7. Đóng góp của luận văn:
3.2.1 Cốt truyện đời tư
Truyện ngắn của Niê Thanh Mai có nhiều tác phẩm mà cốt truyện xoay quanh những số phận cá nhân với bao nỗi niềm, suy tư, dằn vặt và khao khát giữa đời thường. Đó hoàn toàn là chuyện đời tư với cảnh huống cá nhân và sự lựa chọn riêng tư của nhân vật. Như là nỗi đau đớn tuyệt vọng của H’Lia trong truyện ngắn Bên dòng SêRêPốc: Vì nghĩ bộ đội Tình không quay trở lại buôn TuK nữa, H’Lia sống trong câm lặng tại căn nhà dát phên tre cạnh con suối; Rồi H’Lia cưu mang đứa con trai của Sơ Nhin đến lúc khôn lớn đủ tuổi đi bộ đội. Chuyện tưởng chừng chỉ có vậy rồi chìm vào như vô vàn những câu chuyện khác nhưng kịch tính chỉ xuất hiện khi thủ trưởng đơn vị của Y Pơng lại chính là người đồng đội thân cận của bộ đội Tình ngày xưa. Khi đó nút thắt truyện mới được mở ra, cảm xúc như vỡ òa. H’Lia - người luôn sống trong tình yêu câm nín, chịu đựng và chờ đợi vô vọng thì nay như được hồi sinh một lần nữa khi biết bộ đội Tình vẫn còn sống, nhưng vì bị thương nặng mù cả hai mắt không muốn làm khổ H’Lia nên không đi tìm H’Lia sau những năm chiến tranh kết thúc. Một cái kết được coi là trọn vẹn, hạnh phúc khi H’Lia thấy tia sáng tình yêu vẫn còn le lói chứ không tăm tối như những ngày tháng câm nín, chịu đựng đau khổ trong cuộc sống của cô.
Đó là nỗi đau khổ đến tột cùng khi H’Lanh trong truyện ngắn Suối của
rừng bị Y Quy phản bội lời hứa quay về buôn Du, là những tháng ngày sống
trong đau khổ tuyệt vọng tưởng chừng không thể vượt qua được chính mình và sự xì xào của dư luận buôn làng. Với tình yêu thương chân tình của mình Y Thinh đã mang lại hạnh phúc cho H’Lanh nhưng rồi cuộc sống cũng không bằng phẳng, cuộc sống của đôi vợ chồng H’Lanh - Y Thinh phải trải qua quá nhiều sóng gió mới khẳng định, giữ vững được sự bình an của mái nhà. Truyện ngắn cũng là câu chuyện của những người trẻ Tây Nguyên như Y Quy - là người có tài năng thực sự, nhưng không giữ nổi mình trước cuộc sống xa hoa của phố phường mà phản bội người mình yêu để lấy một người con gái
102
nhà giàu “có ngôi nhà to sừng sững giữa phố”, từ chối cuộc sống đầy tình nghĩa của buôn làng, để cuối cùng cũng chỉ nhận được trái đắng của cuộc đời (vợ bỏ đi nước ngoài theo người đàn ông khác).
Trong truyện ngắn Những buổi chiều là những ước mơ hoài bão được đi học ở trường nội trú tỉnh của Phin, là khát khao được trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mí, chữa bệnh cho dân làng hoặc làm cô giáo. Cuộc sống gia đình nghèo khó, mí Phin ốm đau triền miên không có tiền để nuôi Phin ăn học, nhưng bằng ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống Phin đã thực hiện được ước mơ của mình và kiên quyết trở về bệnh viện huyện công tác. Đó là những người con xuất sắc của quê hương, buôn làng; họ là tấm gương sáng trong những con người có khao khát vượt thoát cái khó cái nghèo nhưng không phải để chối từ quê hương mà là để quay trở lại xây dựng quê hương buôn làng. Đời tư của Phin cũng không êm đềm như bao người nghĩ. Những tưởng hạnh phúc đến cận kề nhưng chồng sắp cưới của Phin - anh Hào bộ đội biên phòng hy sinh trong lúc nhiệm vụ khiến cho cuộc sống của Phin như chìm khuất vào những tháng ngày tăm tối, sống vật vờ, nhạt nhẽo như thiếu sinh khí. Và Y Song người ngày xưa đã yêu và mong lấy Phin làm vợ cũng đã trải qua những đau khổ cùng cực khi vợ chết vì căn bệnh ung thư quái ác, để lại đứa con nhỏ ngây thơ tội nghiệp. Phin vì yêu thương, quấn quýt với đứa trẻ, rồi con tim lại vui trở lại, họ đến với nhau khi cả hai đều là những mảnh vỡ hàn gắn lại cùng nhau. Họ tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của mọi người trong buôn làng. Phải nói đây cũng là câu chuyện mang đặc điểm của cốt truyện tổ chức theo kiểu thời gian tuyến tính vì các sự kiện lần lượt xuất hiện theo thời gian, không gian bối cảnh truyện khiến câu chuyện rất dễ hình dung, gần gũi với tâm lý của người đọc.
Niê Thanh Mai chú trọng vào việc khám phá đời sống tâm tư, tình cảm, nội tâm của nhân vật nên cốt truyện về đời tư dường như được chị khai thác và vận dụng triệt để trong quá trình sáng tác của mình. Truyện ngắn Phía
103
ngoài ô cửa sổ của chị cũng là một câu chuyện kể về đời tư của cô bé tên San
vốn là sinh viên năm thứ ba đại học Du lịch Hà Nội, một trận trúng gió tai ác đã giáng xuống đầu cô và tỉnh dậy thì San đã bị liệt hoàn toàn chỉ còn cặp mắt là nhìn trừng trừng lên trần nhà. Câu chuyện cũng là cuộc vận lộn của gia đình chiến đấu cùng bệnh tật với San mong tìm lại được cho San một cơ thể bình thường. San bình phục về tâm lý dần dần và tự tìm được niềm yêu thích trong việc dịch thuật. San gặp và yêu một chàng trai trên mạng, trải qua những khủng hoảng tâm lý khi chàng trai ấy tìm gặp cô ngoài đời thực, San đã trốn tránh anh, trốn tránh chính mình vì sự tự ti về bản thân. Và San đã quyết tâm đi sang Trung Quốc để chữa bệnh, để tự đi lại được trên đôi chân của mình. Truyện ngắn vừa là chuyện kể về một phần đời của nhân vật San trải qua những trắc trở vừa là bài học về niềm tin vào quyết tâm và nội lực của mỗi con người, dù có chuyện gì khó khăn đến mấy chỉ cần cố gắng rồi sẽ vượt qua.
Hay những câu chuyện đời tư của nhân vật “chị” trong truyện ngắn
Chiều không muộn là chuyện xoay quanh cuộc sống của người phụ nữ 32
tuổi, mải mê lo lắng cho các em ổn định học hành, công việc, gia đình thì ngoảnh lại chị đã trở thành “bà cô quá lứa”. Cuộc sống xung quanh chị ai nấy đều tất bật, bận rộn với công việc, nhà cửa, chồng con, còn riêng chị chỉ lặng lẽ đi về với nỗi buồn ngày càng rõ rệt. Với lối kể trần thuật tác giả đã kể lại toàn bộ quãng tuổi thanh xuân của chị đã vất vả như thế nào với cuộc sống và những lo lắng, hy sinh của chị với gia đình, đàn em. Rồi cuộc gặp gỡ định mệnh của chị và anh - người đàn ông với đứa con gái trong căn nhà không có người phụ nữ. Hai anh chị không hỏi và cũng không ai nhắc đến chuyện đó vì họ tôn trọng nhau, không muốn chạm vào quá khứ, nỗi đau sâu kín của nhau. Cuộc sống tưởng như vậy đã là đủ đầy, viên mãn muộn màng. Nhưng rồi chị lại ra đi, vuột khỏi vòng tay hạnh phúc gia đình để lại nỗi đau đớn khôn nguôi trong lòng anh và đứa con gái nhỏ. Truyện ngắn tác giả viết thật giản dị, gọn
104
gàng nhưng chất chứa bên trong là nỗi buồn, là sự xúc động của cả tác giả và độc giả. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện đời tư đầy khổ đau, bất trắc như vậy đang diễn ra; Và tác giả - bằng tấm lòng sẻ chia với những cảm nhận tinh tế của mình đã viết lên câu chuyện đời thường nhưng chất chứa bên trong bao thông điệp về cuộc sống của các dân tộc Tây Nguyên thời kỳ hiện đại. Cuộc sống này thật nhiều khó khăn, bất trắc; Hạnh phúc/ buồn đau, được/ mất,… đều mong manh như gió, nên hãy trân trọng giữ gìn những gì mà cuộc đời ban tặng.
Nghe tiếng khóc của dì Xíu là một truyện ngắn miêu tả hiện thực cuộc
sống của một con người thời hiện đại với bao sự việc, sự kiện; Với bao cảnh ngộ…đè nặng lên thân phận của họ. Ở đó người đọc như được trải nghiệm một phần cảm xúc của mình. Là cảm xúc của nhân vật tôi khi chứng kiến cuộc sống của dì Xíu từ khi dì kết hôn với “chú” đến khi dì bị “chú” phản bội đi ngoại tình với một người đàn bà khác, dì quay về sống cùng bà ngoại… Đó là những cảm xúc buồn bực, oán trách… của nhân vật tôi đối với “chú”; và không hiểu vì sao dì lại chọn chú làm chồng trong khi đó dì có đủ mọi điều kiện để lựa chọn một người đàn ông hơn chú về mọi mặt. Câu chuyện về cuộc đời của dì Xíu gắn liền với những cảm xúc của nhân vật tôi. Từ trăn trở về cuộc đời bất hạnh của dì đến những lo lắng, những câu hỏi không đầu không cuối, những dự cảm, những so sánh, giả định về cuộc hôn nhân của chính mình - nhân vật tôi ấy luôn tự động viên, an ủi chính mình vì cô tin Long của cô là một người đàn ông chân chính, yêu cô và cô nghĩ nếu có một ngày nào đó Long phản bội cô, cô đau đớn, bối rối, tuyệt vọng: “Tôi không biết nữa. Thấy lòng lặng ngắt. Không biết khi bắt gặp Long đưa ai đó về vần vũ trên giường mỗi tối mình vẫn nằm vẫn gối lên tay chồng thì tôi có giống dì không? … Giả sử Long có thêm một người đàn bà nào đó, tôi sẽ quấn quanh cổ mình một sợi dây vải trắng treo tòng teng giữa nhà. Khi tôi chết, thân hình dài thượt, lưỡi lè ra đỏ lòm hay tím rịm chi đó… để đời đời kiếp kiếp không có
105
người đàn bà nào dám bước vào nhà tôi nữa… Hay ví dụ Long đưa người đàn bà có dắt đứa trẻ nào đó về nhà, tôi sẽ giết họ và tự sát ngay tại đó. Máu sẽ thấm đẫm cả bậc thềm. Ngôi nhà tang tóc và sẽ bỏ hoang. Nhà hoang giữa lòng thành phố” [33, tr42]. Có lẽ cái lo lắng, sợ hãi, được bắt nguồn từ cuộc hôn nhân đầy bất hạnh của dì Xíu cũng là một phần bài học cho cuộc sống hôn nhân của nhân vật tôi. Thế mà đến khi sự lo lắng, sự giả định ấy đã xảy ra thì nhân vật tôi vẫn lại bất ngờ, bị chết lặng đi khi bắt gặp cảnh ngộ: “Long nhìn tôi bằng cái nhìn của con thú bị thương. Vết thương không làm chảy máu, hình như là vết rạn của trái tim. Cô gái ấy còn trẻ, tóc bết lại thành nắm. Có lẽ đó là dấu vết của những truy hoan vội vàng trong phòng ngủ của vợ chồng tôi. Tôi bảo cô ấy bằng giọng nói buồn và nhẹ như gió “cô về đi”.
Long quỳ dưới chân ghế, sự sám hối của Long làm tôi mệt mỏi.
Tôi khóc tiếng khóc của dì Xíu. Thấy nguội lạnh trong căn nhà rộng và trống không”[33, tr48].
Niê Thanh Mai là cây viết trẻ, nhà văn hiểu rõ và nắm bắt được mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại nên chị đã phản ánh vào tác phẩm của mình rất chân thực, khách quan nhưng cũng không giấu được sự xót xa, trăn trở. Với nhân vật “tôi” - cái tôi trải nghiệm phơi bày “gan ruột” thế giới nội tâm cùng những nỗi niềm riêng sâu thẳm của mình. Niê Thanh Mai đã khiến cho độc giả hứng thú khi tiếp cận tác phẩm của cô. Ở hình thức này, nhân vật tôi còn có nhiều cơ hội để được đối thoại trực tiếp với người nghe, người đọc từ đó tạo cơ hội tối đa cho sự “đồng đánh giá” từ phía người đọc, người nghe…