5. Kết cấu của luận văn
4.3.2. Đối với Bộ Tài chính
- Trên cơ sở kế hoạch về nguồn lực để thực hiện CTMT được xây dựng ban đầu, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan, thực hiện xây dựng dự toán trung hạn hoặc dự toán của cả CTMT, có phân chia theo từng năm phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn. Từ đó, giúp cho các cơ quan thực hiện CTMT được chủ động trong chi tiêu, tiết kiệm chi phí cho công tác lập dự toán hàng năm; đặc biệt là hạn chế việc giao dự toán chậm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thực hiện CTMT, ảnh hưởng đến công tác kiểm soát, thanh toán của Kho bạc do việc chi tiêu thường dồn vào cuối năm.
- Nâng cao chất lượng dự toán chi CTMT: Dự toán chi là điều kiện đầu tiên, quan trọng để thực hiện chi CTMT. Chất lượng của dự toán chi ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ chi của CTMT và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm soát chi của KBNN. Vì vậy, cần hoàn thiện quy trình lập, duyệt, phân bổ dự toán CTMT một cách khoa học với thời gian hợp lý; đảm bảo dự toán các CTMT được chính xác, đáp ứng các nhiệm vụ chi của chương trình và được giao ngay từ đầu năm.
Mặt khác, do đặc điểm CTMT có cả chi thường xuyên và chi đầu tư, nhưng hiện nay còn có sự tách rời giữa quy trình lập, giao dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Dự toán chi thường xuyên do cơ quan Tài chính tổng hợp, thẩm định và giao dự toán, còn dự toán chi đầu tư phát triển do cơ quan Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm. Việc không thống nhất trong quy trình và thời gian giao dự toán đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tổ
chức triển khai thực hiện CTMT, vì các nhiệm vụ chi trong mỗi chương trình, dự án đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, thực hiện nhiệm vụ này là cơ sở, điều kiện để triển khai thực hiện nhiệm vụ kia. Đồng thời, công tác tổ chức kiểm soát chi, tổng hợp báo cáo theo CTMT cũng rất khó khăn. Do đó, đối với CTMT, nên thống nhất quy trình lập, phân bổ dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư về cùng một đầu mối, thực hiện giao dự toán cùng một lúc. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chương trình và công tác quản lý, kiểm soát thanh toán nguồn vốn được thống nhất.
- Hoàn thiện hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ của CTMT: Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi là căn cứ quan trọng để xây dựng, phân bổ dự toán, thực hiện chi tiêu và kiểm soát chi ngân sách. Tuy nhiên, do phạm vi và tính chất đa dạng của CTMT, cho nên việc ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời hệ thống tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách cho các CTMT là việc hết sức khó khăn, phức tạp. Song để khắc phục những hạn chế (như đã phân tích ở phần thực trạng) thì trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc phân cấp xây dựng, ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức cho chính quyền địa phương. Như vậy, vừa đảm bảo tính phù hợp của chế độ (nhất là đối với những CTMT có địa bàn triển khai ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn), vừa tăng cường quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, chi tiêu nguồn vốn CTMT; ngoài ra còn khắc phục được tình trạng không đầy đủ, lạc hậu của hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện nay.
- Về mã số CTMT: Muốn hạch toán, theo dõi chi tiết theo từng CTMT, đòi hỏi các CTMT phải được quy định mã số. Hiện nay, Bộ Tài chính đã cấp mã số (4 chữ số) cho 16 chương trình nằm trong Danh mục Chương trình MTQG giai đoạn 2014 - 2020 được Chính phủ phê duyệt và một số chương trình, dự án lớn của quốc gia (Chương trình 135, Chương trình Phát triển rừng bền vững …). Song vẫn còn nhiều chương trình mang tính chất chiến lược của quốc gia (chương trình 134; chương trình phủ sóng
phát thanh truyền hình; chương trình thực hiện chính sách di dân; hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ…) và các CTMT của địa phương chưa được cấp mã số. Vì vậy, để tạo điều kiện mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, hạch toán, tổng hợp thông tin báo cáo…, Bộ Tài chính cần cấp mã số đầy đủ cho các chương trình, dự án lớn của quốc gia mang tính chất là CTMT (có tính mục đích, thời hạn và xác định rõ nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện). Bên cạnh đó, cần phân cấp cho Sở Tài chính các tỉnh, thành phố được quyền chủ động hoàn toàn trong việc cấp mã số đối với các CTMT do địa phương quyết định để đảm bảo quản lý theo yêu cầu của địa phương.
- Về vấn đề cam kết chi: Cam kết chi là một vấn đề rất mới đối với cả cơ quan Kho bạc, Tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách. Trong điều kiện quản lý CTMT còn nhiều hạn chế: chất lượng dự toán chưa cao, trong quá trình thực hiện phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần; dự toán giao tổng số, không giao theo chi tiết; kế hoạch vốn đầu tư hàng năm phân bổ theo dự án mà không phân bổ chi tiết cho từng hạng mục công trình, từng hợp đồng…, thì khi triển khai thực hiện cam kết chi, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để phát huy những lợi ích của việc triển khai thực hiện cam kết chi và tạo điều kiện cho công tác kiểm soát cam kết chi được thuận lợi, cần tăng cường việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ NSNN theo phương thức mua sắm tập trung. Đồng thời, ngay từ bây giờ cần có chính sách thống nhất quản lý các nhà cung cấp như: quy định điều kiện được cung cấp hàng hóa cho khu vực công (quy mô hoạt động, tiêu chuẩn chất lượng, chính sách giá, chấp hành nghĩa vụ thuế…); quản lý, cập nhật đầy đủ thông tin về nhà các nhà cung cấp (tên, mã số, mã số thuế, tài khoản ngân hàng, tình trạng hoạt động,…); điều chỉnh thông tin về nhà cung cấp kịp thời khi có sự thay đổi, cũng như quy định công khai thông tin về nhà cung cấp và công khai kết quả cam kết chi... Từ đó, giúp cho khu vực công có điều kiện lựa chọn được những nhà cung cấp tốt, nâng cao hiệu quả giám sát nhà cung cấp, hỗ trợ cho việc quản lý cam kết chi
minh bạch, hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện cho công tác thanh toán được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đúng đối tượng, hạn chế rủi ro trong thanh toán và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.
Cần quy định cụ thể, chi tiết hơn về các trường hợp điều chỉnh, bổ sung hợp đồng mua bán làm tăng giá trị hợp đồng đến mức nào thì phải thực hiện cam kết chi, tránh tình trạng đơn vị sử dụng ngân sách “lách” chế độ để thực hiện bổ sung, điều chỉnh hợp đồng nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc có thể chia nhỏ gói thầu ra để thực hiện ký hợp đồng với nhiều nhà cung cấp, tránh không phải thực hiện cam kết chi…
Mặt khác, cần có quy định phù hợp hơn về thời gian gửi cam kết chi tới KBNN, vì hiện nay quy định thời gian chậm nhất gửi cam kết chi tới KBNN là ngày 30/12. Điều nay chưa phù hợp với thực tế chi tiêu của CTMT, thường được phép kéo dài thời hạn chi sang năm sau và sau ngày 01/01 năm sau vẫn có trường hợp bổ sung dự toán năm trước.
Đối với các khoản chi có tính chất thường xuyên của CTMT, nên chăng có thể thực hiện quản lý cam kết chi theo dự toán, bởi các khoản chi của CTMT có đặc thù là: chi theo mục tiêu, nhiệm vụ được phê duyệt, thời hạn đã được xác định và có nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện. Vì vậy, đối với những khoản chi này, sẽ thực hiện cam kết chi cả “một cục” ngay từ đầu năm, định kỳ hoặc khi phát sinh nhu cầu chi, đơn vị tiến hành thanh toán chi trả cho các cam kết chi đã ký với nhà cung cấp, giúp cho các đơn vị được chủ động trong thanh toán và chi tiêu đúng mục đích.