Những tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua kho nhà nước vĩnh tường tỉnh vĩnh phúc (Trang 88 - 92)

Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.4.2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Vĩnh Tường vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:

Thứ nhất, những hạn chế liên quan đến lập, phân bổ dự toán NSNN

Trong việc lập dự toán ngân sách, dự toán lập đôi khi không đầy đủ, sai lệch với các mục chi gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát của KBNN. Dự toán lập không sát với nhu cầu thực tế phát sinh, qua thực tế kiểm soát thì chưa có đơn vị nào sử dụng chi tiêu đúng mục quy định trong dự toán mà đơn vị tìm cách đối phó hoặc xin điều chỉnh dự toán. Việc điều chỉnh các mục chi trong dự toán được duyệt cũng như trong thông báo hạn mức kinh phí của cơ quan Tài chính vẫn còn khá phổ biến, như vậy làm giảm vai trò là căn cứ trong quá trình kiểm soát dự toán, gây không ít khó khăn cho KBNN và các ĐVSDNS trong triển khai nhiệm vụ.

Việc phân bổ và giao dự toán chậm ảnh hưởng đến việc chi tiêu của ĐVSDNS và hoạt động kiểm soát chi của KBNN. Trong những tháng đầu năm các đơn vị dự toán cấp dưới không có dự toán chi tiết gửi KBNN để làm căn cứ kiểm soát, thanh toán các khoản chi, đặc biệt là các khoản thiết yếu như: tiền lương, phụ cấp lương, chi hành chính, chi nghiệp vụ chuyên môn. Do vậy, KBNN vẫn phải thực hiện tạm cấp dự toán đầu năm để các đơn vị có kinh phí phục vụ hoạt động. Hoặc khi đã có quyết định giao dự toán nhưng bên phía cơ quan Tài chính không tiến hành nhập vào hệ thống TABMIS đúng thời gian quy định, có những quyết định giao dự toán của quý trước nhưng sang đến quý sau mới được phê duyệt trên hệ thống dẫn đến tình trạng

chờ dự toán, đối chiếu số liệu giữa KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách gặp rất nhiều khó khăn do không khớp số liệu, mất nhiều thời gian tìm nguyên nhân chênh lệch và giải trình lý do. Hiện nay, cơ quan Tài chính đang thực hiện nhập dự toán theo từng quý, tức là căn cứ quyết định giao dự toán đầu năm, chuyên viên cơ quan Tài chính tiến hành nhập phân chia cho các quý trong năm chứ không nhập một lần cho các quyết định giao dự toán đầu năm. Việc nhập dự toán như vậy khiến cho KBNN rất khó theo dõi dự toán của từng ĐVSDNS, không có căn cứ để đối chiếu dự toán nhập trên hệ thống với quyết định giao dự toán đầu năm.

Thứ hai, tồn tại hạn chế về căn cứ kiểm soát và cơ chế chính sách

Hiện nay, việc kiểm tra, kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Vĩnh Tường chủ yếu là kiểm tra, kiểm soát dựa trên các quy định, thủ tục hồ sơ, quản lý trên giấy tờ của các ĐVSDNS gửi đến KBNN; KBNN xem xét đủ điều kiện thanh toán thì tiến hành cấp phát cho đơn vị, thực tế các khoản chi chưa đầy đủ hồ sơ hoặc chi chưa đúng mục đích theo quy định của mục lục ngân sách thì KBNN yêu cầu ĐVSDNS hoàn thiện lại cho phù hợp, sau khi hoàn thiện thì KBNN tiếp tục chi. Hoặc trong quá trình kiểm tra, kiếm soát KBNN phát hiện những khoản chi không đúng nhưng vẫn không thể từ chối chi do chưa có căn cứ, cơ chế kiểm tra, kiểm soát cho KBNN để kiểm tra thực tế chi của ĐVSDNS. Ví dụ trong nội dung chi cho tổ chức hội nghị quy định chỉ có đại biểu không hưởng lương từ NSNN mới được chi bù tiền ăn, nhưng thực tế các đơn vị kê tăng đối tượng này lên để bù chi cho những đối tượng khác. Qua đây cho thấy chưa có cơ chế đủ mạnh để buộc ĐVSDNS phải chi tiêu một cách minh bạch và KBNN phải kiểm tra, kiểm soát theo sự minh bạch đó.

Đối với một số khoản chi theo quy định KBNN chỉ căn cứ bảng kê chứng từ thanh toán chứ không kiểm soát chứng từ gốc, nên việc KBNN kiểm soát rất khó khăn vì chỉ kiểm soát nội dung trên bảng kê, còn thực tế đơn vị rút tiền về chi như thế nào thì Kho bạc không kiểm soát được.

Bên cạnh đó, văn bản chế độ, mẫu chứng từ thay đổi trong thời gian quá ngắn dẫn đến việc KBNN hướng dẫn các ĐVSDNS gặp rất nhiều khó khăn. Khi các đơn vị chưa kịp nắm bắt văn bản mới thì lại có văn bản mới hơn, việc nhầm lẫn giữa các văn bản chế độ và mẫu xảy ra thường xuyên. KBNN mất rất nhiều thời gian hướng dẫn làm lại các thủ tục, chứng từ trong quá trình kiểm soát.

Hình thức quản lý mẫu dấu chữ ký hiện nay tại KBNN vẫn còn thủ công nên tình trạng giả mạo chữ ký kế toán trưởng, thủ trưởng, lập chứng từ khống nhằm rút tiền NSNN đã xảy ra.

Hình thức thanh toán bằng tiền mặt đã giảm nhưng vẫn phổ biến, nhiều đơn vị, cá nhân chưa mở tài khoản tại Ngân hàng, nên trong công tác kiểm soát chi KBNN phải chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt những khoản chi có giá trị nhỏ cho ĐVSDNS tự thanh toán cho các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ, do vậy không kiểm soát được tình hình chi tiêu của đơn vị thụ hưởng.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện quy trình kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Vĩnh Tường

Hiện nay các khoản chi thường xuyên NSNN đều được thực hiện cùng một quy trình, không phân biệt khoản chi có tính chất như thế nào, mang lại hiệu quả ra sao cho xã hội. Một số khoản chi thiếu quy trình hoặc phải vận dụng quy trình khác để kiểm soát chi. Ví dụ những khoản chi sửa chữa có giá trị lớn thì trong kiểm soát chi thường xuyên không có quy trình nhưng khi kiểm soát lại vận dụng quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư nên gây khó khăn cho cán bộ kiểm soát chi thường xuyên trong khâu kiểm soát và hướng dẫn thủ tục cho ĐVSDNS.

Thứ tư, hạn chế trong việc chấp hành chi và ý thức trách nhiệm của các ĐVSDNS

Đơn vị sử dụng ngân sách lạm dụng hình thức tạm ứng. Trình trạng các đơn vị dự toán tạm ứng tràn lan đem về quỹ đơn vị mà chưa có mục đích

chi cụ thể là hiện tượng xảy ra phổ biến, đồng thời khi đã tạm ứng cho đơn vị, vì rất nhiều lý do, đơn vị thường không quan tâm đến việc thanh toán tạm ứng, để số dư tạm ứng kéo dài gây ra nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát chi NSNN.

Đối với các khoản chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, sửa chữa lớn tài sản phải thực hiện đấu thầu và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu; quy định trước khi mua sắm phải có dự toán chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt…nhưng các đơn vị thường né tránh thực hiện đấu thầu bằng cách chia nhỏ các khoản mua sắm, sửa chữa để có giá trị mỗi lần không quá 100 triệu đồng để được chỉ thầu; hoặc phân biệt ranh giới giữa hai nội dung chi sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản cố định là chưa rõ ràng, nên các đơn vị thường né tránh chi sửa chữa lớn tài sản cố định mà vận dụng chi sửa chữa thường xuyên để “lách luật”.

Thứ năm, về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hệ thống KBNN hiện nay còn chưa bắt kịp với xu thế hiện đại hóa chung của nền kinh tế. Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, tuy nhiên việc đưa ra một bộ hướng dẫn cụ thể các thao tác nghiệp vụ vẫn chưa được thực hiện. Chương trình TABMIS đi vào đồng bộ giữa các bộ, ngành đã lâu mà vẫn thường xuyên xảy ra lỗi, kết quả tìm kiếm chậm, chương trình Thanh toán điện tử song phương cũng mắc phải những lỗi tương tự, việc khắc phục mất rất nhiều thời gian ảnh hưởng đến cả hệ thống dẫn đến việc các thanh toán viên phải làm thêm giờ.

Thứ sáu, về đội ngũ cán bộ kiểm soát chi thường xuyên KBNN Vĩnh Tường

Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát chi NSNN, công tác kế toán mặc dù đã được đào tạo, bồi dưỡng nhưng do xuất phát điểm của một số cán bộ chưa được bảo đảm so với yêu cầu, trình độ nhận thức khác nhau

nên một số cán bộ chưa biết sử dụng thành thạo máy tính vào công tác chuyên môn. Số lượng biên chế ít, tuyển dụng mới không nhiều nên đội ngũ cán bộ nhiều tuổi vẫn chiếm đa số, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc.

Việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và phong cách làm việc cho cán bộ KBNN có nơi, có lúc chưa thường xuyên, trong khi KBNN đang thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác kiểm soát chi NSNN và hướng đến các tiêu chí “ văn minh, văn hóa nghề Kho bạc”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua kho nhà nước vĩnh tường tỉnh vĩnh phúc (Trang 88 - 92)