Kinh nghiệm của một số nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh quảng ninh​ (Trang 38 - 42)

5. Bố cục của luận văn

1.2.1. Kinh nghiệm của một số nước

Ở các nước phát triển và đang phát triển, dành vốn ĐTXD vào phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ sở kinh tế lớn mà tư nhân không thể đầu tư được và dùng chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua con đường tín dụng Nhà nước để đầu tư vào các cơ sở sản xuất, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn kinh doanh. Gần chúng ta nhất là các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... là những nước dùng rất lớn nguồn vốn ngân sách vào ĐTXD và đạt được những kết quả đáng học tập.

1.2.1.1. Trung Quốc

Trung Quốc đã dành một lượng VĐT thích đáng từ NSNN để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH, cho ra đời nhiều đặc khu kinh tế tài chính lớn, tạo tiền đề vật chất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Từ những năm 1970, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể, từ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sang lĩnh vực đào tạo lực lượng lao động, hiện đại hoá ngành vận chuyển quốc tế, nâng cấp hệ thống viễn thông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư trọng điểm cho đường sắt cao tốc. Trong hai năm tới, tổng quy mô đầu tư xây dựng đường sắt của Trung Quốc dự tính đạt 1.000 tỷ NDT.

Đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, Bắc Kinh - Quảng Đông, Cáp Nhĩ Tân - Đại Liên, dọc các thành phố ven biển Đông Nam … những dự án này hoặc đang được đẩy nhanh việc xây dựng hoặc đã bước vào giai đoạn thực thi. Các tuyến khách vận cao tốc có thể giảm mạnh thời gian đi lại của người dân, hệ thống đường có năng lực vận chuyển cao sẽ giúp hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn trên toàn Trung Quốc. Sau khi được xây dựng những đường cao tốc này sẽ giải quyết được mâu thuẫn về năng lực vận chuyển và nhu cầu vận chuyển trên các tuyến chính, đẩy nhanh việc hình thành hệ thống vận tải đường sắt hiện đại

hóa với năng lực vận chuyển lớn, trang thiết bị tiên tiến, chức năng hoàn thiện và thuận tiện hiệu quả.

Tháng 1/2005, “quy hoạch mạng đường bộ cao tốc quốc gia” Trung Quốc đã đề xuất, Trung Quốc sẽ mất 30 năm để hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia với 85 ngàn km đường. Theo lộ trình kế hoạch của Bộ giao thông vận tải Trung Quốc, đến cuối năm 2008, độ dài thông xe mạng đường bộ cao tốc quốc gia có thể đạt 49 nghìn km, đang xây dựng 14 nghìn km và còn 23 nghìn km chưa khởi công. Trong số đó, có một bộ phận đáng kể thuộc đoạn đường giao giữa địa phận các tỉnh, có khoảng 6.000 km thuộc dạng “dự án treo”, những dự án này đều đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng vào năm 2009 và 2010.

Bộ giao thông vận tải Trung Quốc nêu rõ, bằng việc xây dựng trong 3-5 năm sẽ nỗ lực xây dựng về cơ bản mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia.

Ngoài ra, vào cuối “kế hoạch 5 năm thứ 11”, tổng số các sân bay dân dụng của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 190 sân bay, tăng mới khoảng 45 sân bay. Đến 2010, các thành phố cấp tỉnh, thành phố mở cửa chủ yếu, khu du lịch quan trọng, vùng giao thông không thuận lợi trên toàn Trung Quốc sẽ đều có sân bay nối liền. Sẽ có 75% đơn vị hành chính cấp huyện của Trung Quốc có thể hưởng những dịch vụ hàng không trong phạm vi bán kính 100 km hoặc 1,5 giờ xe chạy.

Cuối năm 2008, Trung Quốc đã có kế hoạch đầu tư cơ sơ hạ tầng lên tới 600 tỷ USD có mục tiêu lớn cho quá trình đô thị hoá chưa từng có trong lịch sử. Nguyên nhân hợp lý cho kế hoạch chi tiêu hoành tráng này là đáp ứng nhu cầu tài chính cho quá trình đô thị hóa lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Thay đổi này sẽ đưa Trung Quốc từ một nước bao thế kỷ nay với số dân chủ yếu sống ở vùng nông thôn sang một thái cực trái ngược. 30 năm trước đây, khi Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa nền kinh tế, khoảng hơn 80% người sống tại nông thôn, và chỉ 6 năm trước, con số này là 60% và nay là 50%.

1.2.1.2. Singapore

Singapore là một nước đầu tư nguồn vốn NSNN lớn cho ĐTXD, cơ sở hạ tầng và rất quan tâm đến hiệu quả, chất lượng các công trình xây dựng.

Ở Singapore, trên các tấm biển lớn của công trường xây dựng, người ta đã sử dụng nhóm từ "phát triển chất lượng" thay cho nhóm từ "phát triển bất động sản". Trong toàn bộ khâu quản lý dự án, cùng với việc quản lý chi phí, thêm hai phần việc là quản lý giá trị và quản lý thiết bị, tiện nghi. Điều này thể hiện một cách tiếp cận hệ thống, một quan điểm kinh tế tổng hợp, toàn diện đối với một

công trình từ khi bắt đầu xây dựng, xây dựng xong, bước vào vận hành cho tới tuổi thọ quy ước của nó.

Về xây dựng, trên phương diện quy hoạch, cả nước - thành phố Singapore bao gồm rất nhiều nhà chọc trời, nhiều công trình đồ sộ, nhưng nhìn chung không ai có cảm giác nặng nề bởi những khối bê tông sừng sững như một số thành phố khác, chẳng hạn Băngkok, Hồng Kông.

Singapore có được cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và “thân thiện môi trường” như ngày nay, trước hết là nhờ vào quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ rất sớm - năm 1971 - và được thực hiện cho đến nay. Gọi là quy hoạch tổng thể, nhưng thực tế đã được chi tiết hóa tại từng dự án thông qua thiết kế đô thị bằng mô hình (mô tả về kiến trúc, tầng cao, màu sắc công trình, đường sá, đường vành đai, đường sắt, công trình an sinh xã hội…). Ngày nay, Singapore là một trong những nước có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại nhất thế giới.

Cá biệt mới có dự án được điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của nhà đầu tư nhưng với điều kiện phải bảo đảm kết nối hạ tầng theo quy hoạch chung và được cơ quan chuyên môn thuộc Chính phủ xét duyệt chặt chẽ. Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 - 10 tầng) và thấp tầng (1 - 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, Hoa, Malaysia và Ấn Độ). Bản quy hoạch tổng thể cũng thể hiện việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại…) do nhà nước đầu tư.

Vấn đề cơ bản là các kiến trúc sư quy hoạch tổng thể đã có những biện pháp xử lý hài hoà về không gian theo cả chiều đứng lẫn chiều ngang, để chỉ đạo và kiểm soát kiến trúc ngay từ đầu, thực hiện được điều mà giới kiến trúc hiện đại gọi là Sự hài hoà không gian thống nhất.

Đồng thời, ý thức hành động bảo vệ, tôn tạo cảnh quan được chú trọng một cách triệt để, điều này hầu như đã thấm vào máu thịt của tất cả mọi thành viên xã hội. Các trụ cầu vượt trong thành phố đều được trồng loại cây leo phủ kín bám chặt vào mặt bê tông, tạo một cảm giác mượt mà, thoải mái, tươi mát tự nhiên. Nhiều giải pháp thiết kế kiến trúc đã, đang được áp dụng linh hoạt, thông minh, sáng tạo trong từng công trình riêng lẻ, trong một quần thể công trình và trong cả một khu vực, dưới bối cảnh ràng buộc số một của Singapore là sự hạn chế gắt gao về diện tích đất đai. Không kể đến những dự án cần lấn biển để có thêm mặt bằng xây dựng, phải mua đất và cát từ Inđônêxia chở về, một số công trình mới, có nhiều tầng hầm,

đã tận dụng đất cát đào lên để đắp thành những gò, đồi có độ cao khác nhau, tạo nên sự thay đổi về địa hình, địa mạo tự nhiên, tránh đơn điệu trong bố cục tổng thể.

Ngành xây dựng Singapore hiện nay chỉ chiếm 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với 25% năm 1996. Riêng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, điều đáng chú ý là 86% số dân Singapore hiện đang sống trong những khu nhà do Nhà nước xây dựng và quản lý, nên thị trường xây dựng tư nhân rất nhỏ bé, chỉ đảm bảo xây dựng nhà ở cho tầng lớp trên trong xã hội và cho các nhà đầu tư mua để người nước ngoài thuê lại.

Toàn bộ các công trình xây dựng tại Singapore, từ nhà ở, văn phòng, cơ quan, siêu thị đến khách sạn, nhà máy, đường sá, cầu cống... đều được xây dựng và hoàn thiện với chất lượng tuyệt hảo. Người thi công không chấp nhận cho phép có bất cứ một sai sót nào - dù nhỏ - để tránh nguy cơ tự đào thải trong bối cảnh cạnh tranh ác liệt của thị trường. Cả hai phía, người làm ra công trình để bán, người mua công trình xây dựng, bất kể quy mô và công năng gì, là đã đòi hỏi nội dung chất lượng phải ở mức độ không thể chê trách. Vì vậy, trên các tấm biển lớn của công trường xây dựng, người ta đã sử dụng nhóm từ "phát triển chất lượng" thay cho nhóm từ "phát triển bất động sản". Và lẽ cố nhiên, để có chất lượng các công trình xây dựng, phải có cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ từ quy hoạch, thiết kế, vật liệu, vật tư xây dựng đến kỹ thuật thi công, và bảo quản, duy tu các công trình xây dựng.

Tập quán xưa nay là chỉ tính đến chi phí xây dựng ban đầu, coi như thế là xong đối với một công trình, không cần quan tâm đến những khoản khác, hoặc chỉ quan tâm một cách hình thức. Cũng vì vậy mà tốc độ xuống cấp, cả hữu hình và vô hình của một công trình xây dựng diễn ra rất nhanh, đưa đến những tổn thất chung và riêng cực kỳ lớn. Một nền kinh tế đang phát triển, một đất nước còn nghèo như Việt Nam càng phải nhận thức sâu sắc và thực hành sớm sủa cách quản lý này, ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô, để có thể phát huy hiệu quả thực sự của đồng vốn đang còn ít ỏi hiện nay.

1.2.1.3. Nhật Bản

Nền kinh tế Nhật Bản phát triển từ những năm 1960-1961. Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, Chính phủ đã tập trung VĐT từ NSNN để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Thời kỳ 1967 - 1971, Chính phủ Nhật Bản đầu tư cho cơ sở hạ tầng gần gấp 2 lần so với giai đoạn 1964 - 1965 đặc biệt dành cho các đô thị lớn. Nhật Bản dùng vốn NSNN để tập trung đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, giao thông đô thị, hệ thống thông tin, nhà ở đô thị, hệ thống cấp nước, thoát nước, trường học,

bệnh viện. Đến nay hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng của Nhật Bản đã được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh quảng ninh​ (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)