Tình hình di cư mùa vụ của lao động nông thôn huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu lao động di cư theo mùa vụ trên địa bàn huyện vị xuyên, tỉnh hà giang (Trang 59 - 60)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Khái quát tình hình chung về di cư lao động theo mùa vụ trên địa bàn

4.1.1. Tình hình di cư mùa vụ của lao động nông thôn huyện

Kể từ khi nước ta bước vào thời kỳ “Đổi Mới”, di cư trong nước và quốc tế đã tác động mạnh mẽ tới quá trình đô thị hóa, trở thành một bộ phận quan trọng của quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam, và trở thành một thành tố không thể thiếu được trong đời sống nông thôn Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, loại hình di dân mùa vụ gia tăng do yêu cầu phát triển và đất đai canh tác ở khu vực nông thôn bị thu hẹp. Thêm vào đó, tình trạng chênh lệch về thu nhập và tiền công lao động giữa đô thị và nông thôn, giữa lao động trong nước và lao động ngoài nước khá lớn kéo theo lực lượng lao động mùa vụ gia tăng theo.

Vị Xuyên là một huyện miền núi và có diện tích đất đồi núi khá lớn, diện tích đất canh tác bình quân trên đầu người thấp và không tập trung, mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, ít được tái tạo, bổ sung dinh dưỡng nên ngày càng bạc màu. Sản xuất nông nghiệp là chính kết hợp với ngành chăn nuôi nhưng quy mô nhỏ. Trong khi đó dân số của huyện ngày một gia tăng dẫn đến nguồn lao động nông nghiệp khá dồi dào, chiếm khoảng 70% trong tổng số lao động. Sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, nên làm cho lao động thì dư thừa, thời gian nhàn rỗi trong năm lớn, tình trạng thiếu việc làm đang diễn ra và trở thành nỗi lo cho mỗi gia đình, khi thu nhập không tăng mà chi tiêu lại rất lớn. Cuộc sống của người dân trong huyện ngày càng khó khăn hơn họ tìm đủ mọi cách để tận dụng thời gian nông nhàn tạo thêm thu nhập cho gia đình và giải quyết công ăn việc làm cho chính họ.

Với trình độ học vấn, tay nghề thấp, tuổi tác lại bị hạn chế nên người lao động khó có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Vì vậy những người lao động di cư trong huyện họ chấp nhận làm những công việc nặng nhọc mà người dân thành phố, người dân nước ngoài không muốn làm, để kiếm thêm thu nhập và giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn. Sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp (SXNN) và thời gian nông nhàn đã tạo nên một luồng di cư không chỉ từ nông thôn ra thành thị, trong nước ra nước ngoài, mà đây còn là luồng di cư tự phát theo mùa vụ. Luồng di cư này diễn ra thường xuyên và quay vòng trong năm.

Hiện tượng lao động di cư sang Trung Quốc đã xuất hiện trong một thời gian dài, kinh tế gia đình là lý do chính khiến người dân trong huyện di cư sang trung quốc. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nó có tác động tích cực và tiêu cực tới người lao động, gia đình có người di cư, cộng đồng nơi xuất cư và nơi đến. Theo xu hướng đó, có thể nói tình hình di cư lao động của cả nước nói chung và huyện vị xuyên nói riêng đã phản ánh xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội ngày nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu lao động di cư theo mùa vụ trên địa bàn huyện vị xuyên, tỉnh hà giang (Trang 59 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)