Kiểm toán viên thường phân tổng thể thành các nhóm trước khi xác định quy mô của mẫu cũng như thực hiện chọn mẫu. Phân nhóm là kỹ thuật phân chia tổng thể thành nhiều nhóm nhỏ hơn (gọi là tổ hoặc tầng) mà các phân tử trong cùng một nhóm có những đặc tính khá tương đồng nhau, thường là theo quy mô lượng tiền. Các tổng thể con sẽ được chọn mẫu độc lập và kết quả của các mẫu được đánh giá một cách độc lập hoặc kết hợp để từ đó suy ra kết quả của toàn tổng thể. Nhiệm vụ của kiểm toán viên là phải phân định nhóm một cách rõ ràng để mỗi đơn vị mẫu chỉ thuộc một nhóm.
Việc phân nhóm sẽ làm giảm sự khác biệt trong cùng một nhóm và giúp kiểm toán viên có thể tập trung vào những bộ phận chứa đựng nhiều khả năng sai phạm. Từ đó sẽ làm tăng hiệu quả chọn mẫu vì có thể giảm được quy mô mẫu chọn. Chẳng hạn kiểm toán viên có thể tập trung vào những khoản mục hoặc đơn vị có tính trọng yếu hay có những đặc tính đặc biệt và bỏ qua những nhóm không quan trọng hoặc không tương thích với mục tiêu kiểm toán. Ví dụ, khi lựa chọn các khoản phải thu để xác nhận, kiểm toán viên có thể phân tầng đối với tổng thể và hướng kiểm tra như sau:
Bảng 2.1: Minh họa về phân nhóm trong chọn mẫu kiểm toán
Tầng Qui mô Cấu tạo của tầng Chọn mẫu
1 22 Các khoản phải thu có giá trị > 500 triệu Kiểm tra 100% 2 121 Các khoản phải thu có giá trị 100 – 500 triệu Chọn theo nhận định
3 85 Các khoản phải thu có giá trị < 100 triệu Chọn theo bảng số ngẫu nhiên 4 14 Các khoản phải thu có số dư có Kiểm tra 100%
(Nguồn: Bảng phân tầng kiểm tra mẫu của công ty TNHH Kiểm Toán Và Thẩm Định
Giá Asia Dragon- lưu hành nội bộ ADAC)