Quan niệm về thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ nguyễn hoa (Trang 29 - 35)

7. Đóng góp của luận văn

1.3. Quan niệm về thơ

Trong hành trình sáng tác thơ của mình, ta thấy Nguyễn Hoa là một nhà thơ luôn có ý thức cao về nghệ thuật, về sứ mệnh của người nghệ sĩ. Đó là một hồn thơ luôn thao thức, cứ đau đáu không nguôi với những nỗi niềm cuộc sống, với những phận người và cả số phận của thi ca.

Cũng như nhiều nhà thơ, Nguyễn Hoa đã có những phát ngôn thể hiện những suy niệm của mình về thơ. Những suy niệm ấy có khi là những phát ngôn trực tiếp, có khi lại là gián tiếp qua những sáng tác thơ. Thơ là sự tan chảy của trí tuệ và cảm xúc. Người làm thơ không thể trượt theo cảm xúc đơn thuần, ngược lại cảm xúc ấy bao giờ cũng được dẫn dắt bởi lí trí. Thơ là hiện thân của trí tuệ, của tư duy triết luận. Những suy niệm về thơ ẩn chứa trong sáng tác thơ chính là sự biểu hiện chất khoa học trong thơ.

Nguyễn Hoa đã từng nói rằng: “Tôi có lòng chân thành không biết sợ”, phải chăng đó chính là cái gốc của người thơ, cái gốc của thơ. Và lòng chân thành ấy của thi sĩ đã trổ lá, trổ hoa lên cái cây ngôn ngữ. Quả thực, đọc thơ Nguyễn Hoa, người đọc thấy ở đó sự chân mộc đến hồn nhiên của thi sĩ được thể hiện trong rất nhiều những bài thơ “ngắn lời mà sâu ý”:

Mỗi bài thơ ngắn Xòe lá lá xanh Mỗi cây thân phận Buốt đau nảy cành.

Hay: Tối thích lời thẳng đắm lòng thơ ngắn (Thích)

Hình thức ngắn, dài không phải là yếu tố quyết định số phận của thơ. Thơ là sự dồn nén của cảm xúc và trí tuệ, vì vậy, việc lựa chọn ngôn ngữ thơ là một thách thức lớn với các nhà thơ. Bởi ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ được nhà thơ chọn lọc,

chưng cất một cách nghệ thuật từ ngôn ngữ đời sống. Ý thức sâu sắc điều này, Nguyễn Hoa đã luôn đề cao vai trò của ngôn ngữ thơ hay là “chữ” trong thơ. Với Nguyễn Hoa, chữ trong thơ không chỉ là kết quả mà những người làm thơ - phu chữ đã dày công cày xới trên cánh đồng thơ, mà nó còn là một thân phận, một số kiếp, một định mệnh mà nhà thơ gọi là “kiếp chữ”. Và như vậy chữ trong thơ Nguyễn Hoa không phải là những con chữ vô cảm, vô hồn, mà nó có một đời sống riêng. Và nhà thơ sẽ cho nó một đời sống thật ý nghĩa khi biết dùng chữ để tạo nên những câu thơ có ích. Còn nếu không, chữ sẽ trở thành những âm thanh vô nghĩa, vô hồn, mang nỗi đau riêng của chữ:

Tủi thân Kiếp chữ Làm Những câu thơ Không hồn vía. (Kiếp chữ)

Phải chăng, thông qua kiếp chữ, Nguyễn Hoa muốn nói đến trách nhiệm của nhà thơ. Chữ hay, có hồn thì thơ sẽ sống mãi trong tâm thức của người đọc. Chữ trong quan niệm của nhà thơ là phải có trách nhiệm khám phá chiều sâu trong tâm hồn con người để làm nên giá trị cho đời. Chữ trong thơ là “mắt chữ” có thể “nhìn sáu cõi, soi thấu đến nghìn đời” và hướng con người đến với Chân, Thiện, Mỹ.

“Mắt chữ chớp bao la Núi ngàn cao sông biển Ráng vàng tấm lòng ta Gió thơ lành, sạch hiện”

(Gió thơ)

Không chỉ dừng lại ở việc xem chữ như một “số kiếp”, như “mắt chớp bao la”, mà Nguyễn Hoa còn tôn vinh chữ lên một tầm cao mới của những giá trị mĩ cảm mới khi ông nói rằng chữ trong thơ chính là những “mảnh vụn của trái tim” nhà thơ đã vỡ ra, biến thành câu chữ trong thơ và từ câu chữ này đã làm nên những hạt giống thơ đầy ý nghĩa giữa cuộc đời:

Khi những con chữ Mảnh vụn trái tim tôi Vỡ...

Được đặt lên bàn tay bạn như hạt giống nhỏ Và bạn ơi

Tôi làm sao không sung sướng

Được ngã nhào thành mặt đất ươm cây!

(Mặt đất ươm cây)

Nhưng với Nguyễn Hoa, ông không chỉ dừng lại ở việc chăm chút cho hình thức câu thơ, như một người phu chữ mà còn chú ý đến giá trị biểu hiện của những con chữ ấy. Thơ chỉ thực sự hiện hình khi nó thể hiện “nỗi đau đớn lòng” của nhà thơ trước những “điều trông thấy” của cuộc đời. Từ quan niệm thực ra không mới nhưng điều đáng nói là Nguyễn Hoa lại bàn đến sứ mệnh của nhà thơ trước cuộc đời như một ý thức của sự sáng tạo. Ông đã có những lời tự vấn đầy khắc khoải.

“Làm sao có thơ hay Biết điều nầy

Nhà thơ chẳng bao giờ nên hỏi Nhưng mỗi ngày mỗi ngày Nhà thơ đang đi về nơi cát bụi Có thể nào lại giấu nỗi đau?

(Nỗi đau)

Nhiệm vụ của văn học là phản ánh hiện thực, nhưng là hiện thực vốn có của nó chứ không phải hiện thực phải có. Hiện thực ấy bao gồm cả niềm vui, niềm hạnh phúc và những nỗi buồn, niềm đau. Và nhà thơ với tư cách là thiên sứ cứu rỗi nhân sinh thì không bao giờ lại “giấu nỗi đau”. Nỗi đau là một trong những điều kiện tất yếu của sáng tạo nghệ thuật. Hiểu được điều này, ta thấy những suy niệm về thơ của Nguyễn Hoa thật đáng trân trọng.

Nguyễn Hoa luôn ý thức về vai trò, trách nhiệm của nhà thơ hết sức lớn lao. Ta hãy đến với một lời tâm sự của Nguyễn Hoa để thấy sự cảm nhận từ một quá trình nghiệm sinh sâu sắc mà chỉ có những nhà thơ luôn ám ảnh trước nỗi đau của con người thì mới có lối tư duy lạ lùng đến như thế:

Ngủ trong vô tư Ai cũng biết!

Nhưng để thức với vô tư Chỉ có nhà thơ

(Thức với vô tư)

Ông đã khẳng định sứ mệnh của nhà thơ bằng phép lạ hóa trong tư duy nghệ thuật khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi: Tại sao nhà thơ lại “thức với

vô tư?” Đứng trước cuộc đời với bao biến động thăng trầm, trước những ứng xử vô

tư, vô cảm của con người đang lây lan rất nhanh trở thành một dịch bệnh, thử hỏi nhà thơ làm sao có thế ngủ trong vô tư? Và sứ mệnh của nhà thơ là không chỉ nói đến nỗi đau mà còn làm cho tất cả mọi người không vô tư, vô cảm trước nỗi đau của con người, đó phải chăng là những suy nghĩ độc đáo mà đầy ý nghĩa của nhà thơ.

Không chỉ dừng lại ở sự biểu hiện và thức nhận nỗi đau, Nguyễn Hoa còn cho rằng nhà thơ cần phải có lòng dũng cảm, sự trung thực, có khát vọng nhưng cũng cần có thái độ coi thường lợi danh, vật chất, phải biết sống hết mình với những ước mơ cao đẹp:

Tôi chập chờn trong mơ Anh muốn là nhà thơ Hãy bạn bè cây, gió Trong chập chờn mờ tỏ Anh có dám nói to Cái điều anh ước mơ?

(Trong mơ)

Đó là thái độ dũng cảm mà nhà thơ cần phải có. Trước tiên là nói to, dũng cảm nói lên sự thật về những mơ ước của chính mình, và không chỉ nói to mà cần phải dấn thân tranh đấu để giành lấy những điều mình mơ ước, đó chính là sự tư do trong sáng tạo, điều này còn được nhà thơ tâm sự ở một bài thơ khác:

Có thực mới vực được đạo Lời giáo huấn thấu đáo Cho thơ

Còn sự thật- tự do

Là thần hồn, thần vía Của Thơ.

Đúng là Xuân Diệu đã từng viết: Cơm áo không đùa với khách thơ. Nhưng đó là lúc cuộc sống vật chất khó khăn thiếu thốn đè nặng trên vai người nghệ sĩ. Nhưng ngay cả những lúc như vậy thì cũng có thể khẳng định cơm áo không phải là cái để nhà thơ và thơ phải sống và chết vì nó. Bởi lẽ trong cuộc đời còn có những điều hơn cả áo cơm: Đó là nhà thơ phải được tự do để nói lên sự thật. Cái làm nên giá trị vĩnh hằng của thơ chính là khát vọng tự do nói lên sự thật. Làm được điều này, thơ mới thực sự là cứu cánh cho cuộc đời và nhà thơ mới thực sự được giải thoát khỏi nỗi đau trần thế. Với Nguyễn Hoa, điều này không chỉ là một suy niệm về thơ mà trở thành thứ kinh cầu tự:

Câu kinh tụng niệm Giải thoát trần ai Câu thơ mầu nhiệm Giải thoát đời tôi.

(Kinh và thơ)

Trong những suy niệm về thơ, ta còn thấy Nguyễn Hoa luôn trăn trở về sự tồn sinh của thơ và nhà thơ. Ông đã nói một cách rất thành thực:

Có bài thơ Đánh bóng tôi Có bài thơ Sẫm tối tôi... Còn tôi và thơ? (Có bài thơ)

Đời người có lúc được tô hồng, có lúc bị bôi đen, chẳng mấy ai xuôi chèo mát mái suốt cuộc đời. Thơ văn cũng vậy, khi hoàn hảo, lúc sỏi sạn, nhà thơ cần nhận thấy sức mình mà bứt lên đẹp hơn. Còn tôi và thơ? Câu hỏi chỉ tác giả mới trả lời được, bởi trong sâu thẳm tâm hồn nhà thơ là tình người, tình đời

Nguyễn Hoa còn mong những độc giả cũng thành thực khi đọc thơ ông:

Các bạn có thể đọc thơ tôi như người đồng chí Mong không chiếu cố cho mình điều gì quen

Có thể nói đây là sự tự vấn đáng trân trọng cho thấy ý thức của nhà thơ về sự hiện hữu của mình trước cuộc đời. Có thể thấy Nguyễn Hoa là người thành thực và cũng rất mong mọi người thành thực với mình. Nguyễn Hoa coi trọng đề cao thơ, luôn gắn sự tồn tại của thơ với cuộc đời mình. Với ông, nếu không viết được những câu thơ

thật đẹp thì đồng nghĩa với việc tự chôn mình trong đêm tối. Ở một bài thơ khác,

Nguyễn Hoa đã nói về điều này như một tuyên ngôn sống và sáng tạo của thơ ông:

Không viết được

“Những câu thơ thật đẹp” Tôi bỏ tôi

Như đêm tối lẫn vào đêm tối

Để không thấy Bóng mình.

(Tôi bỏ tôi)

Toàn bộ tác phẩm thơ Nguyễn Hoa toát lên vẻ đẹp sâu kín tinh tế, ngôn ngữ trong sáng giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời khái quát những triết lí nhân sinh, những bài học làm người.

Tiểu kết chương 1

Như vậy có thể thấy thơ ca Việt Nam từ sau 1975 đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, xuất hiện một tư duy nghệ thuật mới: cảm hứng nghệ thuật bắt nguồn từ chính số phận và cá nhân nhà thơ. Thơ đã có một cái nhìn mới. Các mặt, các khía cạnh khác nhau của hiện thực được soi rọi bằng một nhận thức mới. Nhận thức trong thơ đa dạng, nhiều chiều cả về nội dung và nghệ thuật. Thơ đã trở về với bản chất vốn có của nó, bằng một giọng điệu thích hợp với thời đại nó đang sống. Nằm trong dòng chảy của thơ ca đương đại, bằng những sáng tác của mình, Nguyễn Hoa đã có một hành trình thơ khá dày dặn. Đặc biệt với những suy niệm về thơ cho thấy một nhà thơ luôn có ý thức cao về nghệ thuật, về sứ mệnh của người nghệ sĩ. Có thể khẳng định, ở tư cách một nghệ sĩ, một nhà thơ, Nguyễn Hoa đã góp một tiếng nói riêng, độc đáo và tích cực trong dòng chảy của thơ ca đương đại Việt Nam.

Chương 2

CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO VÀ HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRONG THƠ NGUYỄN HOA

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ nguyễn hoa (Trang 29 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)