Kinh nghiệm quản lý KCN của BQL khu công nghiệp ở một số địa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý của ban quản lý đối với khu công nghiệp quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 34)

PHẦN 1 MỞ ĐẦU

2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN

2.2.1. Kinh nghiệm quản lý KCN của BQL khu công nghiệp ở một số địa

phương

2.2.1.1. Kinh nghiệm quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được biết đến qua một số kinh nghiệm sau:

- Về xây dựng hạ tầng các KCN

Từ khi KCN Phố Nối A với quy mô 390 ha và KCN Dệt may - Phố Nối B với quy mô 95ha được thành lập năm 2003 đến nay tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển 13 KCN với tổng diện tích 3.685 ha, trong đó có 03 KCN với tổng diện tích quy hoạch 1.060 ha (KCN Phố Nối A, KCN Dệt may - Phố Nối B và KCN Thăng Long II) đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo các điều kiện hạ tầng và đáp ứng nhu cầu các dự án đầu tư vào trong các KCN. KCN Thăng Long II là một trong các KCN được đầu tư

xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, là điểm đến hấp dẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.

- Về vận động, thu hút các dự án đầu tư vào KCN

BQL các KCN Hưng Yên đã tập trung ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn, hiệu quả vào KCN bằng các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại,…với việc vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp vận động xúc tiến đầu tư vào KCN. Tính đến tháng 7/2016, các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 203 dự án đầu tư (110 dự án đầu tư nước ngoài và 93 dự án có vốn đầu tư trong nước) với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 1,7 tỷ USD và trên 8.500 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN chiếm 75% về vốn đầu tư đăng ký toàn tỉnh.

- Về tổ chức bộ máy của BQL các KCN Hưng Yên

Việc phân cấp và ủy quyền cho BQL các KCN tỉnh làm đầu mối đã tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường được chú trọng, đáp ứng yêu cầu PTBV. Tình hình an ninh - trật tự, thực hiện chính sách đối với người lao động trong các KCN được bảo đảm.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, việc phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như việc giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng của các KCN còn chậm, nhiều vướng mắc; việc thu hút, tiếp nhận các dự án chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; chất lượng nguồn nhân lực đã được nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; vấn đề nhà ở, hạ tầng xã hội cho người lao động tại các KCN chưa đáp ứng kịp và người lao động rất khó khăn về nhà ở, quản lý môi trường đối với KCN còn nhiều bất cập và nhiều DN KCN chưa đầu tư xong công trình bảo vệ môi trường, chất lượng công tác quy hoạch KCN còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; cơ chế, chính sách về KCN vẫn còn chưa hợp lý; hàm lượng công nghệ trong cơ cấu đầu tư chưa cao; công tác bảo vệ môi trường KCN còn bất cập (Ủy ban nhân dân tı̉nh Hưng Yên, 2017).

2.2.1.2. Kinh nghiệm quản lý các Khu công nghiệp thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc thành lập các KCN, Khu chế xuất. Quá trình phát triển các KCN của Hải Phòng được biết đến những nội dung cơ bản sau

- Về quan điểm phát triển các KCN

Từ khi Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xây dựng và phát triển KCN, Hải Phòng đã nhanh chóng nắm bắt, quán triệt và triển khai. Thành phố Hải Phòng đã xác định lợi thế so sánh, xu hướng phát triển của hội nhập và mở cửa, khẳng định thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KCN là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tập trung chỉ đạo quy hoạch xây dựng KCN nhằm hình thành nhiều mặt bằng sạch với những điều kiện và môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo đột phá về thu hút đầu tư.

- Về kinh nghiệm xây dựng khu công nghiệp và thu hút đầu tư

Trong 4 năm 2012-2016, có 7 Công ty xây dựng cơ sở hạ tầng KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (gấp hơn 2 lần của 13 năm trước đó), nâng tổng số các KCN được thành lập và đi vào hoạt động là 10 khu với tổng diện tích gần 4.000 ha, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng quy đổi 1,26 tỷ USD. Các loại hình công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN đã đa dạng hơn (có 4 công ty liên doanh với nước ngoài, 1 công ty 100% vốn nước ngoài, 5 công ty 100% vốn trong nước). Trong số này có 2 KCN đã lấp đầy diện tích giai đoạn I và đang triển khai giai đoạn II (Nomura - Hải Phòng, Đình Vũ). Trong quá trình thi công xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thi công xây dựng các dự án đầu tư Thành phố đã chú trọng quản lý chặt chẽ, đảm bảo thực hiện đúng các nội dung quy hoạch, thiết kế công trình đã được phê duyệt. Nhờ các nỗ lực trên, các KCN Hải Phòng đã góp phần tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật mới, huy động được nguồn lực đáng kể của các thành phần kinh tế để mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đa dạng hoá ngành nghề, nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường xuất khẩu, mở rộng hợp tác quốc tế, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, thực hiện chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo đầu tư bền vững, đóng góp cho ngân sách địa phương ngày một gia tăng.

- Về bảo vệ môi trường các KCN

Trong thời gian qua, BQL Hải Phòng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về bảo vệ môi trường cho các DN, ban hành các văn bản hướng dẫn về thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về việc thu

gom, tái chế, xử lý phế liệu, chất thải nguy hại, hướng dẫn trồng cây xanh tại các KCN phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vị trí địa lý của từng khu để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường sinh thái tại các KCN.

- Về hoạch định, quy hoạch các KCN.

Quy hoạch KCN đổi mới và thay đổi lớn: Đề án điều chỉnh, xây dựng mới các KCN của thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại văn bản 180/TTg-CN ngày 01/2/2008), theo đó điều chỉnh mở rộng 2 KCN, bổ sung 11 KCN mới, tổng diện tích đất 8.157 ha. Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung KCN Cầu Cựu của thành phố Hải Phòng, diện tích 106 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Như vậy, đến nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 17 KCN được quy hoạch với tổng diện tích đất khoảng 10.000 ha. Ngày 10/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/2008/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với quy mô 21.640 ha (nay được điều chỉnh bổ sung thành 22.140 ha). Đây là Khu kinh tế có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng một Khu kinh tế tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng biệt; là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: kinh tế hàng hải (trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng, phát huy lợi thế thương hiệu cảng Hải Phòng có lịch sử hơn 100 năm, kết hợp với cảng quốc tế Lạch Huyện sắp tới), trung tâm công nghiệp, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại; là “cửa sổ hướng ngoại và hội nhập”, là hạt nhân, động lực phát triển kinh tế của Hải Phòng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Tập trung tăng cường quan hệ phối hợp công tác hài hoà, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý của thành phố, chính quyền, quận, huyện với Ban Quản lý các KCN Hải Phòng (nay là Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng), cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến KCN như giải phóng mặt bằng, giao đất cho các chủ đầu tư triển khai dự án, kết nối cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp, chăm sóc, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định, thuận lợi... Bằng các hoạt động tích cực đó, trong vòng gần 5 năm (từ năm 2011 đến 2015), KCN của Hải Phòng đã khởi sắc với những kết quả rõ nét ở nhiều mặt lĩnh vực (Ủy ban nhân dân tı̉nh Hải Phòng, 2017).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý của ban quản lý đối với khu công nghiệp quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 34)