Những lời Xẩm mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hát xẩm và nghệ nhân hát xẩm hà thị cầu ở ninh bình (Trang 100 - 106)

Chương 4 : HÁT XẨM TRONG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA DÂN GIAN

4.3. Những lời Xẩm mới

Nếu vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, những bài hát xẩm ở Ninh Bình tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng về vấn đề lương thực, sản xuất, chiến đấu, bình dân học vụ... thì đề tài trong hát Xẩm Ninh Bình ngày nay đa dạng và phong phú theo lối hiện đại về ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi quá trình nông thôn mới, Hát Xẩm gắn với các tệ nạn xã hội như phòng chống ma túy, tham nhũng… Đó là đề tài mang tính thời sự, được đông đảo công chúng quan tâm trong thời điểm hiện nay. Bài Xẩm nổi tiếng của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu “Theo Đảng trọn đời” là một trong những bài Xẩm bất hủ đại diện cho đề tài này và cũng là đại diện cho Xẩm mới.

Ai cũng công nhận đó là bài xẩm hay cả ý lẫn lời. Mà cụ hát bài này hay số một trong những bài xẩm quen thuộc với cụ. “Mẹ kể con nghe từ khi từ khi có Đảng. Từ khi có Đảng dẫn đầu…”.

Dường như cụ đã tích tụ câu chuyện “mẹ kể con nghe” từ rất lâu rồi. Lời ca tiếng hát ấy cất lên tự sâu thẳm cuộc đời của cô gái Hà Thị Năm (Cầu là lấy theo tên của con trai cả) sinh ra trong gia đình 3 đời hát xẩm.

Từ nhỏ, bé Năm đã ngồi trong thúng theo bố mẹ gánh đi hát rong. 10 tuổi, cô đã thuộc hàng chục bài xẩm, cùng gia đình nay đây mai đó lấy tiếng hát làm kế sinh nhai. 11 tuổi, cha mất sớm, Năm cùng mẹ về quê sinh sống tại thôn Phố Mỹ, xã Quảng Phúc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Mười sáu tuổi, cô Năm làm vợ thứ 18 của trùm xẩm Yên Mô Nguyễn Văn Mậu. Cụ ông mù, mặt rỗ nhưng dáng cao lớn và chơi bầu, nhị, trống, phách đều cực giỏi. Vợ chồng bồng bế con thơ lặn lội khắp các tỉnh thành bằng nghề hát xẩm. Cụ ông mất khi cụ Cầu 33 tuổi. Khó khăn, túng quẫn, mẹ con cụ dắt díu về quê tá túc. Không có ruộng vườn, có ma chay cúng giỗ được mời thì đến hát… Nghèo đói quá, cụ phải rứt ruột cho đi con gái út!…

Bài Theo Đảng trọn đời đem đến nhiều niềm vui cho cuộc đời cụ. Khi ấy, anh con trai đi bộ đội biên giới, vì bài hát của mẹ phát trên sóng phát thanh mà được đơn vị cho nghỉ phép về thăm mẹ. Cô con gái sau gần 30 năm lưu lạc cũng tìm được đường về với mẹ vì bài hát này.

Có Đảng dẫn đầu, từ khi có Đảng dẫn đầu Tự do Độc lập qua cầu gian nan

Mẹ con ta thoát cảnh bần hàn Tìm về quê Tổ muôn vàn yêu thương

Hòa bình được mấy năm trường

Ngày vui chưa thỏa ngày vui chưa thỏa bước đường lại xa Giặc kia là giống quỷ ma

Là giống quỷ ma giặc kia là giống quỷ ma Ăn gang an uống máu dân ta bao lần

Đạn bom tội ác chất chồng Mối thù vạn kiếp muôn lòng còn ghi

Giờ đây theo Đảng con đi Theo Đảng con đi Giờ đây theo Đảng con đi

Giết giặc giữ nước yên thì biên cương… Ngày mai dưới ánh quang vinh Con về với mẹ, thắm tình nhước non

Vững tâm theo Đảng nghe con Vững tâm theo Đảng nghe con Đạp bằng sóng gió, sắt son nhời nguyền

Bài hát hay và nổi tiếng đến mức, Nhạc viện Hà Nội khi tổ chức chương trình văn nghệ mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đã mời cụ Cầu về Hà Nội hát.

Tiếng hát xẩm ai oán não nề nơi lề đường xó chợ giờ thành tiếng hát ngợi ca, tỏ lòng biết ơn Đảng và vang lên ở nơi sang trọng bậc nhất ở Thủ đô. Người ta dành cho cụ Cầu không chỉ sự mến mộ một tài năng, cảm kích trước cuộc đời lấy tiếng hát làm lẽ sống, mà còn vì tấm lòng của người đàn bà nghèo ở vùng quê suốt đời chỉ sống với câu hát đã tự cất tiếng ca ơn Đảng.

Bên cạnh ca ngợi Đảng, bài xẩm của cụ còn ca ngợi vẻ đẹp của quê hương Yên Phong, Yên Mô nơi bà đã kết duyên với ông Chánh Trương Mậu và sinh ra được những người con thân yêu của mình. “Ai về thăm huyện Yên Mô” sẽ thấy phong cảnh, bốn mùa đẹp tươi với Bình Sơn (đỏ chiến công), Khánh Thịnh (giữ trời cao), Yên Từ (đẹp bóng hàng cây), Yên Phong (các làn điệu chèo), Tam Điệp (đồi nương), Hoa Lư (Tiên nữ xuống thành)... mọi thứ dường như trở nên đẹp hơn qua tiếng hát của bà.

Ai về thăm huyện Yên Mô

Ngắm nhìn phong cảnh, bốn mùa đẹp tươi Đồng quê bát quát chân trời

Rộn ràng tiếng hát xa đưa Tám cô gái đảm sớm trưa giữ đường

Bom rơi đạn nổ coi thường

Giữ liền mạch máu chiến trường giao thông Cung Bình Sơn đỏ chiến công

Sánh cùng Khánh Thịnh cờ hồng mới trao Ngày đêm canh giữ trời cao

Súng trường nay đã đánh nhào máy bay

Yên Từ đẹp bóng hàng cây

Chắn mùa gió lạnh cho sai lúa đồng…

Những bài xẩm ấy được viết lại lời dựa trên những bài xẩm của bà Hà Thị Cầu và chúng không còn là những bài xẩm cổ nữa mà thay vào đó là xen lẫn giữa xẩm và chèo. Nếu trước đây khi biểu diễn cụ Cầu đệm là “ơ...ơ” thì nay những “diễn viên, ca sĩ” lại đệm là “í ì i”.

Bà Cầu: “Nhị tình anh ở nhất tâm ơ...ơ” Xẩm lai chèo:“Nhị tình anh ở nhất tâm i...i Nhất tâm anh ở với em nhị tình”.

Từ bài Xẩm “Thăm huyện Yên Mô”, các nghệ nhân ở câu lạc bộ Yên Phong đã vận dụng và sáng tạo nên bài “Thăm cảnh Yên Phong”:

Ai qua đất huyện Yên Mô

Tìm thăm cảnh đẹp hãy về quê tôi

Yên Phong, phong cảnh tuyệt vời Cao cao ngói đỏ, bời bời đồng xanh

Rủ nhau về xóm Nam Thành

Ngắm nhà Văn hóa lung linh mặt hồ...

Bài xẩm này ca ngợi vẻ đẹp của Yên Phong nhờ quá trình nông thôn mới. Mọi thứ đều trở nên đẹp hơn từ khi có Đảng, có Đảng mới có quá trình nông thôn mới. Bài xẩm như lời mời gọi mọi người hãy đến Yên Phong bởi nơi đây có phong cảnh tuyệt vời, có Nhà văn hóa, có ủy ban, có bà Cầu...

Hoặc trong bài “Tuổi già khổ”: nói về cảnh cha mẹ khi già yếu không nương tựa được con cái thì thật đáng buồn, cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng ta thì con cái, anh em trong nhà phải hiếu thảo, sống hạnh phúc, êm đềm bên nhau thì cha mẹ mơi vui vẻ.

Thương thay lúc tuổi về già

Lời xưa “lão khổ” thực là không sai

Nhìn xem làng xóm trong ngoài

Mỗi nhà một cảnh bao người đáng thương

Tháng ngày lam lũ thịt xương héo mòn

Tuổi cao tật bệnh đến luôn

Khổ thân khiến cả cháu con khổ cùng...

Tuổi già muôn kiểu khổ đau

Kể ra già trẻ cùng nhau soi mình

Mẹ cha ơn nặng dưỡng sinh

Anh em thủ túc, vợ chồng tao khang

Sống cho tình nghĩa vẹn toàn

Bên nhau ấm áp muôn vàn tình thương

Các câu lạc bộ Xẩm ở Yên Mô – Ninh Bình đã và đang cố gắng lưu giữ và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, giúp Xẩm tái sinh trong đời sống dân gian bằng những bài Xẩm mới và điều đặc biệt là câu lạc bộ Xẩm này đã thu hút được rất nhiều các bạn trẻ, các em học sinh trên địa bàn toàn huyện tham gia. Đây chính là một tín hiệu vui cho âm nhạc dân tộc nói chung và âm nhạc tỉnh nhà nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hát xẩm và nghệ nhân hát xẩm hà thị cầu ở ninh bình (Trang 100 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)