5. Bố cục của luận văn
3.1.3. Cơ sở hạ tầng của Tỉnh
* Hệ thống giao thông
Về đường bộ: Hệ thống giao thông của Tỉnh Quảng Ninh rất phong phú bao gồm giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt, đường biển, và các cảng hàng không. Trong đó, hệ thông đường bộ có 5 tuyến Quốc lộ với 381 km, đường tỉnh có 12 tuyến với 301 km, 764 km đường huyện và 2.233 km đường xã, toàn tỉnh có 16 bến xe trong đó 6 bến xe liên tỉnh hỗn hợp. Đối với hệ thống Đường thuỷ nội địa toàn tỉnh có 96 bến thuỷ nội địa, 5 cảng biển (9 khu bến) thuộc Danh mục cảng biển trong Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các cảng biển như Cảng Cái Lân, Cảng Vạn Gia, Cảng Cửa Ông, Cảng Hòn Nét và Cảng Mũi Chùa. Ngoài ra tỉnh còn có 65 km đường sắt quốc gia thuộc
tuyến Kép-Hạ Long, và hệ thống đường sắt chuyên dùng ngành than. Tỉnh đang tập trung nguồn lực để xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh (sân bay Vân Đồn) đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và thăm quan du lịch cho người dân và khánh du lịch tới đây.
Quốc lộ 18A Đông Triều - Móng Cái dài 263 km, QL 18C (Tiên Yên - Hoành Mô dài 50 km) đã hoàn thành việc nâng cấp đoạn Mông Dương - Móng Cái. Quốc lộ 10 đi qua địa bàn tỉnh (ngã ba Biểu Nghi - bến phà Rừng dài 15 km) và quốc lộ 10 mới đi qua Uông Bí nối Quảng Ninh với các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Quốc lộ 4B từ Đình Lập - Mũi Chùa dài 27 km. Quốc lộ 279 từ Ngã ba Hà Khẩu - Hạ My dài 41 km.
Hệ thống giao thông nông thôn vẫn còn nhiều đường cấp phối, chưa có hệ thống thoát nước, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn.
Trong tháng 5/2014 khánh thành, thông xe đoạn Uông Bí - Hạ Long và động thổ đoạn Bắc Ninh - Uông Bí (Dự án cải tạo nâng cấp QL18 theo hình thức BOT). Dự án “Cải tạo, nâng cấp QL 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long theo hình thức Hợp đồng BOT” nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung. Dự án có tổng chiều dài tuyến 30,1km và có tổng mức đầu tư gần 2.840 tỷ đồng. Quy mô dự án là đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h, nền đường rộng 20,5m. Sau lễ khánh thành đoạn Uông Bí - Hạ Long, Bộ GTVT, UBND tỉnh và Chủ đầu tư (Công ty CP BOT Đại Dương) đã tổ chức động thổ đoạn Bắc Ninh - Uông Bí. Đoạn tuyến này có chiều dài khoảng 77 km được cải tạo nâng cấp đạt quy mô 4 làn xe, theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Tổng mức đầu tư Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt gần 5.744 tỷ đồng.
Trong tháng 9/2014 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức phát động khởi công Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - tuyến đường do tỉnh Quảng Ninh “tự bỏ tiền” xây dựng để nối với TP Hải Phòng và với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo thiết kế, toàn tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng chiều dài hơn 25km, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 100 - 110km.
Dự án đường nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng được khởi công lần này do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh làm chủ, với tổng mức đầu tư trên 6,4 nghìn tỉ đồng, chủ yếu lấy từ nguồn vốn ngân sách địa phương. tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hoàn tất tuyến đường dẫn cao tốc này vào cuối năm 2016.
Phần cầu Bạch Đằng có chiều dài 5,45km, với tổng số tiền phê duyệt dự án là 7.200 tỉ đồng sẽ do Tập đoàn SE của Nhật Bản thi công theo hình thức BOT. Dự kiến, nhà thầu sẽ khởi công xây dựng dự án vào quí 1 năm 2015 và hoàn thiện vào năm 2017. Tuyến cao tốc này sau khi hoàn tất sẽ nối với tuyến đường đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (chiều dài 106 km). Khi đó tuyến đường kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ hoàn chỉnh, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông liên vùng, tạo động lực cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.
Về đường thủy: Là một tỉnh có lợi thế về phát triển giao thông trên biển, hiện có mạng lưới đường thủy do Trung ương quản lý khoảng 396km, do địa phương quản lý 105 km.
- Hệ thống cảng biển gồm có:
+ Cảng nước sâu Cái Lân có khả năng đón tàu từ 3 - 5 vạn tấn, là cảng lớn của Quảng Ninh, cửa ngõ “vào - ra” của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đặc biệt, Cảng có dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu. Giai đoạn I, công suất sẽ đạt 510.000 TEU/ năm và trong tương lai Cảng sẽ đáp ứng công suất làm hàng 1.200.000 TEU/năm.
+ Cảng Hòn Nét - Hạ Long là cụm cảng trung chuyển hàng hóa cách bờ khoảng 6 hải lý với độ sâu 20 m nước cho tàu 10 - 15 vạn tấn cập cảng.
+ Cảng Hòn Gai hiện đã chuyển thành cảng du lịch Quốc tế.
+ Cảng Cửa Ông chuyên dùng để xuất than, năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng từ 3 - 5 triệu tấn phục vụ cho các mỏ than ở Cẩm Phả.
+ Cảng Nam Cầu Trắng dùng để xuất than cho các mỏ Hà Lầm, Hà Tu. Năng suất thông qua cảng 3,5 triệu tấn/năm.
+ Cảng chuyên dùng B12 chủ yếu để chuyển xăng dầu cho khu vực phía Bắc đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định xây dựng mới để vừa thuận lợi cho vận tải hàng hóa, vừa không gây ô nhiễm môi trường cho Vịnh Hạ Long.
- Cảng sông có:
+ Cảng hàng hóa Vạn Gia (thành phố Móng Cái): là cửa ngõ sang Trung Quốc, có độ sâu khoảng 9 - 10 m cho tàu 10.000 tấn cập bến, là điểm chuyển tải thuận lợi. Năng lực thông qua cảng 2 triệu tấn/năm.
+ Cảng Mũi Ngọc (Đá Đỏ): có vị trí thích hợp xây dựng cảng đa chức năng, vừa là cảng hàng hóa vừa là cảng hành khách. Dự kiến xây dựng bến tàu 500 tấn cập bến bốc hàng và tàu khách có 100 - 500 ghế ra vào thuận lợi.
+ Cảng Mũi Chùa: là cảng nằm giữa khu vực Hồng Gia - Hải Ninh rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.
+ Cảng tàu du lịch Bãi Cháy: phục vụ vận chuyển khách du lịch tham quan trên vịnh Hạ Long.
+ Cảng Bang: phục vụ công nghiệp xi măng ở Hoành Bồ và xuất than.
+ Cảng Cô Tô (huyện đảo Cô Tô): nối đất liền và huyện đảo, vừa phục vụ mục đích dân sinh, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
+ Cảng Tuần Châu có quy mô 150.000m2. Cầu cảng có chiều dài gần 2.000m, kết cấu bê tông đúc liền khối, kết hợp với hệ thống cầu phao có thể điều chỉnh được theo độ cao mớn nước của tàu Quy mô của cảng có thể đáp ứng cùng lúc khoảng 200 tàu du lịch lớn nhỏ cập bến. Cảng tàu khách Tuần Châu được đón các phương tiện đường thủy nước ngoài.
- Về đường sắt: Hiện tại Quảng Ninh mới chỉ có tuyến đường sắt từ Kép - Bãi Cháy dài hơn 166 km, tuyến đường này chỉ chủ yếu vận chuyển than và một lượng hàng hóa không đáng kể từ Bãi Cháy vào trong nội địa. Trong thời gian tới, sẽ xây dựng mới tuyến Hà Nội - Yên Viên - Hạ Long có chiều dài khoảng 180 km để tăng cường năng lực hàng hóa thông qua địa bàn kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và góp phần giải tỏa nhanh lượng hàng qua các cảng biển thuộc tỉnh.
- Hàng không: Vừa qua Chính phủ đã phê duyệt cảng hàng không tại Vân Đồn (Tại quyết định số 576/QĐ-BGTVT ngày 16-3-2012 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Quảng Ninh giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030). Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 công bố Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020, trong đó có dự án Cảng hàng không Quảng Ninh.