Phần 3 Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
3.5. Phương pháp nghiên cứu
3.5.2. Kiểm tra tính an toàn của vacxin
An toàn là một chỉ tiêu quan trọng của một vacxin. Kyoto Biken Porcine
Parvovirus là vacxin vô hoạt, độ an toàn được đánh giá qua thử nghiệm sử dụng
quá liều gấp 2 lần so với chỉ định.
Quy trình kiểm tra được áp dụng theo phương pháp được quy định trong 31VR- 10/KN1 tại trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y TW1.
3.5.2.1. Bố trí thí nghiệm
Sử dụng 6 lợn cái là con lai giữa lợn đực Duroc với nái F1 (Landrace x Yorkshire) ở độ tuổi 150 ngày, khỏe mạnh.
Thí nghiệm được bố trí như sau:
- Lô đối chứng (03 con): không tiêm vacxin;
- Lô thí nghiệm (03 con): mỗi lợn được tiêm dưới da với 02 liều vacxin ghi trên nhãn.
STT Lô Số con Liều và đường đưa vacxin Phương pháp đánh giá
1 Đối chứng 03 Không dùng vacxin - Theo dõi triệu chứng lâm sàng
2 Thí nghiệm 03 Tiêm 4ml/con, tiêm dưới da - Theo dõi triệu chứng lâm sàng
- Lợn được theo dõi các triệu chứng lâm sàng toàn thân và các phản ứng cục bộ tại vị trí tiêm trong vòng 21 ngày sau khi tiêm vacxin.
Phản ứng toàn thân bao gồm: Sốc phản vệ, sốt, kém ăn, bỏ ăn, thở khó bất thường, chảy nước bọt, …
Phản ứng cục bộ tại vị trí tiêm: Sưng, áp xe, viêm.
Nếu có lợn chết sẽ tiến hành mổ khám và kiểm tra bệnh tích.
Ghi chép chi tiết số lợn ốm, chết. Mô tả chi tiết triệu chứng lâm sàng và bệnh tích nếu động vật chết.
- Thể trọng: Thể trọng của từng lợn trong thí nghiệm được cân ngay trước khi tiêm vacxin và ngay sau khi quá trình thí nghiệm kết thúc.
3.5.2.2. Đánh giá
- Sau khi tiêm vacxin, nếu lợn sống khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển bình thường, không có các phản ứng bất thường trong thời gian 21 ngày sau khi tiêm vacxin thì vacxin đảm bảo tính an toàn.
- Nếu lợn xuất hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến vacxin thì vacxin không đảm bảo tính an toàn.