nhận thức đúng về các quy định về pháp luật liên quan đến kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ hạn chế được những sai phạm. Để nâng cao nhận thức của người kinh doanh thức ăn chăn nuôi đòi hỏi bản thân những người kinh doanh phải thường xuyên tự trau dồi, nắm bắt những kiến thức mới, cập nhật những quy định mới của pháp luật. Ngoài ra, các nhà quản lý cần thường xuyên tuyên truyền, tập huấn về các quy định, chính sách, các hình thức xử phạt khi mắc sai phạm, sự nguy hại khi buôn bán sử dụng thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, chứa chất cấm... từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức của người kinh doanh.
Người chăn nuôi khi có hiểu biết về thức ăn chăn nuôi, các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, các quy định trong việc kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi thì bản thân sẽ không vi phạm và còn phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm, gian lận trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Như vậy, khi trình độ dân trí, nhận thức của người dân cao họ sẽ có ý thức trong việc thực thi các quy định của pháp luật trong quá trình buôn bán, sử dụng. Từ đó, những vi phạm trong việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng TĂCN giảm đi, việc quản lý của các cơ quan chức năng cũng dễ dàng, thuận tiện và đạt hiệu quả hơn.
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KINH DOANH THỨC ĂN CHĂN NUÔI DOANH THỨC ĂN CHĂN NUÔI
2.2.1. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về kinh doanh thức ăn chăn nuôi của các nước thế giới
Trên thế giới, ở các quốc gia phát triển, việc kinh doanh buôn bán TĂCN được đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, về thực chất đây được hiểu là quản lý nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, cộng đồng. Do vậy chính phủ của các quốc gia này đã ban hành những quy định riêng về quản lý TĂCN cho nước mình. Các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng kiểm soát đối với các nhà sản xuất, những hộ buôn bán, những người sử dụng TĂCN và cả các chủ thể sản xuất kinh doanh ăn chăn nuôi, các sản phẩm động vật. Các nước phải có xu hướng thiết lập cơ chế quản lý nhằm mục đích sử dụng an toàn và hiệu quả TĂCN, đồng thời bảo vệ được môi trường môi sinh, bảo vệ được quyền lợi của người sử dụng, tiêu dùng sản phẩm động vật. Định hướng phát triển vì một nền nông nghiệp an
toàn, sạch và bền vững vì sức khỏe cộng đồng và môi trường. 2.2.1.1. Kinh nghiệm của Thái Lan
Cũng như hầu hết các nước trên thế giới ở Thái Lan hoạt động quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y đều nằm trong một tổ chức. Tổng cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan (Department of Livestock Development) được thành lập vào ngày 5 tháng 5 năm 1942 và là một trong các Tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. Tổng cục Phát triển chăn nuôi là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và phát triển về công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cạnh tranh có hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu quán triệt nguyên tắc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sản xuất bền vững. Việc kiểm soát thức ăn và an toàn thực phẩm đối với TĂCN tại Thái Lan được quản lý qua Luật TĂCN từ năm 1982. Luật này quy định rõ các khái niệm cụ thể về TĂCN để làm rõ phạm vi quản lý; quy định chức năng và nhiệm vụ của các bộ; quy định rõ về nguyên liệu được, không được sử dụng; nguyên liệu bổ sung; quy định bao nhãn; quy trình sản xuất; xử lý vi phạm... Nhà nước quản lý chất lượng nguyên liệu và TĂCN bằng việc ban hành các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, danh mục nguyên liệu và TĂCN được phép sản xuất, kinh doanh và tổ chức kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh TĂCN đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp lấy mẫu phân tích chất lượng. Cùng với việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng TĂCN ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh TĂCN, các cơ quan chức năng còn thường xuyên lấy mẫu kiểm tra chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hộ, trang trại chăn nuôi. Thái Lan có ban quản lý TĂCN do Bộ trưởng là trưởng ban và các uỷ viên là lãnh đạo các cục liên quan, chánh văn phòng và ít nhất là có 12 thành viên (trong đó có 4 đại diện là người kinh doanh về TĂCN và người chăn nuôi). Nhiệm vụ của ban là đề xuất và kiến nghị các giải pháp lớn về quản lý TĂCN. Tại Thái Lan có 615 nhà máy sản xuất, 514 doanh nghiệp nhập khẩu và 13.488 đại lý kinh doanh TĂCN. Vì là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên các đại lý buôn bán TĂCN cũng được cấp phép đủ điều kiện và hàng năm cơ quan quản lý thuộc Cục Phát triển chăn nuôi tiến hành kiểm tra chất lượng và điều kiện kinh doanh nếu không đảm bảo sẽ bị xử lý, có thể phải ngừng kinh doanh để khắc phục. Cục Phát triển chăn nuôi có quyền kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bất cứ lúc nào đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh TĂCN kể cả khi vận chuyển TĂCN. Nội dung kiểm tra: cơ sở pháp lý, giấy phép, lấy
mẫu phân tích... và tạm thu hồi giấy phép, xử lý nếu có vi phạm. Bộ Nông nghiệp cũng đã có quy chế đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, cam kết từ phía nhà sản xuất và nếu không thực hiện được sẽ bị xử lý (đã thực hiện từ năm 2001). Việc xử lý các vi phạm trong quản lý TĂCN được quy định cụ thể trong Luật TĂCN (Trường Giang, 2011).
2.2.1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Theo Võ Thị Nga và cs. (2009), Trung Quốc áp dụng biện pháp “Quản lý giám sát kiểm dịch chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi và xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi”. Biện pháp này đã đưa ra những quy định cụ thể về quy trình cấp phép đăng ký xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng như vấn đề về kiểm dịch xuất nhập khẩu TĂCN nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh động vật cũng như sức khỏe con người. Tiêu chuẩn mới quy định chặt chẽ hơn về xuất xứ, đánh giá hệ thống sản xuất, tiêu chuẩn gia nhập thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Bích Diệp (2012), tổng cục Kiểm nghiệm kiểm dịch và Giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) vừa thông báo phía Trung Quốc sẽ bắt đầu triển khai thực hiện lệnh số 118 (ngày công bố: 23/2/2009, ngày có hiệu lực: 01/9/2009). Nội dung chính: Trung Quốc thực hiện các công tác quản lý theo quy chuẩn về kiểm nghiệm kiểm dịch đối với việc kinh doanh các loại TĂCN có nguồn gốc thực vật đã qua chế biến như các loại bã, cám lúa mì… 2.2.2. Kinh nghiệm trong nước
Theo Nguyễn Văn Giáp và cs. (2015), ngành chăn nuôi Việt Nam tăng trưởng nhanh và chuyển từ quy mô chăn nuôi nhỏ sang hộ và trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Số lượng hộ chăn nuôi nhỏ giảm nhanh do gặp nhiều rủi ro dịch bệnh, bị cạnh tranh bởi hộ chăn nuôi quy mô lớn, và không được hưởng chính sách ưu đãi. Hơn nữa chăn nuôi Việt Nam ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường nước ngoài, nhập khẩu giống, nhập khẩu thức ăn, nhập khẩu thuốc thú y ngày càng tăng, và chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của sản phẩm thịt nhập khẩu. Hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chịu nhiều rủi ro và thiệt hại từ dịch bệnh hơn so với các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Chăn nuôi quy mô siêu nhỏ ít chịu ảnh hưởng của biến động giá thức ăn công nghiệp. Thị trường TĂCN có dấu hiệu bị chi phối bởi một số công ty lớn. Các công ty thức ăn nước ngoài FDI chiếm thị phần lớn, tỷ lệ tập trung thị trường gia tăng trong những năm gần đây, có hiện tượng các công ty nhỏ neo giá theo các công ty lớn, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi phát triển các hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn.
Giá bán thức ăn chăn nuôi tăng cao hơn mức giá cạnh tranh gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Để phát triển thị trường chăn nuôi Việt Nam, tác giả trên có nhắc đến việc thay đổi cấu trúc để nâng cao cạnh tranh bằng tổng hợp rất nhiều biện pháp khác nhau trong đó có quản lý kinh doanh TĂCN. Đó là kiểm soát độc quyền và nâng cao tính cạnh tranh thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Có biện pháp phá vỡ khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên cần nhìn nhận vai trò của các công ty thức ăn chăn nuôi trong việc thay đổi phương thức kinh doanh, tạo dựng thị trường mới, giới thiệu khoa học công nghệ, và phát triển thị trường chăn nuôi trong nước. Hình thành hiệp hội người tiêu dùng là cơ quan đấu tranh cho quyền lợi của người tiêu dùng, có chức năng kiểm tra, xác nhận tiêu chuẩn và uy tín của các hệ thống cung cấp.
2.2.2.1. Kinh nghiệm huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Theo Đỗ Toản (2016), thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc thú y, TĂCN và các chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi; hoạt động hành nghề thú y, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, ngày 13/9/2016, đoàn công tác của Chi cục CN&TY tỉnh phối hợp với Trạm CN&TY huyện Mai Châu tiến hành, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện và hoạt động kinh doanh TĂCN, chế phẩm dùng trong chăn nuôi; hoạt động hành nghề thú y tại địa bàn huyện.
Qua việc thanh, kiểm tra đã đánh giá đúng việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh TĂCN để phòng ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó phát hiện những điểm cần bổ sung trong công tác quản lý và trong hoạt động hành nghề nhằm kịp thời xử lý, điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành CN&TY.
2.2.2.2. Kinh nghiệm của huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai
Theo Nguyễn Diệp (2013), ngoài việc thường xuyên thực hiện thanh tra kiểm tra hoạt động kinh doanh TĂCN, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan tuyên truyền, thực hiện ký cam kết đến tận hộ kinh doanh TĂCN và hộ chăn nuôi. Trạm CN&TY huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến các hộ kinh doanh TĂCN, hộ chăn nuôi cá thể, trang trại chăn nuôi. Đến nay, 44 hộ kinh doanh TĂCN trên địa bàn huyện đã ký cam kết không buôn bán các loại chất
cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, Trạm CN&TY đã phát hiện 2 hộ kinh doanh TĂCN vi phạm, trong đó 1 hộ bán 0,5 kg TĂCN chế phẩm không rõ nguồn gốc và 2 kg cám quá hạn sử dụng cùng 3 loại TĂCN trưng bày trong gian hàng không đúng theo giấy phép kinh doanh, 1 hộ bán TĂCN để xen lẫn với thuốc bảo vệ thực vật… Trạm đã tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cơ sở hiểu việc buôn bán các loại chất cấm trong chăn nuôi là vi phạm pháp luật. Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã lấy 10 mẫu TĂCN tại 8 cơ sở kinh doanh TĂCN của 5 công ty sản xuất với nhiều công thức hiện đang tiêu thụ mạnh trên thị trường Gia Lai gửi trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Bộ NN&PTNT) phân tích mẫu. Theo Chi cục CN&TY tỉnh, càng đến những ngày giáp tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng cao. Vì vậy, đơn vị sẽ tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra các loại chất cấm trong chăn nuôi tại một số địa phương khác nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 2.2.2.3. Kinh nghiệm của hành phố Hải Phòng
Phạm Kim Đăng và cs. (2013), sau khi nghiên cứu tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà ở thành phố Hải Phòng đã đưa ra: chỉ có khoảng 50% hộ chăn nuôi quan tâm đến việc dừng TĂCN trước lúc giết mổ nhưng lý do chủ yếu liên quan đến lợi nhuận kinh tế và chỉ 43% số hộ quan tâm dừng TĂCN để bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy, có thể thấy sức ép sản phẩm sạch từ người thu gom và người tiêu dùng chưa cao nên thị trường vẫn chấp nhận sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây có thể là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc sự lạm dụng và sử dụng bất hợp pháp kháng sinh trong chăn nuôi.
Nhóm tác giả trên đã đưa ra kết luận: nhận thức của người chăn nuôi còn thấp cùng với việc quản lý hành chính về sản xuất kinh doanh và sử dụng còn hạn chế nên tỷ lệ hộ có nhận thức đúng và sử dụng an toàn còn rất thấp. Để cải thiện tính an toàn không chỉ cần có chiến lược phát triển mạng lưới thú y, khuyến cáo thực hành chăn nuôi tốt mà còn cần nâng cao nhận thức người dân cũng như đạo đức của người kinh doanh sản xuất TĂCN.
2.2.2.4. Kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Long
Theo Phạm Tứ Phương (2012), qua kiểm tra về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, đã phát hiện và xử lý 71 trường hợp vi phạm về chất lượng hàng hóa, phạt hành chính 1.320,769 triệu đồng (trong đó có 03 trường hợp sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm, nhiều trường hợp phân bón, TĂCN kém chất lượng, giả về chất lượng... cũng đã bị xử lý).
Cũng theo tác giả, để quản lý nhà nước về kinh doanh nói chung cũng như kinh doanh TĂCN hiệu quả cao tại tỉnh Vĩnh Long cần có các biện pháp sau:
Phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các ngành, các cấp và địa phương trong tỉnh, Chi cục quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp và tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành có trọng tâm, đặc biệt là công tác kiểm tra thị trường nhằm phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng đưa lưu thông trên thị trường, góp phần ổn định thị trường tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh doanh của tỉnh.
Tổ chức quản lý tốt địa bàn, quản lý tốt đối tượng, nắm bắt và phản ánh kịp thời diễn biến thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá và biến động bất thường ở địa bàn để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.
Thường xuyên thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không tiếp tay mua bán, vận chuyển, chứa chấp hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác. Tuyên truyền phổ biến những chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các thành phần kinh tế và nhân dân.
Tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp bảo đảm việc thi hành pháp luật và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thị trường để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
2.2.2.5 Kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang
Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh TĂCN được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm. Theo Nguyễn Trường (2015), thanh tra Sở phối hợp cùng các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TĂCN sử dụng Salbutamol trong sản phẩm.