1.1 .Giới thuyết khái niệm
3.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện
3.1.2. Tạo dựng tình huống truyện
Khi cốt truyện bị làm mờ, đẩy xuống hàng thứ yếu thì tình huống trở thành yếu tố có vai trò quan trọng giúp truyện ngắn đứng được. Tình huống không nhằm thúc đẩy phát triển hành động của nhân vật mà thường đóng vai trò khơi nguồn, châm ngòi cũng như lý giải nguyên cớ, nguồn cơn của những tâm trạng, những biến thái của tinh thần nhân vật. Nhà văn đặt nhân vật vào những tình huống dưới dạng điều kiện xúc tác để mô tả chiều sâu của đời sống tâm hồn, chớp lấy những khoảnh khắc lóe sáng để gợi lên những cảm nhận mơ hồ nhưng đầy ám ảnh về con người, về cuộc đời.
Nói đến truyện ngắn là nói đến nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện. Ở truyện ngắn mang đậm chất trữ tình của Lưu Quang Vũ, tình huống không nhằm thúc đẩy hành động của nhân vật mà thường có vai trò khơi nguồn, chớp lấy những khoảnh khắc bất ngờ để tìm hiểu và lý giải những xung động của tâm trạng và biến thái của tinh thần nhân vật. Tình huống tâm trạng hay tình huống khơi mở tâm lý là tình huống đặc trưng nhất trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ. Nhân vật tôi trong Hoa xuyến chi luôn ám ảnh về những bông cúc dại mà Lán, người con gái đầu đời của anh gọi là hoa xuyến chi. Từ ngày đầu gặp Lán cho đến sau này, trong tâm trí nhân vật luôn hiện ra một hình ảnh kép: Lán và hoa xuyến chi. Gia đình của nhân vật tôi và Lán vẫn thầm mong cho anh và Lán nên duyên phận. Vậy mà có những sự tình cờ làm thay đổi cả đời sống của con người. Nhân vật “tôi” về Hà Nội làm ở một tờ báo ngành quen với Kim Yến - một cô gái có vẻ đẹp thị thành quyến rũ. Vẻ đẹp của Kim Yến đã hút hồn anh và hai người nhanh chóng làm lễ cưới rồi nhanh chóng chia tay. Sau một thời gian ngắn sống với Kim Yến, nhân vật “tôi” mới nhận ra Lán với vẻ đẹp của loài hoa đồng nội mới chính là tình yêu đích thực của mình. Nhân vật “tôi” dù đã biết sống mạnh mẽ và vững chãi hơn cũng “không
thể lấy lại được, - dù chỉ là một khoảnh khắc - quãng thời gian đã mất đi; tôi đã không tìm lại được Lán...”
Qua lời kể của nhân vật tôi trong truyện Anh Thình, nếu không có tình huống anh Thình xin đi dân công, tạm xa cái xóm nhỏ ở thượng nguồn con sông Thao, dân cư thưa thớt, còn xa lạ với ánh sáng văn minh thì nhân vật tôi và bà con xóm Vực sẽ không hình dung được thế nào là “chiếu bóng” mà anh Thình đã được chứng kiến từ những ngày ấy. Với những hiểu biết ban đầu về chiếu bóng cộng với tâm huyết và sự “sáng tạo” của mình, anh Thình đã “tổ chức” một buổi chiếu bóng làm bà con trong xóm xôn xao, cái xóm Vực “dễ chưa bao giờ có một đêm náo nhiệt đến thế”. Cái ấn tượng đầu tiên được xem chiếu bóng, được làm quen với nghệ thuật điện ảnh “trò múa hát sau tấm vải nhựa mà anh Thình cho chúng tôi xem” đã khiến nhân vật tôi đến với điện ảnh, trở thành một đạo diễn sau này. Còn anh Thình, với lòng say mê nghệ thuật năm nào đã mơ ước được ra Hà Nội, vào làm ở một đoàn văn công. Tuy đã không thực hiện được ước mơ của mình vì hoàn cảnh và sức lực nhưng “ngọn lửa thầm lặng từng được nhen lên và tắt đi trong lòng họ” thật đáng được quý trọng và ghi nhớ. Ở đây Lưu Quang Vũ đã xây dựng được một nhân vật chứa nhiều số phận, nó sinh ra không để phản ánh mà “vĩnh cửu hoá” những gì nó gặp trên đường đi từ tác phẩm đến bạn đọc.
Trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ, người đọc bắt gặp nhiều dạng thái của tình huống. Có tình huống bất ngờ tạo nên bi kịch (Người kép đóng hổ), tình huống nhân vật tự nhìn lại mình trong truyện Con anh Mậu. Anh Mậu là một người bố luôn tự hào biết dạy con theo phương pháp mà anh dày công tham khảo khi đón đứa con trai 9 tuổi từ quê lên sống với bố ở Hà Nội. Đứa bé rất ngoan, lễ phép, chiều nào cũng xin phép bố đi học nhóm. Nhưng thực ra, sau khi tan học buổi sáng trên lớp, chiều nào thằng bé cũng đến Hợp tác xã sản xuất tăm làm việc để gửi tiền về cho mẹ và các chị ở quê đỡ vất vả. Khi
biết kết quả học càng ngày càng sút kém của con nhưng lại là người vót tăm đạt năng suất cao, anh Mậu mới tự nhìn lại cách dạy dỗ con của mình. Một nhà nghiên cứu xã hội học như anh thường quả quyết tự tin, cho mình là giàu có về kiến thức, hiểu biết về mọi thứ trên đời lại “mù tịt, không hiểu tí gì về
đứa con lên 9 tuổi sống liền bên cạnh anh ?”. Cũng trên ý nghĩa này, tình
huống nhận thức lại chính mình và người khác, lật tẩy thói xấu tiềm ẩn trong con người được đội lốt là những con người tốt được thể hiện rõ trong một loạt truyện: Anh Y, Người nhũn nhặn, Chuyện về anh. Đó là nhân vật sống theo kiểu trung tính, nhạt nhẽo, thiếu thành thật với lương tâm và với mọi người, đứng tên công trình của người khác lâu dần tưởng là công trình của mình, đó chính là thời khắc để cả người vợ cũng phải quay lưng lại với anh (Con người
nhũn nhặn). Còn nhân vật Y sống giả dối, khôn khéo mà vẫn giữ được sự yên
ổn, tránh mọi rắc rối mà vẫn được tiếng là người khí khái, trong sạch khiến chung quanh ai cũng phải nể phục. Nhưng thực chất đó là người ngại va chạm, chỉ biết sống vụ lợi ích kỷ, khi bị người khác nắm được điểm yếu của mình thì lại chuyển đến nơi công tác mới để che đi con người thật của mình
(Anh Y).
Chuyện về anh dựng nên một kiểu người có thói quen nói xấu người
khác, luôn làm người khác thất vọng. Tâm lý con người ta khi chê người khác, thấy mình giỏi hơn, cao hơn họ. Nhân vật người kể chuyện xưng tôi cũng đã ám nhiễm thói tật của nhân vật, thậm chí còn phụ hoạ với những lời chê bai của anh: “Phủ nhận thành quả của người khác, dè bỉu, cười giễu những thất bại của họ, dường như cái thân phận mờ nhạt của mình được an
ủi rất nhiều”[18, tr.186]. Nhưng trớ trêu ở chỗ, khi nhân vật quen nói xấu,
chê bai bị bệnh nặng phải vào bệnh viện, ở tình thế này lẽ ra nhân vật tôi phải động viên bệnh nhân tin ở các bác sĩ. Đằng này, khi vào thăm anh, nhân vật tôi lại nói một hơi về những tiêu cực của ngành y và thầy thuốc một cách hể
hả như hai người đã thường nói với nhau. Và đây là lần đầu tiên, người bệnh, bạn vong niên của nhân vật “tôi” phản ứng với những lời chê bai, vì tính mạng anh đang nằm trong tay các thầy thuốc. Hoá ra anh cũng cần đến sự giỏi giang và thành công của người khác: “Sự thành công ấy giờ liên quan đến chính mạng sống quý báu của anh. Anh như người ngã xuống sông đang tha thiết bấu víu lấy cái phao người ta ném xuống cứu mình, vậy mà tôi định giằng lấy của
anh, anh không tức giận sao được?”[18,tr.191]. Có thể nói các nhân vật sống
theo kiểu “nhũn nhặn” kể trên vẫn đang hiện diện trong cuộc sống hôm nay, điều ấy cho thấy ý nghĩa thời sự của truyện ngắn Lưu Quang Vũ. Và có thể phải nói đến tính dự báo của truyện ngắn Lưu Quang Vũ trong Mùa hè đang đến. Một chàng kiến trúc sư sống theo kiểu “nghệ sĩ”, không nghĩ đến hiện tại, chăm lo cho hiện tại mà chỉ hướng về tương lai một cách viển vông, phi thực tế. Với hơi hướng luận đề, Lưu Quang Vũ đã nhấn mạnh ý nghĩa: “Một người chẳng làm được điều gì hữu ích cho chính những người thân ở cạnh mình, cụ thể là vợ mình, thì cũng chẳng mong gì anh ta làm được điều hữu ích cho những người khác”...“Nếu chẳng có ích cho bây giờ cũng chẳng có ích cho mai sau, chẳng có ích cho bao giờ hết”[18; tr.269].
Những đoạn kết trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ là những kết thúc mở, thường có dấu ba chấm thể hiện một sự tiếp diễn, chưa hoàn kết, còn nói được rất nhiều điều, mở ra cho người đọc cơ hội liên tưởng và đồng sáng tạo. Và đây là một kiểu kết thúc đầy gợi thức và đa nghĩa: “Những cơn mưa giông đầu tiên đã ì ầm tiếng sấm ở phía xa. Tiếng sấm còn như ngập ngừng, rụt rè nhưng đã đủ báo cho người ta biết mùa hạ đang tới, mùa hạ nồng nhiệt, mạnh mẽ, nghiêm khắc và không nhân nhượng...”. [18,tr.275]