Tây Nguyên với quá trình đô thị hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện ngắn niê thanh mai (Trang 39 - 41)

7. Đóng góp của luận văn:

2.1.1 Tây Nguyên với quá trình đô thị hóa

Đô thị hóa được hiểu là sự mở rộng của đô thị tính theo tỷ lệ phần trăm giữa dân số đô thị hay diện tích đô thị trên tổng số dân hay diện tích của một vùng hay khu vực. Quá trình đô thị hóa được xem xét qua các khía cạnh: sự thay đổi về cơ cấu dân số giữa thành thị và nông thôn, thay đổi cơ cấu nghề nghiệp… dẫn đến sự biến đổi mạnh mẽ về không gian sinh hoạt, tín ngưỡng văn hóa truyền thống, dân cư và dân tộc, biến đổi cơ cấu nghề nghiệp, môi trường, sự phân hóa giàu nghèo…

Quá trình đô thị hóa ở Tây Nguyên một phần do công nghiệp hóa và hiện đại hóa, một phần là do việc điều chỉnh lại địa giới hành chính ở mảnh đất cao nguyên này. Trong quá khứ, quá trình đô thị hóa ở đây không đồng loạt và nhanh chóng như ở những vùng miền khác, nhưng quá trình đô thị hóa ở đây đã tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc tại chỗ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc văn hóa vốn có lâu đời của mảnh đất cao nguyên. Những thành tựu của khoa học, kinh tế và văn minh đô thị đã mang đến những sắc màu, âm hưởng đa chiều cho cuộc sống đồng bào nơi đây.

Thế hệ trẻ Tây Nguyên là những người hăng hái, hồ hởi, tiên phong trong việc tiếp nhận và ứng dụng những khác biệt của quá trình đô thị hóa vào đời sống dân tộc mình. Trong những sáng tác của Niê Thanh Mai đã cho chúng ta thấy rõ sự hồ hởi, thậm chí có lúc còn quyết liệt đổi thay để bắt nhịp cùng quá trình phát triển chung của xã hội. Đây có thể nói là một trong những nét mới lạ, đặc sắc trong văn xuôi hiện đại Tây Nguyên nói riêng và văn xuôi

33

dân tộc thiểu số nói chung. Tác giả Niê Thanh Mai là đại diện cho thế hệ trẻ Tây Nguyên có tri thức, mạnh mẽ quyết liệt đổi thay để hòa nhập và có ý thức trân trọng, bảo tồn nền văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Tuy nhiên, bên cạnh quá trình hội nhập đầy hào hứng và thành công thì cũng gặp không ít những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở. Đó là sự phai nhạt, mai một dần dần những nét văn hóa bản địa Tây Nguyên. Rừng bị tàn phá, người dân tộc phải bỏ rừng, trong khi rừng vốn được coi là nguồn cội của đời sống tâm linh, là phần sâu xa của con người và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Bởi lẽ mất rừng thì cộng đồng nơi đây sẽ mất đi nền tảng bền vững và thiêng liêng gắn liền với họ. Đó là nơi nuôi dưỡng con người, nơi các thế hệ đồng bào Tây Nguyên gửi gắm tâm hồn, chung sống hài hòa từ bao đời nay.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa còn tạo nên sự thay đổi về quy mô của làng bản Tây Nguyên. Làng bản không còn như xưa, nhất là những khu định cư mới cho các công trình thủy điện, các khu đô thị mới được đầu tư phát triển mạnh. Không còn những buôn làng trong một không gian truyền thống, những nhà rông, nhà dài, nhà sàn đã mất đi. Thực trạng này thực sự rất đáng báo động. Đời sống nhân dân các dân tộc bản địa Tây Nguyên hiện đang còn gặp nhiều khó khăn nên đồng bào chưa có điều kiện quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống. Thậm chí, ở một số địa phương, người dân bản địa còn bán cả cồng chiêng, ché, nhà cổ - những tài sản phi vật thể đang dần trở thành món hàng trao đổi kinh doanh, trao đổi vật chất, mất dần những ý nghĩa thiêng liêng của đời sống tâm linh.

Quá trình đô thị hóa là một quá trình tất yếu của lịch sử, dù ở nơi đâu trên thế giới này thì quá trình đô thị hóa vẫn luôn mang đến niềm tin về bức tranh cuộc sống nhiều gam màu tươi đẹp. Quá trình đô thị hóa đã đem đến những đổi thay mạnh mẽ trong nhận thức của phần đông đồng bào Tây Nguyên. Thế hệ trẻ thì mong muốn được đi học cao hơn, được hội nhập cùng sự phát triển chung của xã hội. Những nhân vật tiêu biểu cho việc bứt phá và

34

quyết tâm đi học cao hơn như: Y Quy trong truyện ngắn Suối của rừng đi học lớp thanh nhạc của Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh; Win trong truyện Ngày mai sáng rỡ; và Phin trong truyện ngắn Những buổi chiều thi

đậu vào trường Nội trú của tỉnh rồi sau đấy đi học ngành Y ở Nha Trang; San

trong truyện ngắn Phía ngoài ô cửa sổ học Đại học Du lịch Hà Nội; Mây

trong truyện ngắn Mai rừng đi học Y khoa của Đại học Tây Nguyên,…

Người dân Tây Nguyên đã tiếp cận với những cái mới của cuộc sống thời hiện đại: Những ngôi nhà đẹp, những tiện nghi cuộc sống, những thú ăn chơi hiện đại. Con gái Tây Nguyên cũng đã thích diện những bộ quần áo thời trang, giày dép, làm các kiểu tóc đẹp, sơn móng tay chân,… Đó là những biểu hiện tích cực của con người thời hiện đại khi hướng mình đến với cái đẹp, cái hiện đại với xu hướng thẩm mỹ mới. Chúng ta không cổ súy cho sự ăn chơi quá đà sinh sa ngã, nhưng chúng ta có quyền mong muốn đồng bào Tây Nguyên hòa nhập với thời cuộc, sống và hưởng cuộc sống hạnh phúc đủ đầy cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Như những bộc bạch của Niê Thanh Mai “Tôi muốn qua những tác phẩm của mình, bạn đọc sẽ thấy một Tây Nguyên đang vươn lên mạnh mẽ”, “Tôi muốn mọi người thấy phần lớn người Tây Nguyên bây giờ đã có cuộc sống tốt hơn, họ có nhà cửa đẹp, có các phương tiện vật chất hiện đại hơn và quan trọng là họ đang hội nhập với cuộc sống hiện đại mà không đánh mất đi bản sắc của mình”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện ngắn niê thanh mai (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)