đổi ở những trạng thái khác nhau. Nguyễn Tuân trong những lời giới thiệu ở phần mở đầu là một nghệ sĩ bằng xương bằng thịt vừa ngông nghênh, vừa kiêu bạc, tài năng qua cách miêu tả tinh tế của Tô Hoài: “Đi bên này Hồ Gươm thấy Nguyễn Tuân ngồi trong nhà hàng Hoàng Gia, cái quán rượu kiểu Pháp che cánh sáo ra kín vỉa hè. Nhà văn chơi chua khác đời” [66, 5] nhưng khi kết thúc tác phẩm, nhà văn họ Nguyễn chỉ còn là tro bụi trong cõi hư vô và niềm nhớ tiếc ngẩn ngơ của bạn bè: “Nguyễn Tuân! Nguyễn Tuân ôi. Ô hô! Ô hô” [66, 346]. Không phải ngẫu nhiên Tô Hoài đã lựa chọn Nguyễn Tuân làm bản lề đóng- mở cho hồi ức của mình. Với Tô Hoài, Nguyễn Tuân không chỉ là một người bạn tri kỷ quý giá mà con người này, trong muôn hình vẻ, chính là biểu tượng cho sức sống bất diệt của những giá trị văn hóa lâu bền.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn từ 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại​ (Trang 137 - 141)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)