Đặc điểm quản lý nhà nước về kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện yên thế, tỉnh bắc giang (Trang 25 - 27)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.1. Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước đối với kinh doanh thức ăn chăn nuôi

2.1.2. Đặc điểm quản lý nhà nước về kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Quản lý nhà nước về kinh doanh TĂCN mang đặc điểm chung của quản lý hành chính nhà nước. Đó là: tính quyền lực; tính hành pháp; tính chấp hành và điều hành; tính thống nhất; tính liên tục và chủ động.

Quản lý hoạt động kinh doanh TĂCN là hoạt động mang tính quyền lực của nhà nước. Quyền lực nhà nước trong quản lý được thể hiện ở việc các chủ thể có thẩm quyền thể hiện ý chí nhà nước thông qua phương tiện nhất định, trong đó phương tiện cơ bản và đặc biệt quan trọng là sử dụng văn bản quản lý. Bằng việc ban hành văn bản, chủ thể nhà nước thể hiện ý chí của mình dưới dạng các chủ trương, chính sách pháp luật nhằm định hướng cho hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật, dưới dạng quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước và của cấp trên thành những quy định chi tiết để có thể triển khai thực hiện trong thực tiễn, dưới dạng các mệnh lệnh cá biệt nhằm áp dụng luật vào thực tiễn dưới dạng những mệnh lệnh chỉ đạo cấp dưới trong hoạt động kinh doanh TĂCN. Bên cạnh đó, tính quyền lực nhà nước trong hoạt động quản lý kinh doanh TĂCN còn thể hiện trong việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chịu trách nhiệm bảo đảm cho hoạt động quản lý được thực hiện một cách triệt để, chính xác thông qua những biện pháp về tổ chức, kinh tế, các hình thức như tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và mức cao nhất là cưỡng chế nhà nước.

Quản lý hoạt động kinh doanh TĂCN là hoạt động của nhà nước quản lý tất cả các mặt về kinh doanh TĂCN, đây là hoạt động được tiến hành bởi những chủ thể có quyền năng hành pháp. Chủ thể quản lý bao gồm: cơ quan hành chính

nhà nước và công chức của những cơ quan này; thủ trưởng của các cơ quan nhà nước; các công chức nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh doanh TĂCN. Các cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, huyện và chính quyền xã được giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra tình hình trên địa bàn mình phụ trách.

Quản lý hoạt động kinh doanh TĂCN là hoạt động được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, đứng đầu là Chính phủ, nhờ đó các hoạt động của bộ máy được chỉ đạo, điều hành thống nhất, đảm bảo lợi ích chung của cả nước, đảm bảo sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương tạo ra sức mạnh tổng hợp, tránh được sự cục bộ phân hóa giữa các địa phương hay vùng miền khác nhau. Tuy nhiên do mỗi địa phương đều có những nét đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội nên có thể phát huy tối đa những yếu tố của từng địa phương, tạo sự năng động sáng tạo trong quản lý điều hành.

Hoạt động quản lý kinh doanh TĂCN còn có tính chấp hành và điều hành. Tính chấp hành và điều hành được thể hiện trong những hoạt động quản lý được tiến hành trên cơ sở pháp luật và nhằm mục đích thực hiện pháp luật. Như vậy trong mỗi hoạt động quản lý, tính chấp hành và tính điều hành luôn đan xen, song song tồn tại tạo nên sự đặc thù của hoạt động quản lý.

Quản lý hoạt động kinh doanh là hoạt động mang tính liên tục, kịp thời, linh hoạt và sáng tạo đồng thời có tính chủ động cao để đáp ứng sự vận động không ngừng của đời sống xã hội. Chính đặc điểm này được coi là một cơ sở quan trọng trong việc xác lập quy định về tổ chức và hoạt động, quy chế công chức, công vụ của bộ máy hành chính nhà nước, tạo ra bộ máy hành chính gọn nhẹ, có sự linh hoạt trong tổ chức, có đội ngũ công chức năng động, sáng tạo, quyết đoán và chịu sự ràng buộc trách nhiệm đối với công tác của mình.

Ngoài ra, theo Luật Đầu tư số 03/2016/QH14 thì TĂCN là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên các cơ sở kinh doanh TĂCN phải có giấy đăng ký kinh doanh mặt hàng TĂCN do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; TĂCN tại nơi bày bán, kho chứa phải cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác. Có thiết bị, dụng cụ để bảo quản TĂCN theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp. Có giải pháp phòng chống chuột, chim và động vật gây hại khác. Do đó sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TĂCN đòi hỏi có một bộ máy thực hiện hiệu quả, có hiệu lực và một hệ thống pháp luật về kinh doanh TĂCN đồng bộ hoàn chỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện yên thế, tỉnh bắc giang (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)