Huyện Cẩm Giàng nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hải Dương, thuộc trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Huyện nằm dọc theo Quốc lộ 5A nối hai thành phố lớn Hà Nội và Hải Phòng, trung tâm huyện là thị trấn Lai Cách cách trung tâm tỉnh Hải Dương 8 km về phía Tây và cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Đông. Với diện tích tự nhiên là 11.011,85 ha gồm 2 thị trấn là thị trấn Lai Cách và Thị trấn Cẩm Giàng và 17 xã: Cao An, Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Đoài, Cẩm Đông, Cẩm Vũ, Cẩm Hoàng, Cẩm Phúc, Cẩm Sơn, Cẩm Điền, Cẩm Định, Tân Trường, Thạch Lỗi, Ngọc Liên, Lương Điền, Kim Giang và Cẩm Hưng. Đất đai của huyện được hình thành nhờ hệ thống phù sa sông Thái Bình bồi đắp (UBND huyện Cẩm Giàng, 2018).
Hình 3.1. Bản đồ hành chính huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương
Nguồn: UBND huyện Cẩm Giàng (2018) Huyện Cẩm Giàng tiếp giáp với các huyện trong địa bàn tỉnh và tỉnh ngoài như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Thuận Thành và Lương Tài tỉnh Bắc Ninh - Phía Đông Bắc giáp huyện Nam Sách.
- Phía Đông giáp thành phố Hải Dương. - Phía Đông - Nam giáp huyện Gia Lộc. - Phía Nam giáp huyện Bình Giang.
- Phía Tây giáp huyện Mỹ Hào và huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên.
Cẩm Giàng là một huyện thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Địa hình đất đai của huyện có xu hướng thấp dần từ Tây - Bắc xuống phía Đông - Nam. Độ chênh lệch độ cao giữa chỗ cao nhất và thấp nhất từ 0,75 m đến 1,2 m. Địa hình được chia thành hai vùng là vùng đồng bằng trong đê sông Thái bình, chiếm khoảng 98% diện tích toàn huyện và vùng diện tích bãi bồi ngoài đê sông Thái Bình, với diện tích khoảng 2% tổng diện tích của huyện.
Với các vùng địa hình có một số đặc điểm tự nhiên khác nhau cụ thể là: vùng thứ nhất là vùng đồng bằng trong đê sông Thái Bình được bồi đắp bởi lượng phù sa sông Hồng và sông Thái Bình với độ cao trung bình khoảng 2,77m so với mặt nước biển, vùng này có tầng đất canh tác mỏng và đất chua; vùng thứ 2 là vùng diện tích bãi bồi ngoài đê sông Thái Bình, thuộc 2 xã Cẩm Văn và Đức Chính được bồi đắp bởi phù sa sông Thái Bình với độ cao trung bình khoảng 2,1m. Nhìn chung địa hình huyện Cẩm Giàng khá thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển nuôi trồng thủy sản nói riêng, thuận lợi xây dựng hệ thống kênh mương, phát triển kinh tế, xã hội (UBND huyện Cẩm Giàng, 2018).
Khí hậu của huyện Cẩm Giàng mang đầy đủ tính chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa hè nóng ẩm mưa nhiều nhưng ít có những ngày nhiệt độ quá cao hoặc có gió lào, mùa đông thường lạnh khô hanh, cuối mùa đông có mưa phùn, ẩm độ không khí cao. Độ ẩm trung bình hàng năm trong khu vực sông Hồng nói chung và của huyện Cẩm Giàng riêng có trị số tương đối lớn, độ ẩm trung bình hàng năm tại Hải Dương là 85%. Thời kỳ mùa mưa độ ẩm cao 90% mùa khô độ ẩm giảm xuống chỉ còn khoảng 70%. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.530 - 1.776 giờ, trong đó tháng có nhiều giờ nắng trong năm là tháng 7, tháng có ít giờ nắng là tháng 1. Trong các tháng mùa hè hướng gió thịnh hành là hướng Nam và Đông Nam.Vào mùa đông hướng gió thịnh hành là hướng Đông và Đông Bắc diễn ra từ tháng 9 đến tháng 4 sang năm sau. Gió mùa đông
bắc tràn về theo đợt làm cho nhiệt độ giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến mùa màng, sức khỏe con người, vật nuôi trong đó có đối tượng thủy sản (UBND huyện Cẩm Giàng, 2018).
Căn cứ vào đặc điểm dòng chảy, hệ thống sông của huyện được chia làm 2 hệ thống: hệ thống các sông ngoài (các sông chính tự nhiên) và hệ thống sông ngòi kênh mương nội đồng.
- Hệ thống sông ngoài là sông Thái Bình, độ sâu trung bình từ 3,3 - 5,8m, độ sâu lớn nhất trên 9 m. Dòng chảy là dòng chảy tự nhiên từ các sông thượng nguồn chảy về. Vận tốc dòng chảy của sông biến đổi theo mùa cũng khá mạnh. Sông Thái Bình chảy qua địa phận 2 xã là Đức Chính và Cẩm Văn với tổng chiều dài 5km, là nguồn nước mặt chủ yếu của huyện Cẩm Giàng và là ranh giới tự nhiên với huyện Nam Sách (UBND huyện Cẩm Giàng, 2018).
- Hệ thống sông ngòi kênh mượng nội đồng bao gồm các con sông như sông Sặt, sông Cẩm Giàng, sông Bùi. Sông Sặt có chiều dài 12 km chảy qua địa bàn xã Cẩm Điềm, Cẩm Đoài, là ranh giới tự nhiên của huyện Cẩm Giàng với huyện Bình Giang, Gia Lộc. Sông Cẩm Giàng có chiều dài 13 km, chảy từ xã Cẩm Hưng đến xã Cẩm Phúc sau đó đổ vào sông Sặt, sông chảy theo hướng Bắc Nam đi giữa huyện và là con sông cung cấp nguồn nước chính cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Sông Bùi có chiều dài 10 km chảy từ xã Ngọc Liên đến xã Cẩm Văn rồi đổ ra sông Thái Bình, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Cẩm Giàng và huyện Lương Tài - Bắc Ninh (UBND huyện Cẩm Giàng, 2018).