Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2.2. Kinh nghiệm tham gia của người dântrong quản lý môitrường nôngthôn
2.2.2.1. Mô hình cộng đồng tiêu biểu trong công tác xã hội hoá bảo vệ môi trường về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Cổ Nhuế - Hà Nội
Xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm được thành phố Hà Nội chọn để thí điểm thực hiện XHH BVMT. Đây là xã sản xuất nông nghiệp, có tốc độ đô thị hóa nhanh nên gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Tình trạng thoát nước là vấn đề lớn của xã, nhiều nơi nước thải tràn ra đường do cống bị tắc. Mùa mưa thì hầu như các thôn đều bị ngập, mức nước ngập lên đến 40 cm, gây ÔNMT nghiêm trọng. Bên cạnh đó, lượng rác thải của xã trung bình khoảng 5 tấn/ngày (trong đó khoảng 1 tấn là do các cơ sở sản xuất thải ra). Thành phần chủ yếu là rác hữu cơ chiếm 70 - 80%. Trong đó, khoảng 70% số rác được Xí nghiệp Môi trường Đô thị Từ Liêm vận chuyển đến bãi chôn lấp của thành phố, số còn lại tồn đọng trôi nổi khắp nơi.Để khắc phục tình trạng trên, hàng năm xã đã dành 15% nguồn thu để chi cho công tác môi trường. Đồng thời, vận động nhân dân trong xã thực hiện BVMT. Cụ thể như:
Công tác thu gom và phân loại rác: Do lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn
không lớn, nên chính quyền xã vận động nhân dân phân loại rác tại từng hộ gia đình. Mỗi hộ đều có thùng đựng để phân loại, tách riêng rác hữu cơ với các loại rác khác để tái sử dụng hoặc tái chế. Việc làm này giảm được khối lượng thu gom và có biện pháp xử lý dễ dàng, tránh được ô nhiễm. Mỗi hộ đều có thùng đựng để phân loại, tách riêng rác hữu cơ với các loại rác khác để tái sử dụng hoặc tái chế. Công việc thu gom và vận chuyển rác đến địa điểm tập trung được giao cho một đơn vị dịch vụ thu gom rác do người dân lựa chọn, thông qua đấu thầu do Ban Môi trường của xã đứng ra tổ chức.Rác được thu gom theo từng tổ dân cư, mỗi tổ cử ra đại diện để tham gia thu phí và nộp cho Ban Môi trường xã hoặc đóng trực tiếp cho chủ thầu, đồng thời là người giám sát việc thu gom rác. Sau khi rác được thu gom, Ban Môi trường xã ký hợp đồng vận chuyển và xử lý rác với Xí nghiệp Môi trường Đô thị Từ Liêm.
Công tác xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình: Các cán bộ kỹ thuật phổ biến
công nghệ đơn giản cho từng hộ dân trong việc xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Mỗi hộ được trang bị một thùng để chứa các loại rác hữu cơ sau khi đã chọn để riêng. Rác hữu cơ được xử lý bằng chế phẩm vi sinh (EM), làm mất mùi hôi và tạo thành phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng phục vụ cho trồng trọt (nhất là cho rau
sạch và trồng hoa, cây cảnh).Việc phân loại và xử lý rác tại nguồn sẽ giảm được chu kỳ thu gom (7 - 10 ngày mới phải thu gom một lần), giảm chi phí và tăng hiệu quả của việc vận chuyển. Sau một thời gian, lượng rác phân hủy có thể khai thác mùn làm phân bón. Đối với rác vô cơ có thể tái sử dụng hoặc tái chế thành đồ dùng cho sản xuất đời sống. Ngoài ra, xã đã phát động phong trào hạn chế dùng bao, túi ni lông, dùng làn, túi lưới, túi cói hoặc bao bì bằng giấy khi đi mua hàng. Đồng thời, khuyến khích sản xuất và sử dụng các loại bao bì gói bằng vật liệu khác dễ tiêu hủy và không độc hại. Tổ chức các đợt hoạt động làm sạch đường phố, ven bờ sông, khơi thông cống rãnh trên địa bàn xã; Tổ chức sắp xếp hợp lý việc buôn bán ở chợ Cổ Nhuế; Thu dọn vệ sinh môi trường ở chợ và các nơi công cộng của xã.
Thông qua các hoạt động trên có thể rút ra bài học kinh nghiệm, cụ thể: Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách luật pháp và các biện pháp BVMT là nền tảng cho sự thành công của việc thực hiện XHH BVMT.Thực hiện XHH phải gắn bó với chính quyền cơ sở và có sự phối hợp với cơ quan chức năng của Nhà nước về nguồn lực, kỹ thuật và văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, cần phải tổ chức làm thí điểm XHH ở một vài điểm dân cư nhằm rút kinh nghiệm để bổ sung chỉnh lý mô hình rồi mới có kế hoạch mở ra trên diện rộng (Châu Loan, 2018).
2.2.2.2. Kinh nghiệm về xử lý rác thải nông thôn ở Quảng Bình với “Mô hình hiệu quả xử lý rác thải ở nông thôn”
Ở một số địa phương của tỉnh Quảng Bình như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch... mô hình xây dựng bể chứa rác công cộng đã phát huy hiệu quả cao khi rác thải sinh hoạt của người dân đã được thu gom xử lý một cách bài bản và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Mô hình bể chứa rác nông thôn được hình thành cách đây từ năm 2002, Lệ Thủy là huyện đầu tiên sử dụng mô hình này, sau đó triển khai ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch. Kinh phí xây mỗi bể chứa rác khoảng 10-15 triệu đồng, với chiều dài là 6m, rộng 3m, cao1-1,5m có thể chứa 5-7 khối rác. Theo tính toán, các bể chứa rác thường nằm ngoài khu dân cư để tránh ô nhiễm và nằm trên mặt đường để thuận tiện trong công tác thu gom và vận chuyển. Tại các xã ở Lệ Thủy như An Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy..., mỗi hộ gia đình sau khi sử dụng thì tự phân loại rác tại nhà, đến ngày thu gom rác, đội thu gom sẽ đi dọc các trục đường thôn, lối xóm mà mình phụ trách để thu gom rác từ các hộ gia đình... Khi
có chuông kẻng đi ngang qua nhà, các hộ dân đưa rác đã được bỏ trong sọt, túi ni lông, thùng rác hộ gia đình đổ lên xe. Như ở xã An Thủy, thì các hộ dân để sẵn rác đã được phân loại trước cổng nhà đến giờ người thu dọn rác đi ngang qua thu gom, sau đó sẽ được vận chuyển về bể chứa.
Những thôn gần với điểm trung chuyển thì nhân viên thu dọn sau khi thu gom trong dân, sẽ đưa thẳng về bể chứa bằng xe đẩy thu gom chuyên dụng. Còn vùng dân cư ở xa thì rác thải sau khi thu dọn sẽ tập trung lại một điểm có thể dùng xe bò kéo hoặc xe công nông vận chuyển về bể chứa. Sau đó, Ban quản lý (BQL) các công trình công cộng sẽ vận chuyển về bãi chứa rác của huyện bằng xe chở rác chuyên dụng để xử lý. Theo Bà Bùi Thị Nga, ở xã An Thủy vui vẻ kể: "Nhìn thế thôi chứ hiệu quả lắm. Trước đây bao nhiêu bao bì, chai lọ của nhà tui dùng xong đều vứt lung tung quanh vườn, mùa mưa nước lên là bị đẩy ngược vào nhà. Bẩn lắm. Nhưng từ khi có mô hình này rác thải trong nhà đều được thugom sạch, môi trường sống cũng trong sạch hơn. Rác thải không còn bốc mùi như trước nữa mà công sức bỏ ra thì có là bao đâu".
Không chỉ xây dựng bể chứa rác ở mỗi thôn, xóm, mà ở các chợ của huyện Lệ Thủy-nơi lượng rác thải hàng ngày lên đến cả tấn cũng được áp dụng mô hình bể chức rác này, và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Theo ông Bùi Hữu Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, ngoài 12 bể chứa rác bố trí cho 12 thôn trong xã, tại khu chợ UBND xã cũng đã vận động tiểu thương đóng góp xây dựng thêm một bể chứa. Rác thải đều được gom lại, xe gom rác chỉ việc đến và đưa đi xử lý. Đã nhiều năm triển khai đi vào vào nền nếp, ý thức người dân trong việc BVMT cũng được nâng cao.
Các thôn tự thuê người thu gom rác, chủ yếu là hợp đồng với Hội Phụ nữ và một số hộ nghèo. Mỗi hộ mỗi tháng chỉ đóng phí thu là 6.000 đồng để trả cho người đi thu gom rác. Nên việc hình thành bể rác này cũng giúp tăng thu nhập cho một số người nghèo trong xã. "Từ khi mô hình bể chứa rác nông thôn đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả rất lớn trong việc giữ vệ sinh môi trường. Đó là tín hiệu vui cho công tác BVMT ở xã nhà". Tại huyện Quảng Ninh, dù triển khai muộn hơn nhưng đến nay hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều có bể chứa rác (Xuân Ninh, Hiền Ninh, Gia Ninh, Vĩnh Ninh, Võ Ninh...). Ngoài vận dụng những kinh nghiệm từ huyện Lệ Thủy, một số xã của huyện Quảng Ninh còn cải tiến thêm mô hình này để tăng thêm hiệu quả cho việc xử lý rác thải. Như ở xã Xuân Ninh, các bể chứa rác đều được lợp thêm mái tôn để khi trời mưa rác
không bị bốc mùi ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Theo ông Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch xã Xuân Ninh cho biết: Nhìn chung các bể rác trong xã đều hoạt động tốt. Vấn đề quan trọng nhất là ý thức người dân nên UBND xã luôn chú trọng mở các lớp tập huấn, giáo dục cho người dân để mọi người đều có ý thức phân loại rác tạo thuận lợi cho đội thu gom hoạt động hiệu quả hơn" (Lan Chi,2012).
2.2.2.3. Kinh nghiệm về xây dựng hương ước về bảo vệ môi trường
Xã Nậm Loỏng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một xã có trình độ dân trí thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất độc canh chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, trình độ canh tác còn lạc hậu, bên cạnh đó nạn chăn thả gia súc gia cầm còn bừa bãi… làm mất vệ sinh ở các khu dân cư, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và môi trường; đặc biệt là do chặt phá rừng, đốt nương làm giảm độ che phủ của rừng, tăng sự xói mòn và thoái hóa đất canh tác, suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền xã Nậm Loỏng lập Dự án “Xây dựng hương ước BVMT có sự tham gia của cộng đồng”. Hương ước quy định: Không thả rông gia súc, không chặt phá rừng bừa bãi; Tiến hành trồng cây xanh, không đốt rừng làm rẫy; Từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đưa giống mới, nuôi trồng các loại cây con có hiệu quả chất lượng cao, quy hoạch giao đất giao rừng, trồng mới, bảo vệ khoanh nuôi rừng hiện có, tăng độ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giảm độ xói mòn đất...
Sau khi thực hiện Dự án, hương ước BVMT được cộng đồng ủng hộ vì đem lại lợi ích cho nhân dân. Tạo ra các quy tắc ứng xử trong đời sống của từng cá nhân, gia đình, thôn bản và toàn xã nhằm xây dựng bản văn hóa, xanh, sạch, giữ gìn bản sắc văn hoá, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ sức khoẻ; Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng động về BVMT (Châu Loan, 2018).