6. Cấu trúc luận án
3.4.2. Hồi ký của những người làm nghệ thuật
Nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu trong xã hội từ trước đến nay và luôn gắn bó chặt chẽ với diễn trình phát triển của một đất nước. Đời sống vật chất càng nâng cao thì đời sống tinh thần càng được quan tâm, chú ý. Nhưng để đạt được một thành tựu nào đó trong lĩnh vực âm nhạc hay sân khấu, điện ảnh, những người làm nghệ thuật phải đánh đổi cả cuộc đời mình với những nỗ lực phi thường cùng bao hi sinh đau đớn mà không phải ai cũng hiểu. Sau năm 1975, nhu cầu giãi bày, hồi cố, tri âm với công chúng của những người làm nghệ thuật đã trở thành nhu cầu chính đáng, bức thiết và ngày càng có điều kiện lan tỏa rộng rãi trong xã hội hiện đại với sự hỗ trợ của cơ chế in ấn thông thoáng và sự lăng xê tích cực của báo chí truyền thông. Nếu như trong mảng âm nhạc có Hồi ký Phạm Duy, Hồi ký Trần Văn Khê, Nguyễn Văn Tý tự họa, Hồi ký Trịnh Công Sơn, Chúng tôi đã sống như thế (tác giả là bà Ánh Tuyết - vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên), Để gió cuốn đi của ca sĩ hải ngoại Ái Vân, Đằng sau những nụ cười của ca sĩ Khánh Ly…thì trong mảng sân khấu- điện ảnh có hồi ký của một loạt tên tuổi quen thuộc: Phim là đời của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Lê Vân- yêu và sống của diễn viên Lê Vân, Sống cho người-sống cho mình của kỳ nữ sân khấu Kim Cương,
Một đời giông bão của diễn viên Thương Tín, Tâm thành và Lộc đời của nghệ sĩ Thành Lộc… Những hồi ký này hầu hết mang dáng dấp tự truyện, có hồi ký còn được ghi ngoài bìa là tiểu thuyết để đánh lạc hướng.
Từ góc nhìn thế sự, một số hồi ký đã nhìn nhận về chặng đường phát triển của nghệ thuật nước nhà cũng như mạnh dạn nêu lên những vấn đề thời cuộc, đã và đang gây nhức nhối trong dư luận thông qua những cách thức trần thuật đa dạng và giọng điệu mang phong cách riêng của người viết. Hồi ký Trần Văn Khê dùng cách viết mạch lạc, cấu trúc sự kiện được định danh gọn gàng qua những địa điểm, thời gian cụ thể để lột tả chân thực hành trình hội nhập của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới. Mang kiến thức âm nhạc uyên thâm và niềm tự hào cháy bỏng về văn hóa cổ truyền của dân tộc, giáo sư Trần Văn Khê đã gạt đi nỗi tự ti của một dân tộc nhỏ bé trước các cường quốc âm nhạc như Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản để khẳng định tiềm năng và vạch ra con đường cần phải bước tiếp cho âm nhạc Việt Nam trong tương lai. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong hồi ký của mình không khỏi chua xót, ngập ngừng khi nhắc đến dư chấn của những vụ Chỉnh huấn chính trị một thời: “Nói đến Chỉnh huấn 53, không phải chỉ riêng tôi, mà có lẽ mọi người ai cũng giữ trong mình, đến giờ, như một nỗi ám ảnh… Những danh từ như “kiểm thảo”, “tự kiểm điểm”, “phê phán”, “mổ xẻ”, “thành khẩn” hay “không thành khẩn” cứ như những vết thương thành sẹo trên tâm hồn mỗi người” [179, 128]. Những nỗi đau trong quá khứ được người nhạc sĩ tái hiện thật ám ảnh thông qua giọng kể trầm buồn, ấm ức về những tác phẩm nổi tiếng của chính ông: từ chuyện bài “Dư âm” liên tiếp bị chất vấn vì tội “làm bài hát lãng mạn khi còn đang kháng chiến” đến bài “Dáng đứng Bến Tre” bị cấm hát vì “chưa nói gì về Bến Tre cả” [179, 277]. Với phong cách của một đạo diễn chuyên nghiệp, Đặng Nhật Minh lại biến hồi ký của mình thành những “đúp” phim quay nhanh, phanh phui những sự thật nghiệt ngã của đời sống và nền điện ảnh nước ta thủa đầu. Những chi tiết đắc địa được vị đạo diễn tài ba lựa chọn và kết nối trong dòng chảy của sự kiện đã gây ra hiệu ứng mạnh: cảnh những người dân kêu oan đuổi theo xe ông với những tờ đơn phấp phới, cảnh các liên
hoan phim Việt bị thao túng bởi những mưu đồ kinh tế và những sự đấu đá của các ban ngành, chuyện những bộ phim kinh điển của màn ảnh Việt như Bao giờ cho đến tháng Mười và Thương nhớ đồng quê phải chịu bao dèm pha, soi mói khắt khe, chụp mũ thô thiển… Tất cả đều là minh chứng mạnh mẽ cho một nền nghệ thuật còn non kém và nhiều bất cập của nước ta những năm qua. Hồi ký của những nghệ sĩ chân chính đã giúp công chúng có cái nhìn bao quát và trực diện vào những vấn đề sống còn của đời sống nghệ thuật.
Từ góc nhìn đời tư, nhiều hồi ký là lời tự biện trung thực đến mức tàn nhẫn của người nghệ sĩ về số phận cá nhân gắn chặt với các hoạt động nghệ thuật đặc thù. Và qua mỗi câu chuyện, ta nhận ra dường như những cuộc đời làm nghệ thuật ấy đều có một điểm chung: “chữ tài liền với chữ tai một vần”5. Lê Vân nhìn thẳng vào những góc khuất của một gia đình nghệ sĩ danh giá để kể lại những câu chuyện trần trụi đến đau lòng về cha mẹ của mình đồng thời không giấu giếm những cuộc tình đầy tai tiếng với ba người đàn ông thuộc ba quốc tịch khác nhau, dám đối diện với dư luận để gọi tên những khát vọng đầy bản năng của người đàn bà luôn muốn “yêu và sống”. Khánh Ly chỉ ra “đằng sau những nụ cười” trên sân khấu rực sáng là biết bao nước mắt, vấp ngã đớn đau của một người phụ nữ tài hoa. Chung mạch cảm hứng, những dòng tâm sự lay động của ca sĩ Ái Vân về giai đoạn vượt biên “kinh khủng, đau đớn, nhục nhã” và cuộc đời thăng trầm của mình khiến người đọc không khỏi xót xa cho một đời cầm ca “hồng nhan bạc mệnh”. Hồi ký Kim Cương với thời gian hoàn thành kéo dài đến 40 năm góp thêm những sự thật “gai người” về gia đình, dòng tộc, xuất thân, chặng đường đời- đường nghề nhiều gian nan nhưng đầy vinh quang của một nghệ sĩ sân khấu hàng đầu. Dù thế nào, ẩn giấu sau những sự thật nhiều khi gây tranh cãi về lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống luôn là khao khát được tri âm, chia sẻ và cảm thông của
người nghệ sĩ, những người đã dùng trải nghiệm đời sống phong phú để đốt cháy mình trong từng tác phẩm. Cũng chỉ sau năm 1975, người nghệ sĩ mới dám phát ngôn và có cơ hội để phơi mở đời tư của mình một cách thẳng thắn và dũng cảm như thế.
Tiểu kết chƣơng 3
Trong chương trọng tâm của luận án, chúng tôi nhấn mạnh cốt lõi của hồi ký- cũng như mọi thể ký khác là ghi chép, tái hiện sự thật nhưng là sự thật đậm tính chủ quan (bởi đó là những điều có thật đã diễn ra và chỉ được hồi cố, ghi chép lại qua ký ức của cá nhân). Luận án đặt vấn đề tiếp cận hồi ký từ lý thuyết diễn ngôn như một sự nhấn mạnh cấu trúc hồi ức đầy linh hoạt, biến hóa trong mỗi tác phẩm. Diễn ngôn về sự thật trong hồi ký sau năm 1975 chịu những chế ước chặt chẽ và trực tiếp của hệ tư tưởng xã hội. Không còn là sự thật khô khan, lạnh lùng, tẻ ngắt, bị kìm hãm bởi những tư tưởng chính trị cứng nhắc, hồi ký thời kỳ này chứng kiến sự trỗi dậy của những tiếng nói cá nhân, là những diễn ngôn mang tinh thần phản biện cởi mở, thẳng thắn về mọi vấn đề đã qua. Mỗi trang hồi ký là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa mã sự thật và mã nghệ thuật, thể hiện tài năng, phong cách độc đáo của các tác giả. Khảo sát sự thể hiện của mã sự thật và mã nghệ thuật trong từng tiểu loại của hồi ký, chúng tôi đã có cơ sở chắc chắn để khẳng định sức mạnh và tầm ảnh hưởng rõ rệt của hồi ký trong dòng chảy của thực tại. Tất nhiên, phụ thuộc vào trình độ, vốn sống và kỹ thuật viết của từng tác giả, mối quan hệ giữa mã sự thật và mã nghệ thuật cũng được biểu hiện ở các cấp độ khác nhau.
CHƢƠNG 4.
SỰ GIAO THOA THỂ LOẠI CỦA HỒI KÝ SAU 1975
Hồi ký, một thể ký tự sự điển hình, luôn bị mặc định trong cái khung đơn nhất của sự thật và sự cứng nhắc của những phản ánh bản thể không dễ xoay chuyển. Cũng như mọi thể loại văn học một mặt vừa giữ vững các mã hạt nhân, mặt khác luôn có xu hướng giao lưu, tiếp biến, lại không thể đứng ngoài dòng chảy hối hả của đời sống văn học vốn không bao giờ đứng im, hồi ký của thời kỳ đổi mới đã dần dần có những chuyển đổi thú vị. Quan sát những tác phẩm hồi ký nổi bật, ta không chỉ nhận ra những đặc điểm bền vững của thể loại mà hơn thế còn phát hiện ra sự dung hoà, pha trộn giữa hồi ký với các thể loại khác (như thơ, tiểu thuyết, bút ký, tự truyện…), tạo ra những biến thể mới của hồi ký thời kỳ này và ngược lại cũng khiến cho nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… mang đậm “chất hồi ký”. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát một số dạng thức pha trộn của các yếu tố thể loại như “chất trữ tình”, “chất tiểu thuyết” trong hồi ký, từ đó mô tả một vài dạng thức biến thể nổi bật của hồi ký trong xu hướng hội nhập và tiếp biến.