Xẩm Ninh Bình và Xẩm Hà thành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hát xẩm và nghệ nhân hát xẩm hà thị cầu ở ninh bình (Trang 109 - 169)

Chương 4 : HÁT XẨM TRONG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA DÂN GIAN

4.4. Xẩm Ninh Bình trong cái nhìn đối sánh

4.4.2. Xẩm Ninh Bình và Xẩm Hà thành

Nghệ thuật hát Xẩm xuất hiện ở nhiều tỉnh thành miền Bắc như Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và còn di chuyển đến cả Hà Tĩnh nhưng mỗi nơi có một phong cách riêng. Ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, bên cạnh các dòng xẩm địa phương, Xẩm Hà Thành đã từng lên ngôi, khẳng định chỗ đứng như một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo. Xẩm Hà Thành hội tụ tất cả các dòng hát xẩm của các làng quê để phát triển thành các điệu xẩm riêng không đâu có: xẩm tàu điện, xẩm ba bậc, xẩm nhà tơ (hát trong thính phòng), xẩm huê tình. Dựa trên nhiều yếu tố đó người ta dễ nhận thấy xẩm chợ Ninh Bìnhcó rất nhiều nét khác biệt so vớixẩm tàu điện.

Nội dung các bài xẩm cũng có sự khác nhau giữa xẩm tàu điện và xẩm Ninh Bình. Trong khi đối tượng diễn xướng của xẩm tàu điện đa phần là dân thị thành, nên những vấn đề được đề cập trong xẩm tàu điện cũng mang tính thành thị chứ không dân dã như xẩm ở Xẩm Ninh Bình – đối tượng là dân quê với những vấn đề xoay quanh cuộc sống như ruộng đất, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi quê hương...

Nếu xẩm tàu điện ngắn gọn, tiết tấu nhanh và rộn ràng, mỗi bài hát thường rất ngắn phù hợp với hành trình của những chuyến tàu liên tục, chuyến đi chuyến về trên các tuyến phố ngắn từ Bờ Hồ đi Cửa Nam, Chợ Hôm, Cầu Giấy…thì xẩm chợ Ninh Bình thường dài hơn, thiết tha hơn, sâu lắng hơn và cần nhiều nhạc cụ, đặc biệt luôn phải có trống.

Trang phục của nghệ nhân xẩm tàu điện ăn vận khá cầu kỳ. Nam giới chọn quần áo nâu, rét thì khoác thêm chiếc áo veston, đầu đội mũ cát. Nữ mặc áo tối màu, yếm sáng màu, váy lưng lửng nơi đầu gối thì trang phục của xẩm chợ Ninh

Bình lại rất đơn giản chỉ là áo tơi, nón lá phù hợp với hoàn cảnh xã hội nơi nông thôn.

Về yếu tố ca từ, Xẩm tàu điện thiên về hát những bài có tác giả cụ thể. Các làn điệu thường được phổ từ thơ của nhiều tên tuổi như Nguyễn Bính (Lỡ bước sang ngang, Chân quê..), Nguyễn Khuyến, Á Nam Trần Tuấn Khải (Anh Khóa, Gánh nước đêm, Cô hàng nước), Tản Đà... thì xẩm Ninh Bình chủ yếu dùng nội dung của văn thơ, ca dao dân gian, tục ngữ sau đó vận dụng ngôn ngữ quần chúng đầy sáng tạo, kết hợp khôn khéo giữa tiếng hát và tiếng nhạc cùng với những động tác tuy còn đơn giản nhưng thuần phác đã thể hiện nỗi lòng và sự cảm nhận về cuộc sống của người nghệ nhân.

Hơn nữa, cũng là xẩm nhưng cấu trúc âm nhạc của xẩm tàu điện hoàn toàn khác. Về cơ bản, nó chỉ có một làn điệu. Các bài xẩm là những áng thơ mượt mà, dễ cảm, dễ nhớ, tạo sự ăn nhập tài tình giữa thơ ca và âm nhạc. Và hơn hết nó mang phong cách âm nhạc của người Hà Nội rất rõ ràng.

Yếu tố nhạc khí cũng khá nhiều khác biệt. Xẩm Hà Thành nói chung được chia ra cụ thể: Hát ở chợ có sáo, nhị, sênh, phách, đàn gẩy, đàn bầu. Hát trong thính phòng đơn giản chỉ có một loại nhạc cụ là đàn bầu, nhị hồ, đàn đáy hay trống mảnh, trên sông nước thì càng đơn giản hơn, có khi chỉ có chiếc trống mảnh sử dụng cho các điệu hò khoan. Còn hát xẩm ở Ninh Bình không chú trọng nhạc cụ mà có gì dùng nấy, không cầu kỳ.

Nhìn chung Xẩm Hà thành có nhiều điểm khác biệt với Xẩm Ninh Bình. Xẩm Hà thành có đội ngũ được đào tạo bài bản, qua trường lớp chứ không tự phát như Ninh Bình.

Về nghệ thuật diễn xướng, Xẩm Hà thành vẫn ngồi chiếu hát và thường hát những bài Xẩm cổ truyền nhưng Xẩm Ninh Bình có nhiều khác biệt hơn. Xẩm Ninh Bình thiên về hát lời mới nên chưa đem lại bản sắc của văn nghệ dân gian.

Tiểu kết chương 4

Yên Mô – Ninh Bình đã và đang cố gắng giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật cổ truyền – hát Xẩm bằng cách thành lập các câu lạc bộ để truyền dạy và hoạt động thường xuyên để hát Xẩm không bị mai một đi. Mặt khác Yên Mô – Ninh Bình còn tổ chức các hội thi cho các câu lạc bộ tham gia. Đặc biệt, huyện nhà còn mở các lớp dạy học hát Xẩm miễn phí cho con em trong huyện. Đây là một động thái rất tích cực và đáng ghi nhận. Bên cạnh đó các câu lạc bộ còn tự sáng tác ra các lời Xẩm mới với những đề tài đa dạng: nông thôn mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kình yêu... Xẩm Yên Mô – Ninh Bình đã góp phần đào tạo một thế hệ kế cận để truyền tải và đưa các làn điệu Xẩm đến gần hơn với công chúng. Thông qua hệ thống làn điệu và cách dàn dựng, diễn xuất của các nghệ sĩ ta thấy toát lên ở Xẩm tính giáo dục đạo đức. Xẩm Yên Mô – Ninh Bình góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, bảo lưu các giá trị văn hóa của dân tộc và giúp cho thế hệ trẻ hiểu biết hơn về một giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua các nghiên cứu về Xẩm Ninh Bình, chúng tôi thấy rằng: Xẩm Ninh Bình xưa và nay đang có sự biến đổi từ mục đích biểu diễn, sân khấu biểu diễn, cách thức tồn tại, hình thức diễn xướng, đối tượng diễn xướng, môi trường diễn xướng, nội dung diễn xướng... Xẩm Ninh Bình hiện nay thực chất không phải Xẩm theo nghĩa cổ truyền mà như những tiết mục trong chương trình văn nghệ do những diễn viên chuyên nghiệp kết hợp với những học sinh quần chúng biểu

diễn. Hát Xẩm không còn tồn tại với hình thái xã hội vốn có của nó. Xẩm đã biến đổi qua đối tượng diễn xướng, các nhạc cụ được sử dụng trong các buổi biểu diễn, và qua phương thức trình diễn. Xẩm Ninh Bình cũng có nhiều điểm khác biệt với Xẩm Hà thành có thể là do sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hiện nay,Xẩm Hà thành được trình diễn thiên về lưu giữ những bài Xẩm cổ truyền còn Xẩm Ninh Bình thường thành lập các câu lạc bộ tự phát rồi tự hoạt động và thiên về các bài Xẩm mới.

Hát Xẩm Ninh Bình đang dần tái sinh trong đời sống dân gian. Hầu hết các xã trong huyện Yên Mô đều thành lập các câu lạc bộ Xẩm nhằm lưu giữ nghệ thuật truyền thống này. Đây là một động thái tốt, là một tín hiệu vui cho văn nghệ dân gian tỉnh nhà nói riêng và của cả nước nói chung. Dù biết rằng quá trình ấy còn đầy rẫy gian nan và thử thách. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ban ngành và đặc biệt để lưu giữ được nó cần có sự quan tâm của thế hệ trẻ.

KẾT LUẬN

1. Ninh Bình là một tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có truyền thống lịch sử lâu lời và có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Họ không chỉ biết làm kinh tế giỏi mà còn sáng tạo và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa tinh thần có giá trị nhân văn sâu sắc trong đó có hát Xẩm. Trải qua bao nhiêu bước thăng trầm của lịch sử, hát Xẩm vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa của người dân Ninh Bình như một minh chứng cho sức sống dân tộc nơi đây. Nghiên cứu về lời hát Xẩm và cuộc đời, sự nghiệp của bà Hà Thị Cầu là việc làm có ý nghĩa như một sự thẩm định giá trị của hát Xẩm trong đời sống đương đại.

2. Nội dung hát Xẩm ở Ninh Bìnhrất phong phú và hầu hết là những sáng tác truyền miệng, phản ánh nhiều mặt sinh hoạt của nhân dân, biểu lộ phần nào tâm tư, tình cảm, ước vọng của tầng lớp. Có khi là tiếng giễu cợt, phê phán sâu cay những thói hư tật xấu của xã hội đương thời; có lúc lại là tiếng cười dí dỏm và cuộc sống; đôi khi lại là lời tỏ tình, lời tâm sự thể hiện tình mẫu tử, tình vợ chồng; có lúc lại là tiếng kêu than cho những số phận bất hạnh, nghèo khổ bị chà đạp, đặc biệt là thân phận người phụ nữ dưới thời phong kiến.

Lời ca của những bài Xẩm chịu ảnh hưởng khá sâu sắc và có quan hệ mật thiết với ca dao, tục ngữ, dân ca nên Xẩm mang đầy đủ các đặc điểm của văn hóa dân gian vùng khi vận dụng ngôn ngữ quần chúng đầy sáng tạo, kết hợp khôn khéo giữa tiếng hát và tiếng nhạc. Đồng thời, các bài Xẩm vận dụng khá nhiều các biện pháp tu từ, tiêu biểu như so sánh, ẩn dụ, điệp từ và biện pháp khoa trương.

Chính các đặc điểm trên đã khiến Xẩm từng là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Ninh Bình.

3. Chính điều kiện sống, không gian văn hóa, lịch sử xã hội ở trên đã tạo ra một “sản phẩm” tuyệt vời, một nghệ nhân độc đáo, tài hoa cho dân tộc nói chung và cho Ninh Bình nói riêng, đó là bà Hà Thị Cầu - người hát Xẩm độc nhất vô nhị, người nghệ nhân cuối cùng của thế kỉ XX đã có nhiều cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng và nghệ thuật cả nước nói chung trong việc lưu giữ, truyền dạy các làn điệu Xẩm cho thế hệ trẻ ngày nay.Nghệ nhân Hà Thị Cầu vốn không biết chữ nhưng lại có một trí nhớ tuyệt vời. Bà thuộc rất nhiều câu nói dân gian và đặc biệt rất hóm hỉnh.Người đàn bà được trời phú cho khả năng miệng vừa nhai trầu vừa hát, chân dập phách, tay kéo nhị và khả năng ứng biến vô cùng linh hoạt để có thể hát lên kể một câu chuyện nào. Bà là người có thể đánh ba trống một lúc. Thực sự bà là một người quá tài hoa. Những cống hiến của bà đã được Đảng, Nhà nước và khán giả ghi nhận, bà đã nhận được rất nhiều những giải thưởng và danh hiệu quý giá.

4. Xẩm Ninh Bình xưa và nay đã có nhiều biến đổi. Biến đổi về môi trường diễn xướng, cách thức diễn xướng, nội dung diễn xướng, đối tượng diễn xướng, không gian diễn xướng…Quá trình biến đổi của các loại hình âm nhạc truyền thống trong những năm trở lại đây đang diễn ra khá mạnh mẽ mà tác nhân của những biến đổi này có liên quan đến khá nhiều yếu tố. Đó có thể là sự thay đổi từ nhận thức của người dân, do sự phát triển kinh tế - xã hội hoặc cũng có thể do sự giao lưu văn hóa giữa các khu vực, các dân tộc với nhau.

Bên cạnh đó Xẩm Ninh Bình cũng có nhiều điểm khác biệt với Xẩm Hà thành. Hiện nay, Xẩm Hà thành có đội ngũ được đào tạo bài bản hơn, công phu hơn, Xẩm Hà thành được trình diễn thiên về lưu giữ những bài Xẩm cổ truyền còn

Xẩm Ninh Bình thường thành lập các câu lạc bộ tự phát rồi tự hoạt động và thiên về các bài Xẩm mới.

5. Ngày nay, xã hội hiện đại hơn, đời sống văn hóa tinh thần của người dân Ninh Bình đã phong phú hơn nhưng hát Xẩm vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Ninh Bình, tuy nhiên không còn phổ biến như trước nữa. Hoạt động hát Xẩm hiện nay vẫn còn ở một số xã: Yên Nhân, Yên Phong, Khánh Thịnh... Tuy nhiên, hình thức diễn xướng Xẩm theo lối cổ truyền thì vẫn chưa được quan tâm thực sự ở Ninh Bình.Việc bảo tồn và phát triển hát Xẩm là việc làm cần thiết để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là phương hướng đúng đắn, đồng thời là nhiệm vụ của của văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay. Hát Xẩm xứng đáng được bảo tồn và gìn giữ, nhưng phải biết chọn lọc, gạn đục khơi trong để tìm ra những giá trị đích thực của nó.

Cần có sự tham gia của các cơ quan ban ngành để sưu tầm, nghiên cứu một cách toàn diện và giới thiệu loại hình diễn xướng này rộng rãi hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường, trong các cuộc thi để trân trọng những giá trị tinh thần vô giá mà mình đã có, gìn giữ nó trong niềm tự hào chính đáng.

Trong quá trình thực hiện đề tài này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của các nhà nghiên cứu và các nghệ nhân hát Xẩm, nhưng do điều kiện và khả năng còn hạn chế nên việc thực hiện đề tài này cũng gặp không ít khó khăn, chúng tôi đã cố gắng trình bày một số kết quả thu nhận được trong quá trình điền dã và tìm hiểu lời hát Xẩm ở Ninh Bình. Những vấn đề này mới chỉ là ý kiến ban đầu, nếu có điều kiện tiếp tục thực hiện đề tài chúng tôi sẽ tìm hiểu trên nhiều bình diện và sâu sắc hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2000), Đất nước Việt Nam qua các thời kỳ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

3. Tài liệu sưu tầm Hà Thị Cầu ( 1980) Theo đảng trọn đời.

4. Hoàng Sơn Cường (2003), Văn hóa một góc nhìn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Chí Dũng (2009), “Hát Xẩm - một nét văn hoá dân gian đặc sắc”, Báo Nhân dân. Số 19572 (ngày 27/3)

6. Tản Đà (1996), Tuyển tập Tản Đà, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 7. Thao Giang, Khương Văn Cường (2009),Âm nhạc trong nghệ thuật hát

xẩm– khóa luận tốt nghiệp hệ đại học chính quy – chuyên ngành Lý Luận

Âm Nhạc, Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, Hà Nội.

8. Vương Hà (2009), “Sức sống mới của nghệ thuật hát Xẩm, Báo Quân đội nhân dân. Số 17215 (ngày 23/3)

9. Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử (2007), Từ điển thuật ngữ văn

học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

10. Nhật Huy (2009), “Rộn rã chiếu Xẩm Hà Thành, Tạp chí Hà Nội mới cuối tuần. Số 6 (ngày 14/2)

11. Bùi Trọng Hiền (2002), Hát Xẩm, 1000 năm Âm nhạc Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Âm nhạc, Hà Nội.

12. Bùi Trọng Hiền (2010), Hát Xẩm, 1000 năm Âm nhạc Thăng Long - Hà Nội

13. Bùi Trọng Hiền (2010), Hát Xẩm, 1000 năm Âm nhạc Thăng Long - Hà Nội

(quyển V, Bình luận), Nhà xuất bản Âm nhạc, Hà Nội.

14. Nguyễn Chí Hiếu (2013), Nghệ thuật hát Xẩm ở Hà Nội – thực trạng và giải pháp, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

15. Quang Hùng (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. 16. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo (1997), Kho tàng diễn xướng văn hóa

dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

17. Trần Văn Khê (2004), Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

18. Lê Ngọc Lanh (1999), Văn hóa dân gian Việt Nam những thành tố, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội.

19. Nguyễn Quang Long (2009), “Lễ trọng của người hát Xẩm”, Báo Tiền phong. Số 77 (ngày 18/3).

20. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nhà xuất bản Âm nhạc, Hà Nội.

21. Vũ Ngọc Phan (1956), Tục ngữ ca dao dân ca, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.

22. Lê Trường Phát (2000), Thi pháp văn học dân gian, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

23. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng.

24. Nguyễn Hằng Phương (2009),Sự chuyển đổi thi pháp từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.

25. Bùi Tuyết Phương (2014), “Hát Xẩm trong sự phát triển du lịch Ninh Bình”,

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

27. Trần Việt Ngữ (1992), Hát Xẩm, loại ca nhạc đặc biệt của người mù Việt Nam, Di sản văn hóa Hà Nội, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.

28. Trần Việt Ngữ (2002), Hát Xẩm, Nhà xuất bản Âm nhạc, Hà Nội.

29. Trần Việt Ngữ (2017), Tìm hiểu nghệ thuật hát Xẩm(nghệ thuật âm nhạc

Việt Nam),Nhà xuất bản quân đội nhân dân, Hà Nội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hát xẩm và nghệ nhân hát xẩm hà thị cầu ở ninh bình (Trang 109 - 169)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)