Giá thể hữu cơ từ xử lý rơm rạ được đánh giá hiệu quả trên rau mồng tơi.Rau mồng tơi được lựa chọn để trồng trên giá thể bởi rau có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (khoảng 30 – 45 ngày), là loại rau ôn đới nên phù hợp với điều kiện thời tiết bắt đầu sang đông, dễ trồng dễ chăm sóc và là rau ăn lá được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Gieo hạt trên đất cho nảy mầm và ra lá thật. Khi cây đủ cứng cáp thì trồng lên bầu với 3 công thức và 5 lần nhắc lại. Bầu hình tròn có đường kính 25cm, mỗi bầu trồng 3 cây.
Bảng 4.12. Sinh trưởng của rau mồng tơi trên giá thể hữu cơ
CT Chiều cao TB (cm) Số lá TB/cây Tỉ lệ sâu bệnh (%) Diện tích lá/cây (cm2) Năng suất (g/chậu) CT1 13,78 5,52 7,3 72,46 23,29 CT2 18,12 7,80 3,59 136,77 37,57 CT3 22,02 7,16 3,70 119,42 38,66 CV% 4,8 5,50 3,9 9,5 7,3 LSD5% 1,27 0,55 0,28 15,2 3,47
Kết quả bảng 4.12 cho thấy rằng rau mồng tơi sinh trưởng và phát triển trên giá thể hữu cơ (CT2 và CT3) mạnh hơn, cho năng suất cao hơn trồng trên đất đối chứng (CT1) trong cùng điều kiện chăm sóc, cụ thể:
- Chiều cao cây: chiều cao cây rau ở CT2 trung bình là 18,12 cm, cao hơn so với CT1 (đối chứng) là 4,34 cm (tăng 31,5%), cây ở CT3 cao hơn đối chứng 8,24 cm (tăng 60%).
- Số lá/ cây: số lá/ cây ở CT2 nhiều hơn đối chứng là 41,3%, diện tích lá/cây gấp khoảng 1,9 lần đối chứng. Ở CT3, số lá cao hơn 29,7%, diện tích lá gấp 1,6 lần so với đối chứng.
- Năng suất rau: Năng suất rau ở CT2 và CT3 gần tương đương nhau và cao hơn so với CT1 khoảng 1,6 lần, tăng 61,3-66%. Sở dĩ như vậy bởi vì trong giá thể hữu cơ có hàm lượng chất dinh dưỡng dễ tiêu cao hơn so với đất giúp cây sinh trưởng tốt hơn.
- Tỉ lệ sâu bệnh: Rau ở CT2 và CT3 có tỉ lệ sâu bệnh giảm so với CT1 (đối chứng) từ 49,3-50,8%, điều này là do trong giá thể hữu cơ còn rất nhiều VSV phân giải các hợp chất hữu cơ, chúng là các VSV có ích có khả năng giúp cây chống chịu với các mầm bệnh và tiêu diệt các VSV có hại.
Hình 4.7. Sinh trưởng của rau mồng tơi sau 20 ngày
Sự sai khác giữa các công thức xét ở các chỉ tiêu đều là sai khác có nghĩa ở mức LSD5%. Như vậy hiệu quả của giá thể hữu cơ là tương đối rõ. Trên giá thể, cọng rau khỏe hơn, to hơn và chắc hơn, vươn cao hơn so với đối chứng nên năng suất cao hơn, đồng thời lá rau tròn, xanh và non hơn. Có thể thấy giá thể hữu cơ từ xử lý rơm rạ ở CT2 và CT3 cho năng suất rau cao hơn đáng kể so với CT1. Trong đó, giá thể ở CT2 là rơm rạ được xử lý bằng chế phẩm sinh học từ tổ hợp VSV tuyển chọn cho hiệu quả cao nhất.
Kết quả theo dõi các chỉ tiêu của rau mồng tơi trồng trên giá thể hữu cơ từ xử lý rơm rạ có sự tương đồng so với rau mồng tơi trồng trên giá thể hữu cơ từ xử lý phế phụ phẩm trồng nấm của Nguyễn Thị Minh (2016) về chiều cao trung bình và số lá/cây, tuy nhiên có sự khác biệt về diện tích lá/cây và năng suất. Rau mồng tơi trồng trên giá thể hữu cơ từ xử lý rơm rạ cho diện tích lá/cây và năng suất cao hơn. Điều này chứng tỏ giá thể hữu cơ trong nghiên cứu này có chất lượng tốt hơn, đảm bảo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.