một số nước trên thế giới
2.2.1.1. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển dựa trên công nghệ. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc tập trung các chính sách nông nghiệp theo hướng áp dụng nền kinh tế sáng tạo vào nông nghiệp và thực phẩm để tăng giá trị gia tăng trong các ngành này; thiết lập mạng lưới xã hội an toàn, vững chắc về thu
nhập và quản lý trang trại; thúc đẩy phúc lợi để làm cho nông thôn trở thành khu vực có điều kiện sống tốt; thiết lập một cơ cấu phân phối đáp ứng cả người tiêu dùng và nhà sản xuất; cung các các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi an toàn. Chính phủ rất coi trọng phát triển nông nghiệp, chăm lo đời sống cho cư dân nông thôn thông qua hàng loại các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, yên tâm sinh sống ở nông thôn.
Về chính sách đất đai, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện sử dụng tối đa quỹ đất hiện có, đồng thời đảm bảo duy trì dự màu mỡ của đất và nguyên tắc “Người cày có ruộng”. Đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Chủ sở hữu đất nông nghiệp bắt buộc phải sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp, không được để hoang hóa quá một năm. Người sở hữu đất không sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn muốn sở hữu có thể ủy thác ngân hàng đất đai cho thuê. Khi ủy quyền cho thuê, chủ sở hữu đất sẽ được miễn các loại thuế có liên quan. Hàn Quốc bỏ hạn điền đất nông nghiệp từ năm 1999 để tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác hiện nay cũng chỉ ở mức 1,54 ha/hộ.
Nhà nước có chính sách đền bù thỏa đáng cho nông dân khi thu hồi đất. Việc đền bù được thực hiện theo hai phương thức. Một là, Nhà nước và người nông dân thỏa thuận với nhau về mức giá đến bù theo giá thị trường. Hai là, nếu hai bên không thống nhất được mức giá đền bù sẽ có hai đơn vị thẩm định giá độc lập. Giá đền bù là mức trung bình của hai mức giá do hai đơn vị thẩm định đưa ra, nhưng về nguyên tắc phải bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Ngoài tiền đền bù đất đai, nông dân còn nhận tiền đền bù thiệt hại hoa màu trong 02 năm, tiền vận chuyển hoa màu đi nơi khác và tiền trồng lại hoa màu, được giảm thuế lợi tức chuyển nhượng từ 20 – 50% nếu mua đất ở nơi khác phục vụ sản xuất nông nghiệp, được học nghề miễn phí để chuyển nghề.
Về chính sách tín dụng, Nhà nước hỗ trợ từ 30% - 100% cho nông dân ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo trong nông nghiệp, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chợ nông sản, sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường,… Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bình ổn giá cho nông dân, khảo sát, nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường 35 loại nông sản cho nông dân. Ngoài khoản hỗ trợ, Nhà nước cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 0% - 2,0%, mức cao nhất cũng
chỉ bằng 50% lãi suất cho vay thương mại. Nông dân có thể vay vốn ưu đãi tới 70%, thậm chí 100% vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao, mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, làm nhà kính, xây dựng cơ sở bảo quản sản phẩm,... Về chính sách khoa học công nghệ, công tác nghiên cứu và phát triển, nhất là nghiên cứu cải tiến, tạo giống mới, công nghệ mới phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản được đặc biệt coi trọng. Hàn Quốc có 240 cơ sở nghiên cứu khoa học là các viện, trung tâm. Chính phủ đầu tư khoảng 1 tỉ USD/năm cho công tác nghiên cứu, phát triển, chiếm khoảng 8,7% ngân sách đầu tư cho nông nghiệp. Đối với mặt hàng chủ lực như lúa, đậu đỗ, cà chua, táo, lê,…Nhà nước đặt hàng các cơ sở nghiên cứu chọn tạo, sản xuất các giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng để cung cấp cho nông dân. Các cán bộ nghiên cứu, khuyến nông được phân công phụ trách tư vấn trực tiếp từng nhóm nông dân giúp cho nông dân giải quyết kịp thời các khó khăn trong sản xuất. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất cây trồng tăng vượt bậc, chỉ với 900.000 ha đất lúa, Hàn Quốc sản đủ lương thực đáp ứng nhu cầu của gần 52 triệu dân và xuất khẩu, năng suất cà chua đạt 250 tấn/ha,…
Về chính sách đối với nông nghiệp, Nhà nước đầu tư tới 6% GDP cho phát triển nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 2% GDP. Đầu tư xây dựng các chợ đầu mối ở các địa điểm thuận lợi cho giao dịch hàng hóa nông sản. Nông dân bán hàng tại chợ đầu mối thông qua đấu giá. Giá sản phẩm của nông dân được xác định thông qua đấu giá sẽ được công khai trên mạng để mọi người tham khảo.Người mua có thể mua trực tiếp từ người sản xuất tại ruộng, nhưng phải trả mức giá cao hơn so với mức giá được xác định thông qua đấu giá. Cách làm này giúp người nông dân không phải lo khâu bán hàng, chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm với năng suất, chất lượng cao, không bị tư thương thông đồng ép giá, người tiêu dùng mua được hàng với giá cả hợp lý, khắc phục được tình trạng được mùa, rớt giá, đồng thời kích thích được cả sản xuất và tiêu dùng.
Chính phủ có Quỹ bình ổn giá các mặt hàng chiến lược đảm bảo thu nhập cho nông dân và lợi ích của người tiêu dùng. Bù giá cho nông dân khi giá thị trường thấp hơn giá Chính phủ đảm bảo hoặc hỗ trợ nông dân khi Chính phủ yêu cầu nông dân giảm quy mô sản xuất. Tăng cường đầu tư công nghệ, hỗ trợ xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Kiểm soát chặt chẽ vật tư nông nghiệp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua áp
dụng các quy chuẩn chất lượng cao, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chế tài xử phạt nghiêm khắc, công khai thông tin các đơn, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về chính sách đối với nông dân, Chính phủ miễn cho nông dân thuế xăng dầu, cầu, đường, hỗ trợ tiền xăng, dầu phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa, tiền thuê máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh phí cải tạo đất, phân bón cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chi phí lắp đặt nhà kính, thiết bị phòng cháy,... Nông dân được Nhà nước hỗ trợ 80% phí bảo hiểm nông nghiệp, 50% bảo hiểm hưu trí và được hưởng chế độ hưu khi đến tuổi 65, được hỗ trợ tới 90% kinh phí sản xuất và phân phối giống mới chất lượng cao nếu hợp tác với nhau, không phải đóng góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong nông nghiệp, nhưng vẫn còn những hạn chế cần phải tiếp tục giải quyết, như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất lúa gạo dư thừa đang phải điều chỉnh chính sách hỗ trợ để khuyến khích chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, dân số làm nông nghiệp đang giảm dần và bị giá hóa nhanh chóng, với 98% nông dân trên 60 tuổi… Chính phủ Hàn Quốc đã và đang nỗ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để người dân nông thôn được tiếp cận với các tiện ích như ở thành phố (Nguyễn Xuân Định, 2017).
2.2.1.2. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nông nghiệp của Nhật Bản có nhiều điểm giống các nước Đông Nam Á như bình quân đất canh tác trên đầu người thấp, lúa nước là cây trồng chính.
Từ những năm 1950 đến nay, nhờ cải cách ruộng đất, Nhật Bản đã hình thành các trang trại gia đình sản xuất nông sản hàng hóa, trang trại gia đình giảm dần về số lượng, và tăng dần về quy mô ruộng đất. Số lượng trang trại của Nhật Bản năm 1995 là 3.640.000 trang trại, trong đó có 2.830.000 trang trại sản xuất nông sản hàng hóa chiếm gần 80%. Quy mô bình quân trang trại là 1.5 ha, trang trại lớn nhất không vượt quá 10 ha. Riêng đảo Hokkaido ở miền Bắc nước Nhật, là vùng đồi núi, nên ruộng đất của các trang trại có từ 1 ha đến 30 ha, các trang trại ở đây có diện tích từ 10 ha đến 30 ha chiếm khoảng 40% tổng số trang trại.
Đặc điểm nổi bật của trang trại Nhật bản là quy mô trang trại nhỏ, chi phí sản xuất đặc biệt là chi phí lao động cao, giá nông sản cao, không tạo được ưu thế cạnh tranh. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện cải
cách rộng lớn về phương thức và quy mô sản xuất nông nghiệp, tạo ra những vùng chuyên canh về trồng trọt và thực hiện khuyến khích tích tụ đất để mở rộng diện tích các trang trại trồng trọt. Trong 10 năm trở lại đây, đất nông nghiệp của Nhật Bản tiếp tục giảm do sự phát triển của đô thị và sự phát triển của các ngành công nghiệp. Số lượng trang trại ngày một giảm, tuy nhiên số lượng trang trại chuyên môn hóa trong trồng trọt tăng lên.
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nói chung, trang trại nói riêng. Ngay từ thời gian đầu trong thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp đã có những sáng tạo độc đáo như máy tách hạt lúa, máy xay xát thóc gạo, máy làm đất cho trang trại nhỏ hẹp, các loại máy cáy và máy gặt liên hợp. Đến nay hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất của trang trại đã được cơ giới hóa, đảm bảo cơ giới liên hoàn và đồng bộ các khâu sản xuất từ khai hoang, làm đất đến gieo cấy, bơm nước, trừ sâu, trừ cỏ, cắt gặt, đập tuốt, xay xát, bảo quản và vận chuyển.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng mạnh mẽ chính sách hỗ trợ như trợ giá, hỗ trợ trực tiếp cho kinh tế trang trại, khuyến khích tích tụ ruộng đất để tăng quy mô trang trại, phát triển những thành tựu công nghệ sinh học, phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyên môn hóa (Trần Tú Khánh, 2015). 2.2.1.3. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là một nước có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Từ khi thực thi đường lối cải cách nông nghiệp tháng 12/1978 Chính Phủ Trung Quốc đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho trang trại phát triển do vậy chỉ sau 10 năm sản xuất hàng hoá trong khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng rất nhanh từ 1,37 triệu USD lên 5,23 triệu USD gấp 3,8 lần. Trước tiên Chính phủ công nhận cơ chế khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp, đến năm 1984 lại tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán tạo điều kiện cho các hộ nông dân tích tụ và tập trung ruộng đất, khuyến khích các hộ đi vào sản xuất chuyên môn hoá. Đó chính là con đường đi lên kinh tế trang trại ở Trung Quốc. Cùng với việc làm đó Chính phủ Trung Quốc còn thiết lập một loạt các chính sách thích hợp nhằm phát triển trang trại đối với các hộ gia đình và cá nhân. Và khai thác những vùng đất hoang để mở rộng phát triển quy mô trang trại được miễn thuế đất nông nghiệp từ 3-5 năm, cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Cho phép chuyển nhượng, tích tụ đất nông nghiệp để hình thành các trang trại có quy mô lớn hơn. Với sự phát triển
của các đô thị và hệ thống cơ sở hạ tầng khác nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Đất đai ở Trung Quốc là sở hữu của Nhà nước và nông dân chỉ có quyền khai thác trong 30 năm. Nhờ quy định mới này, một số nông dân đã được chuyển nhượng đất và có diện tích canh tác lớn hơn để hình thành các trang trại và tổ chức sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn hơn.
Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm với việc ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của các hộ chuyên như thực thi cải cách hệ thống mua bán nông sản hàng hoá trong sự thống nhất quản lý giữa các công ty cung ứng và mua bán của Nhà nước với tư nhân, phát triển mạnh công nghiệp chế biến. Trợ giá cho một số sản phẩm nông nghiệp. Sau khi gia nhập WTO (2001), nông nghiệp Trung Quốc bị cạnh tranh gay gắt, đời sống nông dân ở một số vùng gặp nhiều khó khăn. Riêng năm 2004, Nhà nước đã chi 5,4 tỉ USD để trợ giá cho một số sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra Trung Quốc còn tuỳ theo đặc điểm cụ thể của từng vùng, địa phương mà chú ý phát triển một số yếu tố cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất trang trại như: Trang trại giống, hệ thống thuỷ lợi, giao thông,…(Trung Quốc còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học trong các trang trại. Một hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo kỹ thuật được bố trí từ trung ương đến địa phương với số lượng 120 viện nghiên cứu, 10.000 chuyên gia nghiên cứu và chuyên gia kỹ thuật. Thêm vào đó có 4 trường đại học thuộc Bộ nông nghiệp và những trường ở các tỉnh, Thành phố, huyện. Các dạng khác đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho sản xuất nông nghiệp các chương trình khuyến nông, khuyến ngư cũng rất đa dạng và phong phú. Chính vì vậy các trang trại ở Trung Quốc phát triển rất mạnh đặc biệt là về chiều sâu. Kỹ thuật tiên tiến đã làm gia tăng số lượng trang trại công nghiệp, gia tăng khối lượng sản phẩm hàng hoá, tạo ra nguồn thu lợi nhuận lớn (Trần Tú Khánh, 2015).