Các nhạc cụ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hát xẩm và nghệ nhân hát xẩm hà thị cầu ở ninh bình (Trang 30 - 35)

7. Bố cục của luận văn

1.2.2.2. Các nhạc cụ

Trước đây, trong gánh Xẩm của ông trùm Chánh Trương Mậu, nhạc cụ gồm đàn bầu, đàn nhị, trống mảnh, sênh, ngoài ra còn sử dụng phách, sáo, tiêu… Ngày nay dàn nhạc cụ trong Hát Xẩm được cải biến nhiều cho phù hợp hơn với môi trường sân khâu hóa. Nhạc cụ mà cố nghệ nhân Hà Thị Cầu thường sử dụng phổ biến chỉ gồm đàn nhị và sênh.

* Đàn bầu: Đàn bầu là nhạc cụ được ông trùm Hát Xẩm Chánh Trương Mậu rất yêu thích, ông chơi đàn bầu giỏi bậc nhất đất Ninh Bình do vậy, đây là nhạc cụ đóng vai trò quan trọng nhất trong gánh Xẩm của ông. Cây đàn bầu xưa kia khác với cây đàn bầu ngày nay, là cây đàn mộc được làm từ tre, nứa, gỗ, dùng âm vang tự nhiên của thân đàn. Dây đàn được mắc rất cao ở phía cần đàn sao cho đặt đàn trên chiếu, không dùng giá đàn mà người ngồi ở tư thế thẳng, với vẻ hiên ngang vẫn có thể đàn thoải mái. Cần đàn được vót bằng tre hoặc gỗ nhưng to hơn nhiều so với ngày nay.

Tay rung cần, người nghệ nhân nắm cần đàn bằng cả nắm tay, cầm phía chỏm của cây đàn. Tay gảy, cầm một que gảy to gần bằng chiếc đũa con và gảy từ dưới lên. Với một cây đàn như vậy, nghệ nhân Hát Xẩm có một tư thế ngồi rất thuận, phong thái nho nhã, đường hoàng của một trang nam tử thời xưa. Đàn bầu giữ vị trí rất quan trọng, thường do nam giới sử dụng, trong quá trình diễn xướng đàn bầu đưa hơi, đệm cho người hát. Lợi thế của đàn bầu là những điệu Xẩm có tốc độ chậm, vừa… với tính chất buồn hoặc trữ tình. Những điệu Xẩm vui hóm hỉnh, có tiết tấu nhanh thì đàn bầu nhường chỗ cho các nhạc cụ khác như đàn nhị và chỉ đóng vai trò điểm xuyến hỗ trợ. Do hình dáng của cây đàn bầu nên nhạc cụ này thường được sử dụng ở những nơi có địa bàn rộng, không phải di chuyển nhiều hoặc trong không gian mang tính thính phòng như đi hát chúc, hát đám hay trong các dịp lễ hội…

* Đàn nhị - hồ: Nhị được coi là nhạc cụ phổ biến, không thể thiếu trong các gánh Xẩm, bởi tính chất gọn nhẹ thích hợp với mọi môi trường, di chuyển dễ dàng và thuận tiện không giống như đàn bầu. So với đàn bầu thì đàn nhị xuất hiện thường xuyên hơn, cả trong những bài chậm, buồn, tươi vui, hóm hỉnh. Nghệ nhân thuận tay nào thì cầm tay đó, có người cầm vĩ bên trái và đàn bên phải cũng có người cầm ngược lại.

Đàn nhị có khi chạm đất và người chơi đàn tì gối lên, ngồi kiểu xếp bằng cũng có khi đàn được đặt trên đùi, cách ngồi khá tự nhiên và thoải mái cốt tập trung vào việc chơi đàn.

* Trống mảnh: Dù là gánh Xẩm lớn hay nhỏ, dù là diễn ở bất cứ nơi nào, ở bãi chợ, sân đình, bến xe, bến đò… thì trống mảnh và sênh là hai nhạc cụ ít khi vắng mặt. Có thể khẳng định trống mảnh có vai trò quan trọng trong dàn nhạc Xẩm. Trống mảnh là loại trống chỉ có một mặt, gồm hai chiếc có kích cỡ to, nhỏ khác nhau.

* Sênh - Cặp kè:

Sênh thường là hai mảnh tre già hoặc gỗ, được đẽo cong hai đầu, khi chơi thì cầm cả hai trên một tay và chuyển động một cách uyển chuyển, nhịp nhàng sao cho hai gáy sênh va vào nhau, một tay dùng dùi trống giữ nhịp ở một đầu tạo nên tiếng kêu.

Sênh là một loại phách đặc biệt chỉ thấy trong dàn nhạc Xẩm, âm sắc cao nhưng không chói tai, mang màu âm của tre, trúc rất rõ ràng, sênh đóng vai trò giữ nhịp trong dàn nhạc Xẩm.

* Trang phục: Nếu như các loại hình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu như: Chèo, tuồng, cải lương… người nghệ sĩ trước khi ra sân khấu phải hóa trang kĩ lưỡng, tỉ mỉ sao cho hợp với nhân vật mình vào vai cùng với đó là những trang phục có màu sắc sặc sỡ, chỉnh tề thì đến với Hát Xẩm người nghệ nhân thật giản dị, mộc mạc và gần gũi với trang phục đời thường, thuần nông. Nam giới thường vận áo tơi, quần tối màu, đeo kính đen và không thể thiếu chiếc nón rách. Nữ giới thường mặc quần áo tối màu, váy đụp và trên đầu đội khăn mỏ quạ. Đối với những người khiếm thị, chiếc bát đồng là vật gắn bó mật thiết với họ, cũng vì trước đây thường lưu hành tiền đồng do vậy, khi có người thưởng tiền vào bát đồng người nghệ nhân nghe âm thanh của tiếng kêu sẽ biết được mức độ tiền thưởng, đó cũng là động lực để người nghệ nhân hát bằng cả nhiệt huyết của mình. Nếu như không có bát đồng thì người nghệ nhân dùng luôn chiếc “nón mê” của mình để nhận tiền thưởng. Nhìn vào trang phục của những người nghệ nhân Xẩm cũng có người đồng cảm với số phận hẩm hiu, nghiệt ngã của họ nhưng cũng không ít người có thái độ không thiện cảm lắm, coi họ như những người hạ thấp danh dự và nhân phẩm để kiếm miếng cơm manh áo. Có thể khẳng định rằng cuộc sống của người nghệ nhân Xẩm luôn luôn trong tình trạng nghèo khó, thiếu thốn nhưng tâm hồn họ trong sáng, nhân cách họ luôn cao đẹp và họ là những người nghệ nhân chân chính. Họ đem tiếng hát của mình đến với đông đảo công chúng và kiếm sống bằng chính giọng hát của mình chứ không trộm cắp, không van xin sự thương hại của bất kì ai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hát xẩm và nghệ nhân hát xẩm hà thị cầu ở ninh bình (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)