Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số huyện tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới tại huyện thanh sơn, tình phú thọ (Trang 40 - 45)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số huyện tỉnh Phú Thọ

2.2.2.1. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn huyện Lâm Thao có rất nhiều thuận lợi: Huyện được xác định là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, đồng thời là huyện nằm trong vùng trọng điểm về phát triển kinh tế của tỉnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng khá đồng bộ; nông dân có ý thức, năng động trong cách nghĩ, cách làm, dầy dạn kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp; chính trị xã hội ổn định; các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh được ban hành mới cụ thể và đồng bộ…

Tuy nhiên, huyện còn có những khó khăn trước mắt về đời sống dân sinh ở một số nơi, số vùng thu nhập còn thấp; quy mô sản xuất ở mức vừa và nhỏ; diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp do nhu cầu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ… cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn xuống cấp, tỷ lệ bê tông hóa giao thông nội đồng mới chỉ đạt 50%. Nhận thức và ý thức của một số cán bộ cơ sở của người dân còn phiến diện: Cho rằng đây là chương trình đầu tư, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước là chính, từ đó xuất hiện tư tưởng

trông chờ, ỷ lại… Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và quy hoạch xây dựng NTM ở các xã phải tiến hành từ đầu, tại thời điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2010 rà soát theo tiêu chí mới toàn huyện mới chỉ có một số xã đạt từ 9 đến 10 tiêu chí. Nguồn lực để đầu tư rất hạn hẹp… đây là bài toán khó để tổ chức thực hiện chương trình.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng Lâm Thao trở thành huyện NTM, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện đã nghiên cứu, lựa chọn và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm một cách quyết liệt và đồng bộ:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM trong toàn Đảng bộ, toàn dân, đặc biệt là xác định vai trò chủ thể của người nông dân - coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả chương trình.

Tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo đúng hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh: Thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, xã, triển khai công tác quy hoạch cho 12 xã trong huyện; xây dựng các đề án, xác định rõ mục tiêu, mục đích đầu tư…; phân kỳ và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư hợp lý để bố trí, huy động nguồn lực phù hợp và hiệu quả.

Đẩy mạnh việc huy động và lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chương trình; cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng: Phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân, xác định rõ lộ trình, cách làm phù hợp với từng địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Tổ chức, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc; vận động và huy động cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và mỗi người dân tham gia các phong trào hành động như: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Xây dựng huyện Lâm Thao sáng, xanh, sạch, đẹp”… gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để góp phần đưa chương trình xây dựng NTM đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn huyện Lâm Thao theo phương châm: Tạo sức mạnh tại chỗ, xác định người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, lấy nền tảng sức dân là cơ bản; định hướng giúp các xã thực hiện các tiêu chí NTM, phân định những phần việc cụ thể, việc nào dân làm, việc nào Nhà nước hỗ trợ; việc dễ làm trước, khó

làm sau để triển khai đồng bộ, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Huyện Lâm Thao tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thành sớm đề án quy hoạch của 12 xã, tổ chức công bố quy hoạch cho nhân dân được biết. Trong quy hoạch đã xác định được sản phẩm chủ lực của từng xã, từng mô hình sản xuất và vùng sản xuất tập trung, đồng thời chỉ đạo hoàn thành quy hoạch xây dựng huyện Lâm Thao đến năm 2020, làm cơ sở cho việc tổ chức không gian xây dựng đô thị và nông thôn, xác định các thị trấn, thị tứ trọng tâm đầu tư gắn với xây dựng NTM. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện lựa chọn lộ trình cho từng xã, trong đó ưu tiên cho các xã có xuất phát điểm cao, điều kiện sản xuất thuận lợi như: Cao Xá, Sơn Dương, Hợp Hải, Thạch Sơn, Tứ Xã để tập trung nguồn lực triển khai trước… Đồng thời lựa chọn danh mục dự án, chương trình để ưu tiên bố trí vốn tập trung đầu tư, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí đồng bộ, đạt chuẩn theo quy định.

Phát triển sản xuất là mục tiêu của chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; huyện đã tập trung chỉ đạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết bốn nhà; chỉ đạo, rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, thực hiện dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất theo chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, chú trọng phát triển các trang trại, gia trại; mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đầu tư cơ sở hạ tầng là khâu có ý nghĩa quyết định đòi hỏi có sự thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận từ các cấp, các ngành và trong nhân dân để huy động nguồn lực. Thống nhất chỉ đạo và tổ chức thực hiện để đảm bảo yêu cầu về tiến độ và khả năng cân đối ngân sách; lựa chọn nhóm công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa để đầu tư, đặc biệt làm tốt phong trào xã hội hóa làm đường GTNT, đường giao thông nội đồng gắn với cứng hóa kênh, mương…

Tập trung chỉ đạo việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo chuyển biến căn bản về môi trường ở các khu dân cư tập trung. Thực hiện tốt công tác chuyển đổi nghề, dạy nghề và xuất khẩu lao động, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

2.2.2.2. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Thủy đã tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của huyện đã có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn huyện đã có 12/14 xã đạt chuẩn NTM.

Việc phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nói chung và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện Thanh Thủy đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Huyện đã tích cực tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua lớn. Thông qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Điều đó được chứng minh bằng việc nhân dân tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình chung. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng chương trình với phương châm “đem sức dân xây dựng tương lai hạnh phúc cho dân”, vai trò chủ động của cộng đồng dân cư thực sự được phát huy cao độ. Trong 8 năm qua (từ năm 2010 đến nay), tổng số vốn đầu tư cho chương trình này của huyện là gần 2000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư trên 80%, còn lại là các nguồn huy động xã hội hóa. Nhờ sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị mà đến nay, trên 85% số xã đã đạt chuẩn NTM, bình quân chung toàn huyện đã đạt trên 18 tiêu chí/xã.

Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước để tạo điều kiện, tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, huyện Thanh Thủy đã chú trọng việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch về đất đai, quy hoạch vùng sản xuất cho phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư và coi đây là khâu đột phá giúp cho kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Giờ đây, khi về mỗi xã, mỗi khu dân cư, mỗi ngõ xóm, chúng ta đều thấy rõ một diện mạo mới ngày càng khang trang, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Hầu hết

các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ được trải nhựa, bê tông hóa; đường liên thôn, ngõ xóm đã được cứng hóa và có điện thắp sáng. Hệ thống điện cùng với hệ thống thủy lợi thường xuyên được củng cố, nâng cấp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Ở các địa phương, từ công sở, trường học, trạm y tế, chợ đến nhà văn hóa đều cơ bản đã được xây dựng kiên cố. Đặc biệt, toàn huyện hiện đã có trên 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn không ngừng được củng cố và nâng cao, nhiều năm liền đứng trong tốp đầu của tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển. Đa số nhà ở của người dân đã được xây dựng kiên cố, ngày càng nhiều hộ dân có nhà tầng, trang trí đẹp và sử dụng những thiết bị hiện đại. Những yếu tố trên đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Thủy. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện luôn xác định việc thực hiện nâng cao thu nhập cho nhân dân là tiêu chí quan trọng nhất, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề để thực hiện thắng lợi các tiêu chí còn lại. Hàng trăm mô hình, dự án phát triển sản xuất đã được triển khai, trong đó nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, chú trọng phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, từng bước giải quyết việc làm cho người dân, tiêu biểu như: Mô hình trồng rau sạch ở Tu Vũ, Xuân Lộc; tương làng Bợ ở Thạch Đồng; trồng hoa, cây cảnh ở Tân Phương; trồng nấm, mộc nhĩ ở Đồng Luận; chế biến gỗ ở Sơn Thủy... Nhờ vậy, thu nhập và đời sống người dân Thanh Thủy không ngừng được cải thiện. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công và tạo việc làm cho người lao động được quan tâm thường xuyên. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2017 đã giảm đáng kể, chỉ còn 4,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ dân đều thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; chất thải, rác thải cơ bản được thu gom và xử lí, tạo điều kiện tốt để thu hút du khách về với Thanh Thủy.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và coi đây là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện các tiêu chí khác. Để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tiếp tục đem lại hiệu quả thiết

thực, cần phải thực hiện một cách bền vững từng tiêu chí và thực sự coi xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Có như vậy mới tạo nên diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc và chất lượng sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới tại huyện thanh sơn, tình phú thọ (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)