2. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
1.3.2 Mục tiêu quản lý thu BHXH
1.3.2.1 Phát triển Quỹ BHXH
Theo quy định của Luật BHXH: “Quỹ bảo hiểm xã hội là một quỹ tài chính độc lập, tập trung nằm ngoài ngân sách nhà nước dùng để chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động”.
Có thể nói Quỹ BHXH là bộ phận quan trọng nhất của ngành BHXH, nó gắn liền với sự tồn tại và phát triển của ngành BHXH, ở nước ta hiện nay thì Quỹ BHXH được hình thành từ 3 nguồn chủ yếu:
Đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và phần hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước.
Ngoài sự tham gia đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và Nhà nước. Quỹ BHXH còn được hình thành từ các nguồn khác như tiền xử phạt đối với các đơn vị vi phạm quy định BHXH, các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, các khoản lãi từ hoạt động đầu tư tài chính từ phần quỹ BHXH nhàn rỗi…
Trong cơ cấu chi từ quỹ BHXH thì chi trả cho các chế độ BHXH là rất lớn, chiếm phần lớn nguồn quỹ BHXH vì đây là mục tiêu cơ bản nhất của BHXH nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động, cho các hoạt động của các đơn vị, tổ chức. Trong thực tế việc chi trả cho các chế độ BHXH diễn ra thường xuyên, liên tục với số lượng chi phí lớn trên phạm vi rộng lớn. Một trong những khoản chi thường xuyên hàng tháng đó là chi lương hưu cho những người lao động đã nghỉ công tác và chi trả trợ cấp BHXH hàng tháng cho thân nhân của người lao động, người đang nghỉ hưu khi họ không may qua đời.
Nguồn chi thứ hai trong quỹ BHXH đó là chi phí dự trữ, thực chất đây là quá trình tích lũy lâu dài trong quá trình sử dụng quỹ BHXH. Định kỳ hàng tháng, quý, năm cơ quan BHXH giữ hay trích lại một phần quỹ BHXH của mình để thành lập nên quỹ dự phòng, dự trữ BHXH. Quỹ này chỉ được sử dụng trong những trường hợp khi nhu cầu chi trả quá lớn dẫn đến thâm hụt quỹ BHXH như trong lúc đồng tiền mất giá và do Hội đồng quản lý quyết định.
Do sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của quỹ BHXH, nên mục tiêu đầu tiên của quản lý thu BHXH là phải luôn phát triển quỹ BHXH, đảm bảo quỹ BHXH
luôn dương, đủ điều kiện để duy trì bộ máy ngành BHXH và chi trả các chế độ, trợ cấp BHXH cho người lao động.
1.3.2.2 Chống thất thoát Quỹ BHXH
Bên cạnh mục tiêu phát triển quỹ BHXH thì mục tiêu chống thất thoát Quỹ BHXH cũng là một mục tiêu quan trọng, luôn tồn tại song song trong công tác quản lý thu BHXH. Khi Quỹ BHXH được phát triển một cách ổn định nhưng công tác quản lý thu BHXH không đạt hiệu quả cao, để xảy ra tình trạng thất thoát quỹ BHXH thì hậu quả để lại hết sức nghiêm trọng, dẫn đến âm quỹ BHXH, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống.
Trên thực tế cho thấy, việc buông lỏng quản lý và sử dụng kinh doanh của các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không đăng ký sử dụng lao động. Khi sử dụng lao động không có hợp đồng lao động cụ thể, hoặc kê khai số lao động thấp hơn thực tế, không đảm bảo các điều kiện qui định của Bộ luật lao động nhằm trốn tránh trách nhiệm của mình đối với người lao động. Do đó cơ quan BHXH không có cơ sở xác định hình thức hợp đồng lao động để khai thác đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bên cạnh đó mức tiền lương tiền công để tham gia BHXH cũng chưa đúng với thực tế thu nhập của người lao động; thường thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế họ phải đóng cho người lao động.
Ngoài các hình thức trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động với người lao động thì việc nợ đọng BHXH và nộp chậm BHXH của các chủ sử dụng lao động cũng là vấn đề cần quan tâm, nhất là các chủ sử dụng lao động là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các hộ kinh doanh cá thể.
Hiện nay, tuy đã có chế tài xử phạt vi phạm về BHXH nhưng còn chưa hợp lý. Các qui định về mức nộp phạt cũng quá thấp, nên chưa có tính cưỡng chế và không mang lại hiệu quả cao. Các quy định về xử phạt, truy tố hình sự đối với chủ sử dụng lao động khi phát hiện có hành vi trốn đóng BHXH còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh để răn đe. Vì vậy trong công tác quản lý thu BHXH để đạt hiệu quả cao và chống tình trạng thất thoát quỹ BHXH thì ngành BHXH ngoài các biện pháp nghiệp vụ nhằm tăng cường quản lý đối tượng thì cũng luôn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng như: công an, liên đoàn lao động, ngành lao
động thương binh và xã hội, ngành thuế, ủy ban nhân dân các cấp…. tăng cường giám sát, điều tra nắm bắt tình hình thực tế của các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả .
1.3.2.3 Đảm bảo An sinh – xã hội
Đây là mục tiêu quan trọng nhất của quản lý thu BHXH, vì đảm bảo an sinh xã hội cũng là mục tiêu và nhiệm vụ của toàn ngành BHXH. Ngành BHXH được ra đời và phát triển nhằm thực hiện mục tiêu này. Ta đều biết: đảm bảo an sinh xã hội là tiền đề cơ bản để ổn định chính trị và sự phát triển, tồn tại của mỗi quốc gia vì thế mọi quốc gia phát triển luôn gắn liền với sự phát triển của các chính sách an sinh xã hội.