B. PHẦN NỘI DUNG
3.3. Trai gái chia tay nhau bịn rịn, quyến luyến (Hát ra về)
Các đôi trai gái gặp nhau, hát chào hỏi, hát giao duyên…Giờ phải chia tay nhau, họ vẫn còn lưu luyến nên đã dùng những câu hát để chào ra về, thông qua đó để thấy được tình cảm hai bên quyến luyến không muốn rời nhau.
Hát ra về là những câu hát thuộc chặng kết thúc cuộc hát. Trai gái hát những câu hát trữ tình day dứt được cất lên từ nỗi lòng sâu kín, những lời hát, bâng khuâng, lưu luyến, những yêu đương, thương nhớ, những xa cách, chia ly, những hứa hẹn, đợi chờ, hy vọng và cả nỗi đau:
“Nàng ơi đừng vội ra về Hội đang vui thế ra về làm sao Mận vừa mới tỏ lòng đào
Tình đang tha thiết dạt dào yêu thương ...
Ra về gió Sở - mây Tần
Ngựa Hồ - chim Việt biết làm sao đây Dao vàng cắt ruột anh nay
Không bằng nàng vội chia tay ra về” [2, tr.161 ]
(Hát ra về )
Hát ra về cũng để nói lên cảm xúc khi chia tay nhau, tiếp theo hát trao ô, trao mũ, trao khăn, trao nón, hay hát xin lại mũ nón, ô, khăn đã gửi nhau khi vào hội hát, cùng lời ca hẹn hò gặp lại, dặn dò nhau với ước mong gặp lại nên nghĩa bạn đời, nên tình gia thất, và gặp lại buổi hát ngày mai, hay hội hát mùa sau lại được say đắm trong tiếng hát của nhau.
“...Mình về để dạ ta sầu Để ô, đẻ nón, để giầu ở đây Cùng ta, ăn miếng giầu cay Giầu say vì thuốc, hay say vì tình Mình ơi! Ta hỏi thật mình
Cho ta kết nghĩa chung tình được chăng Thương mình quý giá vô chừng
Trèo non quên mệt, ngặm gừng quên cay Ra về tình trúc, nghĩa mai
Thề rằng trúc chỉ yêu mai trọn đời Mình ta đã hợp duyên rồi
Ra về xin chớ đứng ngồi cùng ai.” [2, tr.164]
(Hát ra về)
Điều làm cho người nghe day dứt nhất cũng chính là những lời hát khi trai gái chia tay nhau. Còn gì buồn hơn khi phải chia tay người mình vừa mới gặp, làm quen, vừa bén duyên nên khi họ quay chân lui bước cũng là lúc những giọt nước mắt luyến tiếc bắt đầu rơi.
Nữ:
“... Ra về dạ những bồi hồi
Mai thời nhớ Trúc, Trúc thời thương Mai Ra về kẻo tối chàng ơi
Dặn chàng từng có đứng ngồi với ai Ra về, em dặn một hai
Dặn chàng đã thắm đừng phai trên đường Ra về chân bước bên đường
Bước đi một bước, nửa thương, nửa sầu Ra về chín khúc ruột đau
Chàng ơi, xin nhớ trước sau một nhời Hai ta phận đẹp duyên hài
Đừng nghe những tiếng vẽ vời dèm pha Hẹn mai mình lại gặp ta
(Hát ra về) Nam :
“Đương vui, nàng vội ra về Làm anh bối hối trăm bề nàng ơi! Tay bưng chén rượu tam khôi Tay gạt nước mắt, nàng ơi, đừng về Đương vui mình trở ra về
Tưởng thành gia thất, ai ngờ dở dương Giầu ngon ai hái nửa sương
Cau ngon nửa chẽ, người thương nửa chừng Yêu nhau quý giá vô cùng
Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay Dao vàng cắt ruột anh nay
Không bằng nàng vội đan tay ra về Nàng về anh chửa cho về
Anh nắm vạt áo, anh đề câu thơ Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba Chữ Hiếu thờ mẹ kính cha
Chữ Trung – làng nước đôi ta chữ Tình.” [2, tr.165 ]
(Hát ra về)
Chúng tôi thống kê có 17 bài hát ra về (trong tổng số 213 bài hát Đúm) được chia làm 8 lượt đối đáp nam nữ . Điệp khúc “ ra về” lặp đi lặp lại tới 93 lần. Có những bài “ ra về” được nhắc tới 11 lần . Đúng là ra về nuối tiếc, ra về nhớ thương. Tiếng gọi chàng ơi, nàng ơi nghe da diết khắc khoải, ra về có lưu luyến dùng dằng “ Bước đi một bước, nửa thương, nửa sầu”, có nỗi đau “Ra về chín khúc ruột đau”, “Dao vàng cắt ruột”, có nước mắt “tay gạt nước mắt”, có tiếng lòng thổn thức “nàng ơi đừng về”.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu cũng như phân tích dưới góc độ văn học, chúng tôi thấy đề tài giao duyên trong hát Đúm Phục Lễ vô cùng phong phú và đa dạng. Nếu coi mỗi một đề tài giao duyên là một khuôn mặt, chúng tôi xin khẳng định hát Đúm giao duyên Phục Lễ có nhiều khuôn mặt. Mỗi một khuôn mặt mang một vẻ đẹp riêng được thể hiện ở nội dung từng đề tài; song điểm sáng hội tụ kết tạo nên giá trị hát Đúm Phục Lễ chính
là nội dung giao duyên với những giai điệu tình yêu rung lên thổn thức, gọi về nỗi niềm riêng của trái tim hòa chung nhịp đập tình yêu đôi lứa.
* Tiểu kết chương 3
Chương viết đi sâu tìm hiểu những giá trị nội dung của chủ đề giao duyên trong hát Đúm Phục Lễ - Thủy Nguyên- Hải Phòng. Giao duyên là một đề tài lớn trong dân ca trữ tình của mọi dân tộc. Đề tài giao duyên trong hát Đúm Phục Lễ khá phong phú, được thể hiện bởi nội dung lời ca đa dạng qua các bước hát. Đó là khát vọng tình yêu trong buổi đầu gặp gỡ giao duyên được thể hiện thông qua sự phản ánh ở các nội dung: Cảm xúc trong buổi đầu gặp gỡ; Lời chào bắt duyên; Lời mời xe kết tình thắm duyên nồng. Đề tài những cung bậc tình cảm trong tình yêu đôi lứa thông qua các chủ đề : Bày tỏ tình cảm trai gái qua hát huê tình; Trai gái thử tài ứng đối qua hát đố, hát họa; Mơ ước một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc qua hát cưới, hát sắm; Bài ca tình yêu in dấu ấn vùng đất, nghề nghiệp, giai đoạn lịch sử. Đề tài trai gái chia tay nhau bịn rịn, quyến luyến.
Hát Đúm bao gồm phần lớn là những câu hát giao duyên được diễn xướng qua sự thể hiện tinh tế, trữ tình của những chàng trai cô gái. Người dân Phục Lễ luôn tự hào cất cao lời ca hát Đúm trong nhiều thế kỉ đã qua, bởi trong mỗi lời ca ấy chứa đựng niềm vui nỗi buồn cùng bao ước vọng về hạnh phúc lứa đôi cũng như bao hoài bão về cuộc sống ấm no của cư dân vùng biển nơi đây.
Qua tìm hiểu nội dung giao duyên của hát Đúm, chúng ta thấy được cái hay, cái đẹp, cái bản sắc của loại hình ca hát này. Từ gặp gỡ giao duyên, thử tài, đến trao duyên trao tình, nguyện ước và đi đến hôn nhân, chính những câu hát của các chàng trai cô gái Phục Lễ đã góp phần tái hiện cuộc sống đời thường của chính họ và giúp cho cuộc sống đó lên hương lên sắc.
Chương 4
NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN ĐỀ TÀI GIAO DUYÊN VÀ BẢN SẮC, GIÁ TRỊ CỦA HÁT ĐÚM PHỤC LỄ