2.5.1. Loài vật mắc bệnh
Trong tự nhiên, tất cả các động vật móng guốc chẵn đều mắc, trong đó loài trâu, bò mắc nhiều nhất rồi đến lợn, dê, cừu. Động vật non mẫn cảm hơn động vật trưởng thành. Các loài dã thú như voi, lạc đà, hươu, nai, lợn rừng, bò rừng, sơn dương, nhiều loài gặm nhấm và loài nhai lại hoang dã mẫn cảm với bệnh là nguồn bệnh trong thiên nhiên. Loài vật một móng như ngựa và chim không cảm nhiễm với bệnh (Andersen, 1981). Trâu nước (Bubalus bubalis) có thể bị nhiễm bệnh và lây lan sang các loài khác. Tại Châu Phi, trâu đóng vai trò chính trong việc mang trùng tại khu vực công viên quốc gia ở Uganda. Các type vi rút LMLM gồm SAT1 và SAT2 đã được phát hiện từ các mẫu bệnh phẩm, còn các type O và SAT3 được phát hiện từ mẫu huyết thanh của đàn trâu nuôi tại công viên này (Ayebazibwe et al., 2010).
Trong thí nghiệm tiêm vi rút cho bê mới đẻ chưa bú sữa mẹ sẽ gây bệnh và có thể làm chết bê trong vòng 38 giờ, phủ tạng bê chứa nhiều vi rút. Ngoài ra trong phòng thí nghiệm người ta có thể dùng chuột nhắt trắng, chuột xám, thỏ, chuột lang (Andersen, 1981).
2.5.2. Triệu chứng, bệnh tích
2.5.2.1. Triệu chứng
Triệu chứng ở trâu, bò
Thời gian nung bệnh từ 2 - 5 ngày, trung bình 3 - 5 ngày, có khi chỉ 16 giờ. Khi bệnh bắt đầu xuất hiện thì con vật sốt 40 - 41C liên tục 2 - 3 ngày, ủ rũ, lông dựng, gương mũi khô, sản lượng sữa giảm, dáng điệu mệt mỏi, lừ đừ, kém ăn, thỉnh thoảng nằm gục đầu xuống, tai và đuôi không ve vẩy, nằm xuống đứng lên có vẻ khó khăn, nặng nề, chậm chạp (DAH, 2013). Bệnh thường được mô tả rất kinh điển với các tổn thương mụn nước ở miệng, lưỡi, nước bọt, móng chân và đầu vú (Hình 2.3). Ngoài ra, có thể gặp các tổn thương đường ruột và phổi (do kế phát), ở tim (Andersen, 1981).
Các triệu chứng khác: ngoài những triệu chứng như mô tả ở trên, có trường hợp sau khi mụn nước ở miệng, móng vỡ thì con vật đi tháo trong 2 - 3 ngày, trong phân có chất nhầy và có khi lẫn máu. Có trường hợp thấy mụn mọc ở những vùng da mỏng như ở âm hộ, nách, ngực, bụng, trong đùi. Một số trường hợp khác ở gia súc non hoặc gia súc nuôi nhốt trong chuồng ẩm thấp, thiếu vệ
sinh, chăm sóc kém thì mầm bệnh nhiễm vào bộ máy tuần hoàn, vào tim và gây suy tim. Cũng có khi bệnh nhiễm vào bộ máy tiêu hóa, hô hấp làm con vật viêm ruột, viêm phổi.
Hình 2.3. Triệu chứng, bệnh tích của bệnh LMLM ở trâu, bò Triệu chứng ở lợn
Thời gian nung bệnh trung bình từ 2 - 12 ngày. Lợn sốt cao 40 - 410C, ủ rũ, kém ăn, chảy nhiều nước bọt màu trắng. Mụn mọc ở quanh mũi, sống mũi, niêm mạc miệng, lưỡi, đầu vú hay quanh bầu vú, kẽ móng, vành móng. Lợn đi lại khó khăn, khập khiễng, hoặc không muốn di chuyển, di chuyển bằng đầu gối, hay nằm. Sau vài ngày mụn vỡ tạo thành các vết loét, kẽ móng nứt, có khi long mất móng, da đỏ loét. Ở đầu vú lợn nái đang nuôi con cũng có mụn nước. Lợn con đang bú và lợn con cai sữa có hiện tượng ỉa chảy gầy yếu hoặc chết đột ngột, lợn choai một số ít có mụn nước còn hiện tượng loét kẽ móng thường xuyên xảy ra (Grubman and Baxt, 2004; Botner and Belsham, 2012; DAH, 2013). Triệu chứng lâm sàng bệnh LMLM trên lợn khó phân biệt với các bệnh mụn nước khác như: Viêm miệng mụn nước, ngoại ban có mụn nước.
2.5.2.2. Bệnh tích
- Ở tim: màng bao tim xuất huyết từng điểm có khi từng đám, vùng tổn thương nhỏ, từng ổ xám, kích thước không đều, nó làm cơ tim có sọc vằn (gọi là tim rằn ri, da hổ) do mắc bệnh nhiều lần. Xét nghiệm vi thể cơ tim bị thoái hoá và hoại tử cùng với sự xâm nhập lan tràn lymphô bào và đôi khi cả bạch cầu trung tính. Tổn thương ở cơ tim không phải là một đặc trưng của nhiễm vi rút LMLM và là nguyên nhân dẫn đến tử vong của gia súc non (DAH, 2013).
Các bệnh tích cơ tim tương tự ở chuột con đang bú được gây nhiễm thực nghiệm với vi rút LMLM nhưng trầm trọng hơn (Andersen, 1981). Ở đường hô hấp: viêm khí quản, phế quản, màng phổi và phổi; ở lách: sưng đen.
- Ở cơ vân: các biến đổi ở cơ vân giống như biến đổi ở cơ tim. Những vùng bị hoại tử có ranh giới rõ. Về đại thể có các ổ màu xám có kích thước khác nhau. Về vi thể có các bó cơ bị hoại tử và có sự xâm nhập bạch cầu.
2.5.3. Cơ chế sinh bệnh
Thời kỳ nung bệnh phụ thuộc vào loài động vật, số lượng vi rút, đường xâm nhập và type vi rút, trong một số trường hợp có thể kéo dài 2 - 10 ngày (Donaldson, 1988). Vi rút LMLM có tính hướng thượng bì, nhân lên ở nơi nhiễm, đi vào máu và các cơ quan phủ tạng. Khi vi rút vào máu sẽ gây sốt, mụn nước thứ phát thường thấy ở niêm mạc xoang miệng, vành móng, kẽ móng, núm vú bò sữa, mõm lợn. Mụn vỡ, tổn thương thượng bì được lấp đầy, không để lại sẹo. Mụn nước chỉ loét khi nhiễm khuẩn kế phát. Con vật có thể suy yếu và chết.
Nhìn chung, quá trình sinh bệnh LMLM gồm ba giai đoạn, gồm: (i) Giai đoạn vi rút nhân lên ở những điểm “cửa vào”, trước khi xuất hiện trong máu; (ii) giai đoạn vi rút xuất hiện trong máu, ở các mô đích có các mụn nước (do nhiễm vi rút thứ cấp); (iii) giai đoạn hồi phục và lành bệnh (hoặc lành bệnh mang trùng) (Arzt J. et al., 2011).
Sau khi xâm nhiễm vào bò, bê, vi rút LMLM trước hết nhân lên ở mô mũi - hầu, tại vách tế bào biểu mô lympho ở hạch hạnh nhân. Đây là những tế bào sản sinh keratin nội bào trong khi đó những tế bào tầng dưới (nội biểu mô) và tế bào võng lưới nội mô (mang 2 phân tử đánh dấu MHCII/CD11c, thường là tế bào trình diện kháng nguyên) vẫn không nhiễm vi rút. Khi vi rút xuất hiện trong máu, chúng cũng đồng thời tăng lên ở mô phổi nhưng giảm ở mô mũi - hầu (Arzt J. et al., 2010).
Quá trình bệnh lý tế bào tại các mô cảm thụ liên quan đến tương tác của vi rút và tế bào cảm thụ, tùy thuộc vào (i) độc lực và đường gây nhiễm hay tế bào cảm thụ mang sẵn thụ thể (integrin αVβ6) để nhận biết vi rút, (ii) sự cân bằng giữa vi rút nhân lên và đáp ứng miễn dịch bẩm sinh của tế bào với sự sản sinh IFN type 1 (Zhu et al., 2013), type 3 và lượng lớn interferon trong huyết thanh (Arzt J. et al., 2014), và cuối cùng là (iii) sự tiêu diệt tế bào nhiễm vi rút của động vật chủ với sự tham gia của thụ thể “tín hiệu diệt” dẫn truyền đến mô cảm thụ và sự tăng thải tiết interferon ngoại bào, gây tăng tín hiệu kích thích sản sinh
IL-1 (Zhu et al., 2013). Tại mô nhân lên đầu tiên, tùy tương tác của vi rút với tế bào chủ mà một bộ phận thuộc vùng tăng sinh biệt hóa của hạch lympho có thể thiết lập tình trạng mang trùng lâu dài (Robinson L. et al., 2016).
Trong đa số các trường hợp bệnh ở cừu là ẩn tính, tuy nhiên vi rút LMLM type O Myanmar98 có độc lực cao với cừu và cho kết quả gây nhiễm ổn định ở cừu, gây nhiễm bằng 1 trong 4 cách (i) qua đường bờ lợi móng (ii) tiếp xúc tự nhiên với cừu bệnh (iii) nhỏ mũi hầu và (iv) khí dung mũi hầu đều có thể gây bệnh LMLM. Sau khi xâm nhiễm vi rút LMLM cũng chọn điểm nhân lên đầu tiên là khu vực hầu họng. Phương pháp sát bờ lợi móng và nhỏ mũi - hầu gây biểu hiện triệu chứng sớm hơn so với 2 phương pháp khí dung và tiếp xúc tự nhiên, có thể dùng trong đánh giá hiệu lực vắc xin, thử thách cường độc ở cừu thay cho phương pháp tiếp xúc tự nhiên (Stenfeldt C. et al., 2015).
Ở lợn, cơ chế sinh bệnh, miễn dịch có những điểm khác ở bò, dẫn đến những hệ lụy rất lớn khi dịch xảy ra ở vùng nuôi có mật độ cao. Bệnh LMLM ở lợn thường diễn biến cấp tính ở với tỷ lệ chết rất cao. Ngoài những triệu chứng đặc thù, các trường hợp bệnh á cấp tính thường có dấu hiệu viêm cơ tim, giảm tăng trọng và sốt mạn tính (Arzt J. et al., 2011). Lợn mẫn cảm với vi rút LMLM hơn bò khi gây nhiễm bằng đường hô hấp trên. Về đường xâm nhập, lợn nhiễm vi rút qua đường trong miệng-hầu, đôi khi qua đường trong mũi-hầu. Sau khi xâm nhập, vi rút nhân lên đầu tiên ở khu vực miệng-hầu, đặc biệt tại hạch hạnh nhân (Stenfeldt C. et al., 2014b). Sau khi xâm nhiễm 6 đến 12 giờ có thể tìm thấy vi rút nhân lên ở dây thanh quản và hạch hạnh nhân, một phân dòng tế bào biểu mô hạch lympho hầu họng lợn, đồng thời, vi rút còn nhân lên ở tế bào biểu mô tế bào biểu mô sừng (CD172a+) vòm khẩu cái, tạo ra một lượng lớn vi rút thải vào môi trường. Sau 18 - 24 giờ vi rút xuất hiện trong máu, khoảng 24 giờ sau, mụn nước hình thành (Stenfeldt C. et al., 2014a; Stenfeldt C. et al., 2016). Lợn có đáp ứng miễn dịch interferon và kháng thể loại trừ vi rút ra khỏi cơ thể. Vi rút thường lây lan nhanh trong đàn nhưng chỉ cần cách ly lợn là ngăn cản được sự truyền lây. Khác với trâu, bò, lợn không có tình trạng miễn dịch mang trùng (Stenfeldt C. et al., 2016).
2.5.4. Phương thức truyền lây
Vi rút gây bệnh LMLM có thể lây truyền trực tiếp giữa con mắc bệnh và con khoẻ khi nhốt chung hoặc chăn thả chung trên đồng cỏ. Vi rút từ nước bọt, dịch mụn nước, các chất bài xuất, bài tiết của con vật mắc bệnh xâm nhập vào con khoẻ. Bệnh cũng có thể truyền lây gián tiếp thông qua thức ăn, nước uống,
máng ăn, máng uống, nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi, tay chân, quần áo người chăn nuôi bị nhiễm vi rút. Bệnh LMLM được coi là bệnh điển hình do con người làm lây lan. Tại các nước Châu Âu, với phương tiện hiện đại, công nhân có thể mang mầm bệnh đi rất xa do quần áo của mình (Lubroth J. and Brown, 1995). Lịch sử cũng đã ghi nhận ổ dịch đã xảy ra sau chuyến đi kiểm tra của các bác sĩ thú y (Donaldson and Kitching, 1989; Gurhan et al., 1991).
Chó, mèo, gà, chim muông, hoang thú, côn trùng không mắc bệnh nhưng có thể truyền bệnh theo con đường cơ học từ nơi này đến nơi khác. Những con vật đã khỏi bệnh nhưng vẫn mang vi rút trong móng chân, máu, nước tiểu là nguồn gốc gây ra các ổ dịch mới. Gió cũng là một yếu tố quan trọng trong việc làm lây lan bệnh qua không khí. Vi rút từ con vật mang bệnh có thể được gió chuyển xa tới 250 km (Sorensen et al., 2001).
Loài nhiễm bệnh có thể có những ảnh hưởng đáng kể đến sự lây lan. Ví dụ một con lợn có khả năng thải tiết ra môi trường 400 triệu đơn vị lây nhiễm vi rút trong một ngày. Loài nhai lại bài tiết 120.000 đơn vị lây nhiễm trong một ngày (Donaldson, 1988).
Một đặc điểm quan trọng là vi rút LMLM thường được bài xuất ra ngoài trước khi con vật có biểu hiện bệnh. Phòng thí nghiệm tham chiếu LMLM quốc tế Pirbright đã chứng minh với type O, lợn bài xuất vi rút trước khi có dấu hiệu lâm sàng đầu tiên là 10 ngày, bò và cừu là 5 ngày, trung bình là 2,5 ngày (Sorensen et al., 2001).
Vi rút LMLM có thể lây truyền qua đường cấy chuyển phôi nhưng nguy cơ là rất thấp (1/16.000/năm) (Asseged et al., 2012). Côn trùng này dường như không có khả năng truyền bệnh (Van Vuuren et al., 1993).
Bê bị nhiễm vi rút LMLM thải vi rút qua dịch miệng, hơi thở, nước tiểu, phân làm ô nhiễm môi trường. Nhốt gia súc cảm thụ vào môi trường đã ô nhiễm trước đó 3 - 6 ngày, có đến 44% gia súc cảm thụ bị nhiễm vi rút LMLM và phát bệnh. Kết quả này cảnh báo vệ sinh môi trường là một khâu quan trọng trong phòng chống LMLM (Bravo de Rueda et al., 2015).
2.5.5. Đường xâm nhập
Trong tự nhiên, vi rút xâm nhập qua đường tiêu hoá là chủ yếu. Vi rút vào cơ thể qua niêm mạc miệng, ngoài ra vi rút LMLM có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương trên da, nhất là da ở vú. Đường hô hấp và sinh dục cũng có
thể là đường xâm nhập của vi rút nhưng ít, tuy nhiên, đường xâm nhập chính lại là đường hô hấp (Grubman and Baxt, 2004). Bò là loại mẫn cảm qua đường hô hấp, chỉ cần 20 TCID50 là có thể nhiễm bệnh nhưng qua đường tiêu hóa thì lượng vi rút phải gấp 10.000 lần.
Trong phòng thí nghiệm, đường tiêm nội bì có hiệu quả nhất. Ở bò và lợn, người ta thường tiêm vi rút vào nội bì niêm mạc lưỡi. Ở chuột lang, tiêm vào nội bì gan bàn chân. Những đường tiêm khác như bắp thịt, dưới da, tĩnh mạch… cho kết quả không chắc chắn và đòi hỏi liều vi rút cao hơn. Đường phúc mạc có khi cho kết quả cao hơn ở bê mới đẻ và nhịn đói.
2.5.6. Tình trạng mang trùng
Động vật mang trùng được coi là vấn đề quan trọng trong dịch tễ học của bệnh LMLM hiện tại. Tình trạng “mang trùng” được xác định khi phân lập được vi rút trên con vật sau 28 ngày nhiễm bệnh. Thời gian mang trùng khác nhau tùy theo các loài nhiễm bệnh và có thể kéo dài tới 3,5 năm trên bò và tới 5 năm trên trâu ở Châu Phi. Thời gian mang trùng được cho rằng phụ thuộc vào chủng, serotype huyết thanh của vi rút LMLM và loài nhiễm bệnh (Moonen and Schrijver, 2000). Để phát hiện vi rút LMLM trên con vật mang trùng cần lấy mẫu dịch hầu họng bằng dụng cụ lấy mẫu chuyên biệt là cốc probang, các phương pháp lấy mẫu khác được đánh giá là không có hiệu quả (Andersen, 1981).
Động vật (kể cả hoang dã, gia súc, ngoại trừ lợn) mắc bệnh sau khi hồi phục thường mang trùng (50% bò, cừu, dê mang trùng) (Anni McLeod và cs., 2013). Các tiểu gia súc giữ vai trò quan trọng trong việc mang trùng. Cừu có thể mang trùng (ở vùng hầu) tới 05 tháng và duy trì sự nhân vi rút ở mức độ thấp (Salt, 1993). Trước đây người ta cho rằng lợn nhà không phải là loài vật mang trùng, tuy nhiên sau 35 - 60 ngày, vẫn phát hiện RNA và protein vi rút ở hạch/dịch lâm ba (Stenfeldt C. et al., 2016). Không thể phân lập được vi rút có khả năng gây nhiễm từ lợn; vi rút tồn tại ở vùng tăng sinh của hạch lâm ba nhưng không nhân lên. Bằng thực nghiệm, người ta đã phục hồi vi rút và truyền bệnh qua động vật thí nghiệm (các mô bào từ 3 - 7 tuần; mũi, họng, tuyến vị khoảng 6 tháng).
Vai trò mang trùng của động vật nhai lại trong việc lây lan nguồn bệnh vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Chỉ có trâu Châu Phi là mắt xích dịch tễ “nguồn dịch thiên nhiên” duy nhất được biết đến, tàng trữ các vi rút SAT 1, SAT 2 và SAT 3, truyền lây cho trâu, bò nuôi tại lục địa này (Bachrach, 1968). Động vật bị stress
do vận chuyển và được nhốt chung với bò mang trùng cũng sẽ là nguyên nhân gây ra ổ dịch mới do tiếp xúc với vi rút đào thải ra môi trường (Salt, 1993).
Trâu, bò được tiêm vắc xin thải tiết vi rút ít hơn và trong thời gian ngắn hơn so với trâu, bò không được tiêm vắc xin và không phụ thuộc vào tình trạng chúng có trở thành mang trùng hay không. Trình tự nucleotit genome của vi rút được bảo tồn khi ở tình trạng mang trùng (Parthiban et al., 2015).
Thời gian mang trùng khác nhau tùy theo các loài nhiễm bệnh, chủng vi rút và tình trạng miễn dịch: 3,5 năm trên bò và tới 5 năm ở trâu Châu Phi (Moonen P. and Schrijver, 2000). Ở trâu, bò tơ, vi rút LMLM các type O, A và SAT2 được tàng trữ ở vòm trên của mũi hầu họng trong 80,89% trường hợp và 71,43% ở vòm khẩu cái, ít thấy vi rút khu trú ở dịch thanh quản, hầu và hạch lympho dọc hầu họng. Một phần vi rút được tái sinh ở tế bào biểu mô vùng hỗn hợp lympho-niêm mạc. Ở những tế bào (tổ chức) mang vi rút, giảm sinh tổng hợp 14 loại cytokine (Pacheco et al., 2015). Tế bào võng lưới nội mô, nơi mà tế bào B cũng được tạo thành là nơi dự trữ kháng nguyên (Heesters et al., 2013).
2.6. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN BỆNH 2.6.1. Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng bệnh LMLM có thể thực hiện khi bệnh xảy ra tại khu vực đã được xác định là có dịch bệnh LMLM (Salt, 1993; Botner and Belsham, 2012). Hoặc căn cứ các đặc điểm dịch tễ như: Bệnh đại lưu hành, tốc độ lây lan