Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện ngắn niê thanh mai (Trang 93 - 98)

7. Đóng góp của luận văn:

3.1.1 Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Mỗi nhà văn khi xây dựng nhân vật đều cố gắng tạo cho nhân vật ngoại hình ấn tượng với độc giả. Ngoại hình là toàn bộ những đặc điểm về hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong của nhân vật. Các yếu tố ngoại hình được miêu tả đều nằm trong dụng ý của tác giả. Đó là những chi tiết gợi một bản chất, một phẩm tính người, tạo nên sự khác nhau của mỗi cá nhân hay nét cá biệt riêng của nhân vật.

Niê Thanh Mai là người con của dân tộc Ê Đê nên những sáng tác của chị đậm đặc tình yêu dành cho dân tộc mình. Trong các truyện ngắn của mình, chị rất chú trọng việc xây dựng nhân vật người DTTS với chi tiết về ngoại hình, hành động hay ngôn ngữ của nhân vật. Nhân vật của chị thường

87

được hiện lên một cách cụ thể, có ngoại hình, có tính cách và tâm thái cụ thể để cho người đọc dễ hình dung và dễ theo dõi quá trình phát triển tâm lý, tính cách của nhân vật.

Khi miêu tả về người phụ nữ của mảnh đất Tây Nguyên chị rất chú ý khắc họa vẻ đẹp khỏe khoắn, đầy sức sống và mang vẻ tự nhiên và có cả chút gì hoang dã nữa. Đó là những người phụ nữ với mái tóc xoăn bồng, đen nhánh, dáng đi với chân to, cái lưng khòm cứ cúi mãi về phía trước (vì do đặc điểm cuộc sống nơi đây, phụ nữ thường phải sử dụng chiếc gùi (từ gùi nước, gùi măng, gùi bí ngô, gùi mì, gùi thổ cẩm, gùi đồ ăn thức uống…) mà lại di chuyển ở vùng lắm dốc, lắm đèo). Trang phục của người phụ nữ Ê Đê đều tự tay họ dệt (như: yên, áo, váy,…), nhưng hiện nay cũng đã thay đổi nhiều, việc các buôn làng cũng chỉ còn thấp thoáng người mặc theo kiểu trang phục truyền thống ấy; hoặc chủ yếu chỉ những ngày lễ hội mọi người mới mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Nhân vật Xuân trong truyện ngắn Về bên kia núi được miêu tả là một

cô gái đẹp và là niềm hạnh phúc, hãnh diện về tuổi trẻ và cái đẹp trong ký ức của người bà: Với “dáng tròn mây mẩy hồn nhiên như lá” [33, tr5], hay của người chị: “Những hôm trời mưa, em nằm gọn trong lòng chị. Tay vân vê những sợi tóc dài mượt đen bóng vì gội bằng bồ kết rừng. Em nghe chị hát. Giọng chị trong trong và ngọt như nước đầu nguồn tuồn trong ống lồ ô” [33, tr6]. Trong truyện Hơi thở của núi, khi viết về Plang - nhà văn đã hào hứng miêu tả vẻ đẹp của nàng nổi bật giữa núi rừng nơi đây: “Trong đám con gái ấy Plang được bầu chọn là người đẹp nhất, khéo nhất. Môi nàng đỏ tươi như bông hoa gạo đầu buôn, thân hình tròn mẩy, bờ vai đầy, còn bàn chân cứ thoăn thoắt. Nàng làm việc gì cũng nhanh nhẹn hơn bọn con gái cùng buôn

[32, tr60]. Vẻ đẹp của Plang là vẻ đẹp tự nhiên, tươi mát, khỏe mạnh, vẻ đẹp tiêu biểu của người dân buôn Duntang: môi nàng đỏ tươi như hoa gạo của núi rừng chứ không phải cái màu đỏ của phấn son lòe loẹt như các cô gái hiện đại

88

nơi thành phố. Cái đẹp của xuân thì căng tròn và sự hoạt bát đảm đang của cô gái vùng cao giỏi giang, nhanh nhẹn đã làm đắm say biết bao trái tim chàng trai buôn làng. Còn vẻ đẹp của các chàng trai buôn Duntang thì sao? - Đó là vẻ đẹp vạm vỡ, khỏe mạnh, vững chắc: “K Lành vạm vỡ, bắp tay chắc khỏe, mái tóc xoăn buông rủ xuống vầng trán thông minh rắn rỏi. Con gái trong buôn không ai không mơ ước được đeo vòng cầu hôn vào tay anh” [32, tr61], đoạn tả về K Tyn “K Tyn có nước da đen bóng, hàm răng trắng đều tăm tắp, khi anh ở trần cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Người làng không bao giờ thấy chàng ngồi uống rượu cần trong lễ hội, lúc nào chàng cũng chạy sầm sầm đi bắt heo, bắt gà, rồi khiêng nước lên nhà cho mọi người châm vào ché rượu. Chàng còn là người ở trung thành và giỏi giang nhất của nhà trưởn buôn, bởi trong đám trai làng chàng là người tìm được nhiều cây gỗ quý để làm thuyền độc mộc cho nhà chủ nhất” [32, tr63]… Trong truyện Giữa cơn mưa trắng xóa, tác giả miêu tả nhân vật Y Thi: “Anh rể thân thuộc. Gần gũi. Ngực nở vồng. Bắp tay nổi dây thừng. Bắp đùi cuộn dây chão. Da anh rể mịn màu đồng hun. Khố nâu nhô cao, căng phồng lên. Khỏe khoắn. Vâm vấp. Gió ngàn thoảng mùi mồ hôi mằn mặn lẫn mùi cỏ dại” [33, tr53]. Đấy là vẻ đẹp mẫu mực của con người Tây Nguyên truyền thống vẫn luôn được người buôn Duntang tự hào và kể lại cho con cháu nghe; và đây cũng là lời nhắn nhủ của nhà văn đối với thế hệ trẻ là cần phải luôn hướng về cội nguồn, về tộc người đẹp, khỏe mạnh, dũng cảm, tài hoa đầy tự hào của mình.

Nhưng có lẽ điểm đặc biệt trong các sáng tác của nữ nhà văn này là đã cho chúng ta thấy quá trình thay đổi về hình thức bên ngoài (từ trang phục đến dáng vẻ...) khiến cho độc giả một cảm giác buồn và nuối tiếc. Nhân vật Xuân trong truyện ngắn Về bên kia núi cũng là một trong những nhân vật

được nhà văn Niê Thanh Mai khắc họa khá rõ nét về quá trình thay đổi ấy: “Chị muốn lên phố. Bạn chị lên phố ba năm, quay trở về làng bằng đôi dép cao nghều nghệu, gót nhọn hoắt, chênh vênh như người ta chơi trò cà kheo.

89

Áo xanh lông két, váy mềm lòe xòe bay bay khi bạn chị leo lên cầu thang” [33, tr7], nhưng phố thị ồn ào không phải là mảnh đất có thể bảo vệ chở che cho tất cả những người con của buôn làng khi mang một tâm hồn chân chất, một vốn tri thức xã hội còn ít ỏi bước vào. Và Xuân đã đổi thay từ một cô gái đẹp, có mái tóc đen dài mượt bóng - nay mái tóc ấy đã trở nên xù xì và vàng rực; từ một cô gái chưa bao giờ nặng lời, nhăn mặt, nhăn mày với ai quá một ngày nay trở nên chao chát, ầm ĩ và tục tĩu. Cái giá phải trả có lẽ quá đắt đối với nhân vật Xuân, đắt đến mức chính người em của cô còn không dám nhận và cô cũng không dám quay trở về buôn làng nữa với dáng vẻ mới của mình!

Nhân vật H’Linh trong truyện ngắn Giữa cơn mưa trắng xóa cũng là

một nhân vật có vẻ đẹp truyền thống của người con gái Ê Đê với những đặc điểm tộc người không thể lẫn vào đâu được: “với đôi mắt bồ câu to tròn, trong veo, lông mi rậm xanh đen; tóc xoăn xoăn ngọn tơ hồng; nước da nâu mịn khỏe khoắn, má rám nắng của con gái gùi nước, đi rẫy; cái môi đỏ màu hoa móng rồng, chân to, ngực vun đầy làm mê mụ bao chàng trai làng”. Nhưng rồi do không chịu nổi cảnh sống khó khăn vất vả ở buôn làng mà H’Linh đã kiên quyết “xuống phố”, nhưng cuộc sống phố thị cũng không phải là nơi để H’Linh có thể kiếm một công việc đàng hoàng, lương thiện, cô đã đi làm nhân viên phục vụ trong quán hát Karaoke, rồi sau đó được một ông khách quen đón về làm người giúp việc kèm việc dạy con gái ông ta học chữ Ê Đê. H’Linh trở thành một người xa lạ với buôn làng khi cô trở về với trang phục “áo pun vàng in đậm dòng chữ For gét me not màu đỏ. Quần Jin xẻ te tua như rễ si rừng. Guốc cao gót sơn mài bóng” [33, tr53]; Tóc thì “ép suôn thẳng, nhuộm vàng hoe màu hoa cúc quỳ, sức nước hoa ngàn ngạt át cả hương hoa cỏ dại của núi rừng, móng tay chân sơn màu đỏ”… Niê Thanh Mai đã khiến người đọc xót xa, buồn bã trước những bước đi chệch hướng của một số người trẻ tuổi ở Tây Nguyên. Vì nôn nóng mong muốn đổi đời mà họ đã đánh mất đi cả gốc gác, cả phẩm chất tốt đẹp của dân tộc mình. Đây

90

cũng chính là nỗi băn khoăn, trăn trở, nỗi day dứt của nhà văn trẻ cao nguyên này đối với một bộ phận người dân bỏ làng đi xuống phố.

Có thể thấy, xuất phát từ vốn hiểu biết phong phú về con người và cuộc sống ở cao nguyên, Niê Thanh Mai chỉ với mấy nét phác họa đã làm hiện rõ con người Tây Nguyên - không thể lẫn với những con người vùng miền khác. Nhà văn đã đi sâu vào đặc tả những nét riêng, đặc trưng của người Tây Nguyên. Với các nhân vật nữ, Niê Thanh Mai thường chú trọng miêu tả khuôn ngực, dáng đi, nước da và đôi mắt. Những đặc điểm ấy toát lên vẻ đẹp riêng của các cô gái nơi cao nguyên nắng gió. Khi miêu tả hình dáng các chàng trai Tây Nguyên, Niê Thanh Mai tập trung chú ý ở cánh tay vững chãi và đặc biệt là vồng ngực vạm vỡ, qua đó làm nổi bật tính cách mạnh mẽ, quyết liệt của nhân vật. Ngoài ra, họ còn mang vẻ đẹp bản sắc Tây Nguyên với những trang phục truyền thống và lối ứng xử mang tính “rất Tây Nguyên” này.

Để làm nổi bật nét đẹp đặc trưng con người Tây Nguyên - Niê Thanh Mai đã miêu tả vẻ đẹp của con người đặt trong sự đối sánh với vẻ đẹp của tự nhiên. Trong trang viết của các tác giả là người miền xuôi thì họ thường dùng các loại cây, trái, hoặc loài vật đẹp quen thuộc của vùng xuôi để so sánh với vẻ đẹp của cô gái như: lông mày lá liễu, mặt trái xoan, dáng thắt đáy lưng ong, mình cá chắm, mắt bồ câu…; Nhưng khi viết về con người nơi cao nguyên đại ngàn, Niê Thanh Mai sử dụng những hình ảnh đẹp đẽ của núi rừng để so sánh với vẻ đẹp của con người: “như hoa móng rồng”, “như hoa chuối rừng”, “như bông hoa gạo đầu buôn”, “như con nai rừng xinh xắn”, “như bông mai rừng nở vào tháng giêng”, “như măng đến mùa”, “như hoa mùa khô gặp cơn mưa bất ngờ”, “như cây mỡ hoa đỏ trên rừng”, “như chim rừng tìm được quả chín”, “như quả bắp đến kỳ đổ sữa”… Sự so sánh này biểu hiện mối quan hệ gắn bó, chan hòa, luôn coi trọng tự nhiên của con người. Việc mô tả ngoại hình nhân vật của tác giả đã cho người đọc có những hình dung

91

cụ thể, sinh động về nhân vật như một cá thể riêng biệt, độc đáo. Từ đó người đọc có thể hiểu hơn về chiều sâu tâm hồn, tính cách, số phận của mỗi con người cá nhân trong cuộc sống. Dù chưa phải là bức tranh hoàn chỉnh về con người Tây Nguyên nhưng các phác họa của Niê Thanh Mai đều thể hiện rõ những mảng màu riêng, góp phần làm nên thành công nhất định khi khắc họa những vẻ đẹp đặc trưng độc đáo của con người được sinh ra lớn lên và làm chủ nơi cao nguyên rộng lớn hùng vĩ, dữ dội này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm truyện ngắn niê thanh mai (Trang 93 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)