Giới thiệu tục “Mở mặt”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài giao duyên trong hát đúm phục lễ thủy nguyên hải phòng (Trang 26 - 29)

B. PHẦN NỘI DUNG

1.5.1. Giới thiệu tục “Mở mặt”

Một trong những hoạt động đặc sắc nhất của hội Xuân Phục Lễ chính là hội hát Đúm gắn với tục “Mở mặt” của các cô gái.Trước khi nói về tục “Mở mặt”, cũng cần nói về tục “Bịt mặt” của người dân Phục Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Về tục “Bịt mặt”: Tương truyền không biết có từ bao giờ, người dân Phục Lễ thì nói rằng tục này có từ thời “xa xưa”…

Thực tế cho thấy, đến những năm 1950 – 1960 của thế kỷ XX, nữ giới các làng Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ bất kể trời mưa hay nắng, ban ngày hay đêm họ đều đội khăn đen mỏ quạ bịt kín mặt, chỉ hở đôi mắt. Nhờ đặc điểm này mà người dân Hải Phòng và dân quanh vùng dễ dàng nhận biết được đâu là những cô gái Phục Lễ (cả Phả Lễ, Lập Lễ). Những chiếc khăn che mặt chỉ được bỏ ra trong những ngày hội hát Đúm đã tạo nên nét độc đáo có một không hai cho lễ hội hát Đúm vùng tổng Phục .

Hát Đúm liên quan mật thiết đến một phong tục tập quán có từ xa xưa của người tổng Phục, đó là tục che mặt. Trong thực tế, con gái cả vùng Phục Lễ đẹp nổi tiếng đến

mức nhiều nơi biết tiếng. Phần lớn các cô có nước da trắng ngần rất đẹp, hoàn toàn ngược với những suy đoán về nắng, gió, bùn đất thuần túy khoa học. Vì thế, ngay từ xa xưa họ đã có ý thức giữ gìn nhan sắc, chủ yếu là giữ làn da trước sự xâm hại của nắng gió. Cho nên họ bịt mặt. Rồi cứ thế thành thói quen của nhiều người, rồi cả làng, cả vùng. Khi đã thành tập tục thì rất khó thay đổi. [25, tr.726]

Ngoài ra, lý giải cho tục che mặt ở đây, có nhiều truyền thuyết lưu truyền trong dân gian.

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: Xưa trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng, quân xâm lược chết ngả rạ, linh hồn không siêu thoát, thường quấy phá các chị em phụ nữ vùng tổng Phục; để tránh tà ma, những người con gái nơi đây che mặt ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ.

Truyền thuyết thứ hai kể rằng: Khi xưa giặc Nguyên bị đánh bại trên bờ sông Bạch Đằng của vùng đất này, xác giặc chết trôi đầy dòng sông trông thật thê thảm... Sau chiến thắng, với lòng khoan dung nhân hậu, dân trong vùng đã nhờ pháp sư lập đàn bên sông cúng cho các vong hồn lưu lạc đó. Khi “tiếp giao” với các vong hồn, thầy pháp sư có hỏi “thế các vong hồn có cần gì không?”, các vong hồn lính bại trận mãi không trả lời được, cuối cùng chỉ xin “gì cũng được”, một cụ già trong làng tức mà nói rằng: “thế thì cho chúng mày ăn máu... (của đàn bà)!”. Lời nói lỡ đó đã trở thành như một lời nguyền mà từ đó, sợ các vong hồn giặc hút máu, những phụ nữ Phả Lễ và phụ nữ cả vùng sông này rất sợ ra khỏi nhà, đặc biệt là những phụ nữ mới sinh nở... Tất cả đàn bà, con gái mỗi khi đi đâu, vào bất cứ lúc nào, ban ngày hay ban tối đều che mặt, chỉ còn để hở đôi mắt. Cũng từ đó, gia đình nào có sản phụ cũng đều phải làm phép là hoà một chậu nước màu đỏ đem ra sông đổ...

Truyền thuyết thứ ba kể rằng: Phạm Nhan sinh ra ở Đông Triều, tên thật là Nguyễn Bá Linh. Mẹ người Việt, cha người gốc Hoa. Cha mất sớm, một mẹ một con nên Phạm Nhan được mẹ nuông chiều. Được thể, hắn càng lớn càng hư hỏng, đánh chửi lại cả mẹ, bị mẹ từ. Hắn lang thang trộm cướp rồi tìm về quê cha đất tổ, theo bọn lừa đảo học phép tàng hình. Khi quân Nguyên tiến đánh nước ta, Phạm Nhan xin theo để dẫn đường và làm thông dịch. Hắn luôn cặp kè bên tướng Ô Mã Nhi dẫn lối, chỉ đường. Cậy thế có phép “chém đầu này mọc đầu khác”, Phạm Nhan gây ra rất nhiều tội ác với nhân dân. Trong trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288, Phạm Nhan bị quân ta bắt sống,

hắn ngạo mạn thách thức đố ai chém rơi đầu hắn. Binh sĩ tâu lên, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn bảo đem thanh gươm về Đông Triều, thắp hương nơi mộ mẹ hắn, xin bà cho âm phép trừ khử tên giặc bất trung, bất hiếu, bất nghĩa. Thanh gươm đưa về, Phạm Nhan biết mình hết phép, khi đem ra chém đầu, hắn xin được ăn uống một bữa no say trước khi chết. Sẵn lòng căm thù, người lính thi hành án quát lớn: “Tội ác của mi chỉ đáng cho ăn máu… (đàn bà)”. Nghe vậy, hắn la hét và thề rằng sau khi chết sẽ chuyên đi hút máu thiên hạ. Đầu hắn rơi xuống, quân ta quẳng vào rừng cho thú ăn còn thây hắn vứt xuống đàm cho cá rỉa, nào ngờ đầu hắn biến thành loài vắt còn thây hắn biến thành loài đỉa chuyên đi hút máu người. Cũng từ đó, đàn bà con gái vùng sông Bạch Đằng cứ đến kỳ hoặc khi sinh nở lại bị hồn ma Phạm Nhan dật dờ, đói khát quấy nhiễu. Đàn bà con gái vùng cửa sông Bạch Đằng không dám ra khỏi nhà nếu chưa che kín mặt và mỗi khi sinh nở đều phải giã cây vẹt hòa vào một chậu nước thành màu đỏ như máu để làm phép trừ ma Phạm Nhan, đem ra sông đổ. Chị em phụ nữ bên huyện Yên Hưng đối phó với tà ma Phạm Nhan bằng cách vá thật dầy đũng quần, nhất là đến kỳ kinh nguyệt lại càng phải che giấu kín đáo hơn. Dân gian vùng này còn lưu truyền câu:

Phục- Phả bịt má, Hà Nam vá trôn

(Phục Lễ, Phả Lễ bịt khăn che kín mặt, Hà Nam vá đũng quần)

Trên đây là những truyền thuyết thực hư lí giải về tập tục bịt mặt của các cô gái tổng Phục xưa đã trở thành huyền tích một thời về lễ hội. Có lẽ cả hai yếu tố địa lý và tâm linh mới thành nguyên nhân của tục lệ này.

Ngày nay tục này đã mất, các cô gái Phục Lễ chỉ dùng khăn che mặt để bảo hộ lao động, chống nắng gió làm hỏng da mỗi khi đi làm đồng hay chống bụi mỗi khi ra đường; tuy nhiên người dân vẫn không quên tục bịt mặt độc đáo có một không hai ở tổng Phục xưa.

Về tục “Mở mặt”: Một trong những hoạt động đặc sắc nhất của hội xuân Phục Lễ là hội hát Đúm với tục “Mở mặt” của các cô gái. Như đã giới thiệu ở trên xã Phục Lễ xưa thuộc địa bàn Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, do vậy hội “Mở mặt” và hát Đúm Phục Lễ, không chỉ là lễ hội của một địa phương mà còn là lễ hội chung của cả tổng.

Ngày trước, các cô gái Phục Lễ cứ độ 15, 16 tuổi trở lên là bắt đầu dùng khăn bịt mặt, chỉ để lộ đôi mắt lúng liếng làm say lòng bao chàng trai. Vào hội các cô vẫn không

bỏ khăn che mặt mà chỉ khi hát đối đáp với các chàng trai nếu họ cảm thấy tâm đầu ý hợp thì mới chịu bỏ khăn che mặt để chàng trai được ngắm nhìn dung nhan của mình. Cho nên muốn xem được mặt các cô gái thì các chàng trai phải mời được họ hát Đúm, phải len được vào trong đám đúm để nghe được hát và nhìn được mặt mới biết được đẹp, xấu. Còn nếu các cô chỉ đi chơi hội (không tham gia hát) thì vẫn bịt khăn kín mặt chỉ hở đôi mắt… Hội xuân, du khách nơi nơi đổ về Phục Lễ một phần để tham gia các lễ hội địa phương, để nghe những câu hát Đúm tình tứ, thơ mộng song cũng một phần để thỏa mãn trí tò mò về dung nhan của các cô gái bịt mặt. Vì vậy, hội hát Đúm ngày xuân còn gọi là hội “Mở mặt”.

Tập tục “bịt mặt” và “mở mặt” là một nét đặc sắc trong các lễ hội hát Đúm. Tuy nhiên, lối hát “Mở mặt” ngày nay đã thất truyền.

Hiện nay được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, hát Đúm với nét đẹp văn hóa dân gian của Thủy đang dần được khôi phục và phát triển. Dự kiến đến năm 2020 sẽ khôi phục lại tục bịt mặt và mở mặt với hi vọng tìm lại bản sắc văn hóa vùng miền.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài giao duyên trong hát đúm phục lễ thủy nguyên hải phòng (Trang 26 - 29)