5. Bố cục của luận văn
4.2.6. Hoàn thiện quản lý dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư
4.2.6.1. Giải pháp trong công tác khảo sát
a) Sự cần thiết thực hiện giải pháp
Sau khi có kế hoạch được duyệt, công tác khảo sát cũng được quan tâm ngay. Công tác khảo sát là công việc ban đầu, là giai đoạn công trình còn hoang sơ, tiến hành gặp rất nhiều khó khăn vì vậy nếu chủ động được công tác kế hoạch đồng nghĩa với việc chủ động công tác khảo sát.
- Về phía đơn vị Tư vấn khảo sát, thiết kế phải được thực hiện nghiêm túc công tác khảo sát phục vụ lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật, bởi vì kết quả khảo sát là đầu vào cho quá trình thiết kế, số liệu đầu vào không chính xác tất yếu dẫn đến đề án thiết kế sẽ bị thay đổi trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, phải xử lý hiện trường quá nhiều, gây khó khăn cho công tác QLDA và chậm tiến độ công trình.
- Công tác khảo sát ở một giai đoạn phải được xác định chi tiết và được duyệt trong đề cương khảo sát. Việc khảo sát để đưa ra nhiều phương án lựa chọn ví dụ: đối với xây dựng tuyến đường đô thị thì việc lực chọn tuyến là rất quan trọng một tuyến tối ưu phải đảm bảo các chỉ tiêu về kinh tế và kỹ thuật, thuận lợi cho thi công, đền bù ít phức tạp nhất. Thực tế nhiều dự án xây dựng các tuyến đường mới đến giai đoạn thi công mới phát hiện ra nếu hướng tuyến thay đổi thì sẽ thi công thuận lợi và kinh tế hơn rất nhiều.
- Công tác khảo sát sau khi lựa chọn được tuyến, lựa chọn địa điểm việc khảo sát kỹ địa hình, địa chất là rất quan trọng (giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công). Cán bộ thiết kế căn cứ vào địa hình, địa chất, các đặc tính cơ lý của đất để làm cơ sở tính toán thiết kế. Nếu khảo sát địa hình, địa chất sai, cấp đất đá không chuẩn xác kéo theo thiết kế sai làm tăng khối lượng chi phí nhân công, tăng chi phí máy.
- Phương án nhiệm vụ khảo sát cần được lập một cách khoa học, chính xác. Các số liệu khảo sát phải mang tính thừa kế đối với tất cả các giai đoạn của dự án để
tránh lãng phí. Tốt nhất nên để cơ quan Tư vấn thực hiện công tác toàn bộ khảo sát một công trình qua tất cả các giai đoạn.
Đẩy mạnh công tác giám sát, nghiệm thu khối lượng, chất lượng của công tác khảo sát. Ngay cả nội bộ đơn vị Tư vấn cũng thực hiện chưa nghiêm chỉnh, các Chủ đầu tư, các Ban QLDA gần như khoán trắng cho các đơn vị Tư vấn. Thực tế nhiều sửa đổi phát sinh kinh tế làm tăng chi phí cũng do chủ yếu là công tác khảo sát làm chưa chính xác. Ban QLDA đã quy định hướng dẫn về quản lý chất lượng công tác khảo sát dựa trên Quy định về quản lý chất lượng công trình ban hành kèm theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện.
Khi lập biện pháp thi công, đơn vị tư vấn thiết kế phải cử các bộ có kinh nghiệm khảo sát điều kiện thực tế cụ thể để lập biện pháp tổ chức thi công, cụ thể phải xác định các điều kiện vận chuyển bằng ô tô, cơ giới thủ công, đường vận chuyển...có phương án so sánh để đưa ra biện pháp thi công tối ưu, đảm bảo đủ điều kiện thi công và tiết kiệm chi phí, giảm giá thành công trình.
b) Nội dung giải pháp và tổ chức thực hiện
Về phía Chủ đầu tư hoặc Ban QLDA các cấp cần hoàn thiện và củng cố một số việc như sau:
- Cử cán bộ có trách nhiệm phối hợp kịp thời và đồng bộ với đơn vị Tư vấn trong việc lập nhiệm vụ và phương án khảo sát trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kịp thời đúng tiến độ.
- Phối hợp các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý vận hành cung cấp hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ tuyến, hồ sơ các công trình có liên quan, các số liệu hạ tầng kỹ thuật khác cho đơn vị Tư vấn.
- Thường xuyên liên hệ các đơn vị Tư vấn để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác khảo sát.
- Phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng cho nhà thầu Tư vấn lập. Phương án đó phải phù hợp đáp ứng được yêu cầu sau:
+ Phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng được Chủ đầu tư phê duyệt. + Tuân thủ các tiêu chuẩn về khảo sát được xây dựng.
- Chủ đầu tư phải thực hiện giám sát khảo sát công trình. - Chủ đầu tư phải nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng.
4.2.6.2. Giải pháp trong công tác lập dự án đầu tư a. Nâng cao năng lực của các đơn vị Tư vấn
Hiện nay trong điều kiện kinh tế thị trường các công ty Tư vấn được thành lập nhiều, một số tư vấn mới thành lập năng lực còn hạn chế, không đủ lực lượng, thiếu chủ nhiệm đề án hoặc một chủ nhiệm đề án kiêm nhiệm nhiều dự án. Vấn đề này đã tồn tại lâu nhưng chưa giải quyết được, do vậy giải pháp là cần rà soát lại, sắp xếp lực lượng của các đơn vị Tư vấn đảm bảo hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng, cho nên các Ban QLDA, các Chủ đầu tư do UBND tỉnh đã ủy quyền phải có quyết định đúng đắn trong việc lực chọn Nhà tư vấn thiết kế đủ năng lực để giao dự án, nhà tư vấn thực hiện đúng tiến độ, sản phẩm đạt chất lượng.
Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại, nâng cao năng lực cho các cán bộ thiết kế, chủ trì, chủ nhiệm dự án đảm bảo đáp ứng các mục tiêu làm chủ công tác Tư vấn xây dựng các công trình. Đối với việc đào tạo lại cán bộ tư vấn, chỉ chọn những người đã tốt nghiệp Đại học theo chuyên ngành thì được làm tư vấn theo đúng lĩnh vực khác. Nhà tư vấn cần phải hiểu sâu về lĩnh vực chuyên môn của một số lĩnh vực khác như: chính sách chế độ tài chính, pháp luật…
Các đơn vị phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa chất lượng của công tác tư vấn. Phải thực hiện các công việc tư vấn một cách đúng đắn, khoa học. Các đơn vị tư vấn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các sản phẩm tư vấn của mình, về sự chính xác của tài liệu tham khảo và các số liệu tính toán. Những ý định của chủ đầu tư trái với nghiệp vụ chuyên môn, đơn vị tư vấn phải thuyết phục trên cơ sở các luận cứ khoa học các quy định của Nhà nước quản lý đầu tư và xây dựng, nếu không thuyết phục được phải lập báo cáo gửi riêng UBND tỉnh và các cơ quan thẩm định công tác tư vấn đó, trong trường hợp này các cơ quan tư vấn sẽ không chịu trách nhiệm về các sai sót do việc ép buộc của chủ đầu tư gây ra.
Bên cạnh đó chủ đầu tư cũng phải tạo điều kiện cho nhà tư vấn có đủ thời gian cần thiết đủ để các nhà tư vấn thu thập, nghiên cứu, khảo nghiệm các số liệu liên quan đến dự án. Tuy nhiên cũng có thể căn cứ vào trình độ, khả năng thực tế, sản phẩm đã được xã hội thừa nhận để chọn thầu tư vấn nhưng cũng chỉ áp dụng cho những công trình tương tự.
b. Nâng cao năng lực quản lý của các cán bộ quản lý dự án
Thực tế cho thấy các cán bộ quản lý theo dõi công tác lập dự án của các Ban QLDA của UBND tỉnh, huyện thị, thành phố trực thuộc tỉnh còn có hạn chế về mặt
chuyên môn, bằng chứng ở chỗ không am hiểu sâu về chế độ định mức của Nhà nước, về phân tích hiệu quả kinh tế tài chính của dự án, về các giải pháp kỹ thuật, vì vậy cho nên không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm Tư vấn trước khi trình duyệt. Về việc này các Ban QLDA và các Chủ đầu tư của UBND tỉnh, huyện thị, thành phố trực thuộc tỉnh cần phải được đào tạo lại các cán bộ được phân công theo dõi công tác lập dự án đầu tư, để đảm bảo chỉ trình duyệt những dự án đầu tư xây dựng đạt được hiệu quả kinh tế, kỹ thuật.
c. Nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ, công chức các sở ngành trong công tác thuộc UBND tỉnh trong công tác thẩm định dự án đầu tư.
Thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình là công việc hết sức quan trọng, là khâu quyết định cho sự thành bại của quá trình đầu tư một dự án. Từ những đặc điểm của hoạt động đầu tư phát triển có thể phải chịu nhiều rủi ro và mang tính mạo hiểm cao nên trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư việc nghiên cứu khảo sát tính toán và dự án đòi hỏi thật kỹ lưỡng, chính xác, trên tất cả các phương diện nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư. Đây là vấn đề quan trọng nhất.
Thẩm định dự án có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho chủ đầu tư, tổ chức tài trợ vốn đánh giá một cách khách quan tính hợp lý, tính hiệu quả, tính khả thi của dự án giúp cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư được đúng đắn. Thẩm định dự án là một chức năng chủ yếu trong quản lý Nhà nước về đầu tư, thẩm định dự án phải được xem xét toàn diện về quy hoạch xây dựng, các phương án kiến trúc công nghệ, sử dụng đất đai, tài nguyên, hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái phương diện tài chính và các khía cạnh xã hội khác đảm bảo dự án có tính khả thi giúp cho người có thẩm quyền ra quyết định đầu tư. Thời gian qua, dự án công trình do các UBND huyện thị, thành phố Quản lý và điều hành việc thẩm định do các phòng hạ tầng hoặc Tài chính kế hoạch chủ trì, có tham khảo một số ý kiến của một số Sở, ngành liên quan. Sau một thời gian triển khai cho thấy chất lượng thẩm định dự án còn nhiều hạn chế. Một phần do chất lượng lập dự án thấp, phần do năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phương pháp tổ chức thực hiện của các cán bộ thực thi còn bất cập. Nên đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng thẩm định dự án. Ngoài những nội dung kiểm tra, cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện từng chỉ tiêu của dự án. Cơ quan thẩm định quan tâm hơn nữa đến một số chỉ tiêu sau:
- Về tài chính: Khả năng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh cũng như vốn của Chủ đầu tư bố trí cho công trình.
- Về hiệu quả kinh tế xã hội cần kiểm tra:
+ Về công nghệ, tác động môi trường và kế hoạch tiến độ thực hiện dự án đều là những vấn đề quan trọng mà Chủ đầu tư dự án khi lập chưa lường trước được.
+ Về phương pháp và thời gian thẩm định. Tùy theo dự án mà cơ quan chủ trì thẩm tra phân công cán bộ có hiểu biết trong lĩnh vực đó đảm nhiệm. Và các cán bộ đó phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Nhà nước. Đối với một số dự án lớn, phức tạp nên tổ chức hội thảo khoa học. Trường hợp cần tham khảo ý kiến một số ngành, cơ quan chỉ trì phải gửi yêu cầu và thời gian hoàn thành. Nếu có ý kiến quan điểm khác nhau ở những vấn đề lớn cơ quan chủ trì cần mời đại diện các ngành bàn bạc thống nhất. Trường hợp chưa thống nhất phải báo đầy đủ cho người có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định. Cần khắc phục tư tưởng nể nang, dễ dãi, đơn giản trong việc thẩm định dự án. Về thời gian, yêu cầu phải tiến hành khẩn trương tránh những thủ tục rườm rà, phiền hà, thực hiện đúng hoặc sớm hơn mốc thời gian quy định. Mặt khác thông qua việc thẩm định dự án, với chức năng của mình Sở Kế hoạch và Đầu tư, các phòng hạ tầng, Tài chính kế hoạch hàng năm nên thống nhất hướng dẫn các chủ đầu tư về nội dung phương pháp kinh nghiệm, thời gian lập dự án, định hướng đầu tư để các chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư chủ động lập dự án tìm nguồn vốn tài trợ và kế hoạch bố trí vốn, khắc phục tình trạng thiếu dự án, dự án lập và thẩm định vội vàng chất lượng thấp không đáp ứng yêu cầu.
Nội dung giải pháp và tổ chức thực hiện:
Tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và Nghị định số 62/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Nâng cao chất lượng thẩm định phê duyệt dự án đầu tư. Phải có cơ chế khuyến khích đãi ngộ các chuyên gia giỏi và có đạo đức nghề nghiệp tham gia vào công tác tư vấn thẩm định dự án đầu tư. Tỉnh phải nhanh chóng thành lập các bộ phận trực thuộc UBND tỉnh hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chức năng giám định đầu tư nhằm kiểm tra giám sát, phân tích đánh giá từng giai đoạn hoặc toàn bộ quá
trình đầu tư và xây dựng để đảm bảo cho đầu tư phù hợp quy hoạch mục tiêu phát triển KT - XH, nâng cao hiệu quả và hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.