Hình tượng cái tôi trong thơ Nguyễn Hoa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ nguyễn hoa (Trang 57 - 59)

7. Đóng góp của luận văn

2.2. Hình tượng cái tôi trong thơ Nguyễn Hoa

Có thể nói sáng tạo thơ là một hành động chủ quan và sự chủ quan này được biểu hiện cụ thể bằng cái tôi trong thơ. Cái tôi sẽ trở thành trung tâm quy tụ mọi yếu tố khác như cảm hứng, tư tưởng, hình ảnh, giọng điệu, lời thơ.

Cái tôi có vai trò quan trọng trong thơ với tư cách là trung tâm để bộc lộ tất cả những suy nghĩ, tình cảm thái độ bằng một giọng điệu riêng, nhờ vậy làm nên cái độc đáo, không lẫn giữa thơ của tác giả này và thơ của tác giả khác. Dù ở dạng nào, ở tư thế khẳng định (tôi, ta, chúng tôi, chúng ta...), ở tư cách ẩn mình (vô nhân xưng) nhưng người đọc bao giờ cũng nhận ra cái tôi đang độc thoại hay đối thoại với cuộc đời. Sự hiện diện của cái tôi là một cách thể hiện trách nhiệm của nhà thơ, nhân cách của nhà thơ và do thế, người đọc tin hơn ở những thông báo thẩm mỹ.

Chế Lan Viên đã viết: «Hãy bỏ cái tư thế đứng từ bản thân mình, từ kinh nghiệm của đời sống riêng mình, cái tư thế lấy mình chịu trách nhiệm ra mà nói. Tức thì bài thơ hiện thực dường như không thực nữa và sẽ mất đi rất nhiều sức chấn động, ngân vang. Khác nào ta nghe một tiếng nói giữa trời mà không biết

tiếng của ai cả» (Chế Lan Viên, Tựa thơ Tố Hữu, NXB Văn học, Hà Nội, 1963).

Làm thơ không thể không có cái tôi, Viên Mai (1715 - 1797) người đời Thanh, trong Tùy viên thi thoại đã viết: «Làm người thì không nên có cái tôi, có cái tôi thì hay mắc bệnh kiêu căng cậy tài... Nhưng làm thơ thì không thể không có cái

tôi. Không có thì dễ mắc cái tệ cóp nhặt phô diễn». Cái tôi nói trong thơ là chỉ cái

cá tính riêng của nhà thơ, là cảm thụ độc đáo, ngôn từ mới mẻ của nhà thơ đối với đối tượng miêu tả, phong cách biểu hiện khác hẳn mọi người của nhà thơ, chứ không phải sự khuếch đại vô căn cứ và tuyên truyền cho cái tôi của mình. Trong thơ cần kiên trì có cái tôi hoặc làm nổi bật cái tôi. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật sáng tạo của thơ ca. Bởi vì thơ là tâm hồn, tính tình của nhà thơ ; mỗi người có một tâm hồn riêng, một tính tình riêng, vậy mỗi người có thơ riêng. Mỗi nhà thơ đều có sự từng trải cuộc sống riêng của mình, có hoài bão, tư tưởng và phương thức biểu đạt những tình cảm mừng vui, buồn rầu, giận dữ riêng... Và tất cả những cái đó tạo thành phong cách riêng trong tác phẩm của họ.

Có trường hợp nhà thơ là nhân vật, là cái tôi, là hình tượng trung tâm. Đọc thơ ta thấy giữa thơ và cuộc đời tác giả là một, là thống nhất. Ở trường hợp này, cái tôi đích thực là cái tôi nhà thơ. Có trường hợp nhân vật trong thơ vẫn là tôi, nhưng không phải là nhà thơ. Đó là trường hợp nhà thơ đồng nhất cảm xúc với đối tượng miêu tả, nhà thơ hóa thân thành cái tôi trữ tình. Đọc thơ Nguyễn Hoa, ta thấy cái tôi của ông ở vào trường hợp thứ nhất.

Văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt từ năm 1986, trong thơ, cái tôi nhà thơ được khẳng định, cá tính sáng tạo được tôn trọng, con người cá nhân được đặt ở vị trí ưu tiên. So với giai đoạn trước, ý thức về cái tôi đã có sự thay đổi, điều chỉnh và bổ sung tích cực, đó là cái tôi ý thức về mình như một cá nhân trước hiện thực đời sống đa chiều. Nó đã mở ra cho văn học nhiều đề tài, chủ đề mới mà trước đây chưa được khai thác, lí giải một cách sâu sắc, toàn vẹn. Giờ đây, con người được nhìn nhận trong mối quan hệ đa dạng với xã hội, với lịch sử, với gia đình, với thiên nhiên và với bản thân mình. Đó là con người được nhìn nhận trên cả bình diện ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, bản năng, tâm linh, từ góc độ số phận, thân phận…. Điều đó đã dẫn đến sự đổi khác trong quan niệm cái tôi và đó là một sự mở rộng, bổ sung cần thiết cho thơ Việt Nam hiện đại. Xuất phát từ những tiền đề lịch sử xã hội mới, thơ Việt Nam sau 1975 đã trở về với cái tôi cá nhân trên một nền tảng tư tưởng nhân văn thẩm mỹ mới. Có thể nói, cái tôi trong thơ sau 1975 là một cái tôi duy lý, giàu suy nghĩ với chiều sâu tâm tư nội cảm.

Đọc thơ Nguyễn Hoa ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy cái tôi nhà thơ với những sắc thái ý nghĩa riêng. Đó là một cái tôi trong trẻo, giản dị, chân thành dù có phải trải qua bao khắc nghiệt của chiến tranh hay những thăng trầm biến động của cuộc sống thời bình. Bên cạnh đó còn là một cái tôi đầy ý thức trách nhiệm với cuộc sống, khao khát vươn lên khẳng định mình trong thơ cũng như trong chính cuộc đời ông vậy. Và đặc biệt đọc những vần thơ ông viết khi tuổi đời không còn trẻ, ta lại gặp một cái tôi đầy suy tư, chiêm nghiệm chứa đựng những tâm tư, tình cảm sâu lắng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ nguyễn hoa (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)