Đặc tính nuôi cấy của vi rút LMLM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học của bệnh lở mồm long móng ở việt nam giai đoạn 2016 2018 (Trang 25 - 26)

Vi rút LMLM có thể được nuôi cấy: trên tổ chức da sống, như tổ chức da của thai lợn, thai bò, chuột con còn sống (giữ thai sống bằng phương pháp nhân tạo); trên các động vật thí nghiệm như: Thỏ, chuột lang, chuột nhắt đã trưởng thành (tuy nhiên vi rút thường bị biến đổi và mất đặc tính gây bệnh); trên màng niệu nang của phôi trứng (không ổn định, có khi được có khi không); trên tổ chức thượng bì lưỡi bò trưởng thành, đây là tổ chức thích hợp nhất để nuôi cấy vi rút LMLM. Lưỡi bò phải được lấy ngay khi vừa mới mổ bò, giữ lạnh ở nhiệt độ 2-3C và chỉ sử dụng được trong vòng 8 ngày. Phương pháp này là phương pháp cho kết quả tốt, độc lực của vi rút vẫn cao đối với bò và động vật thí nghiệm sau nhiều lần tiếp đời. Do đó phương pháp này thường được dùng để chế vắc xin vô hoạt (Henderson and Galloway, 1953).

Ngoài các phương pháp trên, có thể nuôi cấy vi rút trên môi trường tế bào. Tốt nhất là tế bào thận bê hoặc cừu non, tuyến yên của bò hoặc của lợn, hoặc các dòng tế bào mẫn cảm như tế bào BHK (Baby Hamster Kidney) (Biswal et al., 2014). Sau khi cấy vi rút LMLM vào các môi trường tế bào nói trên, để tủ ấm 37C trong khoảng 24-72 giờ, vi rút sẽ làm huỷ hoại tế bào nuôi. Phòng thí nghiệm tham chiếu LMLM Pirbright năm 1973 đã nuôi cấy 140 chủng vi rút LMLM, khoảng 120 chủng đã sinh trưởng trong môi trường BHK21. Hiện nay môi trường này thường được sử dụng để phân lập vi rút (Botner and Belsham, 2012).

Cộng đồng chung châu Âu về phòng chống FMD chuẩn bị các thế hệ tế bào mới cho việc chẩn đoán phân lập vi rút bằng cách sử dụng tế bào chuyển gien làm tăng độ mẫn cảm với vi rút phân lập. Hai cách tiếp cận được quan tâm (i) chuyển gien αvβ6 (thụ thể FMDV) và (ii) chuyển gien SV-5v làm giảm sức kháng của tế bào, giúp vi rút nhân lên (King et al., 2004). Tế bào chuyển gien có độ nhạy cao hơn trong phân lập vi rút và tăng sản lượng tạo kháng nguyên trong chế tạo vắc xin, như tế bào dòng thận bê mang αvβ6 integrin gien (LaRocco et al., 2013).

Đối với nghiên cứu chuyên biệt, những đặc tính nuôi cấy mới của vi rút LMLM trên tế bào BHK21 được khám phá như hiện tượng tồn tại dai dẳng trong tế bào, không gây hủy hoại tế bào nhưng tăng độc lực vi rút. Tế bào mang trùng động vật vi rút LMLM đã được tạo ra với BHK21 và MDBK, chúng sẽ là nhưng thế hệ tế bào mới dùng để nghiên cứu tính trạng mang trùng (Huang et al., 2011).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học của bệnh lở mồm long móng ở việt nam giai đoạn 2016 2018 (Trang 25 - 26)