Thực trạng và giải pháp bảo tồn hát Đúm Phục Lễ hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài giao duyên trong hát đúm phục lễ thủy nguyên hải phòng (Trang 118 - 180)

B. PHẦN NỘI DUNG

4.2.2. Thực trạng và giải pháp bảo tồn hát Đúm Phục Lễ hiện nay

4.2.2.1.Thực trạng hát Đúm Phục Lễ hiện nay

Hiện nay, người tham gia hát Đúm không nhiều chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi. Hát Đúm được duy trì bằng hình thức sinh hoạt câu lạc bộ; bằng hình thức thi hát giữa các câu lạc bộ.

Hiện nay hát Đúm Phục Lễ được duy trì và phát triển dưới hình thức câu lạc bộ. Câu lạc bộ hát Đúm xã Phục Lễ hiện nay có hơn 20 hội viên với nhiều hoạt động tích cực. Các thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên tổ chức giao lưu hát Đúm với các xã bạn như Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng, Ngũ Lão, Thủy Triều...với cả tỉnh bạn như Quảng Ninh.

Hát Đúm Phục Lễ hàng năm được tổ chức vào lễ hội xuân từ mồng 2 đến mồng 6 tháng giêng âm lịch. Mồng 5 tết diễn ra cuộc thi chung kết hát Đúm giữa các xã có di sản văn hóa gốc như Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ.

Đối với người dân Phục Lễ xưa, hát Đúm đã ăn vào máu thịt, dù có năm tháng phải sống xa quê hương thì mạch nguồn hát Đúm luôn dạt dào trong tim . Ông Nguyễn Văn Thập (cựu chiến binh năm xưa) là thành viên câu lạc bộ hát Đúm xã Phục Lễ đã bày tỏ tình cảm luyến nhớ một thời qua những vần thơ gửi tặng các nghệ nhân hát Đúm xã Phục Lễ: “ Phục Lễ ơi! Tôi yêu lời ví đúm/ Hơn một lần tôi đã hát hội xuân/ Quên

sao được buổi ban đầu ... “ Khó nói” / Tay cầm tay “ người đằng ấy” yêu thương./Hơn bốn mươi năm, nay trở lại/ Gặp người xưa vui hội giữa quê hương/ Dẫu mái tóc pha sương tôi vẫn hát/ Bởi vì “người đằng ấy” vẫn nhớ mong/ Phục Lễ ơi! Đã nuôi tôi khôn lớn/Trong vành nôi hát Đúm cổ lưu truyền/Xin tiếp nối những bài ca trong sang/ Giữ đậm đà bản sắc của quê hương”.

4.2.2.2. Những giải pháp bảo tồn hát Đúm Phục Lễ hiện nay

Hát Đúm Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng là một loại hình ca hát dân gian đã và đang được bảo tồn một cách tích cực. Ngày 15 tháng giêng năm Giáp Ngọ ( 2014), hát Đúm Phục Lễ được giới thiệu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám với cả nước, bước đầu đến với công chúng.[25, tr.789]

Trong những năm gần đây, việc bảo lưu các làn điệu dân ca của dân tộc đã được sưu tầm, ghi chép nhằm giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết và trân trọng giá trị văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố Hải Phòng, hát Đúm đã được chú ý đầu tư hơn. Đã có những tiết mục về hát Đúm được dàn dựng công phu và đã gây được tiếng vang. Theo tin trên báo Hải Phòng điện tử ngày 28 – 08 – 2009, tiết mục Hát Đúm hội đu, đo đoàn ca múa nhạc Hải Phòng dàn dựng tham dự Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn năm 2009 đã đoạt giải huy chương bạc. Hay tiết mục Hát Đúm dân ca Hải Phòng, được dàn dựng bởi Đoàn ca múa Hải Phòng- Đoàn nghệ thuật Hải Quân- Đoàn Cải lương HP- Trường VHNT Hải Phòng ( Âm nhạc: Huyền Chung, biên đạo múa: Tiến Thuận – Lưu Nga) . Đây là tiết mục được trình diễn chào mừng Lễ hội hoa phượng đỏ lần thứ I tại Hải Phòng năm 2012, tiết mục để lại ấn tượng sâu sắc và góp phần tạo nên thành công cho Lễ hội.

Tại huyện Thủy Nguyên các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy làn điệu này được đẩy mạnh. Tại nhiều địa phương thành lập câu lạc bộ hát Đúm, huyện đã có những tiết mục hát Đúm được tham gia hội diễn văn nghệ khá công phu. Phòng Giáo dục và Đào tạo - Công đoàn giáo dục huyện Thủy Nguyên đã tổ chức thành công Liên hoan Tiếng hát dân ca học sinh và giáo viên tiểu học. Tiết mục hát Đúm về thầy cô được các em học sinh Trường tiểu học Phục Lễ biểu diễn thành công.

Hằng năm, Phòng văn hóa huyện Thủy Nguyên đã tổ chức thành công cuộc thi chung kết hát Đúm tại các xã như Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ. Sau mỗi cuộc thi đều được quay video đưa lên mạng xã hội nhằm quảng bá rộng rãi cho lễ hội hát Đúm. Huyện đã

phát hành đĩa các làn điệu hát Đúm do chính các nghệ nhân hát. Huyện dự kiến năm 2018 tiếp tục triển khai làm đĩa nhằm mục đích không chỉ đưa hát Đúm tới nhiều đối tượng trong huyện, thành phố trong cả nước mà còn hướng tới các kiều bào ở nước ngoài như Anh, Úc, Ca – na - đa, Xinh – ga - po ...vì huyện Thủy Nguyên là huyện có nhiều kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài.

Nhiệm vụ quan trọng của các cấp quản lí văn hóa ở huyện, thành phố cần có chính sách chính sách bồi dưỡng cho những báu vật sống, để nghệ nhân có đủ điều kiện kinh tế mà chuyên tâm theo nghề đến trọn đời.

Chính quyền xã Phục Lễ đã có rất nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy hát Đúm tại địa phương như : Lồng ghép các tiết mục hát Đúm vào các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân góp phần bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo. Quan tâm, thúc đẩy các hoạt động phong trào của câu lạc bộ hát Đúm của địa phương nhằm bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa của địa phương. Trong các dịp lễ tết, hội hè quan trọng đều mời các nghệ nhân và thành viên câu lạc bộ xã mình cũng như xã bạn tham gia hát nhằm mục đích duy trì văn hóa hát Đúm trong nhân dân.

Trong các cuộc thi hát Đúm thuộc tổng Phục Lễ, các hội hội viên đã có những tìm tòi, sáng tạo góp phần vào bảo tồn những giá trị văn hóa địa phương và phát huy truyền thống văn hóa này cho thế hệ mai sau.

Nghệ nhân Phạm Thị Đáng, thành viên chủ chốt của câu lạc bộ hát Đúm Phục Lễ. Bà là người tích cực phát hiện và truyền dạy hát Đúm cho thế hệ trẻ bằng tất cả tình yêu, lòng nhiệt tình và trách nhiêm cao. Hiện nay bà đang dạy một lớp hát Đúm gồm nhiều độ tuổi từ học sinh tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông tham gia học với mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và giữ gìn văn hóa truyên thống của địa phương. Gặp gỡ, trao đổi với nghệ nhân mới thấy hết tình yêu hát Đúm trong con người bà. Không chỉ có ý thức truyền dạy hát Đúm mà bà còn có ý thức mở rộng giao lưu hát Đúm Phục Lễ với hát Đúm các xã trong huyện, ngoài huyện, thậm chí với các tỉnh khác như Hưng Yên ( Quảng Ninh). Tham gia nhiều cuộc hội diễn văn nghệ trong nước, đi nhiều nơi, học hỏi nhiều kinh nghiệm về nghề diễn nên bà càng trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần của quê hương. Hát Đúm Phục Lễ là hình thức diễn xướng giao duyên vô

cùng độc đáo của người dân tổng Phục xưa nay vẫn được duy trì và phát triển bởi những nghệ nhân đầy tâm huyết như bà Đáng.

Hiện nay được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, hát Đúm với nét đẹp văn hóa dân gian của Thủy Nguyên đang dần được khôi phục và phát triển. Lễ hội hát Đúm được tổ chức hiện nay không những để tôn vinh bản sắc văn hóa địa phương, giữ gìn nét văn hóa truyền thống mà còn là dịp để quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người Hải Phòng. Dự kiến đến năm 2020 sẽ khôi phục lại tục bịt mặt và mở mặt với hi vọng tìm lại bản sắc văn hóa vùng miền.

* Tiểu kết chương 4

Chương viết đi sâu phân tích một số biện pháp nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu thể hiện đề tài giao duyên trong hát Đúm Phục Lễ. Đó là một số yếu tố thi pháp nghệ thuật cụ thể như: Kết cấu, giai điệu, thể thơ, ngôn ngữ, không gian - thời gian nghệ thuật; Đó là một số thủ pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ và điển tích điển cố.

Qua phân tích, dẫn chứng từ những lời ca trong hát Đúm Phục Lễ, chương viết đã chỉ ra cùng với nội dung phản ánh đề tài giao duyên trong hát Đúm Phục lễ, về phương diện nghệ thuật thể hiện hát Đúm đã sử dụng nhiều yếu tố, biện pháp nghệ thuật truyền thống của ca dao dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cũng góp thêm những yếu tố nghệ thuật riêng, đặc sắc làm nên giá trị và bản sắc cho hát Đúm Phục Lễ. Trong đó, mỗi một hình thức nghệ thuật đều được hát Đúm vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với bối cảnh diễn xướng, sinh hoạt của loại hình ca hát này làm nên cái hay, cái đẹp, cái riêng không trộn lẫn. Nhờ các biện pháp nghệ thuật mà nội dung giao duyên trong hát Đúm Phục Lễ được biểu đạt một cách vừa giản dị, vừa trau chuốt, uyên bác, khẳng định được tài năng của người sáng tác, vừa tạo nên vẻ hấp dẫn, lôi cuốn cho những câu hát Đúm Phục Lễ xưa nay. Ngoài ra, chương viết còn đề cập tới bản sắc cũng như giá trị và biện pháp bảo tồn hát Đúm hiện nay. Trải qua bao thăng trầm, hát Đúm Phục Lễ có những giai đoạn gần như mai một, có nguy cơ mất dần bản sắc. Ngày nay với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng nhà nước, văn hóa dân tộc được đề cao qua các kì Đại hội Đảng. Bản sắc văn hóa vùng miền được đưa vào nghị quyết, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc.

KẾT LUẬN

Luận văn về “Đề tài giao duyên trong Hát Đúm Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng”

của chúng tôi muốn đề cập đến một di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh là Báu vật sống của địa phương Phục Lễ.

1. Luận văn đi sâu nghiên cứu loại hình dân ca hát Đúm Phục Lễ dưới góc độ một hiện tượng văn học dân gian với việc tìm hiểu đề tài giao duyên thông qua hình thức và nội dung diễn xướng, cùng các biện pháp nghệ thuật. Điểm độc đáo của hình thức diễn xướng hát Đúm là tạo mối giao kết nam nữ qua lời ca giao duyên và gắn với hình thức “tạo Đúm”. Độc đáo còn bởi cách thức ứng tác - đối đáp nam nữ, thể hiện sự sáng tạo, sức hấp dẫn, thu hút người nghe, người thưởng thức. Chính những điểm độc đáo này đã đem đến cho hát Đúm nội dung giao duyên phong phong phú, đa dạng.

2. Khai thác đề tài giao duyên, tiếp cận nội dung phong phú thông qua các bước hát đa dạng, luận văn đã đem đến cho bạn đọc một hình dung về đời sống tình cảm của trai gái Phục Lễ. Qua mỗi lời ca, cuộc sống đời thường của nam nữ được tái hiện từ gặp gỡ giao duyên, thử tài, đến trao duyên trao tình, nguyện ước và đi đến hôn nhân; đây chính là con đường tình yêu hội tụ trăm ngàn gương mặt trong lễ hội hát Đúm độc đáo

nổi tiếng của tổng Phục khi xưa, với hi vọng được chiêm ngưỡng dung nhan của một gương mặt sẽ trở nên thân quen và gắn bó với ta đến trọn đời trọn kiếp. Tiếp cận đề tài giao duyên là tiếp cận với nội dung hát Đúm. Thông qua lời ca, trai gái nơi đây đã khéo léo gửi gắm nỗi lòng qua câu hát chứa đựng niềm vui, nỗi buồn cùng bao ước vọng về hạnh phúc lứa đôi cũng như bao hoài bão về cuộc sống ấm no của cư dân miền biển. 3. Bên cạnh giá trị nội dung phản ánh đề tài giao duyên trong hát Đúm Phục Lễ, luận văn chỉ ra đặc điểm nghệ thuật và giá trị, ý nghĩa của hát Đúm giao duyên. Một số biện pháp nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu thể hiện đề tài giao duyên trong hát Đúm Phục Lễ được tìm hiểu, phân tích. Đó là một số yếu tố thi pháp nghệ thuật cụ thể như: Kết cấu, giai điệu, thể thơ, ngôn ngữ, không gian - thời gian nghệ thuật; Đó là một số thủ pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ và điển tích điển cố. Ở mỗi một hình thức nghệ thuật đều được hát Đúm vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với bối cảnh diễn xướng, sinh hoạt của loại hình ca hát này làm nên cái hay, cái đẹp, cái riêng không trộn lẫn. Nhờ các biện pháp nghệ thuật mà nội dung giao duyên trong hát Đúm Phục Lễ được biểu đạt một cách vừa giản dị, vừa trau chuốt, uyên bác, khẳng định được tài năng của người sáng tác, vừa tạo nên vẻ hấp dẫn, lôi cuốn cho những câu hát Đúm Phục Lễ xưa nay .

4. Ngoài ra, luận văn còn đề cập tới bản sắc cũng như giá trị và biện pháp bảo tồn hát Đúm hiện nay. Trải qua bao thăng trầm, hát Đúm Phục Lễ có những giai đoạn gần như mai một, có nguy cơ mất hẳn. Ngày nay với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, văn hóa dân tộc được đề cao qua các kì Đại hội Đảng. Bản sắc văn hóa vùng miền được đưa vào nghị quyết đại hội, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc. Đề tài là một đóng góp cụ thể vào việc bảo tồn và phát huy loại hình ca hát này trong đời sống hôm nay.

Ra đời trong xã hội cổ truyền, được lưu giữ và phát triển đến ngày nay, hát Đúm Phục Lễ là loại hình nghệ thuật hát dân gian cổ, mang đậm dấu ấn, phong cách hơi thở của miền biển sóng gió mặn mòi, một nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống người dânPhục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đến với “Lễ hội khai xuân” hát Đúm, tìm hiểu về “ Lễ hội Mở mặt” vô cùng độc đáo đã trở thành huyền tích trong dân gian. Nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của địa phương Phục Lễ xưa và nay được bài viết mô tả, phản ánh chân thực khách quan. Điều trăn trở nhất với người nghiên cứu là làm thế nào để đưa hát Đúm ngày càng đến gần hơn với đông đảo công chúng hiện nay.

Luận văn tuy có ý nghĩa sử dụng làm tư liệu tham khảo cho nghiên cứu văn học dân gian, nhưng ở một góc độ nào đó về xã hội, văn hóa, chúng tôi mong muốn đóng góp một cách cụ thể vào việc giữ gìn, phát huy, bảo tồn hát Đúm hiện nay, để nâng cao vẻ đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.

Để phát hiện, giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông đòi hỏi giới nghiên cứu không ngừng nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, các loại hình di sản văn hóa, văn học dân gian hơn nữa, trong đó có hát Đúm. Hiện nay đã có nhiều công trình giới thiệu về hát Đúm của các nhà nghiên cứu nhưng chưa thực sự chuyên sâu, vì vậy rất cần những công trình nghiên cứu hát Đúm một cách khoa học, đầy đủ để công chúng trong cả nước và quốc tế được biết đến loại hình ca hát độc đáo này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Trịnh Hữu Anh (2016), “Hát Đúm của người Thổ ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1(98)

2.Ban văn hóa xã Phục Lễ (2005), Hát Đúm cổ truyền Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng, Câu lạc bộ hát Đúm, Lưu hành nội bộ.

3. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thủy(1985), Lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân Thủy Nguyên 1930- 1975, Nxb Hải Phòng.

4. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, truy cập tháng 3 năm 2017.

5. Nguyễn Duy Bắc (chủ biên) (2008), Sự biến đổi các giá trị văn hoá trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb Từ điển bách khoa và Viện Văn hoá, Hà Nội.

6. Phan Kế Bính( 2001), Việt Nam phong tục, Tái bản, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội. 7. Minh Châm (12 tháng 02 năm 2016). “Du xuân nghe hát đúm”.

http://baohaiphong.com.vn. Báo Hải Phòng. Truy cập 5 tháng 6 năm 2016.

8. Đảng ủy, Hội đồng nhân dân - Uỷ ban xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng (2006), Lịch sử xã Phục Lễ, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài giao duyên trong hát đúm phục lễ thủy nguyên hải phòng (Trang 118 - 180)