Cốt truyện mang yếu tố kỳ ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện ngắn niê thanh mai (Trang 115 - 119)

7. Đóng góp của luận văn:

3.2.3 Cốt truyện mang yếu tố kỳ ảo

Trong văn học, kỳ ảo là nguyên tắc dụng ngôn theo lối ẩn dụ: lấy cái ảo để nói cái thực là một phương cách sáng tạo, một kiểu tư duy, nghiền ngẫm hiện thực của nghệ sỹ. Yếu tố kỳ ảo hiện diện trong văn chương như là một tất yếu bởi nghệ thuật là sản phẩm của tưởng tượng, hư cấu và cái lí cho sự ra đời, tồn tại của diễn ngôn văn chương chính là nỗ lực nói lên cái mà diễn ngôn thông thường bất lực. Ma lực của kỳ ảo đã thu hút các chủ thể sáng tạo văn học đủ mọi tầng lớp. Văn học thời kỳ hiện đại đã khơi gợi được nhiệt huyết của các cây viết trẻ hướng đến yếu tố kỳ ảo, xem đó như là thủ pháp nghệ thuật đắc địa để khám phá những biểu hiện đa dạng, phức tạp của cuộc sống và tâm hồn con người thời hiện đại. Tính năng động, phức tạp của mối tương quan giữa cuộc sống và cái chết, ký ức và sự lãng quên, người sống và người chết, hiện tại và quá khứ, không gian và thời gian,… đã được thể hiện thấu tình đạt lý nhờ sự minh triết táo bạo, mới mẻ của người viết. Đời sống tâm linh của con người cũng được nhiều tác giả quan tâm như một cái gì hiện hữu mà vô hình, một ẩn số mà mỗi tác giả cố đuổi theo, nắm bắt và khám phá. Niê Thanh Mai là cây viết trẻ thành danh đầu thế kỷ XXI và chị đã bắt đầu có những sáng tác kết hợp “thực” và “ảo” một cách tự nhiên. Tác giả không sử dụng cái ảo như yếu tố chủ đạo, cái ảo không thống lĩnh trong truyện ngắn nhưng nó có sự chi phối và sức lan tỏa đến toàn bộ câu chuyện. Đó là những chi tiết về giấc mơ, yếu tố tâm linh, vô thức nhà văn hướng đến, những điều khó hoặc không thể giải thích bằng tư duy khoa học một cách chính xác.

109

Tiêu biểu cho kiểu cốt truyện này là truyện ngắn Trời bảng lảng sương. Tác giả tưởng tượng những chi tiết về việc chàng trai chăn bò yêu si

mê một cô gái đã chết và khi thả lũ bò nhởn nhơ gặm cỏ chàng trai ấy lại đến bên “ngôi nhà” - ngôi mộ của cô gái để trò chuyện. Chỉ cần cô ấy thích loại hoa dại nào thì ngay lập tức anh chạy đi tìm kiếm và hái về cắm vào mộ. Cứ đều đặn hai ngày chàng trai ấy lại đến “ngôi nhà” của cô gái. Rồi dần dà họ yêu nhau, chàng trai đưa cô gái về nhà:

Em cười bằng mắt, nắm lấy tay và kéo tôi vào lòng. Em hôn tôi bằng cái hôn thoang thoảng mùi phấn. Tôi mang ra mâm cơm ba chén cơm, ba đôi đũa. Mẹ nhìn tôi “Nhà mình có khách hả? hay mày muốn lấy vợ rồi?” “Đứa nào vậy?”. Tôi cười cười, nụ cười bí ẩn. Giả sử tôi nói với mẹ về em đang ngồi trước mặt. Dịu dàng và đỏ bừng hai má thì có lẽ bà sẽ chết ngất.

Em ở lại với tôi mỗi đêm. Em ngồi ở mép giường, thòng hai chân xuống đất. Áo lay nhè nhẹ. Có lẽ em run. Tôi nằm xịch ra ngoài dành chỗ cho em. Em gọn gàng trong lòng tôi, bàn tay mềm mơn man sau gáy. Cảm giác đê mê mịn màng làm tôi yên lặng. Tôi sợ giật mình thì em sẽ biến mất. E nhướng người hôn lên môi tôi. Môi em mềm và ngọt. Môi em lạnh và đầy âm khí. Tôi thấy toàn thân buốt giá và đóng băng. Nhưng hạnh phúc. Vì tôi yêu em.

Tôi có em mỗi đêm. Trên chiếc phản khô khốc tôi được làm một người đàn ông thực sự. Tôi thích nụ hôn của em. Lạnh và tê buốt. Thân thể của em cũng thế, trắng và trong veo như sương. Từ ngày ở bên em, tôi không dám đến gần bếp lửa. Tôi sợ mình tan ra thành nước”. [34, tr47-48].

Phải chăng đấy là nỗi niềm của một chàng trai cô đơn, sống cùng mỗi mình mẹ già trong khu nghĩa địa với cuộc sống đơn độc. Yếu tố kỳ ảo là phương thuốc xoa dịu đời sống tinh thần, sưởi ấm trái tim người con trai đến tuổi trưởng thành này. Chi tiết về mối tình cảm dị thường này phải chăng là sự tô đậm tấn bi kịch tinh thần của con người cô đơn, lạc lõng trong cuộc sống thiếu hơi ấm tình yêu, tình người. Và yếu tố kỳ ảo đã thực sự có vị trí

110

quan trọng đọng lại trong lòng độc giả ấn tượng sâu đậm đặc biệt bởi nếu chỉ là một câu chuyện kể về tình yêu lạ lùng của chàng trai miền núi cao hùng vĩ bí ẩn và đầy yếu tố hư ảo.

Trong việc sử dụng yếu tố kỳ ảo, Niê Thanh Mai đã khéo léo lồng ghép vào yếu tố mang màu sắc tâm linh, để giải thích cho sự phức tạp, đôi khi không thể cắt nghĩa rành rọt của con người. Đó là sự hiện hữu của ẩn ức đôi lứa hòa cùng yếu tố tâm linh trong Mùi rừng “Giấc ngủ không ngon. Hắn thường mơ thấy chiếc còng sắt. Chiếc còng lạnh và thít vào cổ tay hắn mỗi đêm”, vì hắn là một trong những tên lâm tặc mang tội ác phá rừng; những ám ảnh về nỗi khiếp sợ hãi hùng trong quá khứ của nhân vật “hắn” khi bị phát hiện đang giở trò đồi bại hãm hiếp chính người vợ của ân nhân cứu mạng mình. Nỗi ám ảnh lớn đến mức bản thân hắn mỗi khi gần gũi vợ lại bị quá khứ dội về là “ánh rựa sáng xanh lóe lên cắm phập vào tường nhà. Đôi mắt quắc giận dữ của người đàn ông trung niên chiếu thẳng vào hắn”. Đó là ngọn lửa trong ảo mộng, thể hiện nỗi hãi hùng tột độ, sự khủng hoảng tâm lý của hắn. Chính những hành động sai lầm đầy tội lỗi ấy của hắn đã khiến cho cuộc đời hắn chìm trong những hoảng sợ ám ảnh đến từ ẩn ức: “Rầm rầm tiếng cưa, hắn thấy cổ bị gãy lìa bởi cây đè. Lá xanh rụng ào ào và chôn vùi mọi thứ trong giây lát. Thân thể hắn đùn lên giữa đất mùn. Trăm ngàn con mối sinh ra từ đồng đất mùn ấy. Chúng bay khỏi mặt đất. Chập choạng. Lảo đảo. Chúng sục sạo vào mồm vào mắt. Hắn hét lên kinh hãi và tỉnh dậy giữa đống chăn gối” [33, tr82]. Những giấc mơ trong âm u, đen tối, chết chóc, giấc mơ với cơn ảo giác khủng khiếp biểu lộ tâm trạng đầy lo sợ, hãi hùng của nhân vật khi phải đối diện với quá khứ tội lỗi của chính mình: “Hắn thắp nhang vào lúc nửa đêm. Yên tĩnh. Hắn thấy cô gái quen. Cô đang ôm thứ gì đó trên ngực. Cô xòe tay về phía hắn và khóc. Tiếng khóc hời hời như oán giận. Tóc cô xõa xuống dài hơn thắt lưng. Tóc cô trói hắn lại cứng đơ. Hắn không biết mình có khóc không” [33, tr82].

111

Yếu tố ma quái, hư ảo xuất hiện trong truyện cùng với những giấc mơ về sự báo thù của thiên nhiên xuất phát từ những hành động tội lỗi khi xưa hắn gây ra. Niê Thanh Mai đã mượn yếu tố kỳ ảo để bộc lộ quan niệm về một thế giới đa chiều, ở đó tồn tại song song những yếu tố khả giải - bất khả giải, duy lý - phi lý, tất nhiên - ngẫu nhiên. Thế giới ấy không được nhìn nhận một cách an nhiên mà đầy nỗi khắc khoải, lo âu, dằn vặt và đớn đau. Nhân vật hắn trải qua những ngày tháng như chạy trốn quá khứ, lập nghiệp, lấy vợ ổn định cuộc sống nhưng những ám ảnh tội lỗi không nguôi giây phút nào trong tâm trí hắn khiến hắn phải tự tìm về nơi cội nguồn của những đau khổ, bất hạnh, dằn vặt mà hiện tại hắn đang phải nếm trải. Để rồi hắn tỉnh mà như lạc vào cõi u mê, ở đó hắn đang đối thoại với cô gái hắn đã từng hãm hại, với người đàn ông với ánh mắt quắc giận dữ với chiếc rựa sáng xanh. Hắn như tận mắt chứng kiến toàn bộ sự trả thù của người đàn ông giáng lên đầu cô gái kia và “hắn trượt chân khỏi tảng đá lớn”. Và ở đâu đó ba ngày ba đêm nữa hắn sẽ gặp lại người đàn bà năm xưa…

Niê Thanh Mai đã sử dụng cả thủ pháp “dòng ý thức” trong các sáng tác của mình thông qua nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật cô đơn, dằn vặt, đớn đau. Dòng chảy ý thức chảy tràn trong tâm thức nhân vật, qua các bến bờ của nỗi đau, niềm thức nhận và sự đốn ngộ. Dẫn dắt tâm tưởng của người đọc đến với vô vàn những điều phi thực không thể cắt nghĩa được bằng tư duy thuần túy bình thường, hành trình của nhân vật mở ra một ý niệm mới về sự dấn thân, sự tìm kiếm bản ngã. Nhân vật sống giữa hai thế giới: thế giới thực và thế giới của những giấc mơ bất tận, thế giới của hiện tại và thế giới quá vãng mù xa và tâm linh con người. Nhân vật được xây dựng theo kiểu phân thân trong một thế giới đa tạp, phân mảnh. Yếu tố kỳ ảo cùng yếu tố tâm linh bọc chặt lấy tác phẩm khiến cho người đọc cũng không thể cắt nghĩa được dựa vào những luận chứng khoa học nữa. Chỉ có thể hiểu và cảm nhận bằng đời sống tinh thần, đời sống tâm linh và bằng cái nhìn đa chiều về thế giới

112

Nhà văn Niê Thanh Mai đang bước đầu thể nghiệm kỹ thuật viết và bổ sung những đề tài, chủ đề mới làm cho bức tranh sáng tác của nhà văn thêm đa dạng, phong phú hơn. Thông qua chủ đề sáng tác và các kiểu nhân vật đi tìm bản thể, tác giả đã không ngừng nỗ lực đổi mới mô hình phản ánh hiện thực để tạo chỗ đứng riêng, dấu ấn riêng của mình trên văn đàn xứ sở cao nguyên này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện ngắn niê thanh mai (Trang 115 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)