5. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Kinh nghiệm kiểm soát chi đầu tư XDCB qua KBNN tại một số địa
1.2.1.1 Kinh nghiệm kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu
Nhằm thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các khâu nghiệp vụ trong hoạt động quản lý NSNN, nhưng vẫn bảo đảm an toàn và tiết kiệm, Kho bạc Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai quy trình “Kiểm soát chi NSNN theo cơ chế một cửa”. Sau một thời gian thực hiện, quy trình này đã phát huy tác dụng.
Quy trình “giao dịch một cửa” đã được triển khai tại Văn phòng Kho bạc Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ, trình ký và trả kết quả thanh toán chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Khách hàng chỉ giao dịch với một bộ phận nghiệp vụ của Kho bạc lúc nộp hồ sơ đề nghị thanh toán và nhận lại kết quả duyệt chi.
Sau một thời gian thực hiện quy trình giao dịch “một cửa” trong kiểm soát chi, Kho bạc Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho các khách hàng là đơn vị thụ hưởng ngân sách đến giao dịch thanh toán. Tuy nhiên, trong điều kiện biên chế nhân sự không tăng, lại phải bố trí một số cán bộ nghiệp vụ để thực hiện quy trình “một cửa” nên áp lực công việc tăng cao, nhất là tại bộ phận nghiệp vụ trực tiếp giao dịch một cửa với khách hàng.
Do đặc thù khách hàng đến giao dịch với nhiều nội dung chi, nhiều loại hồ sơ chi nên việc tách bạch hồ sơ để giao cho cán bộ kho bạc, đối với khách cũng còn nhiều lúng túng. Khối lượng công việc không đồng đều, cán bộ giao dịch thuộc Phòng Kế toán thì khối lượng hồ sơ giao nhận quá lớn trong khi cán bộ thuộc Phòng Kế hoạch tổng hợp thì khối lượng hồ sơ giao nhận rất ít. Cán bộ giao dịch “một cửa” không phải là người trực tiếp xử lý hồ sơ, chứng từ nên đôi khi có những giải đáp thắc mắc không thoả mãn khách hàng nên một số khách hàng muốn làm việc trực tiếp với cán bộ kiểm soát chi.
Nắm bắt được những khó khăn đó, KBNN Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động rà soát và làm tốt công tác tổ chức cán bộ, trong đó sắp xếp và phân công cán bộ có đủ năng lực, trình độ, biết nhiều việc để tiếp nhận hồ sơ, chứng từ của khách hàng, do đó những vấn đề vướng mắc ban đầu từ phía khách hàng đã được giải quyết ngay, hạn chế tình trạng tranh luận không cần thiết, tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho cả hai bên.
1.2.1.2 Kinh nghiệm kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN huyện Vĩnh Tường
Những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huyện Vĩnh Tường không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả
công tác kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ ngân sách Nhà nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới.
Xác định việc quản lý nguồn vốn chi đầu tư XDCB đóng vai trò quan trọng nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở vật chất và thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, KBNN huyện chủ động bám sát kế hoạch vốn hàng năm của huyện, tập trung giải ngân nguồn vốn cho các dự án nhanh chóng, kịp thời trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ hồ sơ thanh toán, quyết toán theo đúng quy định. Do vậy, mặc dù số lượng các dự án đầu tư XDCB từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện liên tục tăng, nhưng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn luôn đạt từ 85 - 90% kế hoạch vốn hàng năm. Năm 2014, KBNN huyện Vĩnh Tường giải ngân cho 436 dự án đầu tư XDCB với số tiền trên 270 tỷ đồng; năm 2015 KBNN huyện đã giải ngân cho 465 dự án với tổng số tiền trên 335 tỷ đồng. Trong đó, các dự án xây dựng nông thôn mới luôn chiếm tỷ lệ cao, từ năm 2014 đến nay là hơn 500 dự án với tổng số tiền là gần 240 tỷ đồng. Các dự án đều được giải ngân đúng, kịp thời, giảm thất thoát cho ngân sách Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để việc giải ngân nguồn vốn đạt hiệu quả cao, KBNN huyện Vĩnh Tường chủ động cập nhật các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách về công tác quản lý chi đầu tư XDCB để áp dụng vào thực tiễn ở địa phương. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn công tác quản lý đầu tư XDCB do KBNN tỉnh tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc, phong cách ứng xử chuyên nghiệp. Tăng cường đầu tư trang bị hệ thống máy móc, công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hiện đại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi nhất cho khách hàng. Hàng năm, KBNN huyện chỉ đạo các phòng, ban rà soát, tổng hợp hồ sơ các dự án, thường xuyên theo dõi tiến độ quyết toán các dự án đã hoàn thành để kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng có hướng xử lý với các dự án chậm quyết toán. Phối hợp với Phòng Kiểm soát chi, KBNN
tỉnh tổ chức các hội nghị gặp gỡ chủ đầu tư để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư, đặc biệt với việc đền bù giải phóng mặt bằng ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, hạn chế tới mức thấp nhất việc dồn thanh quyết toán cuối năm dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn chậm. Chủ động hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư các dự án hoàn thiện thủ tục hồ sơ và tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về quản lý đầu tư.
KBNN huyện luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tạm ứng vốn, quy định về thời gian, trách nhiệm tạm ứng và hoàn ứng vốn; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi tạm ứng vốn như: Đăng ký các chỉ tiêu phấn đấu giảm số dư tạm ứng vốn với KBNN tỉnh, UBND huyện; tăng cường công tác kiểm tra, chủ động phối hợp với chủ đầu tư thường xuyên theo dõi số dư tạm ứng để có các biện pháp thu hồi đúng hạn. 6 tháng đầu năm 2015, KBNN huyện Vĩnh Tường đã thu hồi trên 7 tỷ đồng vốn tạm ứng, giảm số dư tạm ứng hiện tại còn hơn 5 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả chi ngân sách đầu tư XDCB trên địa bàn.
KBNN huyện Vĩnh Tường đã tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi đầu tư XDCB theo hướng giảm tối đa các thủ tục hành chính; áp dụng hiệu quả phần mềm quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) trong kiểm soát chi, thanh toán và phân loại các khoản chi... Đồng thời, tập trung giải ngân nguồn vốn tạm ứng cho các dự án tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới đúng, đủ, kịp thời, phấn đấu cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng huyện Vĩnh Tường sớm trở thành huyện nông thôn mới.
1.2.1.3. Kinh nghiệm kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN của KBNN Hà Tĩnh
Mặc dù có nhiều sự thay đổi trong cơ chế, chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng như nhiều luật mới được ban hành tác động không nhỏ đến công tác kiểm soát chi như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... nhưng với sự chủ động của KBNN
Hà Tĩnh, công tác kiểm soát chi ngân sách trên địa bàn thời gian qua đã gặt hái được rất nhiều thành công cụ thể:
- Sau khi các luật mới được ban hành và có hiệu lực, KBNN tỉnh đã chủ động đánh giá các tác động của nó đến hồ sơ, thủ tục, quy trình nghiệp vụ để xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016 đã được đơn vị cụ thể hóa ngay từ đầu năm bằng Quyết định 01/KH-KBHT. Đây được xem là “kim chỉ nam” để hướng dẫn, định hướng các hoạt động của đơn vị đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Phát huy những cách làm hiệu quả đã được khẳng định từ năm 2015 với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đứng top đầu toàn quốc, năm 2016, KBNN tỉnh đã có những giải pháp cụ thể cho từng vấn đề để kiểm soát chi đầu tư thể hiện được vai trò trong việc phát triển KT-XH địa phương. Năm 2016 là năm đánh dấu bước chuyển khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh nên việc triển khai phân bổ vốn đầu tư còn chậm, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của cơ quan quản lý cũng như chủ đầu tư nên để đảm bảo các hoạt động kiểm soát chi được diễn ra trôi chảy, tránh bị động, đơn vị đã kịp thời giao nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn cho KBNN các huyện ngay khi có kế hoạch vốn đầu năm; gửi công văn đến các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đôn đốc đăng ký nhu cầu vốn giải ngân và hướng dẫn thực hiện công tác giải ngân theo kế hoạch; trong quá trình thanh toán, thường xuyên phối hợp và đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phối hợp với các ngành liên quan kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình kiểm soát thanh toán…
- Nâng cao chất lượng kiểm soát chi
+ Công tác chi ngân sách trên địa bàn đã kịp thời đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách phục vụ sự nghiệp phát triển KT- XH địa phương.
+ KBNN Hà Tĩnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức quản lý quỹ NSNN chặt chẽ, an toàn, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng.
+ KBNN Hà Tĩnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, các ngành và UBND tỉnh trong công tác quản lý điều hành ngân sách, quản lý đầu tư công, kiểm soát chi theo quy định của Luật NSNN. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, giảm tỷ lệ tạm ứng trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản... Theo dõi chặt chẽ diễn biến thu - chi NSNN để tổng hợp báo cáo kịp thời, chính xác phục vụ quản lý, điều hành quỹ NSNN các cấp; điều hòa ngân quỹ KBNN chặt chẽ, sát sao, đảm bảo khả năng thanh toán của NSNN tại các KBNN…
1.2.1.4. Kinh nghiệm của KBNN huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
KBNN huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh cũng như các KBNN khác trong toàn hệ thống KBNN hoạt động theo Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, với ưu thế là Kho bạc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị của huyện kiểm soát nguồn thu, nhiệm vụ chi lớn cùng với các đối tượng phục vụ của Kho bạc rất đa dạng và phong phú nên KBNN Thuận Thành có nhiều kinh nghiệm hoạt động đáng được các KBNN khác học tập.
Để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi đầu tư XDCB, KBNN Thuận Thành có phòng kiểm soát chi NSNN địa phương. Tại các KBNN trực thuộc huyện công tác kiểm soát chi được thực hiện tại tổ.
Số cán bộ trực tiếp đảm nhận kiểm soát chi đầu tư XDCB của KBNN thị huyện Thuận Thành, đến hết năm 2015, là 16 cán bộ (100% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học).
* Về kiểm soát chi đầu tư XDCB
Việc kiểm soát chi đầu tư XDCB ở KBNN huyện Thuận Thành trong những năm gần đây tăng nhanh qua các năm (năm 2012: 1.686.922 triệu đồng; năm 2013: 2.447.520 triệu đồng; năm 2014: 2.902.881 triệu đồng; năm 2015: 3.657.296 triệu đồng), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm sau cao hơn năm trước. Qua kiểm soát thanh toán hàng ngàn hồ sơ, KBNN Thuận Thành đã tiết kiệm chi cho NSNN hàng tỷ đồng (năm 2012: 1.105 triệu đồng; năm 2013: 576 triệu đồng; năm 2014: 930 triệu đồng; năm 2015: 725 triệu đồng).
Có được những thành tích đó là do KBNN Thuận Thành đã rất chú trọng đào tạo cán bộ làm nhiệm vụ kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN, coi đây là khâu trọng tâm trong đảm bảo chất lượng kiểm soát. Ngoài ra, KBNN huyện cũng chú trọng bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn tốt đảm nhiệm công việc kiểm soát. Bộ phận kiểm soát luôn được coi trọng trong cơ cấu tổ chức của KBNN huyện Thuận Thành.
* Về áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi đầu tư XDCB
KBNN huyện Thuận Thành là một trong số ít Kho bạc trong cả nước áp dụng chương trình quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư trên mạng diện rộng từ năm 2009. Chương trình này cho phép theo dõi chi tiết từng dự án đầu tư về tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, từng lần tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư của dự án. Đặc biệt, năm 2015 KBNN huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động chương trình quản lý vốn đầu tư XDCB liên ngành Kế hoạch và đầu tư - Tài chính - KBNN. Chương trình này cho phép theo dõi chi tiết kế hoạch, tình hình thực hiện và thanh toán đến từng dự án, từng hợp đồng, đồng thời thực hiện kết nối thông tin và truyền dữ liệu về tình hình triển khai các dự án đầu tư XDCB từ ngân sách huyện giữa các cơ quan, đáp ứng yêu cầu cung cấp số liệu kịp thời, đầy đủ, thống nhất giữa các cơ quan tham mưu, phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB hàng năm của huyện Thuận Thành đạt kết quả cao.