1.4.1. Vị trí của Ủy ban nhân dân phường
Theo Điều 118 của Hiến pháp Việt Nam hiện hành, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính do luật định [24 ].
Như vậy, cơ cấu tổ chức hệ thống hành chính nhà nước địa phương bao gồm 3 cấp: Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; Huyện, Quận, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh và Xã, Phường, Thị trấn.
Chính quyền địa phương cơ sở là chính quyền được tổ chức ra nhằm bảo đảm, bảo vệ và phục vụ quyền, lợi ích của nhân dân, nhân dân là đối tượng cơ bản để chính quyền phục vụ. Dưới góc độ vai trò của nhà nước; nhân dân chính là chủ thể của quyền lực nhà nước. Theo đó, chính quyền địa phương cơ sở phải là chính quyền do nhân dân tổ chức ra, của nhân dân và hoạt động vì nhân dân. Các bản Hiến pháp của Việt Nam, từ 1946, 1959, 1980 đến 1992 đều khẳng định Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều 2, Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân... Những biểu hiện căn bản của chính quyền địa phương cơ sở là: về tổ chức do nhân dân tổ chức ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân; về hoạt động do cán bộ, công chức tiến hành phải xuất phát trên nền tảng lợi ích của nhân dân và vì nhân dân để phục vụ.
Chính quyền cấp xã là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện các quy định, quyết định của Nhà nước, giải quyết những yêu cầu, thắc mắc, bức xúc của
dân. Đồng thời cũng là những người trực tiếp thu nhận, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, những đề xuất, kiến nghị của nhân dân. Do vậy, họ cũng là cấp phải phản ánh một cách trung thực những nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu của người dân lên các cơ quan cấp trên và đề xuất những giải pháp trong việc giải quyết những vướng mắc, thỏa mãn những nhu cầu, mong muốn của nhân dân nói chung và của mỗi người dân nói riêng.
Đối với UBND phường, mặc dù cũng là một bộ phận của chính quyền địa phương, nhưng hoạt động của UBND phường có một số nét khác biệt với UBND xã nói chung ở tính chất là đô thị khác với tính chất nông thôn của xã. UBND phường là cơ quan hành chính cấp cơ sở ở đô thi. Hoạt động của UBND phường phụ thuộc nhiều vào đời sống đô thị, vốn có những đặc điểm như:
- Về không gian, lãnh thổ đô thị là một thể thống nhất, liên hoàn, không thể chia cắt thành các bộ phận riêng lẻ. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là một chỉnh thể liên quan, gắn bó trực tiếp với nhau trên phạm vi toàn đô thị, không thể chia cắt theo từng địa bàn. Các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội chỉ có thể được xây dựng theo quy hoạch chung của cả đô thị và nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống của dân cư toàn đô thị.
- Về dân cư: Dân cư đô thị là tập trung từ nhiều vùng, miền khác nhau, có cuộc sống khá độc lập với nhau, với lối sống hợp cư, luôn biến động, hầu như không có sự liên kết về huyết thống, tập quán, truyền thống chặt chẽ theo dòng tộc, cộng đồng tự quản như ở nông thôn. Đồng thời, dân cư đô thị có trình độ dân trí cao hơn ở nông thôn, tôn trọng những chuẩn mực có tính pháp lý hơn là những quy tắc có tính cộng đồng.
- Về công tác quản lý: địa bàn đô thị là nơi tập trung đông dân cư, mật độ dân số cao, nặng tính hợp cư hơn là quần cư như các vùng khác, đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực lao động sống tại chỗ cho sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, do mật độ dân số cao gây nên rất nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý của chính quyền phường trong việc bảo vệ an ninh trật tự xã hội, và các vấn đề đời sống khác của nhân dân, trong bảo vệ cảnh quan, môi trường
đô thị, giải quyết vấn đề giao thông, văn hóa xã hội…. Cộng đồng đô thị gắn bó chặt chẽ với nhau về nhu cầu và lợi ích (vật chất, văn hóa, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội…) các yếu tố này thống nhất trong quy mô cả một đô thị mà không phải theo ranh giới hành chính, khác hẳn với vùng nông thôn nơi mà cộng đồng dân cư gắn kết với nhau theo đơn vị làng xã là chủ yếu.
- Về tổ chức bộ máy của UBND phường cũng có sự khác biệt với UBND xã. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách các lĩnh vực công việc khác với xã là quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học - công nghệ. Các chức danh công chức chuyên môn của UBND phường cũng thực hiện các nhiệm vụ khác với xã là địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (ở xã là địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường).
- Về trình độ dân trí: Trình độ dân trí ở các đô thị cao hơn ở vùng nông thôn. Đây cũng xuất phát từ những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cao hơn các vùng nông thôn. Từ nhận thức về các mặt xã hội, người dân ý thức được quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân nhưng đồng thời cũng đòi hỏi về dịch vụ đáp ứng yêu cầu của người dân cũng cao hơn.